Tiếng nói của người trẻ trong vấn đề sông Mekong

Các bạn trẻ đang tô màu cho sông Mekong. RFA photo

Ngày 31 tháng 3 năm 2016 một cuộc hội thảo tập trung bạn trẻ sáu nước Trung Quốc, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia và Việt Nam diễn ra tại Chiang Khong thuộc tỉnh Chiang Rai để thảo luận, chia sẻ và đưa ra các đề nghị về tình trạng vi phạm nhân quyền, môi sinh bị xâm hại tại dòng sông Mekong  đang được cả 6 nước quan tâm.

Từ ngày thành lập đến nay Ủy Hội sông Mekong đã gặp nhau không biết bao nhiêu lần để dàn xếp những yêu cầu giữa các nước mà nội dung phần lớn nhắm vào việc ngăn chặn dòng nước bởi các con đập thủy điện, hay uốn dòng chảy của con sông để lấy nước tưới cho đồng ruộng dẫn đến nguy cơ sinh thái lẫn tài nguyên nước bị hủy diệt. Những vấn đề đó lại liên quan tới các vấn đề sâu sắc hơn về quyền con người, về môi sinh cho người dân sống hai bên dòng chảy của con sông cũng như phá hủy kế sinh nhai, di dời nhà cửa của người dân để cho các đập thủy điện ra đời. Đó là lý do cuộc hội thảo giữa những người trẻ của 6 nước gặp nhau tại Chiang Khong thuộc tỉnh Chiang Rai, Thái Lan ngày 31 tháng 3 năm 2016.

Cuộc hội thảo thanh niên mang tên Mekong Youth cũng có ý nghĩa về địa lý khi chọn Chiang Rai vì nơi đây cũng là nơi mà ngày 5 tháng 4 năm 1995, tên gọi Ủy hội sông Mekong ra đời qua cuộc họp giũa 4 nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam thay cho cái tên “Ủy ban lâm thời về điều phối nghiên cứu hạ lưu lưu vực sông Mekong” được đặt cho từ năm 1970 mặc dù tên đầu tiên của nó là Ủy Ban sông Mekong được chính thức công bố vào năm 1957, có mục đích “thúc đẩy và phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia và sự an sinh của cộng đồng hai bên bờ sông Mekong”.

Tổ chức này thuộc sở hữu của thanh niên trong khu vực sông Mekong và những hoạt động của chúng tôi đều được sự quyết định chung của tất cả các thành viên của 6 nước.

– Cô Mueda Nawanat

 Từ đó đến nay các vấn đề của con sông huyết mạch dài hơn 4.800 cây số này luôn được chú tâm theo dõi và không ít tranh cãi đã liên tục xảy ra khi các con đập thủy điện thay nhau xuất hiện trên dòng nước Mekong. Bắt đầu từ thượng nguồn cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc với những con đập khổng lồ được xây dựng nhằm phát triển kinh tế cho nước này nhưng lại gây thiệt hại cho nhiều nước khác.

Gần 100 người trẻ đến từ 6 quốc gia không phải với tư cách là thành viên chính phủ mà đa số họ là thanh niên độc lập mặc dù có người nằm trong một tổ chức xã hội dân sự hay một NGO nào đó. Nơi cho phép họ tổ chức là một ngôi trường trung học tại Chiang Khong. Nhìn từ bên ngoài, vẻ đơn sơ và thân thiện với môi trường của nó làm không ít khách mời ngạc nhiên, và ấn tượng đầu tiên đối với báo chí là người tham gia vào cuộc vận động mang tên “The Youth dream for future Mekong” giấc mơ của thanh niên về tương lai Mekong, khó thể tin rằng những khuôn mặt rất trẻ ấy lại chính là dòng chảy thật sự của con sông trong thời gian sắp tới bởi sự quan tâm của họ đối với mạch máu của 6 nước Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Cô Mueda Nawanat, đại diện cho Mekong Youth cho chúng tôi biết về tổ chức này như sau:

Tổ chức này thuộc sở hữu của thanh niên trong khu vực sông Mekong và những hoạt động của chúng tôi đều được sự quyết định chung của tất cả các thành viên của 6 nước. Bất kể những gì mà các thành viên của Mekong Youth muốn thực hiện đều nằm trong các cuộc vận động cho Mekong và tất cả những ý tưởng đó đều từ các thành viên của chúng tôi.

