Tản mạn xuân Quí Mùi

…những dòng tản mạn này tính đến nay là vừa tròn 13 năm. Một con giáp có lẻ đã qua. Thế giới bên ngoài đã có những bước tiến vượt bậc, thế nhưng xã hội Việt Nam ta dưới sự lãnh đạo “thiên tài” của Đảng Cộng sản toàn trị lại đi lùi về phía đằng sau cũng vượt bậc…

Sau gần bốn năm tôi mới lại có dịp về thăm gia đình, ăn một cái Tết ở quê hương bên cạnh những người thân và bạn bè. Thời gian chưa đầy một tháng rưỡi, thật ngắn ngủi, nên tôi chủ yếu ở Hà Nội, nơi có người cha thân yêu của mình cùng đa số anh chị em ruột thịt và các cháu. Tuy vậy tôi cũng tranh thủ đi chơi và thăm viếng một số nơi như Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn Tây và một số khu vực ngoại vi Hà Nội, thăm một số chùa, một số danh lam thắng cảnh…

Xin xếp lại những cảm xúc riêng tư của một người đã xa gia đình lâu ngày, ở đây tôi muốn kể lại một số điều tai nghe mắt thấy, dĩ nhiên tôi cũng chỉ là một con người bình thường như bao người khác nghĩa là cũng chỉ có hai tai và hai mắt, nhưng tôi nghĩ bất kì một người nào có dịp như tôi chắc cũng sẽ có được những “tản mạn ngày xuân” như thế bởi vì trong sinh hoạt thường ngày của xã hội Việt Nam ta hiện nay những điều tôi sẽ kể được xem như quá bình thường, ai cũng biết, ai cũng nói và mọi người cũng sẽ cho qua ngay để còn lao vào vòng cuốn của cuộc đời – chả là đất nước ta đang ở vào thời kì quá độ từ chủ nghĩa xã hội tiến lên chủ nghĩa tư bản mà!

Càng gần đến mấy ngày Tết, giao thông đường phố lại càng tấp nập hẳn lên. Ở những đường phố chính của thủ đô suốt từ sáng tinh mơ đến tận đêm khuya xe cộ chật cứng, có lẽ lưu lượng phải đến gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với thường lệ. Chú em út tôi, vốn là giám đốc một công ty-doanh nghiệp nhà nước ở Hà Nội, cũng tất bật khác thường. Số người đến thăm viếng tại nhà cũng tăng lên đột ngột và số quà cáp cứ tích dần chật cả một góc nhà: nào rượu Tây, rượu ta, nào bánh mứt kẹo, chocolate đủ loại. Có điều đặc biệt là sau khi khách về, cô em dâu tôi lại hí húi ghi chép gì đó vào một quyển sổ. Thấy lạ tôi bèn hỏi nguyên do thì cô cho biết là những quà biếu đó lại có thể đi vòng vèo tiếp nên phải ghi chép cẩn thận để nhớ và tránh sự quay lại chủ cũ. Thế là tôi hiểu: quà cáp ngày Tết nó như kiểu đèn cù ấy mà, cứ lòng vòng suốt nên ngoài phố mới đông vui nhộn nhịp đến như vậy. Chiều 29 Tết lấy làm 30, sau bữa cơm tất niên, rảnh rỗi đôi chút chú em tôi mới tâm sự: Anh thông cảm cho, em vốn đã bận, Tết lại bận gấp ba, chủ yếu là lo quà cáp ngày Tết anh ạ, ngoài việc lo cho cán bộ công nhân viên toàn công ty lại còn lo đối ngoại để làm ăn sắp tới, mà đó mới là việc quan trọng. Anh có tưởng tượng được không? Tổng công ty của em có các công ty con và các bộ phận trực thuộc tại khắp nơi trên toàn quốc tính ra cũng xấp xỉ 140 cơ sở. Mỗi cơ sở như công ty của em mà đi quà lên Tổng giám đốc cứ cho là một phong bì không dưới 10 triệu thì anh tính hộ xem là bao nhiêu? Thế mà cách đây ít lâu, Tết dương lịch cũng một lần như vậy rồi. Nghị quyết gì thì nghị quyết, lệnh gì thì lệnh, nhưng cứ phải như thế, họ nói để mà nói thôi, chứ càng trên cao thì tiền lại càng phải nhiều, tiền chùa hết ấy mà, chả ai phải chịu trách nhiệm cả đâu.

