Đã có những lần bầu cử dân chủ như thế     

Những điều GS Nguyễn Đình Cống đề cập trong bài viết dưới đây hầu như đều xảy ra ở các cơ quan khoa học và các trường đại học trong cả nước trong những năm ngắn ngủi cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỷ XX, chứ không riêng ĐHBK hay ĐHXD Hà Nội mà thôi. Quả thật,  Đó là một khoảng thời gian phấn chấn và khởi sắc rất hiếm hoi, chỉ xẹt qua như sao băng, đến khoảng vài ba năm đầu những năm 90 đã một đi không còn trở lại.

Có người nói Đảng đã nhanh chóng rút được kinh nghiệm để giành lại quyền “ông chủ” của mình trong các cơ quan khoa học. Nhưng một số người có khả năng tiếp cận với những nguồn thông tin quan trọng hơn cho biết: Thực tế khi mấy ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, đến Hội nghị Thành Đô “quy phục Thiên triều” để cố bám víu lấy mối quan hệ “ý thức hệ” với “ông anh Hai”, khi mà “ông anh Cả” cùng với đám chư hầu Đông Âu đồng loạt sụp đổ gây nên một tâm lý lo lắng đến thảng thốt, thì đồng thời họ cũng bắt đầu cho cán bộ chuyên trách hết lớp này lớp khác sang TQ học hỏi kinh nghiệm, nhằm làm cách nào giữ được vai trò thống trị của Đảng, trước nguy cơ tinh thần dân chủ đang bùng phát trong nhiều tổ chức hành chính cũng như chuyên môn – một “mối đe dọa tiềm ẩn” không thể nói là không đáng lo ngại cho việc giữ vững ngôi vị của Đảng trong lâu dài.

Và thế là, cùng với nhiều “bài học sát sườn” ôm về từ nước CS đàn anh, trong rất nhiều biện pháp đối phó với xu thế nẩy sinh các cuộc đấu tranh dân chủ – kể cả những chuyện kỹ thuật như cho điều khiển tiếng loa nhỏ lại, thậm chí tắt điện, trên các diễn đàn khi đến hồi gay cấn, hoặc trong các Tòa án khi LS bắt đầu tranh luận… – , hiện tượng bầu cử dân chủ các chức vụ lãnh đạo các cơ quan khoa học mới được tiến hành đâu chỉ có một kỳ, đã được thay đổi rất lẹ sang “lấy phiếu tín nhiệm” mà thực chất là trở về… “vạch xuất phát”. Không chỉ thế, rất nhiều tệ nạn, như tổ chức tuyển thi người giỏi vào biên chế cơ quan, cũng chỉ sau vài lần tiến hành đàng hoàng, đến nay hầu như đã biến mất, thay vào đó là một sự chiếu lệ đáng kinh ngạc, mà người được nhận vào biên chế, ít khi nếu không nói là không bao giờ, lại là người giỏi nhất. Chuyện “nhất thân nhì thế” tưởng đã đi vào dĩ vãng từ lâu thì gần đây lại lặng lẽ được phục hồi.

Nhìn vào tình trạng của các cơ quan khoa học hiện nay, người tinh ý đều có thể thấy một không khí trầm lắng, xuôi chiều, một sự thiếu vắng những gương mặt có tài năng và bản lĩnh, nhất là thiếu đi một không khí tranh luận, phản biện dân chủ vốn là nhân tố quan trọng nhất để thúc đẩy khoa học phát triển. Đó là điều khiến những ai quan tâm đến tương lai của nền khoa học đất nước đều không kém lo âu. Bài viết của GS Nguyễn Đình Cống chỉ nói riêng việc bầu cử dân chủ mà thôi, nhưng chính nó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân để khoa học cũng như mọi lĩnh vực khác của đất nước, nếu chúng tôi đoán không nhầm, hiện đang rơi vào một chặng đường suy thoái trầm trọng.

Bauxite Việt Nam    

Sắp tới ở Việt Nam sẽ có cuộc ĐẠI BẦU CỬ.

Nhân dân đã nhiều lần bầu cử theo kiểu áp đặt  “Đảng cử dân bầu”. Thế mà  đã  vài lần có các cuộc bầu cử thật sự dân chủ. Đó là ở các trường Đại học vào thời gian 1989-1993. Xin kể vài  cuộc như thế mà tôi biết.

1 – Bầu Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1989

Cuộc bầu này xẩy ra  lúc tôi còn làm chuyên gia tại Châu Phi, khi về nước mới tìm hiểu. Trước Đại học Bách khoa đã có vài trường đại học dân chủ bầu Hiệu trưởng, nhưng tôi không biết rõ. Tại ĐHBK bầu 2 lần. Lần 1 có 5 ứng cử viên. Mỗi người phải tranh cử bằng cách làm và trình bày một bản đề cương ứng cử (hoặc kế hoạch công tác), phải dự buổi chất vấn, trả lời các câu hỏi của cử tri toàn trường. Lần bầu thứ nhất không có ai đạt quá 50% số phiếu nên chọn ra 2 người có số phiếu cao nhất để bầu vòng 2. Lúc này 2 ứng viên tiến hành vận động tranh cử. Đó là một dịp sinh hoạt dân chủ có thực chất. Kết quả Giáo sư Hoàng Trọng Yêm thắng cử và trở thành Hiệu trưởng. Việc bầu cử Hiệu trưởng ở các Trường đại học vào thời kỳ ấy là một mẫu mực cho bầu cử dân chủ.

