(ghi chép)
Thuở xà lỏn, mỗi đầu năm Cham lịch, tôi hay theo mẹ đi Nau Yang ở Bingun Ia Ralong Giếng Nước Ngàn cách palei cũ về hướng biển nửa cây số. Trẻ con biết thế nào là đầu năm, cứ đến mùa đỉnh nắng, là tôi mình trần chạy theo mẹ. Mẹ la: nắng thế này mà mi cứ đòi. Nhưng thế nào rồi mẹ cũng quăng cho tôi cái áo.
Mẹ bước nhanh, tôi càng nhanh hơn. Để kịp xem múa đạp lửa, sau đó được trái chuối chấm với bỏng nếp, thêm miếng cùi dừa nữa.
Vậy thôi. Chiều, tôi theo đám bạn đi lễ Rija Nưgar ở đầu làng.
Rija Nưgar là lễ đầu năm Cham lịch, tại mọi làng Cham, không kể Cham Awal hay Cham Ahier. Sau đó mới tới bao nhiêu cuộc lễ ăn theo khác. Rồi không hiểu tại sao riêng mỗi palei Chakleng tôi Nau Yang Po Riyak trước lễ trọng đại này.
Văn học Cham khái luận do nhà Tri thức in lần ba (2015, tr. 81-82):
“Truyền thuyết kể, Po Riyak, người xứ Bicam Tánh Linh thuộc, thuở bé thông minh, đạo đức, ít chú tâm đến chuyện gia đình mà chỉ lo công tác xã hội. Lớn lên, nhận thấy đất nước bị lâm nguy, dân lành đau khổ, người sang Mưkah (Mecca, đúng ra là Kelantan, nhưng Cham cứ cho là Mưkah) học bùa thiêng với quyết tâm sẽ trở về cứu quốc. Ở Mecca, Người tâm sự hết với Thầy hoài bão của mình và được Thầy thương tình truyền dạy cho mọi bùa phép thần thông. Sau đó, mặc dù nhiều lần Thầy can ngăn (do gặp năm kị tuổi Người), Người vẫn lén lên đường trở về Tổ quốc.
O brei wơk daung nưgar pađiak hatai o bik bican
Không cho trở về cứu quốc, lòng dạ nóng như thiêu
Gần đến bờ biển quê hương, biển động mạnh khiến chiếc thuyền của Người bị một cơn sóng lớn đánh chìm. Người Cham nghĩ sự cố xảy ra do lời nguyền rủa (vì không nghe lời Thầy) của Thầy được ứng nghiệm:
Gru hatơm nau di ia ikan cabbauh
Nau di glai ula cauh, rimaung bbơng raung talang
Thầy rủa: đi đường biển thì bị cá đớp
Đi đường rừng thì bị rắn cắn, cọp tha
Người mất. Dân làng lập đền thờ Người. Nhưng sau đó Người lại sống dậy. Nhìn thấy quê hương tan nát, đời sống dân tộc khốn khổ, buồn lòng, Người lên núi sống rồi lấy vợ người Kơho làng Rapat và có được hai người con gái xinh đẹp”.
Lịch sử ghi thế. Còn Cham đâu có nghĩ đơn giản vậy. Các Po Champa chưa bao giờ chết cả, mà nau mưrup hóa thân về trời.
Với Cham, “lịch sử chuyển thành huyền thoại, truyền thuyết” bởi vì, “ý niệm về thời gian – không gian (thế giới khách quan) không phải bao giờ cũng rõ rệt và tỏ ra là cần thiết trong thói quen tư duy của người dân Đông Nam Á” (Nguyễn Tấn Đắc) nói chung, Cham càng không chừa.
Thế nên ngày tháng năm sinh và cả nơi sinh của các Po không được người Cham đặt thành một vấn đề quan trọng cần phải suy cứu cho tới nơi tới chốn. Po Klaung Girai có thể sinh ở Parik, Kraung, chớ gì riêng Chakleng quê tôi. Miễn nhân cách Người, sự nghiệp của Người luôn giữ được nét độc đáo và đặc sắc, mãi mãi là nguồn cảm hứng cho các sáng tác văn học hay cho mọi tưởng tượng bay bổng.
Giai thoại [hay huyền sử] quan trọng hơn sự kiện lịch sử là thế. Nó chính là “dòng suối tiềm ẩn bên trong” mang đầy ý nghĩa sử tính mà “chối đi con người sẽ cảm thấy thiếu một cái gì và dân tộc sẽ thiếu đi mối dây ràng buộc thiêng liêng rồi sẽ đi tới chỗ băng hoại”. Nói như thế không phải chúng ta từ chối những truy tìm mang tính lịch sử – sự kiện mà là chúng ta chỉ chối bỏ “óc duy sử chỉ chấp nhận hiện tượng bên ngoài” mà không nhìn nhận những gì tồn tại ngoài nó.
