VIỆT NAM: MÔN HỌC LỊCH SỬ TRONG QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI

Chúng ta thường nghe câu: “Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, nhưng xin thú thật câu ấy chẳng qua chỉ là câu khẩu hiệu mà thôi. Hiện nay nhiều người Việt Nam rành sử Tàu hơn sử Ta. Cách nay khoảng hai tháng, tôi thay mặt vợ tôi tháp tùng với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Khánh Hòa ra thôn Phú Hòa, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa dự đám cưới. Chuyến xe có trên 24 người toàn là bác sĩ và cán bộ của Trung tâm, chỉ có tôi không thuộc ngành y mà thôi . Trên đường về nhiều người trên xe đề nghị đến nhà một anh cán bộ trong Trung tâm có mặt trên xe ở đường Hoàng Diệu, Nha Trang để hát karaoke. Anh ta đồng ý và với điều kiện là trả lời một câu hỏi do anh ta đưa ra: Kết cục cuộc đời của Hoàng Diệu là gì? Mọi người trên xe ngơ ngác nhìn nhau và chẳng ai giải đáp được câu hỏi!

Học sinh chủ yếu được học lịch sử đảng, lịch sử cách mạng

Chúng ta thường tự hào lịch sử đất nước chúng ta có 4.000 năm văn hiến và trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam được khai sinh vào năm 1930, nếu đem chia tỷ lệ sự hiện diện của Đảng Cộng sản Việt Nam trên đất nước này với tiến trình phát triển của dân tộc thì chưa được 1/40 nhưng khi phân bố thời lượng học các giai đoạn lịch sử của dân tộc trong các cấp học thì có sự mất cân đối quá rõ ràng. Lịch sử dân tộc từ khi lập quốc cho đến năm 1930 được dạy cho học sinh không khác nào cưỡi ngựa xem hoa. Tất cả đều ưu tiên cho lịch sử đảng, lịch sử cách mạng mà thôi.

Cách nay không lâu, tôi đến Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa và thăm ông Nguyễn Văn Thích, phó giám đốc Trung tâm. Trong lúc trò chuyện, tôi có nhắc đến một ngôi tháp mộ cổ được xem là bề thế nhất ở vùng đất Khánh Hòa. Tôi chỉ rõ địa điểm tháp mộ cổ ấy nằm ngay trước mặt đình Hồi Xuân (xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang) cho ông phó giám đốc biết và ông cho gọi một cô nhân viên trong Trung tâm đang quản lí địa bàn ấy lên gặp. Ông phó giám đốc nhờ cô ta đi khảo sát tháp mộ cổ ấy. Cô ta liền hỏi ông phó giám đốc: Tháp mộ cổ ấy có liên quan gì với cách mạng không?

Tại Văn miếu Diên Khánh có tấm bia di tích. Nội dung tấm bia: “ Miếu được xây dựng năm 1846 (đời vua Thiệu Trị thứ 6). Đây là di tích có giá trị nhiều mặt về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đây là nơi cất giấu vũ khí, lương thực, luyện tập quân sự chi viện cho mặt trận Nha Trang- Khánh Hòa( 23.10.1945 – 02.02.1946)”.

Văn miếu Diên Khánh được xây dựng năm 1846 và qua nhiều lần thay đổi địa điểm, mãi đến năm 1959 mới di dời về dựng trên địa điểm hiện nay thì làm gì có dính dấp đến mặt trận Nha Trang- Khánh Hòa. Thiết nghĩ được công nhận di tích lịch sử đâu phải nhất thiết liên quan đến cách mạng hoặc chống ngoại xâm: “Phải chăng lịch sử toàn những chuyện chống ngoại xâm còn văn hóa dân tộc không thuộc phạm trù lịch sử?”(1).

Cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng đã từng lo ngại việc lãng quên lịch sử quá khứ của dân tộc: “Thời gian cụ Huỳnh nằm nhà sau ngày Việt Minh nổi dậy, có người hằng ngày tới thăm cụ và cho cụ hay được sự lạ lùng trong việc cải cách đầu tiên của Việt minh về sử học là xóa bỏ tất cả lịch sử dĩ vãng, không cần học tới. Cụ có lời phê bình rất chua cay: “Thế thì ông bà ta mấy mươi đời nay đã lỡ ăn cơm, nay cũng nên làm thế nào bỏ hẳn không ăn cơm nữa để thay vào thức ăn khác!”(2)

Nhà văn Nguyên Ngọc đã phát biểu: “Có lần tôi đã nói với một người hiện có vị trí rất cao trong lãnh đạo đất nước rằng tất cả các đề thi sử tốt nghiệp và thi vào đại học gần 40 năm nay đều chỉ hỏi về lịch sử Việt Nam từ sau năm 1930. Cứ như chỉ từ năm 1930 nước ta mới có cái gọi là lịch sử, còn trước đó… chỉ là tiền sử,là thời man dã, người còn là khỉ vượn gì đó thôi chứ chưa thành người!”(3)

Môn Lịch sử học sinh Việt Nam đang học có phải là “tín sử” không?

Lịch sử là sự thật, nhưng môn lịch sử học sinh Việt Nam đang học có phải là tín sử không? Giảng viên Hà Văn Thịnh, người đã giảng dạy môn lịch sử nhiều năm tại Trường Đại học Khoa học Huế trả lời với bà Mạc Việt Hồng: “Tôi nói thật với chị, lịch sử Việt Nam hiện đại chỉ có 30% sự thật, 70% giả dối. Đó là điều rất đau lòng. Ví dụ đánh nhau 30 năm với Pháp, Mỹ mà Việt Nam không thua trận nào là không thể chấp nhận được” (4).

Giáo sư Hà Văn Tấn nhận định: “Lịch sử là khách quan, sự kiện lịch sử là những sự thật được tồn tại độc lập ngoài ý thức của chúng ta. Nhưng sự nhận thức lịch sử lại là chủ quan. Và người ta chép sử vì những mục đích khác nhau” “các nhà sử học chúng ta thường tự coi là mác xít nhưng bệnh thiên lệch lại hay dễ mắc. Mà thiên lệch cường điệu một cách phiến diện một mặt nào đó, lại là đặc trưng của chủ nghĩa duy tâm. Cũng chính vì vậy nhiều sự thật lịch sử đã bị bỏ qua” (5).

Nhà “làm sử” Dương Trung Quốc có cái nhìn về sử học nước ta: “Cái thách đố thứ nhất là tính hấp dẫn của nó. Tính hấp dẫn theo tôi là phải gắn với hai thuộc tính quan trọng của lịch sử đó là tính trung thực và sự công bằng. Rõ ràng sử học Việt Nam trong thời gian rất dài nó phục vụ chính trị. Cái nhiệm vụ chính trị tôi cho là không sai, nhưng nó đã xơ cứng rồi, nó làm cho chương trình không tạo nên sự hấp dẫn cho bọn trẻ” (6)

Nhà văn Nguyên Ngọc nhận định về việc học sử: “Học chính trị là quá cần thiết chứ, và có thể dạy thật hay nữa. Nhưng sử là sử, văn là văn, chính trị là chính trị, không thể và hoàn toàn nên lẫn lộn, dùng cái này để làm cái kia, đem cái này làm công cụ cho cái kia. Cũng không phải làm “thống soái” để cho tất cả những cái khác phải châu đầu vào cúi đầu phục vụ nó. Mỗi cái có chức năng riêng không thể thay thế của nó để làm nên con người ra người.

“Nói trắng ra, hiện nay người ta chán ghét học văn học sử là vì dạy văn thì có thật sự dạy văn đâu, mà là dùng văn để dạy chính trị, chủ yếu để dạy chính trị. Sử cũng hoàn toàn như vậy, không hề khác”(7)

