Dân vây trạm thu phí Lương Sơn: Sự không biết khó hiểu

(Tin tức thời sự) – Người dân thị trấn Lương Sơn vây kín trạm thu phí QL6 phản đối mức thu phí quá cao đồng thời yêu cầu đặt trạm đúng vị trí quy định.

Người dân than khó

Trong 2 ngày (6 và 7/12),  người dân huyện Lương Sơn (Hòa Bình) tiếp tục vây kín Trạm thu phí QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình, không cho bất cứ phương tiện nào qua lại nhằm phản đối mức thu phí quá cao và yêu cầu đặt lại vị trí trạm thu phí ra cách xa khu dân cư. Nhiều người dân còn mang cả ghế nhựa ra ngồi giữa các làn xe khiến đoạn đường đi qua trạm thu phí QL6 bị ùn tắc dài trong nhiều giờ.

Chia sẻ với Đất Việt, ông Phạm Văn Vũ (trú tại tiểu khu 3, thị trấn Lương Sơn) cho rằng trạm thu phí đặt giữa trung tâm thị trấn Lương Sơn tạo ra nhiều bất cập, chia cắt thị trấn thành hai phần và gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Người dân tập trung biểu tình ngày 6 và 7/12 tại khu vực trạm thu phí BOT QL6. Ảnh:NDCC

Ông Vũ bức xúc: “Ngày nào tôi cũng đi trên đoạn đường này. Mặc dù nhà tôi ra đến trạm thu phí chưa được 1 km nhưng tôi lại phải gánh phí cho cả đoạn đường dài, đi cũng thu, về cũng thu, tính ra cũng mất đến cả trăm nghìn. Với những người không có thu nhập ổn định thì lấy gì ra mà trả. Người dân chúng tôi sẵn sàng đóng tiền qua trạm BOT QL6, thậm chí không cần yêu cầu giảm giá nếu nó đúng và hợp lòng dân”.

Theo ông Vũ, sau nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính người dân thị trấn Lương Sơn vẫn chưa nhận được bất kỳ một câu trả lời thỏa đáng nào từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Bên phía BOT cũng chưa có một buổi làm việc, đối thoại nào với người dân và chính quyền địa phương.

Người dân bức xúc chia sẻ với phóng viên Đất Việt. Ảnh: Trang Thu

“Chúng tôi chỉ được biết, Bộ GTVT có gửi một công văn sang Bộ Tài Chính đề nghị giảm giá vé 60% cho người dân Lương Sơn, với xe dưới 12 chỗ ngồi và có trọng tải dưới 4 tấn. Tuy nhiên những xe trọng tải lớn hơn nữa thì sao? Thưc tế thì hiện nay người dân vẫn phải mua vé với một mức phí quá cao”, ông Vũ băn khoăn.

Cũng từ khi trạm thu phí BOT QL6 đi vào hoạt động, bà Hoàng Thị Hồng và gia đình (ở Tiểu khu 4) đã rơi vào những trường hợp dở khóc, dở cười.

Bà Hồng  kể: “Nhiều lần gia đình tôi có người đau ốm phải chở đi bệnh viện huyện hay đi thăm người thân ngoài Hà Nội, mỗi khi gọi taxi, tổng đài họ còn đề nghị thẳng, phải trả tiền cả 2 lượt đi và về thì mới cử xe đến. Nhiều lúc tiền phí qua trạm còn nhiều hơn tiền di chuyển. Không đi thì không được nên đành chấp nhận”.

Bà Hồng cho rằng, việc người dân thị trấn Lương Sơn tập trung phản đối tại trạm thu phí để đòi quyền lợi trực tiếp cho bản thân và thế hệ sau này.

“Người ta dự tính thu phí qua đoạn đường này những 29 năm. Nếu không kiên quyết đấu tranh thì những đứa cháu sau này sẽ phải là người gánh chịu mức phí cao ngất ngưởng và bất hợp lý này”, bà Hồng thẳng thắn.

Doanh nghiệp than khổ

Không chỉ người dân bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp buôn bán, sản xuất kinh doanh trên địa bàn thị trấn Lương Sơn cũng đang đau đầu tìm cách đối phó sau khi trạm thu phí đi vào hoạt động.

Anh Nguyễn Nam Sơn (một tiểu thương tại TK3) cho biết gia đình anh đã bị giảm 1/4 thu nhập hàng tháng do hàng hóa ế ẩm.

Anh tâm sự: “Buôn bán vốn đã khó khăn rồi mà giờ thêm chi phí vận chuyển xe cộ nữa nên hầu như mặt hàng nào cũng đội giá lên từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng. Chỉ cách nhau chưa đầy 1km mà giá cả chênh nhau như thế thì làm sao chúng tôi bán được. Để níu kéo người mua, các tiểu thương phải giữ nguyên giá, vừa bán vừa chờ giải quyết của cơ quan chức năng”.

Trong khi đó, khi nhắc đến trạm thu phí QL6, ông Phan Thanh Phú – Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng đá Lương Sơn ngao ngán: “Doanh nghiệp chúng tôi phá sản đến nơi rồi”.