Phần Po Riyak, mảnh thì từ Bình Thuận lên núi vùng Lâm Đồng sống mai danh ẩn tích, mảnh nữa đã “chết” thật. Ngài biến thành cá ông giạt về phơi mình bãi biển Vĩnh Trường thuộc Sơn Hải ngày nay. Muk Buh được báo mộng, bà con Cham qua chỗ ông nằm làm lễ hỏa táng “ông”, thế rồi hằng năm cứ xuống mảnh đất đó cúng tế.
Kể rằng, thời Nhà Nguyễn, khi vua Gia Long kinh lí ngang qua thấy cả khối người Cham tế lễ giữa trời, dừng lại hỏi, mới hiểu chuyện. Nhà vua xuống chiếu cho xây ngôi đền để Cham có chỗ mát mà ngồi, chứ lâu nay bà con cứ giữa nắng Phan Rang, mà lễ, mà khấn coi cũng tội.
Tây đến, kháng chiến lan rộng, cái đền nhỏ bé lọt thỏm giữa bụi cây rậm rạp được Việt Minh tranh thủ làm nơi ẩn trú, bị Tây dỡ phá đi, chỉ còn mỗi cái nền. Cham tiếp tục đến mảnh đất thiêng ấy cúng tế. Sau đó, dù Tây có đi Mỹ có lại, Cộng hòa đi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa đến, cứ thế. Mãi khi Nhà nước ta lên Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Thì có chuyện.
Mảnh đất rộng cả mẫu không rào không rãnh bị người Việt địa phương lấn làm đầm tôm, rồi chạy sổ đỏ, nghĩ bụng biết đâu mình được đền bù giá cao. Đường nhựa chuẩn bị cho dự án. Rồi khu định cư mới được dựng lên. Máy ủi với tàu thăm dò. Đường dây điện trung thế và hạ thế. Po Riyak cứ teo dần để hôm nay đọng lại chưa tới sào đất. Cả cây Kayo to lớn mà bà con tranh thủ bóng mát hay đặt mâm lễ vật cúng, cũng đã bị bứng đi đâu rồi. Po Riyak chỉ còn trơ trơ mấy mảnh đá ong nhỏ rải rác đây đó, làm chứng tích.
Lùm chùm-lé là miếng đất hiện nay Po Riyak ở, 2016 – Photo Kiều Maily.
Năm 2011 Inrajaya chạy xe xuống đất Po Riyak lấy ảnh tư liệu. Mấy tấm ảnh tuổi đời chưa lấy gì là cao ấy, không dưng trở nên quý như vàng, không ít bận hân hạnh lên báo… quốc tế.
Thôn Vĩnh Trường của người Việt, xưa là nơi Po Riyak ngụ, 2011 – Photo Inrajaya.
Biển Po Riyak đang được thăm dò, 2011 – Photo Inrajaya.
Khu tái định cư, 2011 – Photo Inrajaya.
Mùa hè năm ấy, đợi cho bà con hành lễ về hết, tôi một mình chạy xe ngược xuống với Po. Ngồi một mình, ở đó. Bên này là làng mạc, bên kia là bãi cát, với trước mặt là mênh mông biển sóng. Tôi muốn thu vào tầm mắt mình toàn cảnh đất Po Riyak, và thâu nạp vào tâm mình những xung động tình cảm, khi đối mặt với bấp bênh của ngày mai.
Tôi ngồi, với bóng chiều đang xuống. Tôi thấy mình tan chảy ra và trôi đi. Tôi nghe palei Cwah Patih cạnh đó, palei Ia Li-u trên này và cả palei Chakleng quê tôi trôi đi. Trôi đi cùng Po Nai lẫn núi Chà Bang tuổi trẻ tôi mấy bận đi lạc.
Hai năm sau, tôi chạy xe xuống bãi cát Po Riyak lần nữa, xem có cảm giác gì đặc biệt nữa không? Không gì cả, ngoài cảm nhận về cái chết một vùng đất, một nền văn minh, một dân tộc. Ở một tương lai vô định, nhưng không còn bao xa.
Trích Minh triết Cham, nhà xuất bản Tri thức, 2016:
“Cham không quen ghi chép, không quen cất tư liệu, rất thiếu tinh thần thủ kho.
