Người Việt ra năm châu lo sợ khá nhiều thứ. Lo sợ về thân thế: trong một đoàn khách quốc tế nhập cảnh sang Singapore, sang Mỹ, sang Anh, hay sang các nước châu Âu, thế nào người Việt, kể cả những thương gia hay quan chức giàu có, cũng bị soi xét kỹ lưỡng hơn. Nếu căng hơn, bị đưa vào phòng kiểm soát, chắc hẳn người mình bị lục vấn bằng những câu hỏi khó nghe hơn so với chuẩn mực giao tiếp văn minh phổ quát. Cái tiếng xấu của ăn cắp, rửa tiền, đưa người, mại dâm, trồng cỏ, được tung lên TV, báo chí ở một số nước châu Á – chính truyền thông nhà nước chẳng buồn gột rửa mà còn đưa tin lại khá rõ – tại một số nước châu Âu cũng tới tai nhà chức trách bằng những thông báo nội bộ hay hướng dẫn thi hành.
Có hẳn là lúc nào người dân Việt cũng phải so đầu rụt cổ kém cạnh nhà người ta không? Trong một trường hợp tôi nghĩ rằng không. Giả tưởng rằng sắp tới đây xảy ra một vụ bắt cóc do nhà nước khủng bố tiến hành, lọt vào trong đám con tin có cả người Việt mang hộ chiếu công vụ hay du lịch, người đồng bào nhà mình, so với các công dân Anh, Pháp, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha v.v. thế mà lại có cơ may được thả ngay tức thì, ít ra sớm nhất. Các chiến binh bịt mặt nạ đen hung ác sẽ rất thất vọng vì bắt nhầm vào đó người Việt Nam. Hay là vui vẻ cũng nên. Nếu rảnh rỗi phiên gác có lẽ chúng còn mời người Việt „kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ“ nán lại, hút shisha, chén chú chén anh, chúc tụng và tuyên dương chiến tích anh hùng thắng đế quốc nữa cũng nên. Nếu quả có thế, hồn thơ của nhà thơ tuyên giáo Tố Hữu đang mơ ngủ ở thế giới bên kia, có thể mãn nguyện ngẩng cao đầu thêm vài lần nữa.
Những kẻ khủng bố theo Hồi giáo cực đoan đưa người Việt Nam ra khỏi tầm ngắm còn vì nhiều lẽ. Người dân Việt Nam xét ra không phải là tín đồ cuồng tín của một tôn giáo tương tranh. Đất nước đó, qua sự nhập khẩu một giáo điều lạ và suy tôn thành một tôn giáo mới, đã bình định mọi tín ngưỡng và tôn giáo cổ truyền. Nhà Phật gì mà bày tượng lãnh tụ trên điện thờ? Nhà sư gì mà vào Quốc hội phát biểu như tuyên giáo chính tông? Còn thường dân vào lễ chùa véo oản, sờ đầu tượng cốt khấn lộc cầu tài hay vận may cá cược. Cho nên, ở người Việt không tiềm ẩn một kẻ đối đầu về tín ngưỡng. Và họ lại nghèo, người Việt nghèo là một chuyện không cần phải che đậy. Sang Trung Đông làm việc không ít người Việt Nam làm khách thợ. Bức tranh về họ, những người công nhân lam lũ ở những miền Trung Đông không kích thích lòng ghen tuông hay đố kỵ, càng không sự thù ghét trong ý thức các chiến binh Hồi giáo. Thường thói đời bắt cóc người nghèo khó đòi được tiền chuộc. Nhưng lý do cơ bản nhất khiến cho chiến binh Daesh chùn tay, kể cả khi tóm được đại gia Việt Nam giàu có đeo lủng lẳng dây chuyền vàng, đồng hồ Rolex, thì chúng cũng thừa biết, họ là những kẻ lang thang không nhà nước. Gợi rung động từ phía nhà nước Việt Nam cũng tựa cầu mưa trên sa mạc, đòi nhà nước Việt Nam tiền chuộc khác nào mấy như đập vào vách đá.