PGS.TS. Phạm Quốc Sử nhận xét về sử học nước ta: “Lịch sử thì khách quan, nhưng sử học và dạy học lịch sử thì không phải như vậy. Trong sử học nguyên tắc tối thượng là tôn trọng sự thật, nhưng điều này thường bị vi phạm. Khi sử học bị chính trị hóa thì nguyên tắc trên sẽ bị vi phạm, bởi nó buộc sử học phải quỳ gối phục vụ cho mục đích của chính trị mà có trường hợp dẫn đến xuyên tạc sự thật”. Ông nhận định tiếp: “Sử học vinh quang thật nhưng lại rất dễ phạm phải những căn bệnh nặng, những lỗi không nhỏ. Tiếc thay, sử học nước ta đã không tránh được. Một thứ “sử học nhà nước”, “sử học quốc doanh”(phân biệt với sử học chân chính) đang ngự trị”. Và: “Có người bảo ngành sử các ông hoàn toàn chạy theo chính trị. Chủ yếu ca ngợi và lặp đi lặp lại, nên rất nhàm. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Đúng bởi là lẽ sách vở nhiều, tiến sĩ nhiều nhưng chất lượng sử học rất thấp. Song, thử hỏi, nếu anh bị buộc phải tiêm “vắc xin” anh có chống lại được không? (trước đó PGS.TS. Phạm Quốc Sử đã nói: “Từ rất sớm, sử học và dạy học lịch sử nước ta đã được tiêm những liều “vắc xin” để ngừa những tư tưởng trái chiều. Nhưng liều tiêm khá nặng, khiến cho đối tượng bị tê cứng, hết sinh khí”). Vả lại những thành quả “nhàm chán” thì anh mới được đọc, còn những thứ “không nhàm chán’ thì không dễ xuất bản, và nếu có thì liệu anh có biết đọc không?”(8)

Ông Đinh Kim Phúc nhận định:“Người ta đã biến một bộ môn khoa học trở thành một bộ môn chính trị để tuyên truyền, để minh họa cho đường lối chính sách của nhà nước chứ không phải cho một ngành khoa học. Vấn đề dạy và học lịch sử hiện nay đã bị bóp méo. Nó được xây dựng trên một nền tảng không khoa học. Chính vì vậy nên thầy không muốn dạy mà trò thì không muốn học”(9)

Những nhận xét trên là của những nhà sử học được đào tạo từ “lò” sử học mác xít chính thống mà ra chứ không phải của các nhà sử học thuộc các thế lực thù địch!

Hậu quả của việc học “sử học nhà nước”, “sử học quốc doanh”

Đại đa số các câu hỏi thi môn Lịch sử trong các kỳ thi đều liên quan đến lịch sử đảng, lịch sử cách mạng, nhưng thực tế cho thấy không hẳn “chủng đậu đắc đậu; chủng qua đắc qua” (trồng đậu được đậu; trồng dưa được dưa). Thạc sĩ Đinh Kim Phúc công tác tại Đại học Mở TP.HCM và cũng là chuyên gia nghiên cứu về biển Đông cho biết về một số bài khi đích thân ông chấm thi môn Lịch sử với câu hỏi: Nguyên nhân ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành:

“ Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước chứ có phải đi ngao du đâu?”

“ Nguyễn Tất Thành tìm đường cứu nước vì đã vứt bỏ tình yêu thương với một thiếu nữ cùng quê”.

“ Người không muốn đi theo vết xe đổ của đại thi hào Nguyễn Du”.

“ Nguyễn Tất Thành (tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung) thuở nhỏ tính tình rất ngỗ ngáo, người thường xuyên trốn học đi biểu tình, bị thực dân Pháp bắt được, đuổi học! Từ đó người căm thù thực dân, đế quốc mà ra đi tìm đường cứu nước”.

