Bầu cử Quốc hội khóa 14 sẽ diễn ra vào ngày 22-5-2016. Nghe nói ĐCSVN đang chuẩn bị đề cử 896 ứng viên (trong đó có 80 ủy viên Ban chấp hành Trung ương của ĐCSVN) cho cuộc bầu cử này. Việc một đảng chính trị chuẩn bị đề cử các đảng viên và cảm tình viên của mình ra tranh cử Quốc hội là việc bình thường trong một xã hội dân chủ, tuy nhiên trong xã hội “dân chủ đến thế là cùng” của chúng ta việc này không bình thường cho lắm.
Không có các đảng chính trị khác cạnh tranh với ĐCSVN, nên việc đề cử là độc quyền của ĐCSVN và các tổ chức nối dài của ĐCSVN. Cho đến nay đã có rất ít người tự ứng cử. Ngoài vài người được ĐCSVN ngầm chọn để ra tự ứng cử, hầu hết những người tự ứng cử bị các thủ tục “dân chủ đến thế là cùng” loại bỏ một cách không thương tiếc, bất chấp quyền ứng cử của công dân đủ 21 tuổi vào Quốc hội đã được Điều 27 của Hiến pháp long trọng đảm bảo.
- Hãy biến quyền ứng cử hão thành quyền thực một cách từ từ
Quyền ứng cử cơ bản vẫn chỉ là quyền hão. Phải sửa luật bầu cử để không cho phép bất cứ ai tước quyền ứng cử của người dân, tuy nhiên trong hơn một tháng, từ nay đến 13-3-2016 (70 ngày trước ngày bầu cử, ngày nộp đơn ứng cử cuối cùng), người dân vẫn có thể làm rất nhiều việc để giúp biến quyền hão dần dần thành quyền thực.
Tôi nhấn mạnh sự từ từ, vì rất có thể những người tự ứng cử vẫn bị các thủ tục “hiệp thương” hiện hành loại bỏ khỏi danh sách ứng viên cuối cùng, thậm chí có thể bị “đấu tố” tại các Hội nghị cử tri theo Điều 45 của Luật Bầu cử số 85/2015/QH13 hoặc bị báo của ĐCSVN bới móc đời tư,… Nhiều người có thể nghĩ việc “tự ứng cử” sẽ thất bại, “chẳng xoay chuyển được gì,”… Nhưng việc ứng cử sẽ làm cho dân chúng thấy sự “dân chủ đến thế là cùng” ở nước ta ra sao, gây áp lực để có những sự thay đổi có ý nghĩa trong tương lai, giúp nâng cao dân trí và quan trí. Tôi nghĩ những người đủ tiêu chuẩn hãy ra ứng cử Quốc hội đợt này. Điều 3 của Luật Bầu cử quy định người ứng cử đại biểu Quốc hội “phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật tổ chức Quốc hội” được quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội (Số: 57/2014/QH13) như sau:
“1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.”
Bất kỳ ai cảm thấy mình thỏa mãn 5 tiêu chuẩn trên hãy mạnh dạn làm thủ tục ứng cử vào Quốc hội. Nếu có 896 người tự ứng cử như vậy để cạnh tranh với những người do ĐSCVN đề cử, thì đó là một việc rất hợp pháp, rất hay.
Việc ứng cử như vậy sẽ dần dần biến quyền ứng cử hão thành quyền thực. Hãy chuẩn bị và làm thủ tục ứng cử ngay, đừng chần chừ!
- Hãy giúp ông Nguyễn Phú Trọng chứng minh “dân chủ đến thế là cùng”
Trên tinh thần xây dựng và tôn trọng các quy định pháp luật không vi hiến, chúng ta có thể làm gì trong việc ứng cử và chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội để giúp ông Trọng chứng minh “dân chủ đến thế là cùng”? Tất cả mọi người hãy tận dụng mọi quyền hợp pháp của mình để tham gia ứng cử, động viên những người ứng cử, để tham gia, giám sát các cuộc hiệp thương, các cuộc hội nghị cử tri, các cuộc bầu cử và kiểm phiếu. Dưới đây là một vài gợi ý cho riêng giai đoạn ứng cử.
