Kinh tế hậu Nguyễn Tấn Dũng sẽ ra sao?

TT Nguyễn Tấn Dũng (đứng) tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hôm 25/1/2016. AFP

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra đi nhưng nền kinh tế nói theo nhiều chuyên gia là “èo uột” thì vẫn ở lại chờ được người kế vị xử lý. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên cố vấn kinh tế cho Bộ Kế hoạch Đầu tư, giám đốc CIEM Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Để tìm hiểu thêm nhận định của ông về vấn đề này.

Thời điểm quyết định của kinh tế VN

Mặc Lâm: Thưa TS như ông đã biết kết quả của Ban chấp hành Trung ương khóa 12 cũng như Bộ chính trị đã có. Dư luận cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra đi để lại một di sản về kinh tế rất èo uột và có thể nói là nguy hiểm. Là một chuyên gia kinh tế ông nhận xét về ý kiến này như thế nào, có trùng hợp với sự lo ngại của giới quan sát hay không thưa TS?

TS Lê Đăng Doanh: Tình hình kinh tế Việt Nam thì năm 2015 có đạt tăng trưởng cao 6,7 – 6,8% và đấy là tốc độ cao nhất kể từ năm 2009 cho đến nay. Nhưng tốc độ tăng trưởng cao đó chủ yếu dựa vào nhà đầu tư nước ngoài và nền kinh tế Việt Nam đúng là đang có nhiều điều đáng lo ngại. Trước hết là mất cân đối ngân sách rất là nghiêm trọng và chi tiêu thường xuyên của bộ máy quá cồng kềnh, trùng lắp chiếm tới 70% tổng số chi ngân sách và số nợ công tăng lên. Mặc dù Bộ Tài chính liên tục công bố là nợ công vẫn an toàn nhưng nhiều người lấy làm lo ngại là chính phủ vay quá nhiều, vượt số nợ công đã công bố rất nhiều, vì vậy câu hỏi đặt ra là vay nhiều như thế để trả khoản nợ nào và trả như thế nào mà gánh nặng trả nợ ấy ngày càng tăng lên.

Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn về mặt hội nhập nhưng về mặt thách thức thì cũng rất lớn mà nếu không cải cách thể chế thì có thể nói đây là một trong các thời điểm rất quyết định đối với kinh tế VN.

-TS Lê Đăng Doanh

 Điểm thứ hai nữa là cái thể chế của Việt Nam hiện nay nó đang kìm hãm và kéo năng lực cạnh tranh xuống. Các thể chế bị xếp hạng đặt biệt trong vấn đề tham nhũng, chi tiêu ngoài pháp luật thì được xếp hạn rất kém. Diễn đàn kinh tế thế giới họ đã nâng năng lực cạnh tranh của Việt Nam từ 68 bây giờ lên 56/140 nền kinh tế nhưng mà thể chế của Việt Nam và những khoản chi tiêu ngoài pháp luật thì Việt Nam xếp thứ 115/140 nền kinh tế tức là vào nhóm thấp nhất. Chính sự tham nhũng, chính sự chi tiêu ngoài pháp luật và đòi hỏi doanh nghiệp gây cho doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều chi phí tốn kém về thời gian và tiền bạc và đấy là một thách thức rất là to lớn.

Thứ ba nữa là Việt Nam đã hội nhập rất sâu và từ ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì cộng đồng kinh tế ASEAN đã hoạt động. Ngày nay người ta thấy hàng hóa của Thái Lan, Malaysia, Indonesia đang tràn ngập thị trường Việt Nam và đang cạnh tranh rất mạnh mẽ với doanh nghiệp Việt Nam. Câu hỏi rất lớn là doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh như thế nào?