Câu chuyện. Anh Mạnh ở Cwah Patih kể chuyện liên quan đến mảnh đất thờ Po Riyak ở Vĩnh Trường – nơi Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sắp xây dựng. Sau Rija Nưgar 2015, bà con xuống Vĩnh Trường sớm để phát quang khoảnh chùm-lé nơi [nghe đồn] có Hòn Đá Linga tượng Po Riyak; được một hồi mà chẳng thấy chi. Thế là bà con đành “thỉnh” hòn đá tạm về cạnh đường mòn, hành lễ.
Đó là chuyện thực, chuyện đời mới gay.
Kể rằng một số người Việt địa phương bảo họ đã từng thờ Cá Ông sát cạnh nơi bà con Cham thờ Po Riyak. Có vị còn nói như đinh đóng cột rằng, mảnh đất đó thuộc của họ, chứ không riêng gì của Cham. Cắc cớ và tréo ngoe thế. Cả mẫu đất nay bị ép chỉ còn chưa đầy sào. Từ cụ già đến con nít Cham biết chắc mảnh đất đó là sở hữu của mình, cả hơn chục palei Cham liên quan đều đến mảnh đất thiêng cúng kiếng mỗi năm. Ai cũng biết thế, nhưng làm sao cãi? Và lấy gì chứng thực?
Sử liệu – không, chuyện kể – không, hồ sơ (sử liệu hiện đại) cũng không nốt.
Trong khi để chứng thực một vùng [mảnh] đất nào đó thuộc về mình, cần:
Sử liệu, nghĩa là tài liệu cổ, của mình và người ngoài viết về nó. Ở đây, Po Riyak không có được đặc ân đó.
Chuyện kể, bởi nếu chỉ biết bám vào sử liệu, ta thành duy sử mất; thế một dân tộc chưa có chữ viết hay chưa có truyền thống chép sử thì sao? Chuyện kể cần thiết là vậy. Mảnh đất sở hữu càng nhiều câu chuyện kể về mình càng tốt. Từ người già đến trẻ con đều biết đến chúng. Po Riyak ở Vĩnh Trường khuyết chuyện kể của/ về mình, đã dựa hơi vào Damnưy Po Riyak.”
Dẫu sao, đó vẫn là cách độc đáo nhưng đầy sơ hở của Cham.
Đại tự sự grands récits hay tự sự chủ đạo master narratives là những chuyện kể mà một nền văn hóa hay một dân tộc tường thuật và tin vào. Nó tạo nên tâm thức cộng đồng và duy trì sức mạnh của một nền văn hóa hay một dân tộc.
Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng kể trong một cuộc họp với thổ dân da đỏ Canada, đại diện chính quyền tuyên bố vùng đất ở đó thuộc quyền sở hữu nhà nước. Vị trưởng lão hỏi: – Nếu đất đai là của quý ngài, thì quý ngài có câu chuyện nào kể lại cho chúng tôi nghe không? – Không có! Thế là vị này liền đọc một câu chuyện bằng thơ liên quan đến sinh hoạt của người da đỏ hàng trăm năm trước, bằng tiếng địa phương, để chứng minh rằng vùng đất đó là của họ. Dù bằng chữ viết hay truyền miệng, những câu chuyện bao giờ cũng sống lâu hơn cả trong lòng chúng ta, lưu giữ ở đó ánh sáng của mặt trời đã tắt.
Thời hiện đại, ngán nhất là thiếu ảnh tư liệu Cham đang hành lễ. Bởi mới đây thôi, ta cũng không có miếng nào gọi là lưu hồ sơ để làm chứng. Năm ngoái, tôi có dặn Inrajaka đi lễ cùng bà con, Jaka quên béng đi. Lại lo đi Nau Yang ở Chakleng. Nhưng Po Riyak Chakleng làm sao có thể gánh vác nổi sứ mệnh của Po Riyak nguyên bản!
Chiến tranh mất an ninh, đầu thập niên 50, Po Riyak được palei Chakleng thỉnh về cúng kiếng tại làng mình, và được dân làng xem như Thần Tri Thức, nên người Chakleng không còn xuống nơi cũ hành lễ nữa. Po Riyak đã thành Thần Làng của palei. Thế nên bà con ở đây lễ báo ông/bà Thần trước, sau đó làm lễ Rija Nưgar không có chi là sai nguyên tắc tâm linh cả.
Po Riyak hóa thân thành Thần Tri Thức ở Chakleng, 2016.
Còn Po Riyak ở dưới kia, thì sao?
