“Trao quyền cho dân” đối phó khí hậu

Giám đốc tổ chức Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn), Đỗ Vân Nguyệt

“Có một thứ mạnh mẽ hơn nâng cao nhận thức là cần phải trao quyền cho người dân. Cần tạo ra một không gian cho sáng kiến của người dân, của doanh nghiệp, bởi vì cuối cùng, chỉ có mình có thể cứu được mình”, giám đốc tổ chức phi chính phủ Live&Learn nói trong Bàn tròn thứ Năm của BBC về biến đổi khí hậu.

Xem lại toàn bộ chương trình thảo luận nhân Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP21 tại: http://bit.ly/1SPJpZB

Chị Đỗ Vân Nguyệt nhấn mạnh, “nguồn lực và ý tưởng giúp giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu rất nhiều, nhưng điều thật sự cần thiết là trao quyền cho người dân”.

Nguyễn Huỳnh Thuật, người đã vận động thành công việc dừng dự án xây đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A để bảo vệ rừng quốc gia Cát Tiên cho rằng chính quyền Việt Nam vẫn “sợ” các tổ chức xã hội dân sự về môi trường và chưa có chính sách hỗ trợ các dự án dân sự.

Anh Nguyễn Huỳnh Thuật đã vận động thành công dừng dự án đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A để bảo vệ rừng Cát Tiên

“Những tổ chức ở Việt Nam hoạt động chưa có tự do và chưa có sáng tạo, thứ hai nữa là chưa có chính sách tài chính hỗ trợ. Dường như nhà nước vẫn còn sợ hãi những tổ chức dân sự như vậy. Tới đây họ chỉ chấp nhận các doanh nghiệp xã hội, kết hợp hướng tài chính bền vững và hướng hoạt động phi lợi nhuận vào trong đó”.

Anh Thuật, người sáng lập nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên giải thích: “Cụ thể nhất là khi mình tập hợp những nhóm đông thường là phải xin giấy phép để tổ chức những thứ như triển lãm, rồi các buổi nói chuyện cộng đồng thì mình phải xin giấy phép thì những tổ chức như nhóm yêu quý bảo vệ Cát Tiên của Thuật chưa được nhà nước công nhận chính thức, thì phải thông qua những tổ chức đã có giấy phép của nhà nước”.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Huỳnh Thuật cũng đồng ý với Giáo sư Trương Quang Học từ Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường rằng, Việt Nam vẫn cần đào tạo và nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ về các vấn đề môi trường.

1.3 tỷ USD

Khu vực sản xuất năng lượng từ gió đầu tiên của Việt Nam đặt ở tỉnh Bạc Liêu

Giáo sư Học cho biết, trong năm năm qua, Việt Nam nhận khoảng 1.3 tỷ USD tiền hỗ trợ của quốc tế nhằm giúp giải quyết biến đổi khí hậu.

“Việt Nam có chương trình ứng phó với Biến đổi khí hậu làm việc hết sức nghiêm túc theo đúng quy định của quốc tế”, chuyên gia từ Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái nói.

“Nhưng phải đặt ra câu hỏi là hiệu quả trực tiếp từ số tiền 1 tỷ đó đến với cộng đồng là bao nhiêu”, theo chị Nguyệt.

“Rất nhiều dự án hoàn toàn dành cho việc nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo, cho đội ngũ làm việc trung gian thì số tiền đó không thể đến với người dân được.

“Hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng còn nhỏ và cơ chế còn rất khó để người dân, những nhóm phi chính thức, những nhóm không có kiến thức để có thể xin viện trợ, xin hỗ trợ từ những quỹ này”, giám đốc Đỗ Vân Nguyệt nói thêm.

Ông cũng giải thích, Việt Nam đã hình thành chiến lược tăng trưởng xanh, và “đây là con đường khả thi có thể giúp phát triển bền vững”.

Giáo sư Trương Quang Học từ Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường

Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt liệu có sự mâu thuẫn trong kế hoạch của Việt Nam khi vừa có kế hoạch xây các nhà máy nhiệt điện than lại vừa thực hiện tăng trưởng xanh, ông Học nói, “Không có sự mâu thuẫn mà đây là quá trình vì từ trước đến nay chúng ta chủ yếu dùng nguyên liệu hóa thạch như than đá, dầu khí nên phát thải khí nhà kính.

“Giờ nhiệm vụ của chúng ta là giảm phát thải thì về nguyên tắc chúng ta giảm lượng sử dụng nguyên liệu hóa thạch và tăng dần lượng năng lượng tái tạo như địa nhiệt, năng lượng mặt trời, sóng biển… thì đây là cả một quá trình, cũng không nhanh, không dễ để có thể sử dụng có hiệu quả năng lượng tái tạo mới được”.

Tuy nhiên, chị Đỗ Vân Nguyệt, người sáng lập và giám đốc của tổ chức Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng, đưa ra con số chỉ tiêu dự tính quy hoạch năng lượng tái tạo của Việt Nam chỉ chưa đến 10%.

“Đến năm 2030, Thái Lan hay Philippines đang đặt ra mục tiêu tới 50% . Chí ít là về mặt con số, tôi thấy Việt Nam đang đi theo xu hướng ngược lại các nước khác, đặc biệt là các nước trên thế giới đang giảm điện than.

“Ở Việt Nam, những vùng miền núi hay hải đảo xa xôi hoàn toàn có thể sử dụng năng lượng tái tạo mà đầu tư có thể sẽ rẻ hơn rất nhiều so với đầu tư vào mạng lưới điện quốc gia mà dựa vào những nguồn năng lượng không sạch”.

