Ngày 14/3/2016 dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ ven hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội; tượng đài Trần Hưng Đạo bên bến Bạch Đằng, thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm nhân sĩ trí thức và nhân dân đã xuống đường tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong sự kiện Trung Quốc nổ súng thảm sát ở đảo Gạc Ma, chính thức xâm lược quần đảo Trường Sa. Bauxite Việt Nam |
Hà Nội tưởng niệm 28 năm trận thảm sát ở đảo Gạc Ma
08h30 sáng 14/3, đông đảo các nhân sĩ trí thức và các tầng lớp nhân dân Hà Nội đã tề tựu tại Tượng đài Lý Thái Tổ – Hoàn Kiếm – Hà Nội để tham dự lễ tưởng niệm 28 năm sự kiện Hải quân Trung Cộng nổ súng giết hại 64 chiến sĩ Việt Nam tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.
Vào ngày 14/3/1988, hải quân Trung Cộng đã nổ súng giết hại 64 chiến sĩ Việt Nam tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, xâm lược và chiếm đóng một số đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam từ đó đến nay.
Để tưởng nhớ những chiến sĩ đã hi sinh, anh em No-U Hà Nội đã ra thông báo về lễ thắp hương tưởng niệm 28 năm Sự kiện Gạc Ma, tại Hà Nội.
08h30, sáng nay, 14/3, đông đảo các nhân sĩ trí thức và các tầng lớp nhân dân Hà Nội đã tề tựu tại Tượng đài Lý Thái Tổ – Hoàn Kiếm – Hà Nội để tham dự lễ tưởng niệm.
Tại buổi lễ, nhà báo Trần Đức Tiến đọc một bài thơ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma. Anh Lã Việt Dũng đọc một bài diễn văn ngắn bày tỏ lòng xót thương và biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh vì Tổ quốc của 64 liệt sĩ quân đội tại quần đảo Trường Sa trong trận thảm sát ngày 14 tháng 3 năm 1988, 28 năm trước.
Sau đó, đoàn người đi viếng đã tuần hành quanh hồ Hoàn Kiếm, đi ngang qua trụ sở Công an quân Hoàn Kiếm và Báo Hà Nội mới hô vang ‘ Hoàng Sa”, “Trường Sa”, “Việt Nam”, “Đả đảo Trung Quốc xâm lược”….
Đoàn tuần hành khoảng 200 người kết thúc hành trình tại chân tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, hồi 10h sáng.
Trước đó, nhà giáo Đào Thu cho biết: “Sáng 14 tháng 3 năm 2016, tưởng niệm 28 năm trận thảm sát Gạc Ma, ngày 64 người con anh dũng của đất Việt ngã xuống khi bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi đã tới thắp hương tại Đài Liệt Sĩ quốc gia trên đường Bắc Sơn, Hà Nội.
Khoảng gần hai chục nhân viên an ninh, cảnh sát có mặt tại đó đứng ghi hình và quan sát hoạt động của chúng tôi. Một số nhân viên an ninh theo sát chúng tôi cũng đã cùng người của Ban quản lí khu tưởng niệm vào thắp hương cho các Liệt Sĩ cùng chúng tôi.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã thay mặt những người có mặt tại đó đọc lời ai điếu, cầu nguyện cho các anh linh liệt sĩ an nghỉ, phù hộ cho đất nước bình an, lãnh thổ được toàn vẹn. Nguyện cho xương máu các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào Biển Đông sẽ tiếp tục cùng thế hệ hôm nay giữ gìn biển đảo của Tổ Quốc”.
Một số hình ảnh lễ tưởng niệm tại chân tượng đài Lý Thái Tổ và diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm và kết thúc tại chân tượng đài Cảm tử (ảnh của Phạm Thanh Sơn, Bạch Hồng Quyền, Nguyễn Chí Tuyến, Mai Phương Thảo và các thành viên đoàn tuần hành):
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy và Bà Lê Thị Minh Hà (Vợ Anh Ba Sàm) trong đoàn tuần hành.