Thì ra là thế, với cương vị một Tổng giám đốc một doanh nghiệp nhà nước một vụ Tết có vài tỉ chảy tự nhiên vào túi ngon sớt – đó lại là chuyện đương nhiên mới hay chứ!

Trước Tết khoảng 10 hôm, một anh cháu họ tôi làm việc cho một công ty tư nhân thấy tôi từ nước ngoài về chơi lại nghe nói tôi đang kinh doanh gì đó nên hứng lên mời tôi: chú ơi, cháu mời chú đi tham quan lễ khai trương một cửa hàng đại lý của công ty cháu, chú đi cho biết xem ở nhà làm ăn ra sao, đi uống sâm banh và ăn đồ Tây miễn phí ấy mà chú! Vì hiếu kì tôi cũng đi xem cho biết. Đó là cuộc khai trương một đại lý phân phối xe hơi của hãng Honda ở Hà Nội. Họ tổ chức cũng khí thế lắm. Có điều làm tôi thắc mắc là, trước khi về Việt Nam tôi có đọc trên báo thấy nói nhiều đến hiện trạng cung cấp xe hơi ở nhà cầu nhiều hơn cung nên các hãng thiếu xe để bán, vậy thì tại sao nhà sản xuất lại phải thông qua trung gian phân phối làm gì nhỉ? Tôi hỏi anh cháu họ lúc hai chú cháu trên đường về nhà thì anh ta nói luôn: có gì đâu chú, việc này chỉ có Bộ Tài chính của ta là thu xếp được với nhà sản xuất để cấp giấy phép thôi vì trước sau gì thì họ cũng phải phụ thuộc vào ông Nguyễn Sinh Hùng mà. Dịp này xuất hiện hai đại lý phân phối, một ở Hà Nội một ở Hà Đông, mà chú có biết không? mỗi giấy phép là phải trao tay một tỷ đấy! đang trong lúc hưng phấn cậu ta tiếp luôn: nhưng mà tiền đó công ty cháu cũng chẳng phải mất đâu, chỉ cần ứng trước thôi, giả dụ phân phối 100 xe chỉ cần vênh giá 10 triệu mỗi xe là có một tỷ ngay, 10 triệu có là bao so với giá vài chục ngàn đô một xe nếu như không muốn nói là quá ít, như thế là tiền ở túi người mua chảy thẳng vào hầu bao các ông cốp, đơn giản thế thôi chú ạ. Tôi há hốc mồm, trời ơi! chỉ một vụ này thôi mà tiền tỷ chảy vào túi ông Sinh Hùng ư? thế ra chức bộ trưởng bây giờ ngang giá với nhiều nhiều tỷ đấy!!!

Ngày 25 Tết, tôi đến chơi một người bạn cũ, từng là phó giáo sư của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nay đã về hưu. Thấy tôi đến bất ngờ, ông rất vui và cảm động. Ông mở chai vang Đà Lạt cùng tôi nhâm nhi bên cạnh vườn hoa nho nhỏ trong nhà ông. Sau những hàn huyên nhắc về thời trai trẻ, về vợ con, cháu chắt, về công việc sau khi về hưu, tôi vui miệng đề cập đến mấy câu chuyện ở trên và hỏi thăm ông xem tết nhất cơ quan có quan tâm gì đến cán bộ cũ đã về hưu? Ông lập tức ngắt lời tôi với một giọng nói đầy bức xúc:

