Qua VTV1 tôi đã theo dõi bài tham luận của Tiến sĩ (TS) Nguyễn Bá Hải tại Đại hội thi đua toàn quốc sáng ngày 7 tháng 12. Ngoài sự cảm phục hết lòng tôi muốn trao đổi vài ý kiến với TS Hải và các bạn đã hoặc sẽ tiếp nhận bài tham luận đó. TS Nguyễn Bá Hải đã thể hiện là một trí thức trẻ có nhiều sáng tạo xuất sắc như chế tạo kính mắt thần, rôbôt, nâng cao chất lượng nông sản, thật sự xứng đáng thay mặt cho trí thức báo cáo thành tích trước toàn dân, nhưng trong bài tham luận có chỗ tôi hơi băn khoăn.
TS Hải đã thể hiện một tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, một tinh thần và hoạt động say mê sáng tạo cao, xứng đáng là gương sáng về thái độ sống, học tập và làm việc. Bài tham luận của TS Hải đã nêu được nhiều vấn đề quan trọng đối với thế hệ trẻ như sự đam mê sáng tạo, tinh thần khắc phục, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên, biết biến ước mơ thành hiện thực, đề cao tình yêu thương con người, làm việc với tình yêu khoa học, nhằm phụng sự đất nước, xã hội, vì lợi ích nước nhà, để xây dựng một đất nước Việt Nam tươi đẹp. Những điều đó được nói ra từ tấm lòng chân thành, từ suy nghĩ sâu sắc, từ kinh nghiệm và bài học của bản thân, xứng đáng để các bạn trẻ học tập, tham khảo.
Điều làm tôi băn khoăn, đó là lời khuyên, khi tương tác với cộng đồng, thấy những tiêu cực thì … “ bớt than thở và quy kết vào lỗi hệ thống, là do hoàn cảnh khách quan hay do sự bất công nào đó”. Lời này TS Hải nói ra, có thể do nhận thức chưa đủ sâu sắc về xã hội hoặc cũng có thể do vô tình được người khác mớm cho.
Trước khi phân tích tôi xin nêu 2 điều liên quan.
1- Khi chính quyền phát hiện thấy sai lầm của mình có thể làm ảnh hưởng đến địa vị thống trị họ thường đánh lừa và mê hoặc nhân dân. Một số thủ đoạn như là :
+ Ngụy tạo ra kẻ thù cụ thể hay vô hình ở trong nước hoặc ngoài nước để hướng tinh thần nhân dân vào việc chống lại.
+ Tạo ra những khó khăn, đói kém để nhân dân chỉ lo việc kiếm ăn đã mất hết công sức.
+ Tạo ra những công việc hoặc trò chơi có sức lôi cuốn để thu hút tinh thần, sức lực người dân.
+ Bịa đặt ra những ảo tưởng tốt đẹp để nhân dân mơ mộng mà quên đi thực tại v.v…
2- Để có được sự lao động sáng tạo với chất lượng cao thì cần đồng thời điều kiện chủ quan và khách quan. Điều kiện chủ quan là tinh thần và khả năng sáng tạo của mỗi người. Điều kiện khách quan cơ bản nhất là môi trường tự do (mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng), là xã hội minh bạch (không bị sách nhiễu, tham nhũng). Khi mà điều kiện khách quan không thuận lợi thì nỗ lực của cá nhân dễ trở thành công cốc.
TS Hải chỉ mới đề cập đến một phần điều kiện chủ quan của lao động sáng tạo. Soi vào xã hội Việt Nam hiện nay thì sự thành công như của TS Hải là điều hiếm hoi, đáng mơ ước. Và TS Hải cũng trình bày là phải vượt qua biết bao trở ngại, khó khăn. Đã có nhiều trí thức trẻ VIỆT NAM vì không tìm được điều kiện khách quan thuận lợi trong nước, buộc phải nhập vào dòng chảy máu chất xám để đi ra hoặc ở lại nước ngoài. Không ít bạn trẻ ở trong nước bị điều kiện khách quan chèn ép đã không thể biến ước mơ thành hiện thực.
Theo những nghiên cứu đáng tin cậy thì để phát triển bình thường Việt Nam phải nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, phải sớm từ bỏ độc tài toàn trị. Muốn thế phải có những cải cách cơ bản về thể chế chính trị và xã hội. Tuổi trẻ phải đóng vai trò quan trọng trong công việc này. Nếu theo lời khuyên “ bớt than thở và quy kết vào lỗi hệ thống…”, toàn bộ tuổi trẻ chỉ lo lao động trong một xã hội đầy rẫy tiêu cực như hiện nay thì liệu có thể “Cùng xây dựng một đất nước Việt Nam tươi đẹp” hay không. Một số người Việt hiện đang hoạt động cho dân chủ, đang quy kết lỗi hệ thống, bị cho là phản động chính là những người đang đấu tranh để tạo dựng môi trường tự do cho lao động sáng tạo. Như vậy trong xã hội cần có những người tập trung vào lao động sáng tạo, không cần quan tâm đến các mặt tiêu cực và lỗi hệ thống của xã hội, nhưng cũng rất cần những người khác quan tâm và đấu tranh cho dân chủ, cho tiến bộ. Nếu tất cả tuổi trẻ theo lời khuyên của TS Hải thì để việc đấu tranh cho dân chủ chỉ đè lên vai các người già hay sao.
Tôi để ý và cảm phục thấy TS Hải không bị rơi vào lối sáo mòn, như một số người khác trong trường hợp tương tự là dùng câu: “Được như vậy là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt…, nhờ phong trào thi đua…”. Thế nhưng tôi chưa ưng ý câu được trích dẫn: “chớ hỏi Tổ quốc đã làm gì cho chúng ta mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc”. Câu ấy mới nghe qua thấy hay nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì thấy phần đầu là vô nghĩa và có thể bị lợi dụng.
Tổ quốc là một khái niệm trừu tượng, để chúng ta tôn trọng, thờ phụng. Tổ quốc không làm gì, không thể làm bất kỳ điều gì cụ thể cho bất kỳ ai cả. Vì vậy hỏi Tổ quốc làm gì là vô nghĩa. Vấn đề là Chính quyền, là người lãnh đạo đất nước. Những người đó có nghĩa vụ làm việc cho nhân dân. Chúng ta phải hỏi họ đã làm được gì cho dân cho nước. Khi những người lãnh đạo dùng câu trên thì một số kẻ muốn lợi dụng đồng hóa họ với Tổ quốc để trốn tránh trách nhiệm.
Mong ước đất nước sinh ra được nhiều người như TS Hải và những người như vậy được lao động sáng tạo trong môi trường thật sự tự do, thật sự thuận lợi.
N.Đ.C
Tác giả gửi BVN