Chính phủ Pháp [thực dân], chỉ vì một địa phương nhỏ không chịu, đã buộc phải dẹp chương trình một nhà máy điện hạt nhân; còn ta thì sao? Nên chăng ta suy nghĩ lại, gìn giữ bảo tồn khu vực văn hóa tâm linh quý báu và độc đáo, vừa làm đẹp lòng bà con Cham, và cả người Việt cũng thuận tiện cúng kính, thậm chí còn có thể phát triển du lịch, làm giàu thêm cho văn hóa địa phương.
Nếu bà con chấp thuận dời đi, phần đất [mà có chỉ thuần túy là đất đâu!] cả mẫu kia có được bồi thường không? Và bồi thường thế nào cho xứng?
Còn dời, dời về đâu?
[Nghe nói, sau khi đồng ý [ai đồng ý?] dời Po Riyak đi để dành đất cho Dự án, các vị chức sắc Văn Lâm muốn Po về Bàu Ngứ, còn Cwah Patih và các palei khác thì mong Po về trụ cạnh làng người Việt Hòa Thủy, thích ứng với tinh thần biển của Po hơn. Vậy thì Po sẽ qua đâu?]
Ai, cơ quan nào có thể trả lời thỏa đáng ba câu hỏi thiện chí này?
Rija Nưgar vừa qua, nữ thi sĩ Kiều Maily đã hòa cùng bà con đi Lễ Po Riyak, để bật ra bài viết ngắn với ngổn ngang tâm trạng cùng bao nhiêu ảnh tư liệu quý.
“LỄ PÔ RIYAK, LINH THIÊNG MÀ TRẦN TỤC
Ngày 13-4-2016, sáng tinh mơ.
Tôi hòa cùng bà con Chăm xe máy xuống Vĩnh Trường, Sơn Hải, nơi dư tính đặt Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, làm lễ. Lễ Pô Riyak hằng năm của Chăm. Tôi mang theo máy ảnh, chuyện dĩ nhiên và đương nhiên. Nhà báo mà!
Ngay khi tới nơi, vừa lấy máy ảnh ra khỏi balô chưa kịp bấm miếng nào, thì một bác công an xã địa phương với vài anh em nghe nói trong ban an ninh chạy đến, vây quanh tôi.
– Không được quay hay chụp ảnh tại đây, một anh nói.
À, No pictures! Tôi hiểu.
Tôi hỏi các anh làm ơn cho biết lý do tại sao? Bà con Chăm đến làm lễ tại nơi thờ phụng tổ tiên mình mà, tổ tiên tôi nữa, sao lại bị cấm hay phải xin phép.
Các anh nói qua loa là trên lệnh thế.
– Chị thông cảm và hiểu cho chúng tôi.
Lại chuyện thông cảm, lạ quá.
Này nhé! Thứ nhất, đây là nơi mà ông bà tổ tiên tôi chôn nhau cắt rốn, là nơi bà con Chăm lặn lội vượt đường dài đến làm lễ cầu an mỗi đầu năm. Lễ Thần Sóng Pô Riyak của chúng tôi. Ai biết bao giờ là bao giờ. Ba, bốn, bảy thế kỉ nữa không chừng… mãi tận hôm nay.
Nữa nè, đây là lễ nghi văn hóa tâm linh, phong tục tập quán ngàn đời, chúng tôi lễ và chúng tôi ghi hình kỉ niệm, có gì là sai ở đây. Để con cháu chúng tôi còn biết lễ này có tồn tại nữa chớ, đúng hôn?
Lẽ các anh phải cảm ơn tôi mới phải, vì hình ảnh kia sẽ lưu lại chẳng những cho Chăm thôi, mà cho cả dân tộc Việt Nam anh chị em nữa. Đoàn kết dân tộc là thế, chứ có ý đồ gì xấu xa ở đây. Bà con người Chăm chúng tôi đã chịu thiệt thòi quá nhiều rồi, chúng tôi nghĩ mình làm phải thì làm, còn vấn đề to lớn quốc gia đại sự khác chúng tôi có hiểu đâu.
Lễ này đã có từ ngàn xưa rồi, đâu phải mãi bây giờ. Thời bình mà, có gì phải phép tắc.
Tôi nói, hay các anh có cái gì sai, thành ra sợ sệt. Chứ bà con Chăm chúng tôi không làm gì sai cả. Cá nhân tôi chụp, quay cũng chả có gì là sai trái.
– Đừng cấm cản nhau là hay nhất, tôi kết thế.
Các anh nói, nếu tôi cần tư liệu gì các anh sẽ cung cấp.
