“Diễn biến hoà bình” từ đâu đến?

Dường như đối với những người lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam từ bao lâu nay, nỗi sợ lớn nhất là nỗi sợ mang tên “diễn biến hòa bình”.

Tại sao lại “chống diễn tiến hoà bình”?

Bản đồ Trung Hoa và Việt Nam treo tại Kỳ Lừa Hotel. Photo by Tuấn Sơn

Bản đồ Trung Hoa và Việt Nam treo tại Kỳ Lừa Hotel. Photo by Tuấn Sơn

Đây là một cách dùng từ rất lạ lùng mà gần đây trong bài “Đừng thêm những tháng Tư” nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã đề cập đến: “Và cả một chiến sách “chống diễn biến hòa bình” không mệt mỏi. Hòa bình ai chả muốn. Vậy mà lâu nay tôi vẫn không hiểu tại sao lại “chống diễn biến hòa bình”? Có từ gì hay hơn, rõ hơn không? Nếu chống những người âm mưu phản bội lại dân tộc thì cũng nên nói rõ ra, chứ cứ nói lờ mờ thế thật khó mà hiểu nổi”.

Nói một cách nôm na,“chống diễn biến hòa bình” dưới quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam là chống lại những tác động, những sự tấn công về nhiều mặt (trừ quân sự) của “các thế lực thù địch”, ở đây là Mỹ và các nước phương Tây cùng với các lực lượng đấu tranh cho tự do, dân chủ của người Việt, dần dần tạo ra những chuyển biến về mặt nhận thức, thái độ… của người dân và ngay từ bên trong nội bộ của Đảng, có nguy cơ dẫn đến việc đòi hỏi một sự thay đổi về thể chế chính trị tại Việt Nam. Đó là nỗi sợ lớn nhất của họ.

Có lẽ vì vậy mà những câu như “chống diễn biến hòa bình”, “chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch”… thường xuyên được lặp đi lặp lại từ trên các phương tiện báo chí truyền thông của Nhà nước cho đến các bài diễn văn của các cấp lãnh đạo cao nhất, và ngay trước thềm đại hội Đảng lần thứ XI sắp tới, “diễn biến hòa bình” vẫn được xem là nguy cơ lớn nhất, hơn cả nguy cơ đánh mất sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, độc lập chủ quyền vào tay “nước lạ”!

Trong khi đó, một “diễn biến hòa bình” theo chiều hướng khác, nguy hiểm hơn nhiều, cũng đang diễn ra mà vì quá quan tâm đến việc duy trì vị trí độc tôn lãnh đạo của Đảng bất chấp mọi biến chuyển về thời cuộc và lòng dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam hình như chưa nhận ra hay có nhận ra mà làm ngơ?

Cũng chính những bloggers, những nhà dân báo đầy tinh thần yêu nước và trách nhiệm với vận mệnh của đất nước, trong rất nhiều trường hợp, đã là những luồng thông tin đầu tiên phát hiện ra nhiều điều lạ lùng, thậm chí không thể hiểu nổi (!) đang diễn ra trong một quốc gia vẫn đang được coi là độc lập, có chủ quyền này.

Phải chăng chỉ là sơ suất?

Panô kỷ niệm 65 năm thành lập QĐNDVN lấy lính TQ làm hình ảnh bộ đội VN. Hình lấy từ Blog quechoa

Panô kỷ niệm 65 năm thành lập QĐNDVN lấy lính TQ làm hình ảnh bộ đội VN. Hình lấy từ Blog quechoa

Vào tháng 9.2009, một trong những vụ việc liên quan đến chủ quyền đất nước đã làm “nóng” các diễn đàn trên mạng là vụ báo điện tử của ĐCSVN đưa tin hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông, lại còn dẫn lời Tư lệnh phó hạm đội Nam Hải “để bảo vệ tốt biên cương trên biển phía Nam Tổ quốc”, trong đó cái biên cương mà ông ta nói có nhắc đến Hoàng Sa như một căn cứ quân sự của Trung Quốc!

Một cái tin như vậy lại được đăng trên tờ báo chính thức của Đảng CSVN thì phải thấy là nó nguy hiểm như thế nào. Hàng loạt bài viết của các bloggers phẫn nộ lên tiếng, buộc ông Đào Duy Quát, Tổng biên tập báo điện tử ĐCSVN phải lên tiếng chống chế, đổ thừa do lỗi của người đánh máy càng khiến dư luận bức xúc hơn.

Cuối cùng Ban Tuyên giáo Trung ương phải ra quyết định kỷ luật khiển trách ông Quát và xử phạt hành chính cơ quan này với mức phạt 30 triệu đồng. Một mức phạt mà theo dư luận là quá nhẹ. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người đứng đầu trang Bauxite Việt Nam đã từng lên tiếng yêu cầu cách chức ông Đào Duy Quát vì sai phạm nghiêm trọng này.

Trong thời gian qua, thỉnh thoảng các nhà dân báo và quần chúng lại phát hiện ra những chuyện tương tự như vậy, ở những mức độ khác nhau. Như chuyện tấm panô kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam lại lấy ảnh lính Trung Quốc làm hình ảnh bộ đội Việt Nam, dựng ở ngã tư Phú Nhuận, trước cửa UBND quận 4 thành phố Hồ Chí Minh.