Chúng nó đương chức đương quyền thì phong bì lớn phong bì nhỏ lại ra điều ta đây thực hiện nghiêm túc lệnh trên mới ban. Gần 200 cán bộ về hưu của trường chủ yếu quanh khu vực Hà Nội mỗi người nhận được một cái thiếp chúc tết in rất đẹp, chúng tôi đã bảo nhau thu gom lại hết và cử người đem trả lại cho cơ quan nói rằng đã tiết kiệm thì nên tiết kiệm cả tiền in thiếp nữa cho triệt để với chủ trương của trên! Làm như vậy chẳng phải là chúng tôi muốn có thêm ít tiền tiêu tết như mọi năm mà đó là cái tát vào mặt những kẻ nói một đằng làm một nẻo!… Tạm biệt người bạn ra về tôi thầm cảm phục tính khảng khái của các nhà giáo đã về hưu, nhưng cũng thật là éo le nghịch cảnh!

27 Tết, dự định một mình đi ngắm phố. Tôi bắt xe ôm từ ngả Nghĩa Đô lên thẳng chợ Đồng Xuân. Ngắm chợ, ngắm quất đào, ngắm người nườm nượp qua lại đi mua sắm tết thật là thích mắt. Vui chân tôi thủng thẳng ngược các phố Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào về trung tâm. So với mấy hôm trước thì có lẽ hôm nay mới thật sự có không khí tết. Chỉ hiềm một nỗi xe đông quá, người đông quá mà vỉa hè thì lại bị lấn chiếm hết nên người đi bộ như tôi buộc phải đi dưới lòng đường trong một trạng thái thần kinh thật là căng thẳng. Từ mé Thuỷ Tạ Hồ Gươm tôi rẽ về Hàng Trống rồi đi xuôi. Vỉa hè vẫn không có chỗ cho người đi bộ. Gần hết phố, sắp đến toà nhà đang xây của báo Nhân Dân, tôi chợt nhìn thấy bên mé trái có nhiều hàng bán báo. Dừng lại mua mấy tờ báo xuân, tôi để ý thấy cạnh đó có một cửa hàng tranh rất đông người đang xem. Chủ nhân là một người đứng tuổi, tóc đã hoa râm lại để dài, có dáng dấp của một hoạ sĩ, vừa cầm bút vừa tiếp các khách hàng của mình. Tranh của ông phần lớn là các bức tứ quí, tứ bình, tranh sơn thuỷ được vẽ mộc mạc bằng mực Nho trên giấy dó, nhưng nét vẽ thì tôi rất ưa bởi một lẽ nó rất có hồn. Ngoài những bức tranh, trong cửa hàng la liệt bầy các chữ Nho đơn, nhỏ có, to có, nhỡ có, có chữ vừa mới viết xong còn chưa khô mực, lại có những chữ đã lồng khung kính. Với vốn chữ nho võ vẽ của mình tôi cũng nhận được các dáng chữ “phúc”, “lộc”, ”tâm”, “đức”, “nhẫn”… Đứng quan sát một lúc tôi nhận thấy người ta mua nhiều nhất là chữ “tâm”. Nhân lúc ông chủ hiệu để ý đến mình tôi hỏi luôn: tôi thấy khách thích và mua nhiều nhất là chữ “tâm” của ông, vậy ông có thể cho biết vì sao không? Với vẻ mặt điềm tĩnh, ông hơi nhếch mép cười rồi trả lời: Ông biết đấy, vài năm nay ở ta có xu hướng phục hồi những nét văn hoá cổ vì thế mà tôi có cơ may do có chút vốn liếng chữ nho. Cứ mỗi chữ: nhỏ thì 10 ngàn, nhỡ thì hai chục, to có cả khung kính thì dăm chục, cho nên chỉ một vụ giáp tết tôi cũng đủ trang trải cho cả năm. Còn ông hỏi vì sao mà mọi người bây giờ thích chữ “tâm” hả? Có gì đâu vì đương đại bây giờ cứ ra rả “khẩu Phật”, nhưng tâm lại là “tâm xà”, vì thế mà ai cũng phải nhìn lại trái tim mình xem nó thế nào ông ạ!…