- NHỮNG NGƯỜI ỨNG CỬ
2.1 Hãy tự ứng cử và vận động những người có đủ tiêu chuẩn ra ứng cử;
2.2 Hãy giúp việc thực hiện các quy định hiện hành (dẫu còn rất thiếu sót) một cách công khai, minh bạch và đúng quy định;
2.3 Những người tự ứng cử (không phải do ĐCSVN đề cử) hãy tập hợp thành Nhóm ứng viên ngay từ bây giờ cho đến 13-3-2016 để giúp nhau trong quá trình ứng cử; cho đến 22-5-2016 trong quá trình chuẩn bị bầu cử và giám sát quá trình hiệp thương, quá trình bầu cử và giám sát kiểm phiếu; cho đến ngày Quốc hội mới họp trong việc khiếu nại liên quan đến ứng cử, bầu cử.
- NGƯỜI DÂN
2.4 Hãy ủng hộ những người ứng cử trong quá trình hiệp thương và nhất là Hội nghị cử tri theo Điều 45 của Luật Bầu cử Quốc hội (đây là hai khâu rất quan trọng cần nhân dân, các ứng viên và báo giới giám sát vì đây là quá trình then chốt mà sự lạm dụng để tước quyền của những người tự ứng cử, thậm chí đấu tố họ, rất hay diễn ra) bằng cách: a) ký tên ủng hộ người ứng cử mà mình ưa thích như gợi ý ở dưới (đây là cách hoàn toàn hợp pháp để chống lại sự lạm dụng Hội nghị cử tri và quá trình hiệp thương); b) trực tiếp tham gia, giám sát kể cả ghi âm, ghi hình các hội nghị cử tri đó để tăng cường tính minh bạch và dân chủ; c) thực hiện đúng quyền cử tri của mình (phát hiện và tố cáo sự gian lận, sự vi phạm quy định ứng cử, bầu cử và kiểm phiếu,…); d) yêu cầu xóa bỏ vai trò của Mặt trận trong việc chọn ứng viên, xóa bỏ sự hiệp thương và hội nghị cử tri.
- CÁC LUẬT SƯ
2.5 Hãy ứng cử và giúp những người ứng cử về các thủ tục pháp lý liên quan đến ứng cử, hiệp thương, bầu cử và giám sát kiểm phiếu.
- BÁO GIỚI
2.6 Hãy đưa tin công bằng, khách quan, không thiên vị về các ứng cử viên (không phân biệt người do ĐCSVN đề cử hay người tự ứng cử).
- AI NÊN TỰ ỨNG CỬ
2.7 Tất cả những người đủ 5 tiêu chuẩn ứng cử vào Quốc hội nên ứng cử, trước hết là những người trẻ, các luật sư, các nhà hoạt động, các trí thức (chỉ nêu vài gợi ý về những người nên ứng cử mà tôi biết: ở Hà Nội: GS. VS. Hoàng Xuân Phú, GS. Nguyễn Đông Yên, GS. Nguyễn Huệ Chi, GS. Phạm Duy Hiển, TS. Lê Đăng Doanh, nhà văn Phạm Toàn, nhà văn Vũ Ngọc Tiến, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, TS. Phạm Gia Minh, Ls. Trần Vũ Hải, LS. Hà Huy Sơn, LS. Lê Quốc Quân và các luật sư khác, Ts. Nguyễn Xuân Diện, ông Nguyễn Tiến Dân, chị Đặng Bích Phượng, anh Nguyễn Chí Tuyến, anh Lã Việt Dũng, chị Phạm Đoan Trang, anh Nguyễn Anh Tuấn, anh Trịnh Anh Tuấn, nghệ sĩ Kim Chi, anh J.B. Nguyễn Hữu Vinh, anh Nguyễn Tường Thụy,…; ở Đà Nẵng: GS. Chu Hảo, GS. Nguyễn Thế Hùng, anh Nguyễn Anh Tuấn; ở Nha Trang: nhà báo Võ Văn Tạo, chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh,…; ở Phú Yên: LS. Võ An Đôn; ở thành phố HCM: GS. Nguyễn Đăng Hưng, PGS. Hoàng Dũng, TS. Phạm Chí Dũng, nhà văn Phạm Đình Trọng, anh Phạm Lê Vương Các, Ts. Nguyễn Tuấn Huy, nhà báo Huy Đức, nhà thơ Bùi Quang Viễn, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nhà hoạt động Hoàng Dũng…; ở Đà Lạt: TS. Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu), nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh, nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự,…: ở Đak Lak: chị Huỳnh Thục Vy,…; ở Vũng Tàu: dịch giả Phạm Nguyên Trường, nhà thơ Hoàng Hưng…; vân vân; các bạn nên vận động những người khác nữa mà tôi chưa biết ra ứng cử).