Báo Tuổi Trẻ ngày 26/07/2011 chạy trên trang nhất dòng tin: “ Điểm thi môn sử thấp không ngờ!”: Trường Đại Học Tôn Đức Thắng có 1/288 bài thi môn sử đạt được điểm 5, hơn 99,6% bài dưới trung bình. Trường Đại học Đà Nẵng có 477 bài thi điểm 0. Tổng số bài thi dưới điểm 5 là 2448 bài, chiếm 99,23% tổng bài thi môn sử, chỉ có một bài 7,75 điểm. Trường Đại học Quảng Nam có đến 99% bài dưới trung bình.Trường Đại học Tiền Giang hơn 98% thí sinh dưới trung bình, chỉ có 5/253 bài thi từ 5 trở lên, chiếm 1,97%. Điểm cao nhất là 5,25. Trường Đại học Đà Lạt có 34/1564 bài thi đạt điểm 5 trở lên, gần 98% thí sinh có điểm dưới trung bình. Trường Đại học Văn hóa TP.HCM có 3,6% thí sinh đạt điểm 5 trở lên. Trường Đại học Qui Nhơn có 4,1% trong tổng số 2547 thí sinh đạt điểm trung bình trở lên. Trường Đại học Sài Gòn có 116 bài thi đạt điểm 5 trở lên, chiếm 5% tổng số gần 2300 thí sinh dự thi. Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn- Đại học Quốc gia TP.HCM số bài thi đạt điểm 4,5 trở lên chiếm khoảng hơn 10%, trong đó có 18/3207 bài đạt điểm 8 – 9 (có một bài đạt điểm 9,25).

Giáo sư Văn Như Cương nhận định về kết quả trên: “Trong kỳ thi đại học vừa qua, điểm thi môn sử thấp một cách thảm hại. Nói chung chỉ độ 4% trên điểm trung bình. Nhiều trường có tới 99% điểm dưới trung bình, mà chủ yếu là điểm 0 và điểm 1. Có trường chỉ một thí sinh có điểm 5 là cao nhất. Vẫn biết chuyện dạy sử và học sử từ trước đến nay đã có nhiều vấn đề nhức nhối, nhưng một kết quả như năm nay thực sự làm cho xã hội xôn xao và làm đau đầu các nhà quản lí giáo dục, các nhà sử học, các thầy giáo, học sinh và cha mẹ học sinh”(10).

Trái lại, ông Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo Phạm Vũ Luận vô cùng thanh thản, hết sức vui vẻ thoải mái bình tĩnh, ông ấy nói: “Điểm lịch sử thấp là vấn đề của thời đại, các bạn hãy nhìn rộng ra nhiều nước, không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng ấy… Có những thứ do thời đại, do xu thế phát triển tác động. Nhìn kỹ một chút các bạn sẽ thấy môn lịch sử kém thu hút, điểm lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động”.

Cách biện hộ của ông Phạm Vũ Luận làm tôi liên tưởng tới câu chuyện của một gia đình nọ có đứa con được hàng xóm đến báo cho gia đình biết là nó rất hư đốn. Thay vì dạy dỗ con để con mình tốt hơn, cha mẹ lại bênh vực cậu con trai và nói: trong làng này còn khối đứa hư đốn hơn nó!

Số liệu thống kê của hai năm gần đây nhất cho thấy, trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2014, toàn quốc có 910.831 học sinh đăng kí dự thi, có số lượng thí sinh đăng kí thấp nhất trong bốn môn thi tự chọn là môn lịch sử với 104.959 thí sinh, chiếm 11,52%

Trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2015 vừa qua, môn lịch sử cũng có số lượng thí sinh chọn thi thấp nhất với 153.688 thí sinh đăng kí (chiếm 15,3% trong tổng số 960.000 thí sinh đăng kí dự thi). Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) chỉ có một học sinh chọn môn lịch sử. Trường Trung học Phổ thông Việt Đức (Hà Nội) có 3% học sinh đăng kí thi môn lịch sử. Trường Phổ thông Trung học Đinh Tiên Hoàng có 6% học sinh đăng kí thi môn Lịch sử. Trong buổi sáng ngày 4/7/2015 các điểm thi ở Yên Thành và thị xã Thái Hòa (Nghệ An) do Hội đồng thi của Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An chủ trì, chỉ có duy nhất một thí sinh thi môn lịch sử (11).

Trong chương trình Chuyển động 24h (VTV) thực hiện ngày 11/07/2015 đã khảo sát kiến thức lịch sử của một số học sinh trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) về di tích lịch sử gò Đống Đa. Câu hỏi được đặt ra: Vua Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối liên hệ gì với nhau? Nhiều em cho rằng Quang Trung – Nguyễn Huệ là hai người khác nhau, có mối quan hệ như: hai anh em, bố con, bạn cùng chiến đấu.

