Sau khi thống nhất đất nước 1975, Ban lãnh đạo chính quyền Việt Nam như đang bồng bềnh trên mây. Được sự khuyến khích hào phóng của các bậc đàn anh, mặc dù dân chúng đang đói khát triền miên sau khi đã thắt lưng buộc bụng dồn hết nhân tài vật lực cho cuộc nội chiến, nhưng vũ khí trang thiết bị chiến tranh thì lại thừa thãi và hiện đại vô cùng.
Cùng với suy nghĩ rằng, hành động bạo lực xâm lược các quốc gia yếu đuối để mở rộng khối Cộng sản như Liên Xô đang làm với Afghanistan, thì việc trước mắt là Việt Nam cần phải tạo ra thành tích ấn tượng với ông “anh cả” xứ Bạch Dương. Và thế là việc ông láng giềng Campuchia dân chủ đang gây rối nơi biên giới lại là một món quà đến đúng lúc với những nhà chính trị cùng các vị tướng hung hăng ở Bộ Tổng tham mưu. Thời của nước Campuchia dân chủ Cộng sản cùng số phận của Polpot cũng đã điểm khi cả bọn đã dại dột “mó dái ngựa”. Lúc này có là Cộng sản hay không Cộng sản thì cũng chẳng có giá trị gì, và thậm chí chính vì là các quốc gia Cộng sản với nhau mà họ mới đánh nhau tàn bạo như những phường thảo khấu lục lâm vậy. Nếu thực sự là những quốc gia dân chủ thì hẳn sẽ không có những đòn tận diệt, không có sự tàn sát, ghê gớm như thế.
Cuộc xung đột 17/2/1979, cũng như mười năm sau đó có thể đã không xảy ra, và hàng vạn nam thanh nữ tú của chúng ta có thể đã không phải bỏ mạng oan uổng trên chiến trường, nếu như chúng ta có được những người lãnh đạo xứng tầm. Ít nhất là những chính trị gia không như TBT Lê Duẩn với quan điểm sắt máu: “Chúng ta chiến đấu cho Liên Xô….” (?!). Nhưng chúng ta đã không có những nhà lãnh đạo có viễn kiến, yêu nước thương dân, mà chỉ là những ông tướng mặt sắt đen sì, coi chiến tranh như hoạn lộ để thăng quan tiến chức. Và thế là chiến cuộc đã xảy ra…
Cùng với với thời gian và nhiều nguồn tư liệu được giải mật, sự thật vốn luôn được Đảng giấu kín dần dần sáng tỏ. Ở thượng tầng kiến trúc thì toàn những âm mưu đen tối bẩn thỉu, những kế sách hành binh lạnh lùng trước bao mạng người. Còn nơi chiến trường ác liệt thì mọi biện pháp giết chóc khủng khiếp nhất đều được tung ra với những người vốn là đồng chí, là anh em trên tinh thần vô sản. Giết chóc, hãm hiếp, chôn sống, dùng mìn hủy diệt cả dân thường, không biện pháp nào, dù tàn bạo tới đâu mà các chiến binh cuồng tín của cả hai bên không làm. Và thật khủng khiếp khi đó mới chỉ là sự dạy và học giữa các quốc gia Cộng Sản với nhau.
Trở lại với cuộc chiến ở biên giới phía Bắc, nhìn qua bản đồ diễn tiến những tháng đầu năm 1979 ta thấy rõ ràng đây không phải là một cuộc chiến tranh với mục đích là xâm chiếm đất đai, lãnh thổ. Với lực lượng quân sự hoàn toàn áp đảo cùng với sự cung ứng đầy đủ của phần đất nhà mà quân xâm chiếm có được thì họ hoàn toàn thảnh thơi cho công việc chiến sự. Bởi lẽ phần hậu phương với phần tiền tuyến của kẻ thù chỉ vỏn vẹn vài chục km theo đường chim bay. Và với lực lượng quân sự hai bên như thế thì Trung Cộng có thể kéo chiến sự về tới Hà Nội nếu họ muốn.
Các lực lượng khác của Trung Cộng như hải quân, không quân cũng không tham gia để chứng tỏ vai trò đàn anh của mình, cũng như cho Hà Nội thấy đây chỉ là đòn trừng phạt không hơn không kém. Nó cũng cho thấy, đàn anh Trung Cộng ra đòn trừng phạt thằng em mất dạy Việt Nam là có kiểm soát, tăng giảm hay lên xuống tùy theo mức độ biết điều của đối tượng. Nhẹ nhàng thì chỉ là những đòn tấn công dọc biên giới, ăn sâu vào vài cây số. Còn ương bướng nặng nề thì là những cuộc tấn công vào sâu hơn trong lãnh thổ, nơi có các thị xã quan trọng của Việt Nam. Tóm lại thì Trung Cộng đã rất rõ ràng khi ra roi, và cái bàn tọa của thằng em Việt Nam sẽ lãnh đủ nhiều hay ít roi tùy theo thái độ biết điều hay không.