Điểm thứ tư là Ngân hàng Nhà nước thì công bố số nợ xấu đã giảm còn khoảng 3% và đã có cải cách hệ thống ngân hàng nhưng các đánh giá của các tổ chức đánh giá tài chính độc lập trên thế giới như Moody’s như Fitch hay như Standard&Poor thì đều đánh giá số nợ công cao hơn con số mà Ngân hàng Nhà nước công bố nhiều. Thật sự số nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước công bố chưa được giải quyết một cách cơ bản mà người ta nói là NHNN mới khóa cái nợ xấu đó trong kho của công ty VAMC chứ còn công ty đó chưa giải quyết được thật là căn cơ nợ xấu. Vì vậy cho nên ai lên tiếp tục vai trò của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì cũng phải đối mặt với cái di sản này và hơn thế nữa nông nghiệp cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức và nếu như không giải quyết căn bản những vấn đề về thể chế như sở hữu đất đai và giải quyết vấn đề đền bù đất của người nông dân thì việc mất ổn định người nông dân đang đối mặt với các thách thức, rồi vấn đề biến đổi khí hậu, giá nông sản trên thế giới cũng là những nhân tố rất đáng lo ngại.

Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn về mặt hội nhập nhưng về mặt thách thức thì cũng rất lớn mà nếu không cải cách thể chế thì có thể nói đây là một trong các thời điểm rất quyết định đối với kinh tế Việt Nam.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội hôm 28/1/2016. AFP PHOTO.

Mặc Lâm: Theo như TS vừa giải thích thì nền kinh tế Việt Nam có vẻ đáng lo ngại lắm thế nhưng người sắp thay thế ông Dũng là ông Nguyễn Xuân Phúc thì rất mờ nhạt trong cách xử lý về kinh tế trước đây. Theo TS thì ông Phúc cần một Ban cố vấn như thế nào để có thể vượt qua nền kinh tế đang lúc khó khăn này?

TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi hiểu ông Nguyễn Xuân Phúc dự kiến làm Thủ tướng vì ông ấy đã ở cương vị đó trong chính phủ và đã nắm bắt được vấn đề của nền kinh tế. Vấn đề bây giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc phải nhìn thẳng vào sự thật và cần có một nhóm cố vấn hiệu lực có những người có đầu óc cải cách và nhóm này giống như Ban nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải trước đây. Phải bao gồm những con người không màng đến lợi ích cá nhân, không chùn bước trước những sức ép của các nhóm lợi ích, thẳng thắn đưa ra các vấn đề về lợi ích của dân tộc, lợi ích của đất nước.

Nếu làm được như vậy thì tôi nghĩ ông Nguyễn Xuân Phúc có thể từng bước giải quyết được các thách thức rất lớn của nền kinh tế của chúng ta.

Tín hiệu cho sự chuyển biến?

Mặc Lâm: Chúng tôi cũng nhận thấy là có hai Ủy viên Trung ương bị trượt lần này cả hai đều là giám đốc của hai tập đoàn lớn như Than và Khoáng sản và EVN. Đây có phải là một nỗ lực của Bộ Chính trị muốn loại bỏ dần những thành viên chính phủ tỏ ra không hiệu quả trong quá khứ hay không thưa TS?

TS Lê Đăng Doanh: Tôi không rõ là Trung ương có giới thiệu hai vị này hay không vì tôi không có thông tin nhưng việc hai vị này cũng như một số người khác không được trúng cử thì chứng tỏ rằng Đại hội đã có những nhận xét và đánh giá xuất phát từ thực tế và như ta cũng thấy là khoảng 14 Bộ trưởng thành viên của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã không được bầu lại vào Ban chấp hành Trung Ương. Đó là tín hiệu đánh dấu cho sự chuyển biến và tôi hy vọng những người vào chức Bộ trưởng mới sẽ nắm bắt ngay các vấn đề và bắt tay ngay vào công việc. Chậm tức là chết bởi vì cộng đồng kinh tế ASEAN đã có hiệu lực rồi, nếu chúng ta không chuẩn bị mạnh mẽ thì sẽ không nắm bắt được cơ hội khi vào TPP cũng như Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu âu.

Chậm tức là chết bởi vì cộng đồng kinh tế ASEAN đã có hiệu lực rồi, nếu chúng ta không chuẩn bị mạnh mẽ thì sẽ không nắm bắt được cơ hội khi vào TPP cũng như Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu âu.