Có em trả lời: “Quang Trung là nhà vua còn là nhà thơ nữa. Con đang học trường của ông ấy. Con học trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung”. Các câu trả lời của học sinh ở Hà Nội khiến nhiều người giật mình!

Ngày 9/1/2007 trên đài Truyền hình VTV3 do Lại Văn Sâm dẫn chương trình trong mục “Ai là triệu phú”, người được mời tham dự chương trình là bà Nguyễn Thị Tâm, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thái Bình. Ông Lại Văn Sâm hỏi bà giảng viên Nguyễn Thị Tâm: “Trong tứ trụ của Tự lực văn đoàn: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, ai là người không phải anh em ruột với ba người kia?”

Bà giảng viên Nguyễn Thị Tâm suy nghĩ một lát rồi trả lời: Tự lực văn đoàn… Hừ! Tự lực văn đoàn, tôi chưa nghe nói đến bao giờ cả. Hình như đó là một gánh cải lương. Còn Nhất Linh chắc chắn là một nghệ sĩ cải lương. Riêng Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng… tôi không biết ba ông này có phải nghệ sĩ cải lương như Nhất Linh không?!

Học sinh miền Nam sống dưới chế độ “Ngụy” trước đây, ngoài môn học lịch sử bắt buộc còn có môn Văn học Sử

Nếu ở một môn học nào đó như Lịch sử chẳng hạn có một vài học sinh dốt thì lỗi có thể là do các em nhưng nếu cả một hay thậm chí nhiều thế hệ dốt và thờ ơ với môn Lịch sử thì nhất quyết: lỗi không phải ở các em.

Hãy “ dạy cho con tiếng nói thật thà,… mong con chớ quên màu da”

Sáng ngày 15/11/2015 Hội thảo về môn Lịch sử tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội được diễn ra. Qua tranh luận thẳng thắn và gay gắt trên cơ sở khoa học, tuyệt đại đa số các nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử đều khẳng định sự cần thiết tất yếu để môn Lịch sử phải là môn học độc lập, bắt buộc trong giáo dục phổ thông, trước khi trở thành một nội dung trong môn học tích hợp Công dân và Tổ quốc (nếu cần phải có môn học tích hợp này).

Chiều ngày 16/11/2015 Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trả lời chất vấn trước Quốc hội về việc môn Lịch sử trở thành một nội dung trong môn học tích hợp Công dân và Tổ quốc. Sau một hồi trả lời quanh co, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời thẳng là môn Lịch sử còn được đặt là môn độc lập trong sách giáo khoa không? Bộ trưởng đáp: “Vấn đề này Bộ Giáo dục đang nghe góp ý và sẽ báo cáo Chính phủ khi nghe ý kiến của các cơ quan liên quan như Hội đồng lí luận giáo dục Trung ương, các chuyên gia lịch sử, giáo dục… để có quyết định cuối cùng vì đây là vấn đề rất lớn”.

Chiều ngày 27/11/2015 tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, Quốc hội đã thông qua nghị quyết trong đó yêu cầu “tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới” (Tham gia biểu quyết có 456 đại biểu: Tán thành 448 đại biểu; không tán thành 6 đại biểu; Không biểu quyết 2 đại biểu).

Tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới là một yêu cầu hoàn toàn hợp với nguyện vọng của tuyệt đại đa số những người dân Việt yêu nước, nhưng nếu không thay đổi nội dung thì kết quả của việc học môn sử cũng lại tiếp tục đi vào vết xe đổ cũ. Phải nhanh chóng trả môn Lịch sử về đúng vị trí của nó, có nghĩa là không bắt môn Lịch sử “trở thành một bộ môn chính trị để tuyên truyền, để minh họa cho đường lối chính sách của nhà nước”.

