Đại biểu Lê Như Tiến nói tình hình ở Quảng Trị, nhưng mà là chuyện cả nước, lúc nào cũng nói tạo điều kiện cho dân, doanh nghiệp, nhưng thực tế cán bộ nhà nước làm như ta là kẻ có quyền ban sống chết cho dân. Họ đang quên đi rằng họ ăn lương là thuế của dân!
Thu Hà
Bác Tiến ơi, quan tham không bao giờ quên câu “Quan nhất thời, dân vạn đại” đâu. Chính vì biết rõ quan chỉ “1 thời” nên ra sức vơ vét đấy, tận dụng mọi cách, từ ma chay, cưới hỏi trong nhà cũng làm hoành tráng để kêu gọi mọi người ủng hộ. Trong cơ quan, thì họ bày vẽ xây này, cất nọ để rút tiền ngân sách. Với dân, thì họ dựa vào ma trận thủ tục hành chánh để làm khó dễ.
Lê Mau
(GDVN) – Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) nói thẳng, một số người thi hành công vụ vòi vĩnh trắng trợn khiến doanh nghiệp khốn khổ, doanh nhân nản lòng.
Trên rải thảm, dưới rải đinh
Theo Đại biểu Lê Như Tiến, để Việt Nam cất cánh được thì phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thế nhưng những chủ trương, chính sách tốt đẹp, thông thoáng lại bị khâu thực hiện làm méo mó, bằng cách tạo ra nhiều rào cản, những barie vô hiệu hóa chính sách.
“Nhiều nơi làm khó các nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước, dựng rào chắn cổng, một số người thi hành công vụ vòi vĩnh nhũng nhiễu trắng trợn đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn, làm doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng.
Đến nỗi trong thảo luận về kinh tế – xã hội có đại biểu phải thốt lên, đất lành chim đậu, nhưng chim chưa kịp đậu đã nhậu hết chim. Thế là mời gọi các nhà đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh, các nhà đầu tư tuy đi trên thảm nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”, ông Tiến ví von.
Đại biểu Lê Như Tiến nói rằng, nhiều cán bộ khi thực hiện công vụ đã vòi vĩnh, chèn ép doanh nghiệp, doanh nhân. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Cũng theo Đại biểu Lê Như Tiến, nhiều người thi hành công vụ chưa coi mình là công bộc của dân, không nghĩ rằng mình sinh ra để phục vụ dân. Một khi cơ chế xin – cho vẫn còn đất sống thì người dân, doanh nghiệp còn bị nhũng nhiễu, vì đã xin thì phải có cái gì đó mới cho được.
Ông Tiến chia sẻ: “Tham nhũng lớn, tham nhũng vặt, đến mức người đứng đầu của Đảng phải đặt câu hỏi: Cái gì cũng chạy, chạy chức, chạy quyền, chạy cả luân chuyển, vậy chạy ai, ai chạy”. Cử tri mong rằng chỉ cần đi là đến, không cần phải chạy đến như hôm nay.
Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri với tâm trạng đầy băn khoăn, trăn trở về quốc nạn tham nhũng. Thủ tướng Chính phủ từng khẳng định, dù đau đớn cũng phải kiên quyết cắt bỏ những ung nhọt tham nhũng.
Phó Chủ tịch nước thì ray rứt họ ăn của dân không từ một cái gì. Đại biểu Quốc hội đầy lo âu quốc nạn có nguy cơ hạ đo ván quốc sách.
Đó là những câu hỏi đang treo lơ lửng, còn chờ câu trả lời của các cơ quan bảo vệ pháp luật để cho môi trường xã hội được trong lành hơn và sạch hơn”.
Về môi trường hội nhập, theo Đại biểu Lê Như Tiến, dù các hiệp định song phương và đa phương đã được ký kết và đang dần được hiện thực hóa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang bơi trong một điều khoản của các hiệp định, rất lúng túng, chưa xác định đâu là điểm xuất phát, đâu là đích đến.
“Tạo lập môi trường sạch cho phát triển kinh tế – xã hội là nền tảng để Việt Nam cất cánh trong tương lai, đó cũng chính là nhiệm vụ rất nặng nề mà nhân dân trao gửi cho Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ tới.
Vào thời điểm sắp kết thúc nhiệm kỳ tôi lại nhớ tới lời dặn dò của một bậc lão thành cách mạng khi tôi mới trúng cử đại hội khóa XII, lời dặn dò đó luôn theo tôi suốt gần 10 năm qua và đó cũng là thông điệp tôi muốn gửi tới các vị đại biểu lần đầu tiên tham gia Quốc hội: Dân vạn đại, quan nhất thời, người xưa đã dạy học rồi chớ quên”, ông Tiến bày tỏ.
Chưa có ai bị kỷ luật, sa thải vì lãng phí
Cùng có chung mối quan tâm này, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) đề nghị, trong đánh giá phải coi các giải pháp cho 5 năm tới cần đặt ra vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí lên vị trí hàng đầu, bởi đây là một mối nguy hiểm đến sự hưng thịnh của quốc gia.
Ông Hùng phân tích: “Tôi cho rằng hơn ai hết, Chính phủ và Thủ tương Chính phủ phải đặt nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng lãng phí lên vị trí hàng đầu. Bởi vì, trong nhiệm kỳ này Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Nhưng việc triển khai và thực hiện chưa quyết liệt.
Kết quả chỉ dừng ở hai chữ chú trọng, đẩy mạnh là chưa đủ, nên tình hình tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, quy mô rộng hơn, phạm vi mở rộng. Tham nhũng không dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà lan rộng sang các lĩnh vực nhạy cảm khác như tham nhũng về chính sách, cán bộ…
Tham nhũng không còn đơn lẻ mà có những mối liên kết khá vững chắc, không chỉ ở một cấp, một ngành mà ngày càng đông hơn. Tham nhũng ở một khía cạnh nào đó đã trở thành việc bình thường, trở thành một thông lệ ở một số ngành, thật nguy hiểm cho quốc gia.
Việc chống tham nhũng chưa đủ mạnh và còn nể nang né tránh. Chống tham nhũng đã có một số kết quả, nhưng chống lãng phí thì kết quả và giải pháp hầu như rất yếu. Tôi chưa thấy ai bị kỷ luật, bị sa thải vì lãng phí”.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị Chính phủ coi chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng và thực hiện quyết liệt. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Từ tình hình trên, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị: “Chính phủ cần đánh giá thẳng thắn về công tác phòng, chống lãng phí trong 5 năm qua và trong phương hướng phải coi phòng, chống tham nhũng lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt và cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện hơn, thực hiện một cách quyết tâm hơn.
Trong kỳ họp này, chúng ta làm công tác nhân sự, tôi mong rằng Thủ tướng Chính phủ mới khi nhận chức lần này cần có lời tuyên hệ và thể hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách mạnh mẽ như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng có những tuyên bố rất rõ ràng, rất mạnh mẽ trước tình hình biển Đông.
Nói cách khác, hãy coi việc phòng, chống tham nhũng lãng phí là giặc nội xâm và quyết tâm phòng, chống tham nhũng lãng phí như quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của cả dân tộc”.
N.Q.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Tren-rai-tham-duoi-rai-dinh-xin-dung-quen-Dan-van-dai-quan-nhat-thoi-post166834.gd