2 – Bầu Chủ tịch BCH Công đoàn trường ĐH Xây dựng năm 1988

Đại hội Đảng bộ trước đó đã bầu Phó giáo sư Phùng vào Đảng ủy với cơ cấu sẽ làm Chủ tịch  BCH Công đoàn. Điều đó nhiều cán bộ trong trường đã biết. Trong đại hội Công đoàn, đại diện Đảng ủy công khai giới thiệu PGS Phùng. Thế nhưng khi bầu Chủ tịch BCH, có đại biểu đề cử thêm PGS Trần. Kết quả bầu, PGS Trần thắng cử, làm Chủ tich BCH CĐ trong một nhiệm kỳ. Việc này  gây nên một tiếng vang trong toàn trường. Đoàn viên công đoàn ĐHXD đã trả lời cho Đảng ủy biết rằng dân chủ không đồng nhất với sự áp đặt. Đảng cử nhưng dân không bầu. PGS Trần sau đó được phong lên thành Giáo sư. Trong nhiệm kỳ do GS Trần làm Chủ tich BCH, Công đoàn trường ĐHXD vẫn hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, nhưng thỉnh thoảng Công đoàn cũng có những hoạt động độc lập.

3 – Bầu Hiệu trưởng Đại học Xây dựng năm 1990

Bắt đầu bằng một cuộc ứng cử và đề cử rộng rãi với danh sách trên 20 người, sau đó nhiều người xin rút, còn lại 5, tôi là 1 trong số đó. Cả 5 người đều gần như là tự ứng cử, không có ai do Đảng cử. Cũng giống như ở ĐH BK, mỗi ứng viên phải làm và trình bày 1 bản đề cương, vận động bầu cử, trả lời các câu hỏi của cử tri trong cuộc họp 1 ngày. Tôi đã bỏ nhiều công sức để làm bản đề cương. Tôi thu thập trên chục bản của các ứng viên Hiệu trưởng của các trường bạn về tham khảo và chỉ học được từ đó rất ít. Các bản đề cương đều tập trung trả lời câu hỏi: Nếu được bầu làm Hiệu trưởng  sẽ làm những việc gì. Trong đề cương của tôi cũng có nói đến sẽ làm việc gì, nhưng chú trọng nhiều hơn đến vấn đề sẽ làm như thế nào để phát huy dân chủ và tiềm năng của mọi người.Theo dư luận của bạn bè thì đó là bản đề cương được đánh giá là hay nhất.  Tôi gặp GS Hoàng Trọng Yêm để hỏi kinh nghiệm, anh Yêm là bạn học cũ, vừa thắng cử tại ĐHBK. Kết quả bầu vòng 1 GS Nguyễn Văn Chọn thắng cử với 51% số phiếu. Trong 5 ứng viên thì tôi được xếp thấp nhất về học hàm, học vị, tuổi đảng và chức vụ chính quyền (lúc này tôi vừa đi làm chuyên gia ở Châu Phi về, đã thôi chức trưởng bộ môn, chỉ đang  là một thầy giáo bình thường), thế mà tôi đạt số phiếu cao thứ 2, chỉ sau anh Chọn. Cuộc bầu cử ở ĐHXD thực sự dân chủ. Trong quá trình vận động tôi và nhiều bạn bè dự đoán là anh Chọn và tôi sẽ có phiếu cao trong lần 1 để vào tranh cử lần 2 như ở ĐHBK, nhưng anh Chọn đã thắng ngay trong vòng đầu.

4 – Bầu Chủ nhiệm Khoa Xây dựng năm 1991

Chủ nhiệm khoa đương nhiệm lúc đó là PGS Đoàn. Chi bộ Đảng nhất trí giới thiệu anh Đoàn tái cử. Dư luận rộng rãi cho rằng anh Đoàn làm tiếp cũng được và không cần đề cử thêm người khác, để danh sách 1 người cho dễ bầu. Thế nhưng khi đưa ra tập thể tôi đã tự ứng cử. Tôi với anh Đoàn tương đương nhau về tuổi đời, tuổi Đảng , học vị, học hàm và quá trình công tác. Anh Đoàn có ưu thế hơn là đương chức chủ nhiệm và được Đảng cử. Tôi tuy đã từng là trưởng bộ môn nhưng hiện tại chỉ là thầy giáo bình thường. Việc ứng cử trượt chức hiệu trưởng  mà không được cử làm phó,  không biết là một yếu thế hay lợi thế, chỉ biết rằng trong cả 2 trường hợp tôi không được Đảng cử.

Cũng giống như lần bầu hiệu trưởng, lần này 2 người cũng phải tranh cử bằng cách trình bày bản đề cương và trả lời các câu hỏi. Kết quả bầu tôi thẳng cử với 65% số phiếu. Một lần nữa nhiều người được chứng kiến cảnh Đảng cử nhưng dân không bầu.

Lời kết

Việc bầu cử dân chủ như thế ở các trường đại học chỉ xẩy ra trong vài năm. Từ 1994 trở về sau, việc bổ nhiệm hiệu trưởng  và chủ nhiệm khoa được tiến hành bằng cách “lấy phiếu tín nhiệm”. Cách lấy phiếu như vậy giúp Đảng tránh được hiện tượng Đảng cử nhưng dân không bầu, tuy vậy dân chủ được đến đâu  thì cũng khó mà biết được vì theo quy trình do tổ chức đưa ra thì việc kiểm phiếu được thực hiện khá bí mật. Những người đã từng tham dự bầu cử dân chủ thỉnh thoảng lại tiếc cho một một thời đã qua, chưa biết đến bao giờ mới trở lại.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.