Mở đầu cuộc trao đổi là phát biểu của thành viên Tibet, đại diện cho Trung Quốc mặc dù có thể nói đây là thành viên Trung Quốc duy nhất của cuộc hội thảo này. Cô cho biết ý nghĩa của dòng sông Mekong bắt nguồn từ quê hương Tây Tạng của cô bằng câu chuyện niềm tin tôn giáo. Cô nói “Sông Mekong bắt đầu từ cao nguyên Tây Tạng nơi người dân Tibet xem dòng sông này dính liền với niềm tin tôn giáo của mình. Nước sông Mekong là nước thánh và dòng sông này là sông thánh. Tibet xem dòng sông là nguồn mạch của tôn giáo và mọi thứ xảy ra với nó làm cho họ quan tâm hơn thứ gì khác. Mekong có ý nghĩa tinh thần với Tibet và vì vậy nó có rất nhiều vấn đề đối với họ. Nếu xây đập thủy điện hay làm cho nó mất sự trong sạch, trở nên dơ bẩn và cạn kiệt thì đó là tội ác và người dân Tibet phải tranh đấu để bảo vệ nó”.

Theo tuần tự kế tiếp là Myanmar, đại diện cho đất nước Miến Điện lại nhấn mạnh về nhân quyền và sự tiếp cận của dân chúng. Về tác hại của sự đàn áp từ chính quyền cũ cho tới hôm nay vẫn chưa hồi phục. Đại diện của Myanma cho biết qua hơn 60 năm sống trong chế độ quân phiệt thì tình trạng nhân quyền của Miến Điện phải nói là tồi tệ. Hàng trăm ngàn người Miến Điện phải bỏ nước ra đi cho tới khi Miến Điện có một cơ chế mới, chế độ quân phiệt thay đổi nhưng không thay đổi gì nhiều về nhân quyền. Sự thay đổi chỉ từ màu áo quân đội chuyển sang bộ quần áo thường dân. Rất nhiều đầu tư nước ngoài đổ vào Miến Điện mà trong đó khai thác mỏ và xây đập thủy điện là ưu tiên hàng đầu trong đó có Mekong. Sau cuộc bầu cử tổng thống, dân chúng Miến Điện được lên tiếng mạnh mẽ và đồng khắp nhiều hơn về vấn đề nhân quyền, trong đó có vấn đề sông Mekong.

Thái Lan có thể nói là nước ít bị tác động bởi dòng sông Mekong nhất nhưng không vì thế mà tuổi trẻ của họ đứng ngoài. Trong bài phát biểu đại diện thanh niên Thái Lan cho rằng có thể nhận thấy sự tham gia vào hoạt động xã hội của giới trẻ khu vực sông Mekong rất ít. Thử vào các website của các tổ chức phi chính phủ thì thấy rằng hoạt động của thanh niên thật sự không đáp ứng lại được đòi hỏi của xã hội đặc biệt là Mekong. Cuộc vận động hôm nay nhằm tập hợp lại sức mạnh của thanh niên trong khu vực 6 nước về vấn đề quan trọng mà tất cả chúng ta phải đối phó đó là dòng sông Mekong. Ngay bây giờ thì dĩ nhiên chúng ta gặp rất nhiều khó khăn nhưng trong tương lai thì chúng ta sẽ tiến triển hơn để đạt được giấc mơ ngày hôm nay mà chúng ta chọn: Giấc mơ của thanh niên cho tương lai của dòng Mekong.

Các bạn trẻ đại diện cho Mekong Youth. RFA photo

Đại diện cho thanh niên Lào tham gia cuộc hội thảo cho rằng rất vui khi được cùng với mọi người hội ngộ tại đây với cùng mục đích bảo vệ dòng sông Mekong. Cô đã quan sát và nhận ra người dân Lào rất khó tiếp cận và đưa ra ý kiến của họ đối với các dự án của chính quyền. Là một người trẻ cô rất quan tâm về sự tác động xấu đang lan rộng trong cộng đồng người thiểu số cũng như các cộng đồng cư dân Lào không riêng gì nông dân mà tất cả những ai đang sinh sống cạnh dòng sông này cũng đều bị ảnh hưởng.

Đại diện cho Campuchia là anh Phin Savay phát biểu:

Dĩ nhiên là phát triển kinh tế là rất quan trọng đối với Campuchia nhưng những hậu quả mà dân chúng nhận được cũng không phải là nhỏ. Nhà máy thủy điện đã được dựng lên từ đất rừng cũng như hàng ngàn hecta đất nông nghiệp mà dân chúng Campuchia đang canh tác. Phá rừng làm cho môi sinh đảo lộn lấy đất của người dân làm cho đời sống của hàng ngàn gia đình nông dân chìm trong khó khăn. Bất kể người dân có đồng ý hay không thì chính phủ cũng trưng thu đất của họ. Đã có hơn 20 ngàn hecta đất nông nghiệp bị tàn phá và hơn 2 ngàn người đã bị di dời khỏi nơi họ cư trú. Đập thủy điện Don Sahon của Lào cũng góp phần làm cho đời sống hạ lưu của Campuchia thêm khó khăn: tài nguyên nước mất dần, nguồn cá ngày càng cạn kiệt. Từ những lý do đó thanh niên 6 nước chúng ta cần phải làm một điều gì đó đề thay đổi.

