Cam chịu sẽ dần biến thành sự buộc phải chấp thuận quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc đối với Biển Đông. Khi đó, việc có hay không các công ước về luật Biển, bao hàm cả UNCLOS cũng chẳng thể làm được gì nhiều để thay đổi một thực tế: Đường chữ U đã được xác lập dần trên thực tế.
Kỳ 1: Tỉnh táo với toan tính mới của TQ ở Biển Đông
Chủ quyền quốc gia và vấn đề chèn ép
Như đã nêu, mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là nhằm kiểm soát con đường hàng hải quốc tế, đi từ Trung cận đông qua Ấn Độ Dương, và đi vào Biển Đông.
Theo đà tăng trưởng kinh tế, con đường biển này ngày càng trở nên có tính sống còn với Trung Quốc[3]. Nhưng nó cũng có tính chất sống còn với Mỹ, Nhật và các nước trong vùng. Một sự hợp tác an ninh hàng hải quốc tế giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật và ASEAN sẽ là lý tưởng cho sự ổn định và phồn thịnh của khu vực. Nhưng việc biến vùng biển quốc tế đó thành lãnh hải thuộc địa phận Trung Quốc, lại là một bảo đảm an ninh hơn cho Trung Quốc, với cái giá là chủ quyền của các nước nhỏ hơn trong khu vực bị xâm hại. Nói khác đi, chúng ta đang chứng kiến một tiến trình mà Trung Quốc đang tìm cách chèn ép các nước nhỏ để vẽ lại bản đồ khu vực.
Sự chèn ép, hay tranh chấp song phương về chủ quyền biển đảo, quyền khai thác dầu và đánh bắt cá, chỉ là bước đi ban đầu, được lồng trong một tranh chấp lớn hơn về quyền kiểm soát đường hàng hải chiến lược đi qua Biển Đông, với hơn 1/3 thương mại toàn cầu đi qua vùng biển này. Để tránh một cuộc xung đột về quyền tự do hàng hải trong tương lai, chúng ta phải hiểu rõ sự được mất của mỗi bên trong cuộc chơi chèn ép về chủ quyền song phương, mà Trung Quốc đang tiến hành. Trung Quốc kỳ vọng gì?
Mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là nhằm kiểm soát con đường hàng hải quốc tế, đi từ Trung cận đông qua Ấn Độ Dương, và đi vào Biển Đông. |
Và tại sao việc chèn ép các nước nhỏ lại là các bước đệm ngắn hạn cho việc đạt mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là kiểm soát con đường hàng hải chiến lược qua Biển Đông? Việc trả lời các câu hỏi như vậy sẽ cho phép tìm ra cơ chế thúc đẩy an ninh khu vực, thông qua các giải pháp thương lượng hòa bình.
Để cụ thể, hãy nhìn lại vụ Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của Tàu Bình minh 02 của Việt Nam vào các năm 2011, 2012, hay là việc đưa dàn khoan 981 vào lãnh hải Việt Nam vào năm 2014. Hoặc việc Trung Quốc cho xây dựng cột sắt và thả phao ở bãi Amy Douglas vào 2011 và chiếm bãi cạn Scarborough vào 2012. Trước các hành động gây hấn như vậy của Trung Quốc, phía Việt Nam và Philippines có thể có năm lựa chọn chính: Thứ nhất, không có phản ứng gì.
Thứ hai, ra công hàm phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc trên các diễn đàn song phương hoặc đa phương, như tại Liên hiệp quốc. Thứ ba, đem vụ việc ra kiện ở Tòa án Quốc tế. Thứ tư, có hành động tự vệ một cách kiềm chế, nhưng thực chất, vẫn sẵn lòng nhân nhượng để tránh xung đột leo thang.
Chẳng hạn như việc Philippines cho nhổ các cột sắt, hoặc cho bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và đòi xử họ theo luật. Hay Việt Nam cho lực lượng cảnh sát biển ra yêu cầu phía Trung Quốc di dời dàn khoan 981. Thứ năm, kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền, mà không có bất cứ một sự nhân nhượng nào. Ví dụ như việc Nhật quốc hữu hóa Senkaku; và Mỹ tuyên bố đưa Senkaku vào trong phạm vi của hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ.