Nhà báo Trần Đức Tiến đọc một bài thơ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại Đảo Gạc Ma
Nguồn: http://xuandienhannom.blogspot.com/2016/03/ha-noi-tuong-niem-28-nam-tran-tham-sat.html
Sài Gòn tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma
Ngày 14-3-2016 trước lời kêu gọi của CLB Lê Hiếu Đằng và NO-U Sài Gòn đã khá đông người dân Sài Gòn đến tượng đài Trần Hưng Đạo để dự lễ tưởng niệm 64 anh hùng đã hy sinh bảo vệ Gạc Ma – Trường Sa năm 1988…
…Với không khí hào hùng của tinh thần yêu nước và tự hào Dân Tộc, người dân Sài Gòn đã tri ân và vinh danh 64 anh hùng liệt sĩ đã bị thảm sát dưới họng súng giặc Tàu, hy sinh tính mạng của mình cho Tổ quốc.
Đúng 9 giờ lễ tưởng niệm bắt đầu. Một phút mặc niệm các linh hồn đã vì nước quên thân đã hy sinh tại Gạc Ma. Mọi người cúi đầu mặc niệm trong cái im lặng như ngẹt thở, như cảm thấy sự thổn thức trong lòng. Vì bao nhiêu năm các anh đã bị quên lãng, chỉ một số người dân biết và làm lễ tưởng niệm cho các anh trong vòng 4 năm nay như ngày hôm nay. Ở Hà Nội – Sài Gòn và năm nay có thêm ở Vũng Tàu nữa thôi. Tiếng hô vang: Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam! Đả đảo Trung Quốc xâm lược! Đả đảo Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông!, Đả đảo Trung Quốc giết ngư dân Việt Nam!, vang lên tố cáo tội ác của Trung Quốc đã và đang và tiếp tục lấn chiếm biển đảo của Việt Nam, vẫn giết chết ngư dân, đe doạ và cướp bóc ngư dân Việt Nam.
Trước giờ làm lễ tôi và chị Ánh Hồng đi một vòng trung tâmSài Gòn, khi đi qua Tổng lãnh sự Trung Quốc, họ huy động rất đông công an và và an ninh thường phục quanh lãnh sự, 5 cái loa cực đại để sẵn không biết định làm gì. Qua hồ con Rùa và nhà thờ Đức Bà, nhà hát thành phố thì cũng rất nhiều công an đứng xung quanh. Vâng, đương nhiên điểm nóng nhất là Tượng đài Trần Hưng Đạo thì số an ninh thường phục và công an có lẽ đông hơn cả những người dân đến dự lễ tưởng niệm đứng xung quanh. Nhưng lần này họ ôn hoà hơn và suốt trong cả buổi lễ thì không có sự quấy phá và giật hoa như lần trước, cũng không xuất hiện những dân phòng áo xám hay các thanh niên của Thành đoàn Thành phố. Sau buổi lễ chúng tôi cũng cảm ơn các bạn an ninh và công an đã giữ trật tự ổn định cho buổi lễ.