Thế đấy, trong nhiều nguyên cớ được suy xét, lý do cơ bản nằm trong quan hệ chiếm hữu, chủ nô giữa nhà nước CHXHCN Việt Nam với nhân dân của mình. Con người không rẻ, chính cái nhà nước ấy áp cho người dân của họ một cái giá vô cùng rẻ mạt. Sự hạ giá trường kỳ và hệ thống tư cách con người, tệ hơn thời phong kiến, thực dân, trải qua bao biến thiên đầy chiến tranh bom đạn, liên tục diễn ra ở hai quá trình vận động lớn song hành đã khuynh đảo và tàn phá cấu trúc xã hội suốt hơn 70 năm qua.
Ở quá trình thứ nhất, được gọi là xóa bỏ tư hữu (Cải cách ruộng đất, Hợp tác hóa, Cải tạo công thương nghiệp, Đánh tư sản miền Nam) người dân bị tước đoạt phương tiện sống, bị tước bỏ luôn tư cách cá nhân, cá thể. Rồi chính con người của tập thể bị hạ giá nhiều cấp nữa trong quá trình thứ hai: cải biến con người thành công cụ. Sự tước đoạt nhân quyền và nô dịch hóa người dân do Đảng và Nhà nước tiến hành qua nhiều khâu cải tạo, giáo dục, và hội nhập cưỡng bách. Giáo dục, Đào tạo và Nghiên cứu phải căn cứ và nhắm đích tư tưởng Marx, Lenin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh sau này. Các tổ chức Đội thiếu niên, Đoàn thanh niên và các tổ chức xã hội, mặt trận giả hiệu khác cũng do Đảng bày đặt ra nhằm củng cố vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên người dân Việt Nam trong thực tế suốt đời bị chối bỏ quyền làm công dân: quyền tự do bầu cử, tự do thành lập đảng phái, hiệp hội, tự do báo chí. Có thể nói nhà nước loại bỏ hầu hết người dân tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội. Đó là nhà nước khống chế, trấn áp, bóc lột và chăn dắt. Nhà nước cho đến hôm nay hoàn toàn vắng công dân, và nhà nước đó, không qua chế độ tuyển cử do dân bầu, cũng chẳng có luôn dân tịch. Dưới đám quan chức quyền lực của Đảng, tồn tại thần dân, người ta hay nói, phó thường dân. Và thần dân phần lớn vốn sợ hãi, dửng dưng hầu như chưa dám ý thức đảm nhận quyền công dân của mình.
Xã hội Việt Nam hôm nay tiềm ẩn trong mình những nguy cơ xung đột lớn, về lâu dài chưa chắc bộ máy an ninh và quân đội có thể tiếp tục trấn áp. Bối cảnh xã hội với phá sản, thua lỗ, nợ công, thất nghiệp, bán thân, bần cùng hóa, tham nhũng, cướp đất, và cướp của giết người, v.v. không hợp làm hậu trường cho lễ đài ăn mừng thắng lợi của nhà nước. Lãnh thổ, tài nguyên mất dần vào tay Bắc Kinh; biển đảo, lãnh hải cho dân chài mưu kế sinh nhai cũng bị Tàu cộng dần dà chiếm nốt. Việc kéo dài vai trò độc tôn của Đảng bằng cách phối hợp toàn diện với chính cái Đảng cộng sản Trung quốc tham tàn sẽ chỉ gây uất ức, phẫn nộ và đẩy nhanh Đảng vào vị trí thù địch dân tộc. Những động thái tăng cường trấn áp, sách nhiễu người bất đồng chính kiến và dân oan mất đất, gần đây hơn một bước giả dạng côn đồ hành hung, trả thù, giam cầm tù nhân chính trị và bắt thêm người đấu tranh dân chủ còn cho thấy bộ mặt khác của nhà nước với người dân Việt: bộ mặt khủng bố.
Đàn áp mạnh tay như vậy với cớ ổn định chính trị, tuy nhiên nhà nước này đang hồi hết sức nguy ngập. Chỉ thấy từ trước đến nay nhà nước kết tội bỏ tù người chống đối bằng điều luật 258 „lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước“. Trong tương lai gần, chính vì thế sẽ có rất nhiều người dân kết tội nhà nước với những kẻ cầm quyền đứng đầu về tội lạm dụng quyền con người của nhân dân trong nhiều thập kỷ.
