Khái niệm về một tổ chức xã hội dân sự mà tôi đề cập ở đây là một tổ chức phi chính phủ, phi đảng chính trị. Phương thức hoạt động là tác động đến mọi mặt không loại trừ chính trị, kinh tế, văn hóa… của đời sống xã hội nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên.
- Có mong muốn và thực hiện cải biến xã hội, thay đổi, làm cho xã hội ngày một tốt hơn là hoàn toàn hợp pháp và phù hợp với giá trị phổ quát. Điều đó ngoại trừ vai trò của nhà nước, của các đảng chính trị thì vai trò của các tổ chức xã hội dân sự là không thể thiếu.
- Tôi cho rằng để chuyển hóa một xã hội từ toàn trị sang dân chủ bằng biện pháp hòa bình thì trước hết hãy bắt đầu bằng xây dựng các tổ chức xã hội dân sự. Các tổ chức chính trị, hay các đảng chính trị ở trong nước hãy tạm gác lại các mục tiêu chính trị “to tát”. Những tham vọng lớn mà thực lực chưa tương xứng, không thu hút được sự tham gia của xã hội thì các tổ chức này không khác gì những danh ảo. Hãy bình thường hóa mục tiêu, đời sống hóa hoạt động, hãy dân sự hóa, hợp pháp hóa để phát triển thành một thực lực.
- Các tổ chức xã hội dân sự có nhiều “đất” để làm. Trước hết hãy đòi hỏi nhà nước, đảng cầm quyền, mọi tổ chức xã hội, mọi công dân phải thực thi Hiến pháp và pháp luật hiện hành.
Ví dụ: Ngay như Điều 4 của Hiến pháp 2013 quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam cũng phải tuân thủ pháp luật. Nguyên tắc của nhà nước pháp quyền cũng đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội chỉ được phép hiểu Điều 4 theo cùng một nội hàm rõ ràng mà không được giải thích và vận dụng tùy tiện. Hay nói cách khác Điều 4 ắt phải luật hóa; điều này ảnh hưởng rộng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đây chính là “mảnh đất” rộng lớn mà các tổ chức xã hội dân sự phải “cày xới”.
Hãy đòi hỏi Hiến pháp và pháp luật hiện hành được thực thi trước khi đòi hỏi thay đổi Hiến pháp.
- Các tổ chức xã hội trước hết hãy gắn kết các thành viên bằng sự đồng cảm, chia sẻ nghĩa vụ như hiếu, hỷ, kinh nghiệm làm ăn… giúp đỡ nhau đòi hỏi những quyền lợi vật chất, tinh thần hợp pháp.
- Mỗi tổ chức chỉ nên có khoảng 30-40 thành viên; trong phạm vi địa bàn cấp xã hoặc cấp huyện. Phạm vi vùng, toàn quốc thì sự chia sẻ, hỗ trợ chỉ mang tính phối hợp mà không phải là hoạt động thường xuyên. Ở qui mô nhỏ, không gian hẹp thì mọi thành viên mới có điều kiện gắn kết và hỗ trợ nhau thiết thực; hạn chế được trở ngại liên lạc, đi lại, hao tổn tài chính do hoạt động ở địa bàn rộng.
- Giữ nguyên tắc tự chủ tài chính. Có thể nhận hỗ trợ tài chính từ bên ngoài nhưng không vì thế mà trở thành phương tiện của người cung cấp tài chính.
- Người đứng đầu tổ chức không nên xây dựng mình thành người có vai trò không thể thay thế mà ngược lại phải phân tán quyền lực và đào tạo nhiều thành viên có thể ngay lập tức thay thế vai trò đứng đầu tổ chức của mình.
- Hãy học tập cách liên lạc miễn phí, học cách bảo mật tương đối nhưng về cơ bản phải công khai. Bí mật chính là điểm yếu của tổ chức xã hội dân sự; bí mật sẽ làm cho khuyết điểm của các thành viên và tổ chức được che giấu nhất thời. Mặt trái của bí mật là người cần giấu thì họ vẫn biết, người cần biết thì lại bị giấu; khi lộ mật thì tổ chức dễ tan vỡ.
Trên đây chỉ là một số ý kiến của cá nhân tôi, một cách không có hệ thống, khi quan sát các hiện tượng trong xã hội; hy vọng nhận được nhiều ý kiến của những người cùng quan tâm.
Hà Nội, ngày 03/02/2016
H. H. S.
Tác giả gửi BVN.