Cuối cùng là Việt Nam, nước nằm dưới cùng của dòng sông Mekong và dĩ nhiên thiệt hại của nó hơn hẳn các nước khác. Anh Đỗ Xuân Hoàng cho biết:

Có ba vấn đề mà tôi đem tới cho các bạn ngày hôm nay đó là biến đổi khí hậu làm cho hạn hán ngập mặn tại hạ lưu sông Mekong, thứ hai là phát triển không bền vững của Việt Nam đã khiến mức độ ơ nhiễm chất công nghiệp nặng nề lên các khu vực phía nam thứ ba là tác hại của các đập thủy điện đầu nguồn. Vấn đề thứ nhất là biến đổi khí hậu đang tác động mạnh tới cư dân Việt Nam sống hai bên bờ sông Mekong.

Dĩ nhiên là phát triển kinh tế là rất quan trọng đối với Campuchia nhưng những hậu quả mà dân chúng nhận được cũng không phải là nhỏ.

– Anh Phin Savay

 Hạn hán và ngập mặn làm cho việc canh tác khó khăn cộng với vấn đề thứ hai là sự phát triển thiếu bền vững bao gồm mất rừng, ô nhiễm môi trường do sử dụng bừa bải các loại hóa chất nhằm tăng sản lượng nông nghiệp góp phần làm cho đất bạc màu cũng như việc thay đổi thủy văn làm cho tăng ngập ngoài đê và đồng thời cũng gây xâm ngập mặn vào mùa khô.

Tác động thứ ba cũng không nhỏ là các đập thủy điện đầu nguồn góp phần tích nước trong mùa khô gây hạn hán nghiêm trọng trong màu khô và các trận lũ trong mùa mưa không còn nữa để mang phù sa cho đồng bằng sông Cửu Long như trước đây.

Bên lề cuộc hội thảo anh Đỗ Xuân Hoàng nói thêm về hoạt động của mình dẫn tới cuộc tham dự vào Mekong Youth như sau:

Tôi tên Đỗ Xuân Hoàng 25 tuổi hiện đang sống tại Hà Nội. Tôi làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tên là Green ID, tôi đại diện cho Green ID cũng như đại diện cho Việt Nam tham gia buổi campaign này cùng với các bạn trẻ ở đây nêu lên được tiếng nói nâng cao nhận thức cho các bạn trẻ về tác động của những đập thủy điện trên dòng sông Mekong.

Tổ chức Green ID làm việc trong lãnh vực năng lực tái tạo nghiên cứu, hợp tác với Campuchia để nói lên tác động của những đập thủy điện trên dòng sông Mekong đến với người dân sinh sống dọc theo nó đặc biệt là người dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Đến đây tôi rất mong muốn cùng với các bạn trẻ 5 nước cùng nằm trên lưu vực sông Mekong có thể làm được một điều gì đó cho những người dân có cuộc sống tốt hơn có thể giảm thiểu được tác động lên đời sống kinh tế xã hội cũng như phát triển nông nghiệp cùa mọi người.

Trong khi đó cô gái Tibet tuy không muốn nêu tên vì cô còn phải trở về Trung Quốc cũng cho chúng tôi biết mục đích của mình rằng cô đến đây để hỗ trợ cho các hoạt động của thanh niên. Như bạn đã biết ngày nay rất nhiều người trẻ quan tâm đến sông Mekong với nhiều khía cạnh tác hại lên nó, Nhiều bạn quan tâm đến cuốc sống người dân vùng Mekong, người khác thì quan tâm tới sinh thái hay dòng chảy của nó bị cạn kiệt riêng tôi thì quan tâm đến vấn đề văn hóa. Bảo vệ dòng Mekong là bảo vệ nền văn hóa Tây Tạng của cô.

Cuộc hội thảo khép lại đầy ấn tượng. Nó cho thấy một góc rất lớn của cuộc sống là thanh niên vốn đầy nhiệt huyết họ có thể cống hiến cho quốc gia, cộng đồng những quan tâm chung về một lĩnh vực nhạy cảm đối với quan hệ giữa các nước cùng khu vực với nhau, để từ đó mở ra hướng giải quyết cho chính phủ nếu chính phủ chịu lắng nghe những quan tâm có thể gọi là thời sự nóng bỏng nhất hiện nay trên dòng Mekong đầy bất ổn.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-voices-of-youth-in-the-mekong-s-issues-ml-03312016110450.html

 

This entry was posted in kinh tế, Môi Trường. Bookmark the permalink.