Và bây giờ, xung quanh cuộc thảo luận về môn học lịch sử, người nhà nước đề nghị bỏ hẳn bộ môn Sử. Có vẻ cái nhà nước đó muốn thủ tiêu lịch sử trong đó có cái lịch sử bất chính danh của mình. Khốn nỗi, xóa lịch sử cũng không dễ như xóa nợ.
Bỏ môn Sử hay dạy Sử kiểu tích hợp theo ý Đảng đằng nào cũng thế cả, giáo dục và nghiên cứu kiểu „định hướng“ sẽ xuất ra lò dư luận viên khả dĩ nhiều hơn. Tất cả những môn học thuộc về khoa học nhân văn, xã hội, và tinh thần ở Việt Nam, cấp độ phổ thông cũng như nghiên cứu, thiết nghĩ đều phải được biên soạn và giảng dạy phi chính trị thì không hẳn đúng, nhưng ngay từ bây giờ nhất thiết phi tuyên giáo.
Lại có sáng kiến tích hợp bộ môn Lịch sử vào Giáo dục công dân. Nhưng giáo dục công dân là cái gì mới được? Khái niệm công dân (Bürger/citizen) hình thành song song với nhà nước tư sản đại nghị khai sáng tinh thần Tự do, Bình đẳng, Bác ái của Cách mạng Pháp, hoàn thiện cho đến nay là nhà nước dân chủ – dân sự – pháp quyền ở nhiều nước Tây Phương. Chưa bao giờ người Việt (trừ một giai đoạn nào đó thời Việt Nam Cộng Hòa) được làm công dân. Dưới chính thể cộng sản độc tài toàn trị, từng người Việt Nam chỉ là thần dân mà thôi.
Giáo án môn Giáo dục công dân, xét từ hiện thực Việt Nam hôm nay, nếu có, nên bắt đầu bằng tiền đề: Chúng tôi người Việt Nam thèm khát được là công dân, chưa bao giờ cha ông tôi cũng như tôi được làm công dân cả.
Trái ngược cam kết để gia nhập hiệp định TPP, chính quyền mấy ngày nay ráo riết ngăn cản sự hình thành các tổ chức xã hội dân sự và công đoàn độc lập. Sự „ổn định chính trị“ mà đảng cộng sản Việt Nam rêu rao và dùng công an quân đội duy trì thực chất là tình trạng khống chế xung đột.
Đó là sự bất ổn bên trong, thực sự khắc phục được chỉ có thể bằng cách trao lại nhân quyền cho dân. Xác lập tư cách công dân về lâu dài mới tạo nền tảng thực sự cho một chế độ khiến người dân yêu thượng và sẵn lòng bảo vệ.
Thế còn bao giờ người dân Việt Nam gánh chịu cả sự bất ổn bên ngoài, khi nào người dân Việt cũng vào đích ngắm của khủng bố quốc tế? Tình hình này có thể thay đổi rất nhanh. Chính trị Việt Nam vốn được quyết sách bởi nhóm người vây quanh lãnh tụ, lãnh đạo của nhà nước phong kiến – thần quyền kiểu mới từ Hồ Chí Minh đến Nguyễn Phú Trọng, cho tới hôm nay cũng chưa một ai có tư cách và ý thức công dân nốt. Các vị ấy thuộc về một đảng tiếm quyền loại trừ phần lớn nhân dân ra khỏi tài sản, quyền hành và luật pháp, và tự cho mình được đối xử theo luật pháp khác. Đứng đầu một tập đoàn quyền lực, tham nhũng hôm nay chỉ là những kẻ độc tài bịt miệng người dân dưới phương châm „đã có đảng và nhà nước lo“. Họ sẽ ra những quyết định độc đoán không tham kiến công luận, không hỏi ý nhân dân. Trong bối cảnh theo đuổi một chính sách đu dây vô vọng „không liên minh với một nước chống lại nước thứ ba“ nhà nước CHXHCN Việt Nam kiệt quệ muốn xin tiền viện trợ hay để phá vỡ thế cô lập, tới đây rất có thể qua một đêm, sáng hôm sau gửi ngay quân đội vào liên minh quốc tế tham chiến chống phiến quân IS.
Lúc đó người Việt Nam sẽ tức khắc thành nạn nhân của khủng bố.
P.K.Đ.
Tác giả gửi BVN