Tại Thượng đỉnh Đông Á, Trung Quốc bị chỉ trích về Biển Đông

Thủ tướng Shinzo Abe, Tổng thống Park Geun Hye và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại thượng đỉnh ASEAN + 3 (Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc).AFP PHOTO / MOHD RASFAN

Theo trang mạng báo Japan News hôm nay 24/11/2015, tại Thượng đỉnh Đông Á vừa diễn ra Kuala Lumpur ngày 22/11, nhiều nước trên quan điểm bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải đã lên tiếng chỉ trích gay gắt việc Trung Quốc bồi đắp xây đảo nhân tạo trong vùng Biển Đông.

Trước làn sóng chỉ trích của các nước, phía Trung Quốc biện minh rằng việc cải tạo đảo của họ chỉ phục vụ mục đích hòa bình.

Theo ghi nhận của The Japan News, lãnh đạo nhiều nước kêu gọi các bên liên quan đến các tranh chấp trên Biển Đông hãy kiềm chế, không có những hành động có thể làm căng thẳng leo thang .

Theo các nguồn tin ngoại giao, Thủ tướng Nga Medvedev và lãnh đạo một số nước được cho là có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc như Lào và Cam Bốt đã không đề cập đến hồ sơ Biển Đông.

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, trong phát biểu tại hội nghị, đã lặp lại rằng « không có vấn đề tự do hàng hải hay hàng không ở trên Biển Đông » và việc xây dựng các cơ sở trên các đảo nhân tạo là « cần thiết để bảo vệ tự do lưu thông hàng hải và xử lý các tai họa trên biển».

Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đưa ra « đề nghị năm điểm » của Trung Quốc về Biển Đông, đồng thời kêu gọi các nước bên ngoài khu vực không nên can dự vào, để không gây thêm căng thẳng. Tuy nhiên, không có nước nào chấp nhận các đề xuất của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhấn mạnh đến « ba nguyên tắc của Luật biển », theo đó các nước phải tránh sử dụng vũ lực hay áp chế để giải quyết tranh chấp.

The Japan News dẫn nguồn tin tham dự hội nghị cho biết, để soạn thảo tuyên bố chung của Thượng đỉnh, hai đoàn Mỹ và Trung Quốc đã tranh cãi nhau rất gay gắt về nội dung ghi trong văn kiện.

Hoa Kỳ muốn ghi vào tuyên bố chung nội dung « phi quân sự hóa » Biển Đông nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc triển khai các cơ sở quân sự trên các đảo mà họ đã bồi đắp. Phía Trung Quốc đã kiên quyết phản đối dùng từ « phi quân sự hóa ».

A.V.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20151124-tai-thuong-dinh-dong-a-trung-quoc-bi-chi-trich-ve-bien-dong

*****

Trung Quốc tuyên bố tiếp tục xây cơ sở quân sự ở Biển Đông

Thanh Hà

 

Đá Chữ Thập, trong quần đảo Trường Sa đã được Trung Quốc cải tạo. @CSIS

Bất chấp phản đối của quốc tế, Trung Quốc tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự tại Biển Đông. Theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân các công trình đó « cần thiết cho chính sách phòng thủ » của Bắc Kinh nhưng Trung Quốc « không quân sự hóa » vùng biển này.

Hãng thông tấn Bloomberg trích lại phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) ngày 22/11/2015 tại Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 10 tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia. Nhân vật số 2 trong ngành ngoại giao Trung Quốc tuyên bố : « Xây dựng và duy trì cơ sở quân sự cần thiết nhằm mục đích phòng phủ và bảo vệ đảo và các bãi đá (…) Không nên gắn liền các cơ sở đó với việc quân sự hóa các hòn đảo và bãi đá trong vùng Biển Đông ».

Một số nhà phân tích cho rằng, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ lặp lại quan điểm « không quân sự hóa » Biển Đông, điều từng được Chủ tịch Tập Cận Bình nêu lên khi hội kiến với Tổng thống Barack Obama hồi tháng 9/2015.

Tuy nhiên, trả lời báo Wall Street Journal, chuyên gia về quân sự Trung Quốc, Bonnie Glaser cho rằng Bắc Kinh đang « sử dụng một ngôn ngữ mới » và có lập trường «không rõ ràng » khi đề cập đến hồ sơ Biển Đông. Bà Glaser nêu lên câu hỏi : Bắc Kinh khẳng định « không quân sự hóa » Biển Đông nhưng liệu rằng Trung Quốc sẽ có điều chiến đấu cơ, máy bay trực thăng hay tên lửa đến những hòn đảo nhân tạo họ mà họ đã xây dựng hay không ?

T.H.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20151123-tq-bd-qs-ca

 

 

 

This entry was posted in Biển Đông, Quốc Tế. Bookmark the permalink.