Đất nước có Hiến pháp cũng như không! Ai gây nên nông nỗi?  

Việc chuẩn bị nhân sự chủ chốt (tứ trụ) cho nhiệm kỳ hậu Đại Hội 12 đã được TƯ Đảng lo liệu từ rất sớm. Theo tin trênVietnamnet ngày 24/01/2016: “Sáng nay, 24/1,Phó chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim xác nhận Ban chấp hành TƯ khoá 11 đã thống nhất giới thiệu 4 vị chủ chốt của Ban chấp hành TƯ khoá 12. Theo đó gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội lần lượt giới thiệu cho các ông, bà: Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Thị Kim Ngân. Theo ông Vũ Trọng Kim, khi Đại hội Đảng 12 kết thúc và việc bầu 4 vị trí chủ chốt theo đúng như công tác chuẩn bị nhân sự của Ban chấp hành TƯ khoá 11 thì chỉ có Tổng bí thư là giữ ngay trọng trách của mình. Ba chức danh còn lại là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội phải chờ đến Quốc hội khoá 14 vào khoảng tháng 5/2016. Nếu lúc đó, Quốc hội thống nhất bầu cả ba nhân sự còn lại thì mới chính thức nhận nhiệm vụ”.

Chưa đầy hai tháng sau, cũng trên Vietnamnet ngày 12/03/2016 có bản tin:“Bỏ phiếu giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH” có đoạn nêu: “Ban chấp hành TƯ khẳng định cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội 12 của Đảng; nhất trí cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá 13 theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết tại hội nghị lần này, theo quy chế làm việc, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, là những chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước ta với số phiếu tập trung rất cao”.

Như vậy cùng một nhiệm vụ chuẩn bị nhân sự chủ chốt lãnh đạo cơ quan Nhà nước thời kỳ hậu Đại hội 12 nhưng chỉ trong vòng hai tháng, TƯ Đảng đã thay đổi về chủ trương thực hiện. Chủ trương về nhân sự của Đảng được công luận đưa tin như trên không chỉ là việc trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt nam mà có liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các chức danh lãnh đạo Nhà nước theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam. BCHTƯ Đảng “nhất trí cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13 theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Chủ trương như trên thực hiện “theo quy định của Đảng” thì tôi không lạm bàn nhưng “theo quy định của pháp luật của Nhà nước” thì có cơ sở để xem xét. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt nam. Bản Hiến pháp đang có hiệu lực là bản của năm 2013 đã được Quốc hội khóa 13 kỳ họp thứ 6 thông qua vào sáng ngày 28 tháng 11 năm 2013 với số phiếu thuận áp đảo.Vậy chỉ cần đối chiếu chủ trương của Đảng về nhân sự cấp cao của của Nhà nước đã được quyết định tại Hội nghị lần 2 BCHTƯ khóa 12 như đã được công bố trên báo chí với một số Điều quy định của Hiến pháp 2013 trích sau đây thì sẽ rõ.

Chuong I – Thể chế chính trị

Điều 4 khoản 3 –Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Chuong V – Quốc hội

Điều 69 – Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Điều 70 – Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

– Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật;
– Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội;…

– Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.
Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp;

– Điều 71 – Nhiệm kỳ mỗi khóa Quốc hội là 5 năm

– Điều 83 – Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá mới được triệu tập chậm nhất là sáu mươi ngày, kể từ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội khoá trước khai mạc và chủ tọa cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch Quốc hội.

Chương VI – Chủ tịch nước

Điều 86- Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. .

– Điều 87 –
Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.
Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước.

Chương VII – Chính phủ ..

Điều 97 – Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ mới.

Điều 98 – 3. Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Từ các quy định của Hiến pháp 2013 như trên cho thấy: Quốc hội, các chức danh lãnh đạo Nhà nước do Quốc hội bầu hoạt động theo nhiệm kỳ (5 năm). Sau ngày Quốc hội mãn nhiệm kỳ, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cùng các chức danh lãnh đạo Nhà nước do Quốc hội bầu vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu các chức danh lãnh đạo Nhà nước nhiệm kỳ mới.

Không có quy định nào của Hiến pháp 2013 cho phép Quốc hội hết nhiệm kỳ bầu các chức danh lãnh đạo Nhà nước thuộc quyền của Quốc hội nhiệm kỳ tiếp theo. Như vậy cho đến ngày 13.01.2016, ngày kết thúc phiên họp thử 14 BCHTƯ Đảng khóa 11, TƯ Đảng vẫn có chủ trương về nhân sự đúng theo quy định của Hiến pháp như ông Vũ Trọng Kim thông báo với báo chí. Nhưng đến Hội nghị BCHTƯ Đảng lần 2 khóa 12 kết thúc chiều ngày 12/3/2016, qua phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng được báo chí truyền tải cho thấy BCHTƯ Đảng không chờ đến dịp bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ 14 mới thay đổi các chức danh lãnh đạo nhà nước mà “nhất trí cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá 13 theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”, tức là cho Quốc hội mãn nhiệm kỳ bầu cử các chức danh Nhà nước của nhiệm kỳ tiếp theo, thực chất là “thay ngựa giữa dòng” không chờ đến dịp bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ mới “theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Căn cứ vào Hiến pháp 2013, bộ luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam cho thấy BCHTƯ Đảng khóa 12 chủ trương cho kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước thuộc nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 ngay trong nhiệm kỳ Quốc hội 13 là điều chưa có tiền lệ, trái với các quy định của Hiến pháp 2013 kể cả Điều 4. Hơn nữa các ông bà được TƯĐ nhất trí cao giới thiệu để bầu trong kỳ họp 11 Quốc Hội khóa 13 cũng chỉ là đại biểu Quốc Hội nhiệm kỳ khóa 13,việc bầu cử Quốc Hội nhiệm kỳ khóa 14 còn chưa triễn khai thì các ông, bà nêu tên trên cũng chưa phải là đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới thì chuyện “giao cho Quốc hội 13 bầu các ông bà trên vào các vị trí CTN, TTCP, CTQH” là điều cực kỳ khó hiểu! Chẳng phải đây là chuyện “đặt cái cày đi trước con trâu” đó sao? Cả nước đang chờ xem thái độ của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội nhiệm kỳ 13 đối với nhiệm vụ “kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước” như hội nghị BCHTƯ Đảng khóa 12 giao sẽ có kết quả thế nào? Cũng xin phép được nhắc lại: các đại biểu ưu tú được nhân dân tín nhiệm bầu vào Quốc hội khóa 13 cũng chính là số người đã thảo luận và biểu quyết thông qua Hiến pháp vào ngày 28 tháng 11 năm 2013 mà người ký để Hiến pháp 2013 có hiệu lực thi hành là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng người sẽ điều khiễn kỳ họp mãn nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 và cũng là người giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban bầu cử Quốc gia tổ chức bầu cử Quốc hội khóa 14 đự kiến diễn ra vào tháng 5/2016.

Hà Nội 13/3/2016

L.N.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Hiến Pháp. Bookmark the permalink.