Cám ơn lãnh đạo AG đã cho chúng ta làm một bài tập về quyền tự do dân chủ.
Lãnh đạo AG vẫn chưa chịu xin lỗi cô giáo ghét mình. Anh chàng ấy chưa nhận thấy cái sai của mình là lạm quyền, dốt luật, mà vẫn muốn ai cũng ngợi ca mình, ai cũng khom lưng xoa tay với mình một điều thưa anh hai điều thưa anh như đám lâu la thuộc quyền. Thực ra thì trong chuyện này anh chàng ấy đã dại, giờ muốn rút quyết định cho khỏi xấu mặt với thiên hạ, nhưng vẫn ngại, nên vẫn giữ thái độ kẻ cả: tôi không sai, nhưng tôi thương hại cô nghèo quá (GV tất nhiên là nghèo rồi, làm sao bằng chủ tịch hàng xóm được), nên tha cho không phạt! Nhớ lại cô nhà thơ hôm nọ, ăn cắp rõ ràng rồi, nhưng nói vòng vo đến mấy tâm thư mà không dám nói một câu xin lỗi “em trót dại”. Không lý ở nước mình xin lỗi khó đến thế ư?
May mà anh chàng lãnh đạo AG không làm to hơn, may mà anh ấy không nắm quyền toàn trị, chứ nếu anh ấy được cả hai thì có khi 3 nạn nhân của anh ấy (và những người lương thiện và nghèo như chúng ta) đã bị tử hình bằng pháo 12 ly 7 rồi!
Làm sao cho lãnh đạo tỉnh hiểu ra rằng: đã làm lãnh đạo thì nên chấp nhận lời chê: chê đúng thì cám ơn để mình sửa, chê sai mình cũng cám ơn luôn, vì dân còn kỳ vọng vào mình. Chứ dân không thèm đếm xỉa đến, anh ngồi ghế cao hay thấp thì cũng chỉ là chuyện của anh, vì cái ghế ấy anh ăn cắp “đúng quy trình” mà có, anh sống hay chết, tôi cũng coi như anh chết rồi. Tôi không dám nói xấu anh vì tôi sợ bị tử hình bằng 12 ly 7 chứ không phải tôi yêu quý gì anh, tôn trọng gì anh. Lúc ấy mới thật nguy hiểm, vì chỉ còn đợi đến cái kết cục bi thảm: một ngày kia các anh ấy chết mà không có một ống cống nào để trốn!
Đ.L.G.
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=189954671347112&id=100009977416332&pnref=story
Chỉ có bị chê một câu mà cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc
Đoàn Lê Giang
Mấy ông An Giang có khác gì khủng bố đâu. Khen các ông tài giỏi, học cao hiểu rộng, liêm chính trong sạch không tơ hào “một cái kim sợi chỉ của dân”, thương yêu dân, suốt ngày lo cho dân (có ai còn khổ, trẻ em nhà ai chưa được đến trường), biết cách cư xử rộng lượng, không bao giờ biết tranh quyền đoạt vị, coi công danh “như cái giày rách”, không thu vén cá nhân, nói năng hòa nhã khiêm tốn… Khen nữa đi, khen bao nhiêu cũng chưa đủ. Nếu viết sách, làm thơ, làm nhạc ngợi ca thì càng tốt. Nhưng chê một câu: kênh kiệu, xa dân thì… “chết nhe mày!”. Tao không thịt mày thì có đàn em tao thịt!
Đ.L.G.
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=189682621374317&id=100009977416332&pnref=story
Thưa anh Đoàn Lê Giang,
Riêng chúng tôi, ngoài những điều trăn trở có phần giống anh, còn cảm thấy hình như đây cũng chính là chìa khóa then chốt để mở được cánh cửa tìm vào những vấn đề phải coi là đang vô cùng nan giải của cả một chế độ: vì sao khối lượng công chức của một nước Việt Nam “bé bằng bàn tay” (lời vua Trần Thánh Tông) mà đông đến ngốt lên – phải nói đông ngột ngạt đến “dẫm đạp” lên nhau, ngày ngày nháo nhác đi đuổi bắt những bọt bong bóng xà phòng để về “ghi điểm”; quan tước và quân tước vì thế nhiều vào hàng vô địch trên thế giới, chỉ một đám cưới của anh cán bộ cấp xã mà xe công về dự nườm nượp kéo dài hàng cây số, tưởng như đang duyệt binh ở Thủ đô không bằng; trong khi tình hình kinh tế cả nước thì đang bên bờ vực thẳm: ngân sách cạn trơ đáy, nợ xấu chồng chất khủng khiếp, ngân hàng giải thể hàng loạt, nhiều ngành và nhiều khu vực hiện vét không còn tiền dự trữ đến nỗi lương không có mà trả, nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ mất mùa, vùng sâu vùng xa nhiều nơi không có miếng bỏ miệng, và hàng trăm hàng trăm ngàn trai gái Việt đang cố dấn thân sang nước người, trai thì bán sức lao động cơ bắp, gái thì bán… cái tự có.
