Trả lời kiến nghị của bà Nguyễn Thúy Hạnh – ứng viên ĐBQH độc lập – về việc phải cho ứng viên biết trước danh sách người tham dự hội nghị cử tri, đại diện chính quyền là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) phường Thượng Đình và MTTQ phường Thanh Xuân bảo, luật “không có quy định” nên họ không đưa.
Bà Hạnh kiến nghị để luật sư và/hoặc trợ lý đi cùng ứng viên để có thể “đương đầu” với đám đông trong hội nghị cử tri do chính quyền tổ chức, MTTQ lại cũng bảo: “Không có quy định”, nên “bà chỉ được đến đó một mình”.
Ngay cả chồng, con bà Nguyễn Thúy Hạnh cũng không được vào dự phiên đấu tố, chưa nói tới bạn bè, người thân, độc giả và hàng trăm cử tri ủng hộ bà. Đồng thời, phiên đấu tố dự kiến kéo dài hai tiếng, song bà Hạnh chỉ được phép nói trong vòng… 5-6 phút (không rõ theo quy định nào)!
Ứng cử viên độc lập Nguyễn Thúy Hạnh.
Nghĩa là ứng viên ĐBQH độc lập sẽ phải chịu trận ngồi nghe các cử tri (mà rất có thể là người xa lạ) cho ý kiến đánh giá và bỏ phiếu tín nhiệm/bất tín nhiệm họ suốt hai tiếng, không có cơ hội trình bày lại.
* * *
Ai có chút ít kiến thức về luật pháp, chính trị, triết học chính trị, v.v. đều biết một nguyên tắc nổi tiếng: “Công dân có thể làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó bị luật pháp cấm; quan chức chính quyền không được làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó được luật pháp cho phép”.
Nhưng cán bộ MTTQ – đại diện chính quyền Việt Nam – thì đến nguyên tắc đó cũng không biết. Đối với họ, luật không quy định, nghĩa là cấm.
Vậy luật pháp Việt Nam có quy định các công dân là cán bộ MTTQ được ăn, ngủ, và làm một số việc khác (không tiện nói) không?
_____________________
Phụ lục:
Giải quyết kiến nghị về hội nghị hiệp thương
(Tại MTTQ phường Thượng Đình).
– Thưa ông, giấy mời hiệp thương ghi: “đại diện cử tri”, vậy đại diện đó do ai bầu ra?
– Do MTTQ và tổ trưởng dân phố chọn.
– Vậy lấy gì để đảm bảo sự lựa chọn đó là khách quan khi cả MTTQ và Tổ dân phố đều là những đơn vị ko chọn ra chúng tôi ứng cử thì lại đứng ra chọn cử tri bỏ phiếu tín nhiệm chúng tôi? Mà đã là đại diện thì phải có bầu chọn chứ!
Chưa kể tôi mới chuyển về Royal City, cư dân tòa R6 chúng tôi còn chưa biết hết nhau, giờ lại ko thành lập tổ dân phố R6 mà đưa tôi sang hiệp thương với R1 ở tít xa, họ biết tôi là ai mà có thể nhận xét về tôi, và làm sao tôi biết có đúng họ là cư dân của tòa nhà?
– Chúng tôi đảm bảo không có chuyện cư dân ở nơi khác đến tham gia hiệp thương, và việc chọn đại diện cử tri chúng tôi làm khách quan theo đúng luật.
– Nhưng các ông lấy gì để đảm bảo? Tôi chỉ yêu cầu một việc rất đơn giản là cung cấp danh sách cử tri mà các ông cũng không đáp ứng được, thì rõ ràng là có vấn đề trong việc lựa chọn cử tri của các ông.
– Chúng tôi chỉ làm theo đúng luật, mà điều này ko có trong luật.
….
– Người tham dự phải có giấy mời?
– Đúng vậy
– Ngay chính cả chồng con tôi, và hàng xóm là những người hiểu tôi nhất cũng ko được vào dự nếu ko có giấy mời?
– Đúng vậy.
– Vậy là đã rõ, sẽ chỉ có những người không biết gì về tôi nhưng lại được định hướng về tôi có mặt tại buổi hiệp thương!
….
– Việc bà yêu cầu được phát biểu thì điều này đã có trong luật, bà sẽ được phát biểu, tuy nhiên chỉ theo lượng thời gian nhất định.
– “Thời gian nhất định” đó là bao lâu?
– khoảng 5 – 6 phút
– Ồ, 5 phút thì giới thiệu tên và công việc của tôi còn chưa xong, sao có thể giải đáp hết thắc mắc của cử tri về tôi?
– Vậy là bà chưa hiểu hết rồi, bà vẫn có thể phát biểu và vận động cử tri ở cấp cao hơn, sau buổi hiệp thương này cơ mà.
– Ơ hay, đây là buổi lấy phiếu tín nhiệm, đúng không ạ, tại đây tôi không có cơ hội giới thiệu về mình, không được giải đáp những thắc mắc hoặc những điều vu khống tôi để cử tri hiểu mà bỏ phiếu cho tôi thì làm sao còn cơ hội để tôi phát biểu ở cấp cao hơn?
– Đó là quy định, chúng tôi chỉ thực hiện đúng theo quy định, mong bà về tìm hiểu kỹ luật bầu cử.
…..
Các ông giải thích rằng luật không quy định luật sư hoặc trợ lý đi cùng tôi, vậy thì cũng không có điều luật ngăn cấm việc này, và tôi hoàn toàn có thể đi cùng luật sư của mình!
– Không, không có quy định, nghĩa là bà chỉ được đến đó một mình.
…..
– Về việc kiểm phiếu, có hẳn một ban kiểm phiếu được bầu tại hội nghị, nên yêu cầu của bà về việc giám sát kiểm phiếu là ko cần thiết.
– Những người tham gia hội nghị đó đều do các ông chọn, nên cái việc bầu ra ban kiểm phiếu cũng như việc kiếm phiếu hoàn toàn không có cơ sở để tin cậy nếu như không có sự giám sát của một bên thứ 3 độc lập. Tôi phản đối!
– Đó là quy định, và chúng tôi làm việc rất khách quan theo đúng luật.
– VÂNG, CÁC ÔNG LÀM ĐÚNG LUẬT CỦA CÁC ÔNG, NHƯNG ĐÓ LÀ CÁI LUẬT SAI TRÁI!
Đấy, cái “dân chủ gấp vạn lần tư bản” của chị Doan đấy!
Nguyễn Thúy Hạnh, ứng viên độc lập
Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20160407/dong-cu-dau-to-ung-vien-khong-cho-ca-chong-con-vao-du