Theo ông Phú, trước kia công ty có khoảng 100 lao động cả dài hạn và thời làm việc một tháng từ 26 – 30 công, có những lúc nhiều đơn hàng còn phải huy động làm tăng ca thêm giờ với 3 dây chuyền sản xuất đá chính. Tuy nhiên từ khi xuất hiện trạm thu phí BOT, doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng vì không bán được hàng.

“Chúng tôi đã phải bán đi 4 ô tô vận chuyển, cắt giảm 2 dây chuyền sản xuất đá. Trước kia mỗi ngày đêm có khoảng trên dưới 100 xe vào doanh nghiệp lấy hàng vận chuyển ra Hà Nội phục vụ cho các công trình xây dựng nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 30 xe. Anh em công nhân hiện nay đang thay nhau làm việc, mỗi người 10-12 công/tháng”, ông Phú buồn bã nói.

Công ty Cổ phần xây dựng đá Lương Sơn đã phải dừng 2 dây chuyền sản xuất đá xây dựng và bán 4 ô tô vận chuyển sau khi trạm thu phí BOT đi vào hoạt động. Ảnh: Hoàn Nguyễn

Phó Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng đá Lương Sơn thừa nhận rằng, với mức phí phải bỏ thêm 360.000 đồng cho 2 lượt đi vào lấy đá, sẽ không có doanh nghiệp nào mặn mà với công ty trừ khi đây là những mối làm ăn lâu năm và có hợp đồng từ trước.

“Chắc chắn các đơn vị lấy đá, vật liệu xây dựng sẽ quay lưng lại với chúng tôi và chấp nhận đi xa hơn vài km để tránh phải đóng các khoản thu phí. Phía công ty cũng đang lên kế hoạch mua vé tháng cho các doanh nghiệp ngày nào cũng vào lấy hàng, để tránh những thất thoát. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế tạm thời, về lâu về dài sẽ không thể duy trì được”, ông Phú cho hay.

Chính quyền xã không biết

Mặc dù người dân đang phải chịu mức phí đóng quá cao khi qua trạm BOT QL6  nhưng khi trao đổi với Đất Việt,  lãnh đạo nhiều xã lại tỏ ra khá bình thản trước vấn đề này.

Ông Hoàng Ngọc Kiều-Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết đã nghe đến việc thu phí khi qua địa bàn thị trấn Lương Sơn nhưng do người dân không phản ánh nên xã cũng chưa có ý kiến gì cụ thể.

“Trên địa bàn xã, phương tiện ô tô cũng ít nên người dân chấp hành thôi. Tôi cũng thấy có một vài người đến xin xác nhận để được miễn giảm khi đi qua trạm thu phí. Trước mắt thì việc này không ảnh hưởng quá lớn nhưng về lâu về dài thì cũng cần phải xem xét. Giờ chúng tôi cũng đang chờ Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.”, ông Kiều giải thích.

Ông Đinh Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Tân Vinh cho rằng vị trí của xã  hiện nay thuận lợi cho việc đi lại của người dân nên không có ảnh hưởng gì nhiều từ việc thu phi trạm BOT Xuân Mai-Hòa Bình.

“Có thể trên thị trấn bị ảnh hưởng trực tiếp chứ xã chúng tôi người dân không hề phàn nàn gì cả. Xã cũng chỉ nắm thông tin thế thôi chứ cũng không tìm hiểu cụ thể”, ông Lợi khẳng định.

Chiều ngày 8/12, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Phương Đông – Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện Lương Sơn cho biết: “UBND tỉnh đã chỉ đạo rồi, đang có văn bản, và cũng đang giao cho BOT phối hợp với các ngành chức năng để xác định, cắm lại các mốc biển báo. Hiện nay, vị trí biển báo cũng chưa được hợp lý lắm thì mình cũng đang tìm cách giải quyết”.

Ông Nguyễn Văn Thắng – Chánh văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình cho biết thêm: “UBND tỉnh đang phối hợp với Bộ GTVT, Bộ tài chính và nhà đầu tư bàn luận, thống nhất các phương án. Dự kiến đầu tuần tới sẽ có kết quả cuối cùng”.

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình theo hình thức BOT đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ 30/4.

Giữa tháng 10, Bộ GTVT có quyết định cho phép thu phí tại km 42+730 Quốc lộ 6 để hoàn vốn cho dự án này. Theo Thông tư của Bộ Tài chính, mức phí thấp nhất từ 25.000 đồng/vé/lượt và cao nhất là 180.000 đồng/vé/lượt với xe có trọng tải từ 18 tấn trở lên và xe container chở hàng 40 feet.

Trong tháng 11, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã họp bàn và đề xuất điều chỉnh giảm 60% mức phí (vé tháng, vé quý) đối với xe dưới 12 chỗ ngồi và xe chở hàng dưới 4 tấn của người dân sinh sống trên địa bàn tại thị trấn Lương Sơn và các xã Lâm Sơn, Trường Sơn và Tân Vinh (thuộc huyện Lương Sơn).

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức, việc giảm phí vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền đưa ra.

H.Ng

Nguồn: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dan-vay-tram-thu-phi-luong-son-su-khong-biet-kho-hieu-3294603/

This entry was posted in kinh tế, lao động. Bookmark the permalink.