Bauxite Việt Nam
Phụ lục
1. Thường vụ Tỉnh ủy An Giang họp khẩn vụ chê Chủ tịch
Đức Vịnh – H.T.Dũng
TT – Chiều 24-11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tổ chức cuộc họp khẩn để giải quyết dứt điểm vụ chê Chủ tịch tỉnh trên trên facebook trong ngày 25-11.
Ngày 24-11, việc rút lại các quyết định xử phạt, quyết định kỷ luật ba cán bộ “chê” Chủ tịch tỉnh An Giang trên Facebook chưa thể thực hiện vì chưa có được sự thống nhất cao của một số cơ quan chức năng liên quan.
Chiều cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tổ chức cuộc họp khẩn để giải quyết dứt điểm vụ việc trong ngày 25-11.
Trao đổi với Tuổi trẻ sau cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh cho biết tại cuộc họp, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã phân tích, đánh giá toàn bộ vụ việc cũng như quy trình, thủ tục, thẩm quyền xử lý rồi đưa ra nhận định việc xử lý có những sai sót, sai luật, sai trình tự thủ tục.
Từ đó đã kiến nghị phải thu hồi ngay các quyết định xử phạt, kỷ luật và chỉ xử lý ba cán bộ vi phạm với hình thức nhẹ nhàng như phê bình, nhắc nhở.
Bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, cho biết đã yêu cầu các sở ngành, đơn vị liên quan xem xét giải quyết lại các quyết định kỷ luật đảm bảo đúng luật theo tinh thần cuộc họp đối với ba cán bộ này dứt điểm trong ngày 25-11.
Sau đó tổ chức họp báo công khai cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí trong ngày 26-11.
Cùng ngày, Sở Thông tin Truyền thông cũng mời cô giáo Lê Thị Thùy Trang đến làm việc.
Ông Trần Thanh Tâm, Phó giám đốc Sở, cho hay cô Trang có vi phạm và việc xử phạt đối với cô là đúng luật, đúng quy trình nên Sở không thu hồi quyết định xử phạt, mà chỉ chiếu cố xem lại hoàn cảnh để có thể cho… khỏi nộp phạt tiền.
Tuy nhiên, cô Trang cho biết đã không đến làm việc. “Nếu họ thấy làm sai thì tự rút quyết định xử phạt, còn nếu cho là làm đúng thì cứ giữ y như vậy, tôi không xin xỏ gì nữa, và sẽ không nộp phạt. Sau đó mới tính đến chuyện có nên khiếu nại, khởi kiện hay không” – cô Trang nói.
Anh Huỳnh Nguyễn Huy Phúc cho biết anh và vợ anh (chị Phan Thị Kim Nga, Phó văn phòng Sở Công thương) chưa được thông báo gì về việc rút quyết định kỷ luật.
|
2. Vụ “Bị phạt vì nói xấu lãnh đạo tỉnh An Giang”: Chê một câu, 16 cơ quan cùng vào cuộc
An Long – Phan Thanh Hải
Chỉ vì câu bình luận “Ông Chủ tịch này kênh kiệu, xa dân nhất trong Chủ tịch tỉnh An Giang”, có đến 16 cơ quan ở An Giang cùng vào cuộc để xử lý. Kết quả là, dư luận sôi sục với cách giải quyết toàn “sạn” này của các cơ quan.
Ông Trần Quốc Tuấn – Phó chủ tịch UBND TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) cho biết, đã chỉ đạo Phòng GDĐT thành phố Châu Đốc vào ngày làm việc 23.11 phải thu hồi công văn mà cơ quan này ban hành, cấm giáo viên, học sinh bình luận, thích, chia sẻ… trên facebook gây tranh cãi trong những ngày qua. Công văn này được Trưởng phòng GDĐT thị xã Châu Đốc – Nguyễn Thị Hồng Loan, ký từ ngày 2.11.2015. Như vậy, công văn này chỉ “hưởng dương” 21 ngày tuổi và bị thu hồi vì trái quy định của pháp luật.
Từ câu bình luận “Ông Chủ tịch này kênh kiệu, xa dân nhất trong các đời Chủ tịch tỉnh An Giang”, có 3 cán bộ bị xử phạt nặng nề, làm dư luận dậy sóng. Và, cũng chỉ từ câu nhận xét vô thưởng vô phạt này, có 16 cơ quan, tổ chức từ đảng đến chính quyền ở An Giang cùng vào cuộc xử lý.
Đầu tiên, phải kể đến Phòng Tham mưu Công an tỉnh An Giang (PV11). Chúng tôi chưa xác định được cơ quan này có được nguồn tin từ đâu, nhưng đã vào cuộc làm rõ. Đến ngày 20.7, PV11 ra báo cáo số 608/CAT-PV11 xác định nickname Kim Nga Phan là của bà Phan Thị Kim Nga – Phó Chánh Văn phòng Sở Công thương.