Khi bị phát hiện và bị báo chí, cụ thể là đài RFA phỏng vấn, ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch TP HCM lại trả lời vòng quanh, cho là cái hình đã có chỉnh sửa lại chứ không sử dụng nguyên xi, bằng chứng là có hình ngôi sao trên mũ bộ đội và hình quốc kỳ Việt Nam trong tấm pano, và sai phạm chủ yếu là về nguyên tắc bản quyền của tấm hình, rằng “chúng tôi có kiểm điểm anh em vì sao sử dụng như thế (?). Bị vì một đó là mình sử dụng, mình phải tính toán đến cái tác quyền, tính toán đến cái sự thương lượng trao đổi với người ta về nhiều mặt”…

Điều đáng nói là những sai lầm kiểu như vậy không chỉ diễn ra một lần. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, trong bài “Lại gặp bác Rum ở Cần Thơ” đã đề cập đến những trường hợp tương tự: “Bức ảnh lính Trung Quốc ôm súng dưới lá cờ đỏ sao vàng lại xuất hiện trên trang báo điện tử VietnamNet, lần này nó được dùng làm vi-nhet minh họa cho chuyên mục “đóng góp ý kiến cho Đảng”.

Nhà báo Trương Duy Nhất phát hiện và lên tiếng, vi-nhet vội vàng hạ xuống. Không nghe VietnamNet nói lỗi tại anh em, chắc là lỗi của Trung Quốc. Và một bức tranh cổ động khác do người bạn của nhà văn là Kỹ sư Nguyễn Đình Đông chụp tại UBND quận Ninh Kiều, tỉnh Cần thơ trong tháng 3 vừa qua thì lại bê nguyên xi từ tranh cổ động Trung Quốc với hình ảnh các công nhân tay cầm quyển Pháp luật Bảo hộ lao động mà chỉ cần xóa mấy chữ này đi thì rõ ràng là quyển Mao tuyển!

Để dẫn chứng, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã đưa đường link cho thấy bức tranh được lấy nguyên mẫu từ tranh cổ động Trung Quốc như thế nào!

Tác giả Tuấn Sơn thì viết về “Khách sạn Kỳ Lừa Lạng Sơn dùng bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc”:

“Xin gửi đến trang mạng Bauxite Việt Nam những hình ảnh tôi mới chụp tại Khách sạn Kỳ Lừa Lạng Sơn để các bác đưa lên cho đông đảo bà con Bắc Nam cùng biết về một hiện tượng có thể gọi là trơ tráo, không biết vô tình hay cố ý, của những người chủ khách sạn ở đây khi ngang nhiên treo tấm bản đồ có hình lưỡi bò do Trung Quốc công bố, vậy mà không hề thấy cơ quan có trách nhiệm nào yêu cầu bỏ xuống cả.

Thế nghĩa là thế nào? Tâm lý “thần phục” phương Bắc gặm nhắm cả quan trí lẫn dân trí như sâu đục ruỗng lá rồi chăng?”.

Mới đây, nhà báo Trương Duy Nhất lại phát hiện ra một sai phạm nữa trong bài “Lại ảnh không lạ”. Tác giả viết:

“Ảnh lạ”, lặp đi lặp lại mãi thành ra không lạ. Lần này, nó xuất hiện trên một tờ báo đảng: báo Đak Lak, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Dak Lak.

Đó là ảnh lính Trung Quốc bồng súng đứng nghiêm trang bên cột mốc chủ quyền Trung Quốc. Vậy mà nó lại được dùng để minh họa cho một bài thơ viết về Trường Sa của nhà thơ Trương Minh Thắng, Tổng Biên tập báo Dak Lak.

Lính Trung Quốc, cột mốc chủ quyền Trung Quốc, quốc huy Trung Quốc và bản đồ Trung Quốc được dùng minh họa cho bài thơ về… Trường Sa!”. Hình lấy từ Blog Trương Duy Nhất

Lính Trung Quốc, cột mốc chủ quyền Trung Quốc, quốc huy Trung Quốc và bản đồ Trung Quốc được dùng minh họa cho bài thơ về… Trường Sa!”. Hình lấy từ Blog Trương Duy Nhất

Trên trang blog Ngày đêm, tác giả liệt kê lại một loạt “hình ảnh lạ về các thế lực phản động chống Việt Nam” từ bức hình được dùng để minh họa cho một bài thơ viết về Trường Sa này cho đến những ví dụ vừa đề cập đến ở trên với cái tựa đồng thời cũng là một câu hỏi: “Diễn biến hòa bình và tuyên truyền của các thế lực phản động chống Việt Nam?”

Thần phục từ trong ý thức?

