Định hướng xã hội chủ nghĩa hay không?

Một người bán hàng rong đi qua một công ty du lịch bán các bản sao áp phích tuyên truyền thời chiến tranh ở Hà Nội hôm 19 tháng 8 năm 2015. Ảnh AFP

Trong thời gian trước Đại hội Đảng toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều ý kiến từ giới quan sát độc lập, và ngay cả một số quan chức cao cấp của nhà nước cho rằng hướng phát triển của Việt Nam mang tên là “định hướng xã hội chủ nghĩa” là không đúng. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế hiện sống ở Hà Nội cho Kính Hòa cuộc trao đổi về vấn đề.

Kính Hòa: Trong thời gian qua có nhiều ý kiến nói về định hướng cải cách kinh tế ở Việt Nam, thì nhiều người nói rằng “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là không thích hợp, thậm chí có người nói là nó không có thật. Theo Tiến sĩ thì sau Đại hội Đảng thứ 12 sắp tới thì có sự thay đổi nào về tên gọi đó không?

Tiến sĩ Lê Dăng Doanh: Hiện nay thì giới kinh tế đã phát biểu rất là rõ ràng là cần phải cải cách thể chế.

Các công trình điều tra trong và ngoài nước đều cho thấy là tình trạng tham nhũng, vòi vĩnh, đòi phải có những chi phí đen thì mới kinh doanh được đang rất phổ biến, và đang ngày càng đè nặng lên các doanh nghiệp Việt Nam.

“Phải là một thể chế có trách nhiệm giải trình và một bộ máy gọn nhẹ, và có hiệu quả chứ không phải là bộ máy trùng lắp, cồng kềnh chi tiêu quá nhiều ngân sách như hiện nay”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Các doanh nghiệp nước ngoài thì họ không chịu ảnh hưởng nhiều như vậy. Vì họ vay vốn ở nước ngoài với lãi suất thấp hơn, công ty mẹ của họ ở nước ngoài thì họ kinh doanh trong một môi trường khác. Vì vậy chuyện chi phí đen, chuyện nhũng nhiễu có thể có xuất hiện nhưng không nhiều như doanh nghiệp trong nước, trong nước người ta rất kêu.

Nếu chúng ta nhìn vào việc Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạn Việt Nam gần đây nhất, từ mức 68 trên 144 nền kinh tế, vào năm 2014, lên 56 trên 140 nền kinh tế năm 2015 là tiến lên được 12 bậc, là một sự ghi nhận đáng trân trọng.

Tuy vậy về mặt thể chế, Diễn đàn kinh tế thế giới xếp Việt Nam rất thấp trong năng lực cạnh tranh xếp 56, thể chế xếp 86, các chi tiêu ngoài pháp luật thì xếp 106 đến 109. Cái chi phí đút lót để trả thuế vào năm 2015 lại thụt lùi so với năm 2014, xếp 115 so với 104 của năm trước.

Tất cả những chuyện đó cho thấy rằng cái nội dung “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” phải gắn liền với cải cách thể chế. Phải tiến tới 1 thể chế công khai minh bạch, phải là thể chế chịu sự giám sát một cách độc lập. Phải là một thể chế có trách nhiệm giải trình và một bộ máy gọn nhẹ, và có hiệu quả chứ không phải là bộ máy trùng lắp, cồng kềnh chi tiêu quá nhiều ngân sách như hiện nay.

Kính Hòa: Chắc Tiến sĩ cũng biết là gần đây có một bài góp ý của Giáo sư Trần Văn Thọ từ Nhật bản. Giáo sư có nói là sự chọn lựa Chủ nghĩa xã hội là không đúng. Tiến sĩ có tán đồng quan điểm này của giáo sư Thọ không?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Lý tưởng cộng sản của ông Karl Marx đề ra là sự tự do của mỗi một người là điều kiện cho sự tự do của tất cả mọi người. Thì đó là cái mục tiêu xa vời mà nhân loại tiến tới. Nhưng cái bước quá độ với những mô hình như của Liên Xô đã thực hiện như là kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, rồi là phát triển các doanh nghiệp nhà nước, phát triển hợp tác xã, chấp nhận kinh tế tư nhân, tất cả những cái đó đã được thực tế chứng minh là không có hiệu quả và người ta đã phải sửa đổi.

