Stalin và chiến thắng không liên quan gì với nhau

Mã Yên Nhân dịch

Lời tòa soạn Tạp chí Nga: Ngày 9 tháng 5 năm nay vừa tròn 65 năm ngày kết thúc cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, một sự kiện kinh hoàng nhất trong lịch sử của nước Nga. Theo số liệu chính xác của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, trong những năm chiến tranh Liên Xô đã mất 26,5 triệu người. Cho nên đến bây giờ chúng ta vẫn còn cảm thấy đau khổ vì những chuyện đã xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ.

Đáng tiếc là ngày lễ vĩ đại đó đáng lẽ phải đoàn kết người Nga lại với nhau thì lại dẫn họ đến chỗ chia rẽ. Nguyên nhân: Cá nhân Iosif Stalin – Tổng chỉ huy Hồng quân trong cuộc Chiến tranh vệ quốc Vĩ đại.

Trong năm kỷ niệm lần thứ 65 Ngày Chiến Thắng, những cuộc tranh luận về vai trò của ông ta lại bùng lên với một sức mạnh mới. Những người ủng hộ cho rằng Stalin là một người cầm quân và một nhà hoạt động nhà nước vĩ đại, không có ông ta thì Liên Xô đã thua. Trong khi đó những người chống đối lại tập trung vào khía cạnh phá hoại của Stalin trong thời tiền chiến cũng như những quyết định sai lầm của ông ta khi giữ vai trò Tổng chỉ huy, tức là những sai lầm đã làm cho hàng ngàn người thiệt mạng. Về vấn đề này, Ksenia Sobtrak, một trong những người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng nhất của nước Nga chia sẻ với  Aleksandr Pavlov, tổng biên tập Tạp chí Nga như sau:

* * *

Ngày Chiến Thắng cùng với Năm mới bao giờ cũng là ngày lễ duy nhất có tác dụng liên kết toàn thể đất nước chúng ta. Những ngày lễ khác thường tạo ra rất nhiều vấn đề và ý kiến khác biệt, nhưng lạy Trời, chúng ta đã đạt được đồng thuận về ngày 9 tháng 5 và Năm mới.

Tôi rất lấy làm thất vọng vì năm nay người ta lại cho mang ảnh Stalin theo đoàn diễu hành. Theo tôi điều này không chỉ đáng công phẫn mà còn gây ra bất hòa, xã hội không thể thống nhất được. Còn trong giai đoạn hiện nay thì không chấp nhận được.

Hơn nữa, trong vấn đề này còn có khía cạnh đạo đức mà ta không thể bỏ qua được. Stalin là một người mà trong giai đoạn cầm quyền của ông ta, hàng triệu người bị giam trong Quần đảo ngục tù (GULAG) đã chết. Vì vậy mà không được, không thể tưởng tượng nổi là người ta lại vác ảnh con người này trên các đường phố của nước Nga, cũng như không thể vác ảnh Hitler đi trên đường phố của Đức vậy.

Về vấn đề này cũng không thể có chuyện tự do thảo luận được. Liệu người Đức có thể tự do thảo luận và vai trò và ý nghĩa của Hitler trong lịch sử nước Đức không? Hơn nữa, nếu bất thình lình anh muốn vác ảnh lãnh tụ của Đảng Xã hội chủ nghĩa dân tộc trên đường phố Cộng hòa liên bang Đức thì chắc chắn người ta sẽ bắt vào đồn công an, và nếu không bị tù thì cũng bị phạt một số tiền rất lớn.

Xin nhắc lại một vụ tai tiếng, khi một đại biểu Quốc hội Đức đưa Hitler ra làm thí dụ về “nhà quản trị hữu hiệu” trong lĩnh vực xây dựng đường sá. Lời khẳng định này đã tạo ra phản ứng dữ dội đến nỗi vị đại biểu Quốc hội phải từ chức. Ở đây cần phải nói rằng vị đại biểu Quốc hội kia không ca ngợi chế độ chính trị của Đế chế thứ ba, ông ta chỉ nói rằng Hitler xây dựng đường tốt mà thôi. Và cái sự kiện là vị đại biểu Quốc hội, trước áp lực của dư luận, đã từ chức – đây là điều hoàn toàn bình thường. Và phải như thế.

Đất nước ta, đáng tiếc là, biết làm mọi thứ, trừ sám hối. Tôi cho rằng, khi chúng ta chưa công nhận chế độ của Stalin là chế độ tội phạm, khi điều đó chưa trở thành chính sách quốc gia, thì khi đó chúng ta hoàn toàn chưa thể nói rằng chúng ta là nhà nước dân chủ và hiện đại được.

Hơn nữa, tôi cảm thấy xấu hổ khi sống ở Moskva vào thế kỷ XXI. Khác với Berlin, trong thành phố này không có viện bảo tàng diệt chủng, và viện bảo tàng kỷ niệm những người đã chết trong thời gian diễn ta Chiến tranh thế giới thứ Hai, không có viện bảo tàng lớn về những nạn nhân của Quần đảo ngục tù (GULAG). Tôi xấu hổ vì cái tội ác đó vẫn chưa được công nhận là tội ác, kỷ niệm về những nạn nhân của tội ác thì phai mờ dần. Thế mà rất nhiều người đã chết trong những vụ đàn áp của Bộ Nội vụ Liên Xô (NKVD): xin nhắc lại, hàng triệu người. Và sự kiện là đến bây giờ người ta vẫn mang ảnh Stalin ra đường – đấy là sự xúc phạm hương hồn những người đã chết, xúc phạm chúng ta, như là một dân tộc, bởi vì sau từng ấy thập kỷ chúng ta vẫn không thể công nhận những sự kiện đã rõ ràng như thế.

Ở đây không được lẫn lộn khái niệm. Không nên nói rằng Stalin và GULAG là một chuyện, còn Stalin và chiến thắng lại là chuyện khác. Chiến thắng là một chuyện. Stlain là chuyện khác. Dĩ nhiên là chúng ta phải chúc mừng các cựu chiến binh của chúng ta và cần phải ăn mừng Ngày Chiến Thắng tuyệt vời mà chúng ta có thể và cần phải tự hào. Nhưng mừng ngày chiến thắng và vinh danh Stalin có nghĩa là lăng mạ không chỉ những nạn nhân của chế độ Stalin mà còn lăng mạ cả những người đã ra mặt trận, những người đã hy sinh và những người thương binh nữa.

Bây giờ không ai biết rằng Stalin rất coi thường những người đã ra mặt trận. Mãi đến thời Brezhnev người ta mới tổ chức ăn mừng Ngày Chiến Thắng, còn trong những năm 50 thì các cựu chiến binh, những người cụt chân cụt tay không được sống trong các thành phố lớn. Như vậy nghĩa là chế độ của Stalin đơn giản là đã chế nhạo những người trở thành tàn phế ngoài mặt trận. Mà đây cũng là những sự kiện lịch sử, nhưng không thấy ai nói cả. Vì vậy, theo tôi Stalin và Chiến thắng là những sự kiện không có liên quan gì với nhau hết. Đấy chỉ là sự trùng hợp của lịch sử, chúng ta đã chiến thắng trong thời gian Stalin cầm quyền. Chỉ có thế thôi.

MYN

Nguồn: http://russ.ru/Mirovaya-povestka/Stalin-i-Pobeda-veschi-ne-svyazannye

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Nga and tagged . Bookmark the permalink.