Sáng 4 Tết, vừa ngủ dậy đang còn đánh răng thì chuông điện thoại réo. Hoá ra ông bạn nối khố với tôi hồi học đại học gọi rủ tôi đi du xuân. Đúng hẹn, 15 phút sau ông đi xe máy đến đón tôi, mang theo cả cho tôi một cái mũ để đi xe máy đường xa. Hỏi đi đâu, ông ấy nói: đi dã ngoại, viếng chùa đầu xuân. Từ trong thành phố, chúng tôi dông thẳng ra đường lớn Láng-Hoà Lạc. Hơn nửa giờ sau chúng tôi rẽ vào địa phận huyện Quốc Oai và dừng lại trước cổng chùa Tây Phương. Cũng thật là lạ, cả một vùng bình địa như thế mà bỗng nổi lên một quả đồi và trên đó đã bao năm nay ẩn hiện một ngôi chùa cổ kính. Ông bạn tôi thuyết minh cho tôi rất nhiều về dáng vóc ngôi chùa với những nét cong rất đặc trưng ở các góc mái và như chủ định sẵn, ông cầm máy ảnh chớp vội cho tôi mấy kiểu nói là sẽ tặng làm kỉ niệm. Đã lâu lắm tôi mới lại có dịp vào thăm một ngôi chùa. Tôi mua một thẻ hương và cũng theo những người khác bước vào bên trong. Những bức tượng Phật uy nghi trong làn hương khói lan toả khiến cho bất cứ ai khi vào chốn này cũng ngỡ như lạc vào một thế giới tâm linh huyền bí. Nhưng kìa, thật lạ quá, trên kẽ tay của các pho tượng Phật, các vị La Hán, ở kẽ áo, kẽ gươm đao của các vị Hộ Pháp, cứ chỗ nào có thể được là tôi lại thấy khách thập phương gài vào đó những tờ giấy bạc của trần thế 500, 1000, 2000 mới cứng. Đi hết một vòng quay trở ra ngoài sân, ông bạn tôi đang hút thuốc đứng chờ, tôi vẫn chưa thể tự trả lời được là làm sao người ta lại không bỏ tiền vào các đĩa để sẵn hay các hòm công đức nhỉ? Từ bé đến lớn, ở nhiều nơi tôi đã đến thăm nhiều chùa, quả thực chưa bao giờ tôi thấy như vậy. Tôi vừa kể lại với ông bạn mình thì ông ta đã cười ngất: thời nay ông vào chùa nào thì cũng có cảnh ấy thôi, thế ông thấy lạ à? Dân trí Việt Nam ta vẫn còn sơ khai lắm ông ạ; chẳng qua thế giới tâm linh thời hiện đại này cũng đang phản ánh nguyên vẹn cuộc đời trần tục mà thôi! Đến đây thì tôi phục lời ông bạn tôi nói quả thật là chí lý!