Chiều ngày 19/02/2014 trong hội nghị giữa Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của đồng bào chiến đấu, hi sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến xâm lược ngày 17/2/1979”. Song ông biện luận cho sự kiện Nhà nước không tổ chức tưởng niệm bằng câu nói: “Chúng ta làm gì cũng phải tính lợi ích cao nhất của đất nước”(12). Không riêng gì bài học lịch sử trên mà còn nhiều bài học lịch sử khác không được giảng dạy một cách trung thực và đầy đủ ở Việt Nam. Nếu không vì những quyền lợi chính trị chi phối, lịch sử luôn là môn học được coi là ưa thích với học sinh, nếu viết đúng chính sử.

Sử có hai loại: tín sử và ngụy sử. Chữ “ngụy” trong chữ Hán có nghĩa là giả dối. Chữ “ngụy” thuộc bộ “nhân”, bên trái là chữ “nhân” (con người), bên phải là chữ “vi”(có nghĩa là làm, như: hành vi). Bản thân lịch sử là sự thật, là tín sử. Nếu lịch sử mà bị thêm bớt sẽ trở thành “ngụy sử”. Trong Kinh Thánh có nói: Có thì nói có, không thì nói không, đặt điều thêm bớt là bởi ma quỷ mà ra. Như vậy “ngụy sử” là do thế lực xấu (= ma quỷ) tạo ra. Một khi phát hiện có một điều gian dối trong lịch sử thì “một sự thất tín ,vạn sự không tin”. Dạy “tín sử” tức là dạy cho học sinh lòng yêu nước, tính trung thực, không gian dối.

Để cho học sinh yêu thích môn Lịch sử thì phải dạy “tín sử”. PGS.TS Phạm Quốc Sử nói: Cụ Hồ nói “dân ta phải biết sử ta” là để “ cho tường gốc tích nước nhà”, chứ không phải để càng học càng tối, càng biết càng hoài nghi… Sử học “quốc doanh” không thể làm “cho tường gốc tích”, không làm rạng danh nước nhà được (13).

_________________

1- Lê Quí Hiền: Lỗ hổng trong chương trình lịch sử phổ thông, Báo Sức Khỏe& Đời Sống ra Chủ nhật 6/4/2008 số 56(2212), tr. 2.

2- Anh Minh Ngô Thành Nhân: Ngũ Hành sơn chí sĩ hay là Những anh hùng liệt sĩ tỉnh Quảng Nam, Huế- Anh Minh xuất bản, 1961, tr. 105 – 106

3 – Vietnamnet.vn/vn/giao-duc/33607/khong-the-lan-lon-lich-su-voi-chinh-tri.htlm

4-Nhà sử học Hà Văn Thịnh nói về Hồ Chí Minh www.danchimviet.info/archives/8990/nha-su-hoc-ha-van-thinh-noi-ve-hcm/2010/05

5- GS.Hà Văn Tấn: Lịch sử, sự thật và sử học, đăng trên Tạp chí Tổ quốc tháng giêng năm 1988, In lại trong: Một số vấn đề lí luận sử học, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2007.

6- Học sinh Việt Nam quá kém môn sử. Vì đâu? Tác giả Mặc Lâm www.rfa.org/vietnamese/in_depth/75-percent-history-test-scores-below-2-tenths-why-08032011132201.htlm

7- Điểm sử thấp có phải là thảm họa? Tác giả Hà Hiển đăng BBC Tiếng Việt 9:43GMT thứ hai 8/8/2011www.bbc.com/vietnamese/forum/2011/08/110808_history_students_comment.shtml

8,13xuandienhannom.blogspots.com/2015/11/mot-tieng-noi-trung-thuc-chinh-xac-manh.htlm

9 – https://luongtamconggiao.wordpress.com/2011/08/25/ho-chi-minh-khoc-vi-mon-su-hien-nay/

10 – https://quechoablog.wordpress.com/2011/08/01/de-nhan-ra-cai-bien-chung-la-lung-va-tat-yeu-cua-lich-su/

11 – QuangTrung Nguyễn Huệ là anh em: Lỗi của ai? vietnamnet.vn/vn/giao-duc/250067/quang-trung—nguyen-hue-la-anh-em–loi-cua-ai-.htlm

12- Vì sao “dân ta không được học sử ta”?Tác giả Hồng Trung

www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/02/140225_khongquen_lichsu_vietnam

N.V.Ngh

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.