Như những chiến binh Gạc Ma

Bình công tội, hãy còn thì giờ nhưng cần một không gian thảo luận nghiêm túc, biết chấp nhận sự khác biệt. Lo gì chuyện ai ra đi vẻ vang hay ở lại nhục nhã không có người hay biết.

Nhưng những gì đã diễn ra trên truyền thông về đại hội đảng cho thấy một thất bại thảm hại về chính sách quản lý thông tin chính trị của đảng.

Đội quân chủ lực thực thi chính sách ấy đã bị những người chỉ huy của mình buộc bỏ trống trận địa cho những trang thông tin không rõ xuất xứ và những người cung cấp thông tin thứ cấp lan tràn.

Một nền báo chí mang gương mặt sầu buồn của các nhà báo chỉ còn cách chứng tỏ mình tồn tại bằng vần vè, mật hiệu hoặc tham gia vào trận địa ngổn ngang của tin đồn.

Một nền báo chí không có nổi những bài phân tích chính trị đủ làm cho người dân tin cậy, không thể có một chân dung chính trị được viết bài bản, cung cấp thông tin về những nhà lãnh đạo cho dân chúng của mình.

Một nền báo chí chỉ còn cờ đàn kèn hoa và kiểu tác nghiệp tin tức như vụ con rùa Hồ Gươm.
Người ta đã thủ tiêu một cách căn bản và toàn diện tư cách của một nền báo chí chính thức, thông qua việc buộc họ thúc thủ, như tình cảnh những chiến binh Gạc Ma năm xưa.

Khi nhà báo không thể đóng vai trò săn tin thì thông tin chính trị cung cấp cho người đọc chưa chắc là thứ thông tin bảo đảm yêu cầu đảng lãnh đạo như vẫn hằng mong muốn.
Thông tin và phương tiện cung cấp thông tin dường như đang ở trong tay những tay chơi chính trị. Sự chiếm lĩnh trận địa tin tức của các trang tin không rõ ràng xuất xứ là một dấu hiệu. Kiểu cách thông tin nhân sự trong đại hội, có “luồng”, vào ra nhịp nhàng, khác nhau một cách có chủ ý, trong một trận thế thông tin được chỉ huy thường trực, nhất quán là điều mà trước nay chưa hề có.

Truyền thông thay vì là công cụ của dân, ít ra như đảng nói là của đảng, được các tay chơi chính trị sử dụng, thao túng hay đang chính là công cụ của họ?

C.T.

Nguồn: https://www.facebook.com/chanh.tam.33?fref=ts

 

 

This entry was posted in Biển Đông, Hoàng Sa. Bookmark the permalink.