Ngày 6 Tết, tôi xuôi về Hải Phòng vừa là du xuân vừa với mục đích thăm mộ các Cụ tổ tôi nằm ở đó. Xong việc tôi rẽ vào thăm một người bạn thân học với tôi từ giữa thập niên 50-60 ở Hải Phòng. Năm nay đúng năm tuổi Quí Mùi của ông. Ở tuổi 60, cả cháu nội cháu ngoại ông có đến gần chục đứa. Lâu ngày không gặp mặt, tôi bị giữ lại ăn cơm cùng gia đình nhân dịp hội mặt đông đủ các con và các cháu của ông. Thật không gì vui và cảm động bằng sự xum họp gia đình ngày tết. Ông giới thiệu rất thân mật các con của ông với tôi. Tôi đặc biệt chú ý đến người con rể cả của ông. Anh ta đã chững tuổi, khá đĩnh đạc, hiện là một trung tá công an, đang công tác tại bộ phận bảo vệ an ninh chính trị của Công an Hải Phòng. Bất ngờ tôi nảy ra ý định khai thác anh ta, nên sau bữa cơm, ngồi uống nước, chính anh ta pha nước tiếp tôi, tôi liền gợi hỏi: Bác lâu không về, không hiểu hết tình hình hiện tại ở nhà, nhưng qua đọc báo trên mạng thấy nói có ông Vũ Cao Quận là cựu chiến binh, lão thành cách mạng hiện hoạt động đòi dân chủ và chống tham nhũng ở Hải Phòng. Ông ấy có bị bắt và lại được thả. Thế là ra sao? Anh ta hơi ngạc nhiên khi tôi hỏi, nhưng rồi cũng trả lời một cách bình thường: Có gì đâu bác, việc bắt chỉ là thực hiện theo lệnh trên, nhưng cụ ấy vừa có công lao lại vừa giỏi về lý luận, chúng cháu cũng chỉ là hàng con cháu thôi. Thực ra là mời cụ đi nghỉ ít ngày ở chỗ riêng biệt, phục vụ đầy đủ, không ai động đến cái lông chân cụ ấy. Điều chính là để răn đe những kẻ khác. Riêng theo cháu thì cả hai phía đều có điều chưa được nghĩa là: phía chính quyền thì việc gì phải đao to búa lớn để mang tiếng là đàn áp, thiếu dân chủ. Nói cho cùng các cụ ấy đều là những con người quá tốt, quá tâm huyết, chỉ vì bức xúc xã hội mà lên tiếng, thì cứ để cho các cụ nói cho giải toả nỗi bức xúc, chứ vào tuổi các cụ bây giờ đã 70-80 cả rồi, đi phải có gậy thì làm gì được mà lo? Thế còn cái gì sẽ đến với đất nước ta, xã hội ta thì bây giờ không nói ai cũng biết, ai mà cưỡng lại được hả bác? chỉ trách là các cụ cứ cầm đèn chạy trước ôtô, nhiều khi làm chúng cháu mệt quá!

Dù ở góc độ nhất định, tôi nghĩ những lời nói của anh ta trong gia đình là thành thực và lại một bất ngờ nữa đối với tôi: dù sao thì trong bộ máy thực thi đàn áp cũng vẫn có những người như anh trung tá công an kia, đã nhận thức được qui luật tất yếu của xã hội Việt Nam, chỉ mong sao với những hiểu biết như vậy họ đừng sa vào những điều thất đức. Nhưng tôi cũng phải nêu lên nhận xét của mình là: Bộ máy đàn áp của chế độ cộng sản Việt Nam chỉ giỏi đe doạ, đàn áp những người ngay thẳng, trung thực, dám nói sự thật dù không một tấc sắt trong tay, trong khi đó lại hoàn toàn bất lực trước một sự việc cỏn con trong xã hội mà bao năm nay vẫn còn nhức nhối: ngày đầu xuân mấy đứa trẻ ranh, con ông cháu cha, lắm tiền nhưng lại chán sống, cùng bọn lưu manh vẫn ngang nhiên đua xe trái phép trước mũi công an. Đấy là chưa kể đến những tệ nạn xã hội tràn lan như: mại dâm, buôn lậu, ma tuý học đường…, cứ tổng kết thì năm sau lại nhiều hơn năm trước, thế mà vẫn nhai nhải tuyên dương, vẫn trương thành tích trên các phương tiện truyền thông. Thật là đáng xấu hổ!

Trước hôm tôi phải rời Việt Nam quay lại Châu Âu một ngày, đám bạn bè học cùng phổ thông trung học với tôi ở Hà Nội đã tổ chức họp mặt đầu xuân. Tôi được mời đi ăn và cũng nhân dịp này chia tay với họ. Các bạn của tôi lứa này cũng vào tuổi trên dưới 60 cả và quá nửa đã nghỉ hưu. Tất cả đều đã có đóng góp sức lực, trí tuệ và thậm chí cả xương máu nữa cho chế độ hiện hành. Có bạn đang còn trong quân đội, có bạn đang công tác trong ngành tư pháp, có bạn đang làm công tác khoa học hình sự bên Bộ Công an… Trong bữa tiệc, chuyện trên giời dưới bể, chuyện cách đây hàng 40 năm đều có và đều rất vui. Nhưng chuyện gì thì chuyện cũng cứ tự nhiên xich dần đến những bức xúc xã hội.