Cần phải nói rằng, nếu vụ việc chỉ gói gọn trong xung đột có tính song phương, thì việc ra công hàm phản đối cũng gần giống như không làm gì cả. Mặt khác, việc đem ra kiện tại Tòa án Quốc tế về tranh chấp đánh bắt cá hay khai thác dầu, thường hết sức tốn kém, mất thời gian và dễ bị làm cho rắm rối, do luật quốc tế không thể đủ chi tiết để áp dụng ngay cho việc xử các vụ kiện như vậy.
Cuối cùng, khi xảy ra một chuỗi các vụ tranh chấp liên tiếp, thì tính phức tạp của vụ việc chỉ có tăng. Và nguy cơ xung đột có thể nổ ra. Điều đó dĩ nhiên chỉ có lợi cho bên lớn hơn, dùng sức mạnh để chèn ép, hơn là bên nhỏ hơn, bị xâm hại, nhưng buộc phải phản ứng có kiềm chế và thỏa hiệp. Về lâu dài, điều đó cũng giống như không làm gì để tránh nổ ra xung đột.
Như vậy, xét trên quan điểm của Trung Quốc, việc gây hấn về quyền đánh bắt cá hay khai thác dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia nhỏ hơn trên Biển Đông sẽ có lợi ở chỗ: (i) Trung Quốc có thể giữ cho mức độ xung đột đủ nhỏ, để mâu thuẫn mang tính song phương, mà phía bị xâm hại ít làm được gì để thay đổi cục diện tình hình; và (ii) Chuỗi xung đột phải đủ liên tục và đều khắp ở các điểm chiến lược trên Biển Đông, để biến các sự việc đã rồi thành quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc về việc khai thác các nguồn lợi, mà chỉ quốc gia có chủ quyền được phép làm.
Nói rõ hơn, việc Philippines xua đuổi tàu cá Trung Quốc hay nhổ cọc ở bãi đá mà Trung Quốc vừa dựng lên chỉ làm tăng rủi ro bị Bắc Kinh tuyên bố rằng, Philippines sẽ phải hứng chịu các hành động “chấp pháp” của Trung Quốc. Sức mạnh quân sự vượt trội và ngày càng mạnh của Trung Quốc khiến cho nước nhỏ trong vùng phải đối mặt với rủi ro là sẽ chịu tổn thất rất lớn, nếu một mình dám cưỡng lại hành động “chấp pháp” của Trung Quốc.
Nhìn trước kết cục như vậy, nước nhỏ đó có thể phải ngồi yên không làm gì, ngoài việc ra công hàm phản đối, mà về thực chất cũng là không làm gì. Chính vì logic của sự chèn ép đó, mà Việt Nam ngồi yên, khi Trung Quốc ra lệnh cấm bắt cá trong thời gian dài, trên một vùng biển rộng lớn, bao gồm cả thềm lục địa của Việt Nam.
Cam chịu sẽ dần biến thành sự buộc phải chấp thuận quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc đối với Biển Đông. Khi đó, việc có hay không các công ước về luật Biển, bao hàm cả UNCLOS, thì cũng chẳng thể làm được gì nhiều để thay đổi một thực tế: Đường chữ U đã được xác lập dần trên thực tế. Điều đó bao hàm rằng, đường hàng hải chiến lược đi qua Biển Đông, dần sẽ thuộc về Trung Quốc. Các nước khác sẽ buộc phải tuân thủ trật tự mới, được cưỡng chế bởi sức mạnh quân sự của Trung Quốc, theo dự đoán là có thể thách thức Mỹ ở Tây Thái bình Dương vào năm 2030.
Chiến lược chèn ép của Trung Quốc nhằm thôn tính Biển Đông có thể được tóm tắt như sau:
Ngay sau vụ việc Trung Quốc xâm hại quyền khai thác tài nguyên thuộc chủ quyền nước khác, như đánh bắt cá hoặc khai thác dầu của Việt Nam / Philippines. Cụ thể là vụ dàn khoan 981. Nếu không gặp phải phản ứng gì, thì Trung Quốc sẽ ghi được 1 điểm trong chuỗi các bước chèn ép nhằm thôn tính Biển Đông. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam / Philippines bị mất 1 điểm trong việc bảo vệ chủ quyền.
Một lựa chọn khác là thay vì ngồi yên, Việt Nam / Philippines có thể có phản ứng tự vệ một cách cương quyết, phù hợp với thỏa thuận khu vực và công ước quốc tế. Nhưng ngay sau khi vấp phải sự phản ứng tự vệ đó của Việt Nam / Philippines, Trung Quốc có thể đáp lại bằng hai cách: Thứ nhất, tôn trọng cam kết của mình về nguyên tắc ứng xử Biển Đông (DOC) và Luật Biển quốc tế (UNCLOS). Khi đó, các bên đạt được sự hòa giải sau xung đột vừa xảy ra. Trung Quốc không ghi thêm được điểm nào trong chuỗi các bước thôn tính Biển Đông (ghi điểm 0). Và Việt Nam / Philippines cũng không bị mất điểm về chủ quyền (tức là “mất” 0 điểm).
