LS Hà Huy Sơn trả lời phỏng vấn của Bauxite Việt Nam

Vụ xử sơ thẩm đối với Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy của Tòa án nhân dân Hà Nội trong buổi sáng ngày 23-3-2016 còn để lại một dư âm nặng nề trong dư luận, trong nước cũng như quốc tế. Ngay thông báo của Tòa được gọi là “phiên xử công khai”, vậy mà một Nghị sĩ CHLB Đức, ông Martin Patzel đánh đường sang Việt Nam để xin vào dự thính đã bị từ chối. Đại diện nhiều Sứ quán tại Hà Nội cũng cùng chung số phận. Người Việt thì không lạ nhưng các thành viên nước ngoài có mặt trước cửa Tòa án lúc ấy hẳn lấy làm lạ lùng, càng thấu hiểu thực chất “dân chủ đến thế là cùng” của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngay sau khi bản án vừa xử xong, LHQ và các tổ chức nhân quyền quốc tế lớn nhất thế giới như Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International, AI), Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists, CPJ), Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch, HRW), Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (International Federation for Human Rights, FIDH)… đã lên tiếng mạnh mẽ, phản đối bản án sai trái và chỉ trích chính quyền Việt Nam vi phạm các nghĩa vụ quy định trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia. Trong không khí nóng bỏng đặt cơ quan công quyền của Đảng Cộng sản vào thế kẹt nhiều bề như vậy, BVN đã gặp gỡ luật sư Hà Huy Sơn, một trong những luật sư bào chữa cho hai bị cáo, nêu một số câu hỏi phỏng vấn ông, ngõ hầu làm sáng tỏ thêm đôi điều về phiên tòa đặc biệt này.

Xin cảm ơn Luật sư Hà Huy Sơn đã nhận lời phỏng vấn của BVN.

Bauxite Việt Nam

Câu hỏi 1Lý do hay cơ duyên nào đã khiến LS nhận lời bào chữa cho hai bị cáo Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy, hai người bạn gắn bó nhiều năm với giới đấu tranh chống TQ xâm lược cũng như đấu tranh cho một xã hội dân chủ, nhất là anh Vinh?

Có lẽ tôi được mọi người biết đến kể từ khi làm LS bào chữa cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, kế đó là LS bào chữa cho ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), sinh viên Nguyễn Phương Uyên, Luật sư Lê Quốc Quân, bà Bùi Thị Minh Hằng… Ngoài ra, tôi cũng tham gia một số buổi biểu tình những năm 2011, 2013, 2014 phản đối Trung Quốc xâm lược nên có quen biết ông Nguyễn Hữu Vinh. Do có quen biết ông Vinh từ trước nên tôi nhận làm LS bào chữa cho Nguyễn Thị Minh Thúy luôn.

Câu hỏi 2Tình hình phiên tòa xử anh Vinh và chị Thúy của Tòa án Nhân dân Hà Nội trong buổi sáng 23-3-2016, theo LS có gì bất thường so với các phiên tòa xử các nhà bất đồng chính kiến hoặc blogger khác hay không?

Phiên tòa sáng 23-3-2016, không khí ngột ngạt đè nặng từ bên ngoài cho đến trong phòng xử cũng giống như các phiên tòa mang màu sắc “chính trị” trước đó. Có sự khác biệt là phòng xử nhỏ hơn, diện tích khoảng 79-80m2; trong phòng cũng những người của công an bố trí mặc thường phục ngồi kín chỗ. Lần này, họ cho người nhà của các bị cáo mỗi bị cáo có một người được tham dự ngay từ đầu phiên xử mà không gây khó dễ gì. Thẩm phán chủ tọa cũng cho biết luôn là việc không cho các Luật sư mang laptop vào phòng xử là theo lệnh của An ninh…

Câu hỏi 3Theo dư luận và ý kiến của một số LS nhận việc bào chữa cho hai bị cáo thì trong gần hai năm qua, phía cáo buộc và giam giữ hai bloggers đó đã không thể nào tìm ra chứng cứ buộc tội, vậy trong phiên tòa họ dựa vào cơ sở pháp lý nào để kết án anh Nguyễn Hữu Vinh đến 5 năm và chị Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù giam? Cơ sở pháp lý ấy vững chắc đến đâu thưa ông?