Một ông bạn năng nổ nhất nhưng cũng nghèo nhất, tuy đã về hưu nhưng vẫn còn phải làm thêm để kiếm ăn nói: Tôi đi nhiều, trong nam ngoài bắc, rất nhiều tin tức xung quanh vụ Năm Cam, nhưng tựu trung lại ở đâu người ta cũng nói là: Tất cả các vị chóp bu của Đảng và Nhà nước, nếu như bản thân không có dính líu trực tiếp với “Ông trùm” thì cũng là vợ hoặc con dính đến, thế cho nên mãi vẫn chưa đưa ra xử được. Ví dụ như: khi khám nhà Thuyết chăn voi, công an đã thu được rất nhiều bức ảnh trong đó có một bức chụp chung giữa Thuyết và con trai đồng chí đương kim Tổng bí thư họ Nông. Lại còn thế này nữa chứ: ông đương kim Chủ tịch Quốc hội của ta có bà vợ là bà Đào Thị Hào, anh hùng lao động Nhà máy Dệt Nam Định cũ, đã có nhiều phi vụ buôn bán đất đai chung với Thuyết buôn vua. Một ông ngồi bên cạnh nghe đến đấy chêm vào: Nghe đâu kì Đại hội Đảng vừa qua tí nữa ông An rụng, các thế lực đằng sau phải dàn xếp mãi việc chia chát quyền lực mới yên, còn ông ta thì biện hộ thật tức cười: Tôi bận công việc Đảng và nhà nước nên không có thời gian quan tâm đến việc của bà ấy, vả lại tôi với bà ấy đã ly thân với nhau từ lâu rồi!!!

Một người bạn khác tiếp luôn: Thế mấy hôm rồi thấy ông An khoác tay bà nào đi thăm Lào, Campuchia và Thái Lan vậy? Nếu đúng là bà Hào thì hoá ra danh dự quốc gia lại nằm trong tay những kẻ như vậy ư? Các bạn biết không? Báo chí vừa qua còn phanh phui vụ một đứa học sinh gái trong bữa tiệc sinh nhật của mình đã bỏ ra 70.000 đô la mua 10 chiếc “A còng” (giá 7.000USD/cái) tặng cho các bạn của mình. Báo chỉ nêu đó là trường hợp quậy phá của con một vị chức sắc nhà nước mà không dám nói là ai. Nhưng cả Hà Nội đang đồn ầm lên kia kìa: con ông Nguyễn Văn An đấy chứ còn ai nữa!

Một bà bạn, làm việc ở Chi cục thuế Hà Nội sắp về hưu, tóc bạc nhiều, xưa kia từng là bí thư chi đoàn của lớp chúng tôi nhẹ nhàng góp chuyện: Tôi xem ra dự định tổ chức xử vụ Năm Cam có vẻ ghê lắm, chi phí cho việc này cũng sẽ tốn kém nhiều tỉ đồng nhưng không khéo đối với thế giới đó sẽ là trò nhảm nhí. Tính chất của vụ mafia này được làm rùm beng lên và người ta muốn tỏ ra là đang đánh tham nhũng một cách quyết liệt, nhưng nhìn cụ thể vào thì hối lộ và tham nhũng gì để chạy tội mà lại chỉ có vài ngàn đô la, dăm ba chục triệu với những thứ đồ cũ như dàn máy, loa đài mà báo chí đã nêu? Thật là nực cười! Tôi thì tôi cứ nghĩ mãi về cái ẩn ý sâu xa trong lời nói của bị can-nguyên trưởng phòng giam giữ của Viện kiểm sát Hà Nội khi bị còng tay: ”Chẳng lẽ chúng nó mua tôi rẻ đến mức chỉ có 2.000 USD để chạy tội cho Năm Cam hay sao?”.