Mẫu thu thập chữ ký ủng hộ người ứng cử vào Quốc hội. Do những người tự ứng cử thường gặp khó khăn trong quá trình hiệp thương và tại hội nghị cử tri (họ dễ bị loại bỏ, thậm chí bị “đấu tố” một cách bất công) nên việc lấy chữ ký ủng hộ của cử tri trên cả nước là điều hoàn toàn hợp pháp và giúp giảm sự lạm dụng và đối xử bất công đối với họ:
DANH SÁCH CHỮ KÝ ỦNG HỘ …………………………. ỨNG CỬ QUỐC HỘI VIỆT NAM (2016) | |||||||||
Số thứ tự | Họ và tên | Phường (xã) | Quận (huyện) | Th. Phố (Tỉnh) | Chữ ký | ||||
0 | |||||||||
1 | |||||||||
2 | |||||||||
3 | |||||||||
4 | |||||||||
5 | |||||||||
6 | |||||||||
7 | |||||||||
8 | |||||||||
9 |
Mỗi trang (in ngang tờ A4 để có chỗ rộng rãi cho các ô; 5 ô đầu là số thứ tự (không đánh số 4 ô đầu để dễ tập hợp, ô thứ 5 được đánh số với 10 dòng từ 0 đến 9), những người ủng hộ tự ghi tên mình, nơi cư trú (phường/xã; quận/huyện; thành phố/tỉnh), và ký vào ô cuối của dòng đó. Mỗi người nên vận động lấy ít nhất 10 chữ ký (vừa 1 trang) và gửi về cho ứng viên, hay cho Nhóm ứng viên để tổng hợp bằng cách điền từ số 0 vào cột thứ tư (bên trái số được in) cho 10 chữ ký đầu, rồi số 1 cho 10 chữ ký tiếp…. đến số 9; số 0 vào cột trái kế tiếp cho 100 chữ ký đầu tiên, số 1 cho 100 chữ tiếp, … số 9; và vân vân.
Như thế người được nhiều nhất theo mẫu này có thể đạt 1 triệu chữ ký (từ 00000 đến 99999).
Có thể thu thập chữ ký trên mạng (nhưng nhất thiết phải có chữ ký tươi trên giấy để tránh tối đa việc “thế lực thù địch” ký bừa và tìm cách bôi nhọ hay vô hiệu hóa việc đệ trình tập chữ ký lên cho ủy ban bầu cử hoặc lúc hiệp thương).
Vận động những người khác ra ứng cử, thế tôi thì sao? Tôi kém ông Nguyễn Phú Trọng 2 tuổi và nghĩ mình thỏa mãn 5 tiêu chuẩn trên, nếu ông Nguyễn Phú Trọng được ĐCSVN đề cử thì tôi sẽ đăng ký ứng cử tại đúng khu vực ông được phân công. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng không được ĐCSVN đề cử do tuổi tác, tôi cũng sẽ không ứng cử trừ khi có được trên 5.000 chữ ký ủng hộ từ nay đến 12-3-2016.
Đây là một trò chơi hoàn toàn hợp pháp giữa 2 bên: chúng ta (kể cả những người cộng sản muốn cải cách) và những người bảo thủ muốn tước quyền của chúng ta. Trong trò chơi này (tương tự như trò chơi tung đồng xu) nếu kết cục là NGỬA thì chúng ta THẮNG (khả năng chưa cao), còn nếu SẤP (khả năng cao hơn) thì họ sẽ THUA. Họ càng tìm cách cản trở, quấy nhiễu hay bắt bớ chúng ta vì việc làm thực sự hợp pháp và tôn trọng pháp luật hiện hành (dẫu không tốt) thì chúng ta không thể giúp ông Nguyễn Phú Trọng chứng minh “dân chủ đến thế là cùng” được trong việc ứng cử và đề cử lần này và như thế họ càng thua đậm.
Tôi sẽ bàn về việc giám sát, khiếu nại trong quá trình ứng cử, hiệp thương; về quá trình bầu cử; về quá trình kiểm phiếu trong các bài viết tiếp.
Trên đây chỉ là vài gợi ý, các bạn nên chủ động nêu những sáng kiến khác để làm một cách hợp pháp và trên tinh thần xây dựng một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.
N. Q. A
Tác giả gửi BVN.