Trong phiên tòa này phía đại diện Viện Kiểm sát đã đuối lý không đưa ra được các bằng chứng kỹ thuật kết tội Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy liên quan đến hai blog “Dân quyền” và “Chép sử Việt”. Đến khi tuyên án thì Chủ tọa lại đưa ra các mẩu ghi chép, viết tắt, không rõ câu, không rõ nghĩa từ trong sổ tay của Nguyễn Hữu Vinh để làm bằng chứng buộc tội. Họ kết tội Thúy là đồng phạm với anh Vinh bằng việc thống kê nhiều lần hai người gọi điện thoại cho nhau theo list do các công ty thuê bao di động cung cấp, nhưng không đưa ra được nội dung hai người trao đổi cái gì trong những lần gọi đó.

Câu hỏi 4Tinh thần của hai bị cáo trong suốt phiên tòa ông thấy thế nào? Khi nghe tuyên án – mà dư luận chung đều thấy quá bất công, phi lý nữa – ông có thấy họ tỏ thái độ gì không? Họ có quyết định kháng án không?

Tinh thần của anh Vinh và Thúy trong suốt phiên tòa rất bình thản, tỉnh táo, trả lời ngọn ngành, nghiêm túc. Sau khi tuyên án tôi và các luật sư đều nhận thấy đây là một bản án bất công, phi lý, vi phạm nghiêm trọng Bộ luật tố tụng hình sự. Tôi tin rằng họ sẽ kháng cáo.

Câu hỏi 5Quan điểm của nhóm LS bào chữa có được trình bày đầy đủ và được Hội đồng xét xử lắng nghe không? Có chỗ nào hai bên phải tranh luận hoặc chỗ nào Chủ tọa cắt lời LS một cách bất bình thường không?

Các luật sư đã trình bày rõ ràng và đầy đủ các luận cứ bào chữa của mình và đều khẳng định hai bị cáo vô tội. Phía đại diện VKS chỉ đối đáp cho lấy lệ và không tranh tụng các vấn đề chính do luật sư đưa ra. Chủ tọa đã nhiều lần ngắt lời luật sư khi nói đến nhân thân của bị cáo, vấn đề đảng tịch của anh Vinh và Thẩm phán chủ tọa Nguyễn Văn Phổ đã đánh lừa không cho anh Vinh trình bày về nhân thân của mình.

Câu hỏi 6Qua phiên tòa này, LS có lời nhắc nhở hoặc rút kinh nghiệm gì cho tất cả những nhà phản biện chính sách, nhất là những blogger đang sử dụng các trang mạng để đăng những phát biểu góp ý thẳng thắn với chính quyền về các mặt yếu kém nhằm phát huy dân chủ trong xã hội chúng ta?

Qua phiên tòa này, tôi nhận thấy chính quyền [đến nay vẫn] không hề thay đổi. Mọi tiến bộ về tự do, dân chủ đều phải trả giá và điều này phải do chính người dân ý thức được và sẵn sàng chấp nhận.

Câu hỏi 7Theo dự đoán của LS, kết quả của phiên tòa phúc thẩm (nếu có) sẽ như thế nào?

Tôi dự đoán phiên tòa phúc thẩm họ sẽ sửa chữa những sai lầm tại phiên sơ thẩm vì áp lực của sự thay đổi bắt buộc họ phải giảm mức án.

Câu hỏi 8Nếu phiên tòa phúc thẩm không trả tự do cho hai bị cáo, thì đây có thể thành một án lệ để xử các vụ tương tự trong tương lai hay không?

Phiên tòa phúc thẩm cho dù hai bị cáo có được trả tự do hay không thì hiện tại cũng không thể lấy làm mẫu cho tương lai cũng như hiện tại đã không thể sử dụng quá khứ làm chuẩn mực. Nói cách khác không có một án lệ nào cả, tôi nhận thấy sự thay đổi đang diễn ra rất nhanh chóng trong nước và quốc tế.

This entry was posted in phản biện, Pháp Luật. Bookmark the permalink.