Giải mã vụ Thổ bắn hạ phi cơ Nga

Phóng viên ngoại giao và quốc phòng BBC

Đã có một số lần chiến đấu cơ Nga xâm nhập vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi chiến dịch không quân của Moscow tại Syria được bắt đầu.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắn hạ máy bay của Syria xâm nhập không phận Thổ tại biên giới. Ankara đã và đang khẳng định giới hạn chủ quyền một cách rõ ràng và chẳng ai nghi ngờ rằng nếu chiến đấu cơ của họ bay lạc vào Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa thì họ có thể hứng chịu một phản ứng mạnh mẽ.

Nhưng sự việc ngày hôm 24/11 có phần phức tạp hơn thế.

Tất nhiên, hai bên đều có cách giải thích khác nhau. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng máy bay Nga đã không ở trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ và thực ra bị bắn hạ trên phần lãnh thổ Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng chiến đấu cơ này đã được cảnh báo nhiều lần về việc xâm nhập không phận của họ và khi phi cơ này không nghe lệnh thì bị bắn rơi. Vấn đề là theo bản đồ radar mà phía Thổ Nhĩ Kỳ công bố thì chiến đấu cơ Sukhoi của Nga được mô tả là bay lấn vào không phận thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Phi cơ Nga bay qua một khu vực nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ giáp Syria – một dải đất đất nhỏ mà máy bay phản lực loại nhanh chỉ cần ít phút là bay qua.

Vì vậy, nếu máy bay bị bắn rơi, như phía Thổ Nhĩ Kỳ nói, sau khi bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, người ta cũng có thể nói nó bị bắn rơi trên đường bay ra khỏi lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tất nhiên cũng có chuyện khác cần bàn tới. Không quân Nga đã và đang hỗ trợ cho quân đội Syria tấn công lực lượng dân quân sắc tộc Thổ ở trên bộ tại miền bắc Syria.

Những nhóm dân quân này được hậu thuẫn, và được cấp vũ khí ở mức độ nào đó, bởi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, và Ankara đã không tán thành các cuộc không kích của Nga chống lại họ.

Vì vậy, phải chăng Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng thái quá với việc Nga xâm nhập không phận? Hay là Ankara đang rất cần một cơ hội để gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Moscow?

Dù đó là gì thì Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang không có chiến tranh, và mặc dù có lời lẽ cứng rắn, đặc biệt là từ ông Putin, thì vụ này có thể cuối cùng sẽ chỉ còn là một bài học kinh nghiệm.

Thổ Nhĩ Kỳ công bố dữ liệu radar và nói chiến đấu cơ Nga đã xâm nhập không phận của họ.

Tuy nhiên, vụ việc xảy ra vào một thời điểm rất tinh tế và nó một lần nữa cho thấy rõ sự phức tạp của xung đột đa chiều tại Syria.

Vụ đánh bom phi cơ dân dụng của Nga mà nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Ai Cập tuyên bố vào tháng trước, chiến dịch tấn công dữ dội của Moscow vào các mục tiêu của IS dường như cho thấy rằng Nga, phương Tây và các nước Ả rập ôn hòa đang có cùng mục tiêu.

Tuy nhiên, các cuộc không kích của Nga chống lại các cứ điểm của dân quân sắc tộc Thổ cho thấy Moscow vẫn còn ý định củng cố chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại một số đối thủ khác, bất kể điều gì đang xảy ra khi chống IS. Thổ Nhĩ Kỳ có thái độ thù địch sâu sắc với chế độ Syria và muốn ông Assad ra đi càng sớm càng tốt. Vì vậy, xét ở góc độ này, Thổ Nhĩ Kỳ bất hòa với Moscow.

Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như Iran, Ả Rập Saudi và các nước Ả rập ôn hòa khác, tất cả đều ít nhiều chịu sự ảnh hưởng từ một Syria hình thành ra sao từ từ cuộc khủng hoảng này, và Nga cũng vậy.

Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây không ưa ông Assad và xem ông kể như là một phần của vấn đề, nhưng trận chiến chính của họ là chống IS. Hai cuộc chiến – cho tương lai của Syria và chống IS – chồng chéo ở nhiều mảng một cách đáng kể, nhưng hai cuộc chiến này không hề giống nhau.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ Nga là một lời nhắc nhở rằng có nhiều điều đang xảy ra chứ không chỉ là cuộc chiến chống IS.