Còn nhiều, nhiều nữa… những chuyện tương tự, nhưng cuộc vui nào rồi cũng đến lúc kết thúc, chúng tôi chia tay nhau thật là bịn rịn, tôi hẹn gặp lại các bạn vào năm sau. Về đến nhà thì đã nửa đêm, đầu tôi cứ ong lên và không sao ngủ được. Kết nối lại những vụ tham ô hàng tỉ đồng ở trên với việc ông cựu Tổng bí thư Đỗ Mười có hàng triệu đô la, rồi con gái ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn văn An đã lấy tiền của bố xài trong một bữa hết 70.000 USD thì ta có thể suy luận một cách rất logic là: Việc người ta ra lệnh rồi bắt các ông Phạm Quế Dương và ông Trần Khuê là phải lắm, ai bảo tự dưng lại đầu têu ra cái việc thành lập Hội chống tham nhũng giúp Đảng? Đảng cần quái gì các ông giúp? Mà nếu các ông làm được cái việc ấy thì thử hỏi Đảng ta sẽ ra sao đây? Chẳng cần phải suy nghĩ gì, bất cứ ai cũng có thể trả lời được câu hỏi đó.

Riêng với tôi, sắp sửa lại ra đi, buồn vui lẫn lộn trong tình cảm riêng tư, nhưng với cái chung, không biết tôi có bi quan quá hay không? Duy nhất lắng đọng lại một cảm giác ngao ngán tột cùng, một nỗi trăn trở khó nguôi trước hiện trạng xã hội tha hoá, con người tha hoá, đạo đức nhân tâm bị huỷ hoại, cả nền văn hoá và cuộc sống tâm linh cũng đang tuột theo đà ấy. Trong khi đó thì tiền cứ như nước chảy vào túi những kẻ có quyền có chức. Rồi đây, sớm hay muộn cũng sẽ đến hồi kết thúc: Nợ vay phải trả; tiền vay, tiền cứu trợ, tiền đầu tư thì đã chia chác nhau hết để no nê hạ cánh an toàn rồi; cuối cùng chỉ còn lại nhân dân này, đất nước khốn khổ này; chắc chắn sẽ không thoát khỏi cảnh cùng quẫn vì vỡ nợ như mấy nước Mỹ Latinh hiện nay. Đó chính là sự thực “nhãn tiền”, than ôi!, với một đất nước ngàn năm văn vật như Việt Nam ta trong mùa xuân tươi đẹp của thiên niên kỉ thứ ba này.

Hà Nội 23-02-2003

T.L.

Phụ chú: Tôi viết những dòng tản mạn này tính đến nay là vừa tròn 13 năm. Một con giáp có lẻ đã qua. Thế giới bên ngoài đã có những bước tiến vượt bậc, thế nhưng xã hội Việt Nam ta dưới sự lãnh đạo “thiên tài” của Đảng Cộng sản toàn trị lại đi lùi về phía đằng sau cũng vượt bậc!

Đọc lại bài viết của mình rồi so sánh các mặt với thực tại: trật tự giao thông đường phố, độ an toàn trong đời sống xã hội, văn hóa cư xử giữa con người với nhau, giáo dục, tâm linh, nhân quyền và đối xử với những người bất đồng chính kiến, đặc biệt là tham nhũng, thú thật tôi không thể nào nghĩ khác được. Trong khi đó thật là hổ thẹn cho cái Đảng mang tên Cộng sản Việt Nam khi bộ máy độc tài của nó ngày càng ác với dân và ngày càng hèn hạ trước kẻ thù Trung Cộng. Nếu mỗi người Việt Nam chúng ta có ít nhiều nhận thức về những vấn đề này mà buông xuôi không lên tiếng thì sẽ ra sao?

Tôi biết đã có nhiều tiếng nói cất lên nhưng theo tôi cần phải lên tiếng không ngừng, ngày một nhiều và ngày càng đông đảo hơn nữa để thức tỉnh Cộng đồng, góp phần vào những hoạt động của xã hội dân sự, hướng tới một sự đổi thay tích cực đáp ứng được nguyện vọng của cả dân tộc, bằng không cầm chắc là chúng ta sẽ “xuống hố cả nút” trước khi nhìn thấy “chủ nghĩa xã hội” của ông Tổng lú Nguyễn Phú Trọng.

18/03/2016.

T.L.

Tác giả gửi BViệt Nam

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.