-TS Lê Đăng Doanh

Mặc Lâm: Thưa TS trong tình trạng ông Nguyễn Phú Trọng vẫn còn ngồi ghế TBT và vẫn thân thiện với Trung Quốc vì quan điểm cùng chung chủ nghĩa Mác Lênin với Trung Quốc chẳng hạn. TS có nghĩ rằng Ban Chấp hành Trung ương mới có thể tránh vết xe cũ, né tránh bớt việc nhập siêu với Trung Quốc để vươn lên ở vị thế mạnh hơn hiện nay hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ việc Việt Nam cần có quan hệ giữ hòa khí, hòa bình ở khu vực Biển Đông là một trong các yêu cầu chiến lược của Việt Nam, còn Việt Nam phải đối phó với nhập siêu thì đó là một yêu cầu rất cấp bách và tôi nghĩ chính ông Trọng và các thành viên chính phủ đã nhận thức điều đó. Như vậy thì đây là một vấn đề có liên hệ đến lợi ích nhóm. Thí dụ như việc buôn lậu rõ ràng là có sự bảo kê, đã có sự phớt lờ thậm chí có nhóm lợi ích nhập hàng Trung Quốc vào Việt Nam rồi dán mác đây là sản phẩm Việt Nam… việc này làm cho nhập siêu rất lớn. Mặt khác trong số nhập siêu này cũng có vấn đề cấu trúc của nền kinh tế, tức là Việt Nam phải nhập những sản phẩm đầu vào dệt may từ Trung Quốc để gia công chế biến xuất khẩu và các đầu vào điện tử cũng là một trong những đầu mối dẫn đến nhập siêu. Thứ ba nữa Việt Nam nhập khá nhiều trang thiết bị của Trung Quốc và những trang thiết bị này được Trung Quốc đưa vào xây dựng nhà máy điện chẳng hạn thì trang thiết bị quá kém, chất lượng thấp.

Chẳng hạn như phụ tùng ô tô được lắp ráp ở Việt Nam được nhập từ Trung Quốc thì các phụ tùng đó chất lượng rất thấp và người dân Việt Nam hiện nay đang từ chối sử dụng chúng. Cụ thể ô tô nhập từ Ấn Độ hiện nay bán chạy hơn rất nhiều so với ô tô được lắp ráp từ phụ tùng Trung Quốc. Cho nên vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc là một vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm, liên quan đến tham nhũng và vấn đề đó phải được giải quyết trong thời gian sắp tới. Không nên đánh đồng việc Việt Nam cần giữ mối quan hệ hòa bình để xây dựng đất nước với việc nhập siêu.

Mặc Lâm: TS vừa nhắc tới lợi ích nhóm thì dư luận cho rằng các nhóm lợi ích đa số hình thành từ thời chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng, như vậy sau khi ông Dũng ra đi liệu có sự thay đổi nào đó đáng kể và có thể thấy được trong vài nhóm lợi ích tại Việt Nam hiện nay?

TS Lê Đăng Doanh: Đấy chắc chắn sẽ là một cuộc đấu tranh rất khó khăn và gian khổ vì các nhóm lợi ích đã liên kết với nhau khá dày đặc và nó có quá nhiều tầng nấc. Thí dụ như ở cấp địa phương thì có những người đứng ra bảo kê taxi lộng hành, rồi vận tải lộng hành, rồi thì karaoke cũng có thể lộng hành và cạnh tranh không bình đẳng. Còn cấp cao hơn thì lại có công trình lớn đã được chỉ định thầu, rồi đường cao tốc Việt Nam thì giá thành quá cao mà chất lượng rất thấp. Tất cả những vấn đề đó cần một nỗ lực công khai minh bạch, phải có trách nhiệm giải trình và phải có sự tham gia giám sát của người dân, của xã hội dân sự. Tôi hy vọng sắp tới đây Việt Nam sẽ thực hiện các cải cách như thế này nếu không thì Việt Nam sẽ trả bằng một giá rất đắt và có thể rất đau đớn.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

L.Đ.D. – M-L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-economy-ll-like-after-ntd-lost-election-ml-01292016234938.html

 

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.