Ngược lại, Trung Quốc có thể nuốt lời hứa tôn trọng thỏa thuận khu vực và Luật quốc tế. Cụ thể là Trung Quốc tô vẽ lại vụ việc xung đột vừa xảy ra như mình là bên bị xâm hại và vì vậy, buộc phải có hành động “chấp pháp”.
Với sự bất cân xứng về sức mạnh kinh tế và quân sự, phần thắng trong xung đột song phương sẽ thuộc về kẻ nào mạnh hơn, bất kể công lý. Cụ thể là, Trung Quốc ghi được 2 điểm liên tiếp trong chuỗi các bước “xác định lại” trật tự khu vực. Việt Nam / Philippines bị mất 2 điểm. Các tình huống trên được biểu diễn bởi lược đồ sau:
Sơ đồ 1: Cuộc chơi chèn ép chủ quyền song phương do Trung Quốc tiến hành |
Ta có thể thấy là, nếu Việt Nam/Philippines “phản ứng tự vệ” một cách đơn phương, thì việc “xác định lại” trật tự khu vực sẽ diễn ra nhanh hơn. Nhìn trước kết cục như vậy, thì ngay từ đầu, khi vừa xảy ra việc Trung Quốc gây hấn (vụ giàn khoan 981, hay vụ chiếm bãi cạn Scarborough), Việt Nam/Philippines sẽ chọn việc gửi công hàm phản đối, hoặc kiên trì thuyết phục, tuyên truyền, mà không có hành động tự vệ trên thực tế. Kết cục là Trung Quốc chỉ ghi được 1 điểm. Việt Nam / Philippines chỉ bị mất có 1 điểm về bảo vệ chủ quyền. Dù sao đi nữa, chủ quyền của Việt Nam / Philippines vẫn bị xâm hại.
Còn tiếp
L.H.N.
Về tác giả: Lê Hồng Nhật tốt nghiệp Tiến Sĩ kinh tế học tại Đại học Stanford (Mỹ), hiện công tác tại Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG HCM và là nghiên cứu viên không thường trú (Non-Resident Senior Fellow) tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM.
Bài nghiên cứu được xuất bản lần đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, ĐH KHXH&NV TPHCM.
Tuần Việt Nam đăng tải bài viết theo chương trình hợp tác với trang Nghiên cứu Quốc tế (Nghiencuuquocte.org)
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại.
—————
[1] According to Stephen D. Krasner (1999), the term “souvereignty” could be understood in two main ways: (1) domestic sovereignty – actual control over a state exercised by an authority organized within this state. (2) international legal sovereignty – formal recognition by other sovereign states.
[2] Theo Viện nghiên cứu của Trung Quốc, Unirule (2011)
[3] Hiện tại 80% dầu của Trung Quốc vận chuyển qua con đường biển quốc tế này. Khối lượng chuyên trở dầu sẽ tăng từ 10 triệu thùng (10 millions barrels) một ngày vào năm 2002 lên 20 triệu thùng một ngày vào năm 2020.
[4] Điều này ngược với suy nghĩ của nhiều chính sách gia tại Việt Nam cho rằng lợi thế lao động rẻ và suất thuế thấp đánh vào việc sử dụng tài nguyên, như đất đai, là cái thu hút FDI. Nếu không có sự tiến bộ về tổ chức và công nghệ, thì khả năng thu hút FDI ngày càng có xu hướng chậm lại, khi tỷ lệ FDI/GDP ngày càng cao.
[5] Trong Sơ đồ 2, cuộc chơi chèn ép song phương được viết gọn lại là kết cục Việt Nam “không phản ứng”. Và bên cạnh đó, Việt Nam có lựa chọn là gia nhập TPP.
[6] Theo dự đoán của các chuyên gia và các tổ chức có uy tín, tới năm 2050, Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại có thể chiếm đến 50% GDP toàn cầu. Vì vậy, giá trị thông thương trên đường biển quốc tế qua Biển Đông sẽ là vô cùng lớn trong tương lai.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/292779/bien-dong-cam-chiu-mai-se-thanh-chap-nhan.html