Cuối bài viết này, tác giả Lê Hoàng có nêu lên 3 câu hỏi. Mỗi bạn đọc chắc sẽ trả lời theo cách của mình đối với 3 câu hỏi bức thiết ấy, riêng BVN thì muốn rút ra một điều từ lâu đã lờ mờ cảm thấy: khi một nhà nước tỏ ra thoái thác trách nhiệm – bằng sự bàng quan đáng sợ – trước những vấn đề đại sự liên quan đến mạng sống của dân chúng, thì không chóng thì chầy, thế nào người dân cũng sẽ tìm lấy một giải pháp khả thi cho những vấn đề đó, vì không lẽ mình đành bó tay chịu chết hoặc giương mắt bất lực ngó đồng bào mình chết sấp ngửa giữa biển khơi (hay nói như ông André Menras: thản nhiên cho chiến hạm đi tuần hành chung với bọn cướp ngang qua gần nơi tiếng kêu thét của ngư dân miền Trung đang vọng ra từ trong nhà tù)? Đó là cái điều gọi bằng “xã hội hóa” trong một cơ chế thị trường như hôm nay mà việc giương biểu ngữ đi biểu tình chống Trung Quốc hoành hành cướp Hoàng Sa và lấn chiếm Trường Sa chỉ là động thái mở màn. TS Cù Huy Hà Vũ vừa mới đây đưa kiến nghị xử bắn đối với những kẻ manh tâm phản bội Tổ quốc. Còn những kẻ tự giành lấy cho mình cái độc quyền yêu nước để rồi mặc đối phương vẫy vùng ngang dọc như giữa chỗ không người mà chẳng làm gì cả thì TS tính sao?
Bauxite Việt Nam
Đêm qua tôi có một giấc mơ – giấc mơ mang vị mặn của muối, màu xanh của biển và sự lạnh lẽo, thê lương của những xác người. “Ngửa mặt lên trời như xác ngư dân trôi ngoài biển khơi” (Tuấn Khanh). Có đôi mắt nhìn tôi như hờn oán…
Chẳng biết giấc mơ có ý nghĩa gì song sự lạnh lẽo là có thật. Giật mình thức dậy giữa đêm khuya mới hay máy lạnh đang để 26o mà mình thì chẳng đắp mền. Chợt nhớ đến ánh mắt trong mơ. Bất chợt rùng mình. Và bất chợt nghĩ: lẽ nào không có cách bảo vệ ngư dân trước đám tàu-lạ-mà-quen? Phải có cách gì chứ! Ai đó phải làm gì đi chứ! Ý nghĩ thoáng qua trong đầu: Hay là mình sắm một chiến hạm tặng bà con nhỉ?
Đương nhiên một kỳ giả quèn như tôi thì chẳng bao giờ đủ tiền để sắm một chiến hạm. Nhưng nếu bạn cũng đồng ý và nhiều bạn nữa thì sẽ không có gì là khó tưởng tượng.
Tưởng tượng không bị đánh thuế nên đương nhiên tôi có thể tưởng tượng tiếp đến chuyện một nhóm cá nhân, một số doanh nghiệp, các hội đoàn cùng góp tay để đóng một hộ tống hạm hay một khu trục hạm loại xịn, giao cho nó nhiệm vụ hộ tống các đoàn thuyền đánh cá của chúng ta.
Đại khái khi các tàu đánh cá Việt Nam ra khơi thì sẽ thông báo cho hộ tống hạm (tạm tưởng tượng nó tên là Yết Kiêu đi!) của ta biết hải trình, cập nhật vị trí liên tục cũng như thông báo mỗi khi phát hiện có điều gì bất thường trên biển. Bằng cách đó, giả sử khi các ngư thuyền bị tai nạn (sét đánh, cá cắn chi đó) thì tàu Yết Kiêu có thể cấp tốc đến cứu bà con. Trường hợp ngư thuyền bị tàu-lạ tấn công thì Yết Kiêu có thể truy lùng để, tối thiểu, xác định coi cái tàu nào mà lạ dữ vậy!
Tôi lại tưởng tượng đến thủy thủ đoàn của Yết Kiêu. Chúng ta hoàn toàn có thể tuyển dụng các sĩ quan, binh lính hải quân giải ngũ hoặc đang tại ngũ nhưng muốn phục vụ trên tàu Yết Kiêu. Nếu khả năng tác chiến của họ chưa giỏi thì có thể đưa đi huấn luyện thêm ở các nước có hải quân phát triển như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc chẳng hạn.
Hàng tháng đều đặn chúng ta sẽ góp tiền trả lương cho thủy thủ đoàn – trả mức xứng đáng để họ hết lòng với công việc.
Ý tưởng có quá điên rồ không bà con?
Có thể!
Nhưng còn hơn là chẳng ai làm gì, nhỉ.
Thậm chí ta còn có thể mơ đến một hạm đội chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ngư dân.
Nếu không ai làm gì thì có lẽ ta nên làm.
Quyết định ủng hộ 10 triệu đồng để sắm tàu Yết Kiêu.
LH
Vài câu hỏi:
- Có là điên rồ không khi lại có ý nghĩ đóng tàu chiến?
- Nếu có một đơn vị nào đó khởi xướng chuyện đóng tàu bảo vệ ngư dân, bạn có ủng hộ không?
- Nếu có, bạn có thể ủng hộ như thế nào?
Nguồn: http://matviet.com/?Pserv=Docs&Src=Shwdoc&mid=251