Hôm nay cô giáo giảng bài cho các em học sinh về từ “Tổ quốc”. Cô giáo cắt nghĩa gốc của từ Tổ quốc trong tiếng La tinh là Patria có nghĩa là vùng đất của tổ tiên. Tổ quốc là nơi mỗi người chúng ta sinh ra và lớn lên. Ở đó chúng ta hàng ngày nhìn thấy những ngọn đồi, những dòng sông, những ngôi nhà và nhiều người thân quen… Chúng ta sinh ra ở đó và cũng sẽ mất đi ở đó, giống như bao nhiêu thế hệ. Tổ quốc chính là dân tộc, là những cộng đồng người mong muốn được sống bên cạnh nhau, họ có chung tiếng nói, có cùng một lịch sử và có mơ ước xây dựng cùng nhau một tương lai tốt đẹp.
Cô giáo còn giải thích thêm từ tổ quốc được các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ và cả các nhà chính trị sử dụng rất nhiều. Trong bài Quốc ca Pháp có câu mở đầu : “Nào những người con của tổ quốc ngày vinh quang đã đến rồi” (Allons enfants de la patrie, le jour de gloire est arrivé). Nhà thơ Lamartine cũng miêu tả tâm trạng bâng khuâng nhớ quê hương ra riết “Sao lại gọi tên ấy, tên thân thương tổ quốc, trái tim tôi bồi hồi trong lưu vong sáng rực”. Còn Louis Aragon lại viết : “Tổ quốc tôi như một con tàu”. Khi các em đến điện Panthéon nơi yên nghỉ của những người ưu tú đã đem lại vinh quang cho nước Pháp các em sẽ nhìn thấy dòng chữ “Tưởng nhớ những người con vĩ đại, tổ quốc biết ơn”.
Cô giáo nhấn mạnh : “Các em lưu ý Anatole de France lại cho rằng khái niệm tổ quốc rất mơ hồ vì nhiều người tin là mình đã hi sinh và cống hiến cho tổ quốc nhưng họ đã phục vụ cho những người có toan tính chính trị. Ví dụ hàng triệu người lính Đức đã được huy động tham gia chiến tranh trước đây. Các nhà lãnh đạo cũng nói với họ về tổ quốc về dân tộc. Họ bảo rằng người lính phải có nghĩa vụ chiến đấu vì tổ quốc. Và bên kia chiến tuyến, có những người lính khác cũng cầm súng cho tổ quốc của họ. Hai bên cùng bảo vệ tổ quốc và họ đã gặp nhau. Từ tổ quốc vang lên như tiếng nổ của những thùng thuốc súng”.
Sau bài giảng về tổ quốc, cô giáo bắt đầu hỏi các em học sinh suy nghĩ của mình về tổ quốc. Mái trường nơi cô giáo dạy học là một trường quốc tế, nên các em nhỏ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đầu tiên, cô giáo hỏi Nicolas, cậu bé này khá nhút nhát, cậu bé đến từ nước Nga, cha mẹ của Nicolas làm đại diện cho một công ty dầu khí có trụ sở ở Paris. Cô giáo hỏi: “Nicolas, em có yêu tổ quốc không? Em có sẵn sàng hi sinh cho tổ quốc không? Nước Nga của em có lịch sử rất hào hùng, em có muốn tiếp tục truyền thống đó không?”. Nicolas trả lời: “Thưa cô, em có yêu tổ quốc, em sẵn sàng hi sinh cho tổ quốc ạ”. Cô giáo lại hỏi một học trò khác. Cô học trò có khuôn mặt bầu bĩnh và mái tóc đuôi sam rất đẹp. Cô bé tên là Jade, đến từ Mỹ. Cha của Jade làm việc trong một cơ quan ngoai giao ở Paris. “Jade, em có yêu nước Mỹ, tổ quốc của em không? Em có sẵn sàng hi sinh cho tổ quốc không?”. Cô giáo hỏi. Jade trả lời dứt khoát: “Thưa cô, em có yêu tổ quốc, em sẵn sàng hi sinh cho tổ quốc ạ”. Lần này cô giáo hỏi tiếp một cậu học sinh khác, cậu bé có cái tên rất hay, Nguyễn Cứu Quốc. Đây là cậu học sinh học giỏi nhất lớp nhưng cũng là học sinh nghịch nhất lớp. Cha mẹ Quốc là người Việt Nam sinh sống ở quận 13. Quốc theo cha mẹ đến Pháp từ lúc 10 tuổi nên kí ức về Việt Nam của Quốc khá mơ hồ và không sâu sắc lắm. “Quốc, em có yêu Việt Nam không ? Tổ quốc Việt Nam đối với em là gì ? Em có sẵn sàng hi sinh cho tổ quốc không ?” Cô giáo hỏi. Quốc liền trả lời ngay : “Thưa cô, em yêu tổ quốc Việt Nam ạ. Tổ quốc với em là những ngày được nghỉ học sớm, ra đê thả diều với các anh ở trong xóm. Tổ quốc là được mẹ đi chợ về mua quà cho em. Còn lại, em không hiểu tổ quốc là gì. Em không biết mình có nên hi sinh cho tổ quốc không? Vì khi em chết rồi, thì ai sẽ yêu tổ quốc ạ?”.
P.T.Đ.
Tác giả gửi BVN