Chúng ta nói đến một mô hình Chủ nghĩa xã hội, thì cái mô hình đó nó là như thế nào?

Và nó có tiến tới sự tự do của mỗi người là điều kiện cho sự tự do của tất cả mọi người hay không?

Nếu Chủ nghĩa xã hội chủ yếu là cấm đoán, là nhà nước độc đoán và người dân không được phát biểu ý kiến của mình, ai nói ý kiến khác với lãnh đạo hay là ý kiến chính thống thì lập tức bị theo dõi bị phân biệt đối xử, thì nhà nước đó có được coi là nhà nước Xã hội chủ nghĩa hay không?

Đó là những câu hỏi mà chúng ta cần phải đặt ra và cần phải giải quyết.

“Nếu kinh tế Việt Nam không công khai minh bạch, chi phí ngoài pháp luật, sự vòi vĩnh còn rất lớn thì cái chi phí về tiền bạc và thời gian để kinh doanh là rất cao, và gánh nặng đó đè lên doanh nghiệp”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Tôi xin nhấn mạnh là Việt Nam đang hội nhập rất sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, và đây là một thách thức rất nghiêm trọng đối với kinh tế Việt Nam.

Nếu kinh tế Việt Nam không công khai minh bạch, chi phí ngoài pháp luật, sự vòi vĩnh còn rất lớn thì cái chi phí về tiền bạc và thời gian để kinh doanh là rất cao, và gánh nặng đó đè lên doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được, doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà, không tạo được công ăn việc làm, không có cơ sở để nộp thuế. Lúc bấy giờ thì các câu hỏi đề ra sẽ là rất gay gắt.

Kính Hòa: Giáo sư Thọ có đề cập đến những ý kiến trong Đảng Cộng sản là lo lắng sự chệch hướng Xã hội chủ nghĩa, giáo sư Thọ có phê bình là cái thái độ không dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường làm cho quá trình cải cách mấy chục năm qua không đạt được kết quả như mong đợi. Tiến sĩ nhận định thế nào về ý kiến của giáo sư Thọ?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Tôi hoàn toàn đồng ý với giáo sư Thọ, và theo tôi cách tốt nhất hiện nay là phải nhìn thẳng vào sự thật, và có một sự chuyển hướng hết sức cơ bản và rõ rệt. Tức là phải nhìn thấy những khuyết điểm, khuyết tật trong bộ máy của chúng ta, tình trạng tham nhũng tràn lan, tình trạng lạm dụng chức quyền, lạm dụng đất đai và tài nguyên, tất cả những cái đo phải được giải quyết thì nền kinh tế của chúng ta mới tiến lên được.

Kính Hòa: Thưa Tiến sĩ cho câu hỏi cuối là trong bài viết của giáo sư Thọ dù chưa được báo chí chính thống đăng nhưng được nhiều trang mạng điện tử đăng, trong đó giáo sư Thọ có nói lời cảm ơn đến hai vị ủy viên trung ương đảng đã đọc và góp ý kiến. Tiến sĩ có nghĩ rằng việc này thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn trong Đảng Cộng sản cho việc cải cách thể chế?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ đấy là tín hiệu đáng mừng vì trong Ban Chấp hành Trung ương thì cũng còn có hai vị Ủy viên Trung ương dũng cảm, trung thực, nhìn thẳng vào sự thật và có góp ý kiến ủng hộ cho giáo sư Trần Văn Thọ. Tôi nghĩ rằng đấy là tín hiệu rất đáng tran trọng và nên phát huy trong thời gian tới.

Kính Hòa: Xin cảm ơn Tiến sĩ.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/oriented-toward-socialism-or-not-kh-12142015150356.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.