– Tôi có cả khối nè, các anh cần thì tôi cho. Nhà báo mà, sao tôi phải dùng tư liệu người khác, trong khi mình có sẵn.
Ôi, buổi lễ linh thiêng mà phải đi “cãi nhau” với các anh thì lòng mình giảm đi tính linh thiêng không phải là ít.
Nhưng, biết làm sao bây giờ…”
Buồn không?
Cuối năm ngoái, Thục Quyên [trí thức tranh đấu cho môi sinh, trong đó có Dự án về Điện hạt nhân Ninh Thuận], qua trao đổi thư từ, chị bảo vừa đọc bài về Po Riyak trên Champaka. Bài viết cho chị cái cảm tưởng Po Riyak không khác mấy so với tục thờ Cá Ông của người Việt miền Trung. Vậy thì có gì đáng nói đâu. Trong khi lễ cúng Po Riyak của Cham khác tục thờ Cá Ông của Việt xa ít nhất cũng ngàn dặm, chứ không ít.
Tôi chưa đọc bài này, tuy thế nếu bài nghiên cứu cho người đọc [trình độ cao] như chị Thục Quyên cái cảm nghĩ như vậy, thì khá lạc rồi còn gì.
Cuối tháng 2-2016, anh Nguyễn Hùng [một trong ba vị thảo kháng thư về Điện hạt nhân] làm cuộc hành hương [đen] về vùng đất Po Riyak. Gặp nhau lần đầu, dù lòng tôi đã nguội lạnh, nhưng cái nhiệt của anh như muốn đốt cháy tôi trở lại. Tuy thế, anh đã không tiếp cận được với ngài, mà chỉ có thể đứng xa xa mà ngó, mà chụp, quay. Anh qua Việt Nam hơi sớm.
Tiếc không!
Nguyễn Hùng trên đường thăm Po Riyak, 2016 – Photo Nguyễn Hùng.
Anh chưa được biết Cham có đến mấy Po Riyak. Ngay Po Riyak nguyên bản cũng đã phân thân làm đôi: Po Ong Pô Ông và Po Muk Pô Bà. Po Ong tại vị nơi “chính chủ”, cách bờ biển khoảng 50 mét. Còn Pô Muk dời cư về vùng đất phía Bắc, cách Po Ong hơn ba cây số.
Tại sao? Đơn giản lắm, chiến tranh mất an ninh hoặc do đường xa cuốc bộ mỏi, bà Cả làng đương đi nghỉ mệt, rồi – có thể lắm – mỏi quá không thể tiếp tục hành trình, mới nghĩ ra vụ này. Chủ nghĩa tùy tiện Cham mà, chuyện lớn chả ngán thì ngán gì ba cái lẻ tẻ. Thế là, bà con ơi, hay ta để cho quý ông khỏe chân hơn đi xuống dưới ấy, ta cứ lễ ở đây cũng được rồi. Ba năm thành lệ…
Dẫu sao khu đất Po Riyak nguyên gốc vẫn là thiêng liêng nhất.
Năm ngoái, đoàn người đông đến 300 từ các palei Cwah Patih, Katuh, Ram, Pabblap đi xuống lễ bị “vấn đề” an ninh, mới qua Po Muk cúng tế đỡ. Năm nay, số người giảm xuống còn hai phần, tuy thế bà con vẫn quyết hành hương đến mảnh đất thiêng cho kì được, dù trước đó trên chỉ duyệt cho phép chục người không quá.
Lễ Po Riyak tại Po Ong: Po Riyak chỉ còn là mấy cục đá ong, 2016 – Photo KM.
Phần trên của ngôi đền đang nằm trong lùm chùm-lé, 2016 – Photo KM.
Bà con Cham cứ lễ, 2016 – Photo KM.
– Sao bảo chỉ được mươi người mà đến hơn hai mươi?
– Ừ, thì đường xa, thầy tế già cả cần kẻ thồ đi; còn hành lễ thì không thể thiếu lễ vật phải nhờ đến người chuyên… Chi mà khó khăn dữ hén!
Còn lại, bà con dừng ở Po Muk cúng tế.
Ginang, Baranưng mai tani… Trống Ginăng, Baranưng mang về đây
Biyen, Tiaung mai tani… Điệu Biyền, Tiong sẵn có đây…
Ni, ita tamia… ni, ita dauh… Nào ta cùng múa… này ta cùng hát…
Và múa hát, 2016 – Photo KM.
Thơ Inrasara:
Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui
Chịu chơi cả trong đau khổ.
Baigaur, mùa Rija Nưgar 2016.
I.
Tác giả gửi BVN