Đây là thành phần chính trong 75 cử tri nắm quyền đại diện cho 90 triệu dân Việt Nam, gần 10 triệu dân Hà Nội và hàng nghìn công dân mạng quyết định việc TS Nguyễn Quang A có xứng đáng được ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 hay không.
Tại cuộc hội nghị cử tri nơi cư trú (phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội), vào chiều 9/4/2016, 75 cử tri với tuyệt đại đa số là người cao tuổi, đã tham gia đánh giá tín nhiệm đối với TS. Nguyễn Quang A (xin lưu ý: Thủ tục này mới là để xét xem ông A có đủ tư cách ứng cử ĐBQH hay không, chứ không phải ông có xứng đáng là ĐBQH không).
69/75 phiếu đã “bất tín nhiệm” ông A với lý do ông không tham gia sinh hoạt tổ dân phố thường xuyên, không có tinh thần xây dựng phong trào dân cư. Vậy là TS Nguyễn Quang A bị loại khỏi danh sách ứng viên.
Trước đó, ở quận Phú Nhuận, TP HCM, 62/63 cử tri nơi cư trú cũng đã loại thành công Nguyễn Trang Nhung – Cử nhân tin học, Cử nhân luật, Thạc sĩ tài chính-ngân hàng.
Trường hợp ca sĩ Mai Khôi, cô được 28/68 phiếu tín nhiệm, 32 không tín nhiệm, 8 phiếu trắng. Có lẽ đây là ứng viên tự do được nhiều lá phiếu ủng hộ của cử tri nơi cư trú nhất từ đầu đợt bầu cử tới nay. Cô cho biết: “Các cử tri đều là những người lớn tuổi (tuổi trung bình 60), không có người nào dưới 40”.
Như vậy:
- 75 cử tri “được mời” ở phường Gia Thụy, quận Long Biên, của TS. Nguyễn Quang A,
- 63 cử tri “được mời” ở phường 7, quận Phú Nhuận, của Th.S Nguyễn Trang Nhung,
- 68 cử tri “được mời” ở phường Cam Lộc, Cam Ranh, Khánh Hòa, của ca sĩ Mai Khôi
đã có quyền quyết định thay cho ít nhất 490.000 cử tri của mỗi khu vực bầu cử (Cả nước với 90 triệu dân được chia thành 184 đơn vị bầu cử, tính trung bình mỗi đơn vị bầu cử có khoảng 490.000 người. Tất nhiên diện tích và dân số của mỗi nơi khác nhau).
Và trong các cử tri được mời đó:
- 69 quần chúng bỏ phiếu “bất tín nhiệm” ở phường Gia Thụy, quận Long Biên,
- 62 quần chúng “bất tín nhiệm” ở phường 7, quận Phú Nhuận,
- 32 quần chúng “bất tín nhiệm” ở phường Cam Lộc, Khánh Hòa
đã đủ để quyết định “tư cách ứng cử ĐBQH” của một Tiến sĩ, một Thạc sĩ và một nghệ sĩ, bất chấp việc những ứng viên này có được sự ủng hộ của hàng trăm nghìn người dân ở các nơi khác.
Cơ chế bầu cử ở Việt Nam, nói nhẹ thì là “bất cập”, nói nặng thì là “khốn nạn”.
Bất cập, bởi vì nó sàng lọc và gạt bỏ những người có tâm, có tài, có óc phản biện chính quyền, có trái tim đứng về phía nhân dân.
Khốn nạn, bởi vì nhờ cơ chế ấy, nhờ các vòng đấu tố ứng viên, chính quyền đã kích thích cái phần bản năng, phần thú vật nhất ở con người, đồng thời, nuôi cho họ “ảo tưởng sức mạnh” rằng những kẻ tri thức thấp kém nhất cũng có thể có uy lực trước trí thức hay văn nghệ sĩ, miễn là phải biết tuân theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, đừng có làm “phản động”.
Quyết định tương lai của đất nước…
Đ.T.
Nguồn: FB Đoan Trang