Dù lễ tưởng niệm cũng đã thành công, nhưng cũng có những thành viên CLB vẫn bị ngăn chăn như nhà báo Kha Lương Ngãi, nhà báo Lê Phú Khải, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo Hạ Đình Nguyên, kỹ sư Tô Lê Sơn… và một số người nữa. Nhưng sau đó nhà báo Kha Lương Ngãi vẫn thoát được và mang vòng hoa cùng băng rôn đến được gần tượng đài thì bị an ninh mặc thường phục chặn lại ngay đầu đường Hai bà Trưng. Các bạn trẻ phải chạy qua giải cứu và đưa được hoa ra tượng đài. Tuy nhiên, nhà báo Kha Lương Ngãi lại vẫn bị chặn lại. TS Vũ Trọng Khải, nhà giáo Trần Minh Quốc và nhà văn Lưu Trọng Văn phải sang can thiệp mới đưa được nhà báo Kha Lương Ngãi tới trung tâm tượng đài dù chỉ cách 20 mét, và anh cũng chỉ có mặt được hơn 20 phút thì lại bị áp giải về nhà, trong khi chúng tôi đi tìm nháo nhác. Còn những thành viên CLB và một số bạn trẻ thường xuyên xuống đường đi đòi công lý và hoà bình đã phải rời nhà trước đó 1-2 ngày mới đến được dự lễ. Gần cuối buổi lễ thì ông Lê Công Giàu trong ban chủ nhiệm CLB mới đến được và ông đã đã thay mặt CLB cảm ơn tất cả mọi người đã đến tham dự buổi lễ hôm nay.
Buổi lễ kết thúc khoảng 10 giờ sáng.
Dưới đây là một số hình ảnh buổi lễ:
Nguồn: FB Suong Quynh https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1857777954448997&set=pcb.1857778737782252&type=3&theater
Học sinh TP.HCM tưởng nhớ phút hào hùng trận chiến Gạc Ma
Hồng Hà (T/H)
Sáng 14/3, cùng với nhân dân cả nước, trong giờ chào cờ hơn 500 thầy trò trường THPT Nhân Việt, TP. HCM đã làm lễ tưởng niệm 28 năm sự kiện Gạc Ma (1988-2016).
Cách đây 28 năm về trước, 14/3/1988, đã diễn ra trận chiến Gạc Ma; 64 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh bảo vệ biển đảo đất nước.
Tin tức trên báo Pháp luật TP. HCM, sáng 14/3, cùng với nhân dân cả nước, trong giờ chào cờ, hơn 500 thầy trò trường THPT Nhân Việt, TP. HCM đã làm lễ tưởng niệm 28 năm sự kiện Gạc Ma (1988-2016).
Đặc biệt hơn, sự kiện này do chính các em lớp 10 – Gạc Ma lên ý tưởng và dàn dựng cho toàn trường. Bởi đây là lớp mang tên đảo Gạc Ma, song song với 14 hòn đảo thiêng liêng của 14 lớp khác trong trường.
Học trò trường THPT Nhân Việt, TP. HCM tưởng nhớ phút hào hùng về trận chiến Gạc Ma 28 năm trước. Ảnh báo Pháp luật TP. HCM.
Buổi lễ diễn ra khoảng 30 phút nhưng rất trang nghiêm và xúc động. Tất cả thầy trò đều mang trên mình đồng phục hải quân mà ngay từ đầu năm học nhà trường thiết kế để sử dụng trong ngày đầu tuần và các sự kiện liên quan đến biển đảo của trường.
Tại đây, các em được nghe thầy hiệu trưởng Bùi Gia Hiếu chia sẻ những sự kiện oanh liệt liên quan đến đảo Gạc Ma diễn ra cách đây 28 năm, ngày 14/3/1988, khi 64 chiến sĩ hải quân đã anh dũng hi sinh để bào vệ đảo trước sự xâm lược của Trung Quốc.
Kết thúc bài nói chia sẻ, Thầy Hiếu gửi gắm: “Ngày hôm nay không chỉ giúp các em biết thêm về lịch sử, về biển đảo thiêng liêng mà nó còn nhắc thầy trò chúng ta sẽ không bao giờ quên sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ hải quân để bảo vệ đảo, bảo vệ tổ quốc trước quân xâm lược. Nó cũng nhắc các em hãy không ngừng nỗ lực học tập để xứng đáng với sự hi sinh đó và nối tiếp truyền thống hào hùng ấy để bảo vệ biển đảo của chúng ta”.
