Sinonization of Vietnam

Chắc các bạn không tìm ra nghĩa của chữ trên đâu, vì tôi mới nghĩ ra ngày hôm qua. Tối qua, nhân dịp đi thăm nhà của một anh bạn, rồi trên đường về khách sạn, thấy những trang trí đèn néon trên con đường dẫn vào Dinh Thống Nhất, tôi thấy hình như có một sự “Tàu hoá” Việt Nam đang diễn ra, và tôi gọi đó là “sinonization”.

Thật vậy, nếu có dịp ghé qua Bắc Kinh hay một thành phố lớn của China vào dịp gần cuối năm, các bạn sẽ thấy các con đường chính được trang trí rất màu mè và dùng nhiều đèn. Họ dùng đèn néon để kết thành từng cụm theo hình dạng bông hoa. Đi trên những con đường như thế làm cho người ta có cảm giác nhộn nhịp, rộn ràng, và phố thị. (Nhưng khi ánh đèn tắt thì con đường quay về cái trạng thái bẩn thỉu của nó.) Người dễ tính thì thấy hay hay, vui mắt, và có dịp chụp hình. Người nghiêm khắc thì xem đó là một kiểu phô trương mang tính phường tuồng, một kiểu phí tiền thuế của dân.

Ấy thế mà tôi lại thấy những hoa văn đèn đó ngay tại đất nước này! Những con đường chính ở Sài Gòn được trang trí gần như y chang hoa văn của Tàu. Rất có thể người trang trí mua đèn hoa văn của Tàu và treo trên đường phố, chứ họ không sản xuất ra hay sáng tạo ra mô hình cho Việt Nam.

Cái cách bắt chước đó có tác hại trong cái nhìn của người nước ngoài. Tác hại đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Thử tưởng tượng một du khách mới bay từ Tàu sang Sài Gòn và nhìn thấy những con đường với trang trí như thế, họ chắc nghĩ rằng Sài Gòn là thành phố của Tàu? Nếu không nghĩ thế, họ sẽ nghĩ đất nước này là một phiên bản nhỏ của Tàu. Nếu không nghĩ là phiên bản, thì có lẽ họ nghĩ người Việt chẳng sáng tạo gì, mà chỉ sao chép nguyên bản từ Tàu. Nói chung, sự rập khuông Tàu không giúp chúng ta tốt hơn trong cái nhìn của người nước ngoài.

Thật ra, những gì tôi quan sát trên con đường Sài Gòn chỉ là chuyện nhỏ; chuyện lớn hơn và bao quát hơn về hiện tượng sinonization Việt Nam. Chúng ta đã nghe và biết những doanh nghiệp Tàu thao túng kĩ nghệ xây dựng ở Việt Nam như thế nào. Mới đây nhất là người Tàu đến các thành phố Việt Nam, lập doanh nghiệp và có những hình thức “tự chủ” ngay trên đất nước Việt Nam (như ở Vũng Án), hay thậm chí không bán hàng cho người Việt (như ở Đà Nẵng). Họ thích trương bảng hiệu tiếng Hoa như là một phát biểu ai là chủ của vùng đất này. Tôi xem đó là những hình thức Tàu hoá Việt Nam.

Nhìn chung và xa hơn thì tình hình sinonization Việt Nam rất đáng ngại. Quá trình sinonization này bắt đầu lâu lắm rồi, từ cái ngày chủ nghĩa Mao thâm nhập vào chính trường Việt Nam. Những gì xảy ra trong thời gian gần đây cộng với sự trỗi dậy của Tàu chỉ tô đậm thêm quá trình sinonization ở đất nước chúng ta mà thôi. Vấn đề là mỗi chúng ta phải làm gì hay khoanh tay đứng nhìn hiện tượng này xảy ra. Tôi nghĩ là chúng ta nên bắt đầu từ việc cá nhân nhất là giảm thiểu sự lệ thuộc vào China, và khi nhiều người như thế thì tất nhiên sẽ giúp cho Việt Nam thoát khỏi tình trạng “sinonization” như hiện nay.

N. V. T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.