J.M.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/11/151125_giai_ma_vu_ban_ha_chien_dau_co_nga

 

*******

Erdogan: ‘Nga lừa dối chống khủng bố’

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc nước Nga ‘lừa dối’ sau khi Nga cam kết đưa tên lửa đất đối không vào Syria và nói sẵn sàng bắn hạ mối đe dọa cho các phi cơ ném bom của họ.

Các diễn biến mới nhất này đẩy căng thẳng tại Trung Đông lên một mức cao hơn nữa sau vụ chiếc SU-24 của Nga bị bắn hạ hôm 24/11.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergey Shoygu thông báo trên mạng Twitter rằng nước ông sẽ đưa các dàn tên lửa S-400 vào triển khai tại căn cứ Hmeymim, gần Latakia, Syria.

Tầm bắn của tên lửa này là 250 km, trong khi biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ cách đó chừng 50 km, theo CNN.

Không quân Nga tại Syria cũng được lệnh cử máy bay tiêm kích lên hộ tống các phi cơ ném bom để khi cần thì bắn hạ “mối nguy hiểm”.

Vùng tác chiến của phi cơ từ Nga và các nước khác hiện rất nhỏ, chủ yếu ở mạn Đông Bắc Syria, đặt ra nguy cơ va chạm hoặc bắn nhầm rất cao.

Nhưng tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ rằng F-16 của họ đã cố ý bắn hạ phi cơ Nga sau “10 lần cảnh cáo” khiến Moscow bị choáng.

Chỉ dùng cớ ‘chống khủng bố’

Chưa hết, T̀ổng thống Recep Tayyip Erdogan nay dùng lời lẽ nặng nề nhất để lên án Nga vào ngày thứ Tư.

Ông nói phi cơ Nga “đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ” và cho đó là chuyện đụng chạm tới chủ quyền quốc gia.

Nhưng nghiêm trọng hơn, ông cáo buộc Nga “lừa dối” vì dùng cớ chống “khủng bố” để ủng hộ chế độ của ông Bashar al-Assad.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gọi chế độ Assad mới là “những kẻ khủng bố với chính người dân của mình”.

Image copyrightReutersImage captionDân quân Turkmen ở Syria

Người Nga biểu tình trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Moscow

Cho đến ngày 24/11, Tổng thống Nga, Vladimir Putin vẫn nói không quân Nga hoạt động ở vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria “để tấn công Nhà nước Hồi giáo (IS)”.

Nhưng giới quan sát cho hay vùng Bắc Latakia không hề có nhóm IS nào hoạt động.

Trái lại, đây là địa bàn của nhóm sắc tộc nói tiếng Thổ (Turkmen), ước chừng có 1,5-3,5 triệu người , có mặt tại Syria, Iraq và Iran từ thế kỷ 11.

Đây là nhóm dân có mối quan hệ văn hóa và lịch sử với Thổ Nhĩ Kỳ và một số binh đoàn của họ đã làm chủ vùng này sau khi nổi dậy chống lại chính quyền của ông Assad ở Damascus.

Bên cạnh các binh đoàn người Kurd, Turkmen là những tay súng chính chống lại IS.

Nhóm Turkmen đã bắn chết một phi công Nga khi nhảy dù từ chiếc SU-24 xuống và sau đó đã bắn vào một trực thăng cứu hộ của Nga, giết chết ngay một lính thủy quân lục chiến Nga.

Mới hồi tháng 9/2015, ông Erdogan còn thăm Moscow và là thượng khách của Tổng thống Putin.

Nhưng sau khi Nga đưa quân vào Syria chưa đầy hai tháng trước, quan hệ hai bên xấu đi.

Ông Putin nhất mực ủng hộ tổng thống Assad ở Syria

Dù từng hợp tác kinh tế tốt, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có quyền lợi chiến lược trái ngược nhau tại Syria.

Ông Putin muốn ủng hộ chế độ của Tổng thống Assad còn Ankara nhất quán theo đuổi chính sách lật đổ lãnh đạo Syria.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/11/151125_russia_turkey_syria_high_tensions

 

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.