Gần một tháng chiến tranh, ngó lên phía Bắc thì ông “anh cả” chỉ giúp đỡ bằng mồm và hy vọng Liên Xô động binh vì mình thì chỉ là nằm mơ giữa ban ngày. Đến khi quân đội Trung Cộng đã bắt đầu tấn công và lấn chiếm nhiều vùng quan trọng trong đó có các thị xã lớn như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn thì các vị “đỉnh cao trí tuệ” lúc ấy mới thấy hoảng hồn. Ba Đình rúng động chuẩn bị kế hoạch rời Kinh. Thi hài lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng đã được bí mật đưa khỏi thủ đô Hà Nội để “hành phương Nam”. Các cơ quan trọng yếu bắt đầu ùn ùn sơ tán. Trong khi ấy, các đơn vị thiện chiến được điều từ miền Nam và Campuchia về thì chỉ lập phòng tuyến cố thủ quanh Hà Nội. Nhiều chiến sĩ của các đơn vị quân chủ lực không bắn được một phát súng nào về phía kẻ thù. Các đơn vị quân sự địa phương và dân quân du kích mới là những người trực tiếp cầm súng chiến đấu, phần lớn hy sinh ngay từ những lần chạm súng đầu tiên. Cuộc chiến trong một tháng trời đó là một cuộc chiến lạ đời khi vừa chiến đấu, vừa làm sao cho kẻ thù biết rằng ta đã không chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc. Về quy mô, không có cuộc chiến ở cấp độ sư đoàn. Lực lượng không quân, mặc dù vẫn bay đi tham chiến ở Campuchia nhưng lại không hề ném một quả bom nào xuống trận địa quân Trung Quốc xâm lược.
Thế rồi cuộc xung đột giữa hai người anh em cùng ý thức hệ cũng hạ màn. Trong khi, ông Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc lời hiệu triệu toàn dân về việc “Tổ Quốc lâm nguy”, ông Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc lời Tổng động viên thì cùng ngày, ông Đặng Tiểu Bình tuyên bố đã “dạy xong bài học cho Việt Nam” và ra lệnh rút quân!
Vậy Việt Nam ta đã làm gì cho cái tình huống chiến tranh không giống ai đó? Một chiến lược gia quân sự người Đức đã nói: “Nếu một cuộc chiến tranh không có mục đích gì, không lợi lộc gì thì không nên có cuộc chiến tranh ấy”.
Rõ ràng cuộc chiến bắt đầu từ ngày 17/2/1979 và kéo dài 10 năm sau đó của Việt Nam với Trung Cộng chẳng có lợi ích gì. Nó chẳng chứng tỏ cái gì, chẳng cho ai cái gì mà thiệt hại thì không gì bù đắp nổi. Dù đã bao năm trôi qua thì những thiệt hại nhìn thấy được lẫn không nhìn thấy được vẫn ám ảnh chúng ta mãi. Chỉ vì những thói ngông nghênh, phản trắc của một vài nhà chính trị diều hâu mà quân đội và nhân dân Việt Nam lại vướng vào một cuộc chiến không tiền khoáng hậu, khiến cho người dân Việt Nam, vốn đã đau khổ vì 20 năm chiến tranh rồi, nay lại đau khổ tiếp vì 10 chiến tranh nữa. Biên giới phía Bắc lại đồng hành với biên giới phía Tây Nam rơi vào một cuộc tàn sát đẫm máu, kéo dài cả một thập niên khói lửa mịt mù. Một cuộc chiến tàn bạo đi trọn một thập niên để rồi lại trở vị trí cũ, tang thương và đau khổ.
Giờ đây thì ngay cả những vị tướng, những người tham chiến trong hai cuộc đụng đầu đó đều phải thừa nhận sự sai lầm, ngu xuẩn của nhà cầm quyền qua các cuốn hồi ký. Kết quả là hàng vạn người vô tội đã chết thảm vì chính sách phiêu lưu quân sự của những người Cộng sản Việt Nam cuồng tín. Oan hồn tử sĩ nằm rải rác khắp các nghĩa trang biên giới Tổ Quốc, chẳng những không được các nhà đương kim lãnh đạo tri ân thắp nén nhang tưởng niệm mà còn bị đục bia, xóa dấu tích…để lập công với quân bành trướng. Câu chuyện tang thương của lịch sử như mới xảy ra hôm qua. Kẻ thù ngày ấy cũng vẫn là ông bạn “mười sáu chữ vàng” ngày nay. Và trong mùa xuân này, có ai biết, hồn thiêng các nghĩa sĩ vẫn gào khóc trong gió ngàn mây trắng vùng biên ải xa xôi:
Trong đêm khuya ai gào trong gió,
Tiếng ai hờ nấc nghẹn cả dòng sông
Ai đi về trong đêm đông buốt giá
Để ai buồn với nỗi nhớ mênh mông…
M.T.Â.
Tác giả gửi BVN
Hình ảnh nội tuyến 1
Tác giả gửi BVN