Cam kết

Phố Đinh Liệt, Hà Nội trong đợt ngập lụt năm 2013. AFP

Giám đốc của tổ chức phi chính phủ cho biết, khi theo dõi con số cam kết của chính phủ là 8% “thì thực sự đây là con số không cao và cũng không thấp”.

Việt Nam cam kết giảm 8% phát thải khí nhà kính vào năm 2020 – 2030, và con số này có thể đạt tới 25% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. (Về cam kết của chính phủ Việt Nam: http://bit.ly/1NfK1pU)

“Nếu nhìn một chút sang các nước láng giềng Thái Lan hay Philippines, các nước châu Phi hay khu vực Trung Mỹ, thì họ có cam kết rất cao và bắt đầu chuyển đổi nền kinh tế, nhiều ngành nghề công nghiệp, thương mại theo hướng xanh hóa.

“Việt Nam có rất nhiều chính sách như Tăng trưởng xanh của chính phủ, rồi một loạt ban ngành khác nhau cũng có kế hoạch hoạt động riêng của mỗi ngành và đều có chỉ tiêu. Nhiều hoạt động cũng được thực hiện nhưng sự tiếp diễn sau dự án hay mô hình thì những tổ chức phi chính phủ chưa thấy được các hoạt động đó”.

“Biến đổi khí hậu liên quan tới tầm nhìn dài hạn, và tầm nhìn dài hạn này đòi hỏi tất cả mọi người cùng chung tay, cùng chia sẻ cam kết”, chị Nguyệt nhận xét.

Nhưng giáo sư Học cho rằng, Việt Nam không nằm trong nhóm “Phụ lục 1” về biến đổi khí hậu, hơn nữa, quốc gia này vừa “thoát khỏi nhóm nước nghèo, và với những nỗ lực như thế Việt Nam đã rất cố gắng.

“Tôi nghĩ là chính phủ Việt Nam cũng như nhân dân Việt Nam đã rất quyết tâm, và Việt Nam có thể thực hiện được những cam kết đó”.

“Quá muộn”

Nhân viên môi trường đi vớt rác ở hồ Tây, Hà Nội. AFP

Bình luận về hội nghị COP21, nhà báo tự do Phạm Cao Phong từ Paris cho rằng, như nước chủ nhà đã tuyên bố, “lúc này không phải là lúc hứa hẹn, mà phải tiến hành như thế nào”.

“Như đồng bằng sông Cửu Long, 50 năm nữa mà mất 500.000 hecta, tức là 250 nghìn sân vận động Mỹ Đình đi ra biển thì khủng khiếp thế nào?

“…Còn bây giờ, cái nhà đang cháy đùng đùng như thế phải tìm cách dập đi”. ( http://bit.ly/1QiBbex)

Chia sẻ quan điểm trên, giáo sư Học nhận xét, cách tiếp cận của COP21 đã khác so với các năm trước, khi có sự kết hợp từ “dưới lên và từ trên xuống”.

“Chúng ta đã cãi nhau nhiều quá rồi, qua 20 cái COP thì biến đổi khí hậu càng gia tăng. Hiện nay nồng độ khí nhà kính là trên 400, đã quá mức 350. Chúng ta đã đến lúc không thể không giải quyết, mà nói như Pháp nói, là đã quá muộn”.

Giám đốc của Live&Learn cho biết, sự kết hợp giữa đại diện của chính phủ Việt Nam với các tổ chức phi chính phủ tham dự hội nghị ở Paris “tốt hơn nhiều so với những năm trước”.

“Tôi hy vọng là dân chủ và tiếng nói của thế giới sẽ được tôn trọng. Bất kể kết quả của COP21 có đến đâu thì tôi hy vọng các vị lãnh đạo khi về nước sẽ học tập những cơ chế đó và có sự trao đổi, hỗ trợ để những ý tưởng có cơ hội từ dưới đi lên”.

Nhà báo Phạm Cao Phong tại studio của BBC ở London trong buổi thảo luận

Các vị khách mời cũng nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu ở Việt Nam. (Xem về tác động của biến đổi khí hậu: http://bit.ly/1HY8Rf7)

Nhà báo Phạm Cao Phong lấy ví dụ, nếu nhiệt độ trung bình tăng thêm hai độ C, mực nước biển có thể dâng lên từ 48 centimet cho tới 1 mét, “và thành phố Cần Thơ biến khỏi bản đồ của Việt Nam thì chúng ta sẽ đói, không có mùa màng, và sẽ phải chuyển 1 triệu 2 người đó vào bên trong”.

“Biến đổi khí hậu là giặc nước. Giặc nước đến thì không còn gì, sẽ mất hết, chỉ có chạy thôi”.

Ông Học cũng nhận định, “trong suốt 200 năm, nhiệt độ trung bình về mặt khí hậu mà nói, mới tăng lên 0.7 độ C nhưng rất nhiều hiện tượng thiên tai, hạn hán, nắng nóng, rét hại. Còn nếu nhiệt độ tăng lên nữa, những tác hại còn khủng khiếp hơn.

“Vì vậy mà các nước nhóm họp ở Paris để thống nhất đến cuối thế kỷ này không tăng quá 2 độ C. Mỗi năm có khoảng 500 người chết vì thiên tai bất thường, và thiệt hại lên tới khoảng 1.5% GDP”.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/12/151210_climate_change_hangout_empower_the_people

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.