Những sự sai sót nếu chỉ diễn ra một, hai lần thì không nói gì, nhưng khi nó xảy ra khá nhiều lần từ những tờ báo chính thống của đảng cho tới những cơ quan nhà nước, trong những suy nghĩ, phát ngôn, việc làm của chính các cán bộ đảng viên, thì chúng ta buộc phải suy nghĩ: phải chăng đang có một sự “diễn biến hòa bình” nhưng từ một hướng khác hẳn, và điều này là do sự điều khiển từ xa của ai đó thuộc “nước lạ” hay do chính một bộ phận trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt nam đang có tư tưởng thần phục phương Bắc đến mức đánh mất cả mọi cảnh giác?

Gần đây, khi xảy ra vụ bài báo “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của nhân vật Đỗ Ngọc Bích trên BBC khẳng định “Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hóa và tư tưởng, và nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm chiến tranh (1950-1975)…”

Và: “Một thực tế là lịch sử Việt Nam suốt hơn 2.000 năm từ thời Triệu Đà đến thời Nguyễn, cho dù thỉnh thoảng có tuyên bố “Sông núi nước Nam, Vua Nam ở”, thì Việt Nam vẫn luôn là một phần của Trung Quốc. Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha…”, bài báo còn nghi ngờ cả chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa… Đã có hàng bao nhiêu ý kiến, bài viết phản biện của người Việt trong và ngoài nước phẫn nộ lên tiếng.

Nhưng liệu chúng ta có thử tự hỏi phải chăng chỉ có một mình bà Đỗ Ngọc Bích có những suy nghĩ lệch lạc? Có bao nhiêu người dân bình thường và thậm chí ngay trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam có những suy nghĩ nô lệ kiểu như vậy? Hay thậm chí đây cũng là một kiểu “diễn biến hòa bình”, thăm dò dư luận để một ngày nào đó không xa, Việt Nam không chỉ mất đất, mất biển mà còn có nguy cơ trở thành một phần của Trung Quốc do có những kẻ cam tâm bán đứng giang sơn chỉ để duy trì quyền tiếp tục độc tôn lãnh đạo đất nước này?

Trong bài “Hỏi Đỗ Ngọc Bích, là khả năng hay hiện thực?” đăng trên Talawas, khác với rất nhiều ý kiến phản bác, lên án bài báo của Đỗ Ngọc Bích, tác giả Trần Minh Thảo cho rằng: “Dù gây phẫn nộ cho rất nhiều người Việt trong và ngoài nước thì bài viết nêu trên cũng “bạch hóa” một phần sự thật”.

Nguyên mẫu từ tranh cổ động Trung Quốc. Hình lấy từ Blog quechoa

Nguyên mẫu từ tranh cổ động Trung Quốc. Hình lấy từ Blog quechoa

Tranh cổ động VN bê nguyên xi từ tranh cổ động Trung Quốc. Hình lấy từ Blog quechoa

Tranh cổ động VN bê nguyên xi từ tranh cổ động Trung Quốc. Hình lấy từ Blog quechoa

Và: “Bài viết tố cáo cái gì? Đảng và nhà nước Việt Nam hiện nay đã theo đúng truyền thống (theo tác giả bài báo), coi đất nước Việt Nam là một phần của Trung Quốc, coi tập đoàn lãnh đạo Trung Nam Hải là cấp trên (cha anh) phải xin chỉ thị, ý kiến, phải chấp hành mệnh lệnh. Dẫn chứng cho tình trạng Việt Nam đã trở thành nội thuộc của Trung Quốc này thì nhiều. Sự hiện diện rất gian nan của trang Bauxite Việt Nam chỉ là một bằng chứng nhỏ nhưng sắc nét.

Tác giả bài viết biện hộ cho điều đã xảy ra rồi hay sắp xảy ra? Tôi thấy bài viết là lời biện hộ hoặc là bản cáo trạng cho việc đã xảy ra rồi, không còn là nguy cơ nữa. Vậy nó là bản cáo trạng hay lời biện hộ?”.

Tác giả kết luận: “Nếu cho rằng những sự việc mà bài viết của Đỗ Ngọc Bích “tiết lộ” là chưa xảy ra, là sai trái và cần ngăn chặn thì cần làm nhiều hơn là những việc như mua sắm vũ khí, tuyên bố vài lời, cấm cản người dân bày tỏ nguyện vọng, chính kiến, thản nhiên nhìn người ta “tuần tự nhi tiến” trên mọi địa bàn, trên mọi lãnh vực.

Phải biết lựa chọn giữa mất nước và mất quyền cai trị đất nước. Quyền lực cai trị cũng nên lên tiếng chính thức về “quan điểm tôi tớ” của bài báo, thay vì để một vài tờ báo nói giúp; nên biết nhận sai lầm và biết xin lỗi nhân dân, để cho nhân dân bày tỏ ý chí độc lập tự chủ, quyết tâm giữ lãnh thổ toàn vẹn thì may ra…”

Từ sự thiếu cảnh giác, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với chủ quyền của đất nước, những biểu hiện khác nhau của sự thần phục ngoại bang, thậm chí chà đạp lên lòng tự hào dân tộc của một số người… cho đến nguy cơ phụ thuộc, mất nước thật sự, không phải là một chặng đường xa lắm như chúng ta vẫn tưởng.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/About-the-so-called-peaceful-evolution-NHien-05122010140119.html

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.