Tiếp đó, các em của lớp Gạc Ma còn trình diễn hoạt cảnh về quá trình chiến đấu và hi sinh của các anh hùng giữa biển khơi để bảo vệ đảo. Các em còn vinh dự hát vang bài hát “lớp 10 Gạc Ma” do nhạc sĩ Trần Hải Bắc lần đầu tiên sáng tác gửi tặng thầy trò của trường nhân sự kiện 14/3 này…
Các HS lớp 10 -Gạc Ma trình diễn hoạt cảnh về sự kiện cách đây 28 năm. Ảnh báo Pháp luật TP. HCM.
Nguồn: http://www.baomoi.com/Hoc-sinh-TP-HCM-tuong-nho-phut-hao-hung-tran-chien-Gac-Ma/c/18875347.epi
Cựu binh biên giới: “Tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma đâu có gì sai đâu”
Đa Nguyên
Ông Trương Tất Vĩnh, cựu chiến binh biên giới Tây Nam với Campuchia, người tham gia tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo sáng 14/3/2016 ở Sài Gòn cho rằng, việc tưởng niệm 64 liệt sỹ hy sinh ở Gạc Ma năm 1988 là việc làm đúng đắn.
Người dân hô “Đả đảo TQ xâm lược”. Ảnh: Huy Phan
Sài Gòn: Cựu binh biên giới Tây Nam tưởng niệm liệt sỹ Gạc Ma 1988
Có khoảng 100 người có mặt ở tượng đài Trần Hưng Đạo, bến Bạch Bạch Đằng, Sài Gòn để tham gia lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma 14-/3/1988 – 14/3/2016.
Ông Trương Tất Vĩnh, cựu chiến binh cho hay, sở dĩ năm nay ông mới ra đây để tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma là vì trước giờ ông không có mạng Internet và chỉ mới đọc được tin.
“Mấy bạn trẻ này dám làm vậy thì tôi huống hồ tôi là già có gì đâu mà sợ, với lại mình làm vậy đâu có gì sai đâu”, ông Vĩnh trả lời câu hỏi khi ông tưởng niệm như vậy có lo sợ các nhân viên an ninh hay không.
Lực lượng an ninh chìm nổi được mô tả là rất đông, tuy nhiên họ chỉ làm công việc quay phim người tưởng niệm.
“Lúc đầu an ninh có cản trở đem vòng hoa vào, nhưng sau đó cũng cho đem vào”, một người tham gia tưởng niệm cho Dân Luận biết.
Những người tham gia tưởng niệm hô các khẩu hiệu: “Hoàng Sa Việt Nam, Trường sa Việt Nam, Đả đảo Trung Quốc xâm lược”, và ca vang các bài ca như Trả lại cho dân, Việt Nam Việt Nam, Việt Nam quê hương ngạo nghễ.
Cuộc tưởng niệm bắt đầu lúc 9h và diễn ra trong vòng 30 phút thì kết thúc.
Cựu chiến binh biên giới Tây Nam Trương Tất Vĩnh. Ảnh: Huy Phan
Một số người hoạt động bị ngăn chặn tại nhà không cho đi tưởng niệm như ông Huỳnh Ngọc Chênh, Huỳnh Kim Báu, Hạ Đình Nguyên…
Vài ngày trước Câu lạc bộ No-U SG, và CLB Lê Hiếu Đằng có lời mời người dân đến tượng đài Đức Thánh Trần để tham gia tưỏng niệm. Bên cạnh đó là thư ngỏ gửi trực tiếp Tân bí thư thành ủy Đinh La Thăng kêu gọi “ngưng các trò phá phách hạ cấp của những năm trước và để cho 2 buổi tưởng niệm đầu năm 2016 diễn ra trong trật tự và trang nghiêm”.
Trước đó, ngày 17/2/2016, cuộc tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở biên giới Tây Bắc với Trung Quốc bị phá rối. Một số người được cho là an ninh, thành đoàn TpHCM cầm dù, giật tan nát vòng hoa tưởng niệm. Ông Đỗ Đức Hợp cầm vòng hoa lên và kêu đích danh Bí thư Thành uỷ TpHCM Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm về việc này.