Cơ quan thứ 2 vào cuộc là Đảng ủy khối Dân chính đảng. Ngày 15.9, cơ quan này ban hành hẳn Công văn 25-CV/ĐUK về việc xử lý, chấn chỉnh cán bộ, đảng viên lợi dụng việc sử dụng facebook. Cơ quan này còn có những văn bản khác, liên quan đến việc chỉ đạo xử lý 3 cán bộ.
Cơ quan thứ 3 là Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA83) Công an tỉnh An Giang. Để phối hợp xử lý, PA83 đã cử một sĩ quan cấp tá, chức danh đội trưởng cùng tham gia đoàn thanh tra.
Cơ quan thứ 4 – cơ quan chủ lực xử lý vấn đề là Sở Thông tin truyền thông tỉnh An Giang. Dưới sở này là Thanh tra Sở TTTT.
Thứ năm là Trường THPT Long Xuyên. Theo chỉ đạo của cấp trên, trường đã thành lập hội đồng kỷ luật, sau đó tiến hành họp hội đồng kỷ luật vào ngày 25.9 để xử lý cô giáo Lê Thị Thùy Trang. “Lỗi” của cô Trang là dẫn lại một bài báo chính thống kèm câu “Hồi nào vậy tèn. Mà vậy đi cho đẹp lòng dân”. Những ai đọc và hiểu tiếng Việt một cách cơ bản cũng đều cho rằng, câu này không có gì là xúc phạm. Hiểu theo nghĩa tích cực, câu này có ý động viên. Là câu “khen” chứ không phải “chê”. Trước khi bị họp hội đồng kỷ luật, ngày 22.9, cô Trang phải ngồi viết tự kiểm. Đến ngày 26.9, Hiệu trường Trường THPT Long Xuyên phải làm báo cáo 124/BC/THPTLX về việc xử lý kỷ luật cô Trang”.
Cơ quan thứ sáu là UBND thành phố Châu Đốc – ra Công văn 3018/UBND-VX ngày 30.10 về việc sử dụng mạng xã hội.
Cơ quan thứ bảy là Phòng GDĐT thành phố Châu Đốc – Công văn 122/PGDĐT ngày 2.11 về việc nghiêm cấm “like”, “share” trên facebook. Công văn này đến tất cả các trường học trực thuộc phòng để thực hiện.
Cơ quan thứ tám là Ủy ban kiểm tra Đảng ủy khối, làm việc với ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc và có biên bản ngày 11.9 “ông Phúc thừa nhận sai phạm”. Các cơ quan nhận được văn bản báo cáo việc xử phạt 3 cán bộ là Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh.
Cơ quan thứ chín là Sở GDĐT. Đối với cơ quan này, Thường trực Đảng ủy khối Dân chính đảng chỉ đạo Đảng ủy Sở GDĐT phối hợp cùng Ban Giám đốc Sở GDĐT cùng xử lý cô Lê Thị Thùy Trang.
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh An Giang: Thông báo kết quả xử lý cán bộ trên phương tiện thông tin đại chúng. |
Cơ quan thứ mười là Sở Công thương, Thường trực Đảng ủy khối Dân chính đảng chỉ đạo Đảng ủy Sở Công thương phối hợp cùng Ban Giám đốc Sở Công thương cùng bà Phan Thị Kim Nga.
Cơ quan thứ 11 là Đảng ủy khối doanh nghiệp, cơ quan thứ 12 là Công ty Điện lực An Giang. Theo đó, Đảng ủy khối Dân chính đảng chỉ đạo 2 đơn vị này cùng phối hợp xử lý ông Phúc.
Cơ quan thứ 13 là Văn phòng UBND tỉnh. Chánh Văn phòng UBND tỉnh đã ra công văn giao Cổng thông tin điện tử tỉnh (cơ quan thứ 14) và Báo An Giang (cơ quan thứ 15) phải nhanh chóng đăng tải kết quả xử lý 3 cán bộ lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian sớm nhất.
Cơ quan thứ 16, là Kho bạc. Hiện ông Phúc đã nộp phạt tại kho bạc. Còn cô giáo Lê Thị Thùy Trang do hoàn cảnh khó khăn nên chưa có tiền nộp.
Trên đây là con số thống kê “sơ sơ” của chúng tôi, qua những văn bản đang cầm trong tay. Thực tế thì, từ sự kiện xử phạt 3 cán bộ dám nhận xét Chủ tịch tỉnh, Sở TTTT đã gửi công văn đi nhiều nơi. Ngoài thành phố Châu Đốc “triển khai” (và sẽ thu hồi vào ngày mai 23.11), nhiều địa phương khác có tham gia hay không, chúng tôi chưa kiểm chứng được.
A.L. – P.T.H.
Nguồn: http://laodong.com.vn/xa-hoi/vu-bi-phat-vi-noi-xau-lanh-dao-tinh-an-giang-che-mot-cau-16-co-quan-cung-vao-cuoc-399665.bld