Đoàn người thắp nhang tưởng niệm trang nghiêm tại tượng đài vua Lý Thái Tổ. Ảnh: Nghiêm Việt Anh
Hà Nội: Tưởng niệm tại chân đài vua Lý chuyển sang tuần hành
Lúc 8h 30 sáng 14/3/2016, khoảng 200 người có mặt tại tượng đài vua Lý Thái Tổ theo như lời kêu gọi của CLB No-U FC để tưởng niệm 28 năm ngày hy sinh của 64 chiến sĩ hải quân nhân dân VN trong cuộc Hải chiến Trường Sa.
“Chúng ta có mặt ở đây hôm nay để ghi nhớ và biết ơn những con người đã hi sinh vì Tổ quốc, vì biển đảo thân yêu, đồng thời là để nhắc nhở người dân Việt Nam về sự kiện bi thương này.
“Cho chúng tôi xin được cảm ơn sự hi sinh của các anh!
“Với chúng tôi, các anh là những anh hùng dù đã không thể chiến đấu sòng phẳng với Trung Cộng vì thiếu thốn quân trang, vũ khí. Và dù có thể đã nhận được lệnh ‘không được nổ súng’, các anh chắc chắn đã không khiếp nhược trước quân thù như những kẻ đang bám bờ giữ 16 chữ vàng 4 tốt”, ông Lã Việt Dũng thay mặt nhóm No – U FC đọc diễn văn tưởng niệm.
Sau đó, mọi người chuyển sang tuần hành quanh bờ hồ Hoàn Kiếm phản đối những động thái xâm lược của Trung Quốc.
Đoàn người xuất phát từ chân tượng đài vua Lý Thái Tổ đến chân tượng đài cảm tử thì kết thúc lúc 9h45.
Đặc biệt có khoảng 6 bạn trẻ từ Quảng Trị cũng tham gia cuộc tưởng niệm lần này, những người này là bạn của con liệt sĩ Gạc Ma tên Nguyễn Mậu Phong.
“Nói chung cũng hơi buồn 1 chút, thôi thì chính quyền VN không làm thì chúng mình tự tưởng niệm.
“Trong ngày này cũng có bố của bạn em hy sinh trong ngày này, bác tên Nguyễn Mậu Phong và em rất vui được tưởng niệm bác ở nơi phố cổ này”, bạn Huyền, bạn trẻ đến từ Quảng Trị chia sẻ.
Bạn trẻ tên Huyền đến từ Quảng Trị. Ảnh: Bạch Hồng Quyền
Lực lượng công an có xe loa đi ngược chiều phát loa lớn yêu cầu đoàn tuần hành giải tán và việc tuần hành chống Trung Quốc là “Gây rối trật tự công cộng”.
Cuộc tưởng niệm ngày hôm nay vắng bóng những người phá rối tự xưng là Dư luận viên.
Một năm trước trong cuộc tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma có khoảng hơn 10 người tự xưng là Dư luận viên mặc đồng phục cờ đỏ sao vàng, phía sau in biểu tượng DLV cầm cờ đỏ sao vàng, và cờ búa liềm ra phá rối, ngăn cản tưởng niệm.
Thậm chí những người này còn có hành vi giật phá băng rôn, khẩu hiệu cũng như ca bài “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng” trong ngày giỗ của các liệt sĩ Gạc Ma.
Các báo nhà nước lên tiếng chỉ trích những hành động này, báo Giáo dục VN gọi những người này là “những kẻ vong ân bội nghĩa”.
Tướng công an Nguyễn Đức Chung sau đó xác nhận lực lượng này không thuộc công an cũng như tuyên giáo và hứa sẽ xem xét xử lý tuy nhiên sau đó không thấy trả lời.
L.N.T