TỔ QUỐC VÀ CHẾ ĐỘ

Ai cũng hiểu Tổ Quốc và Chế độ là hai khái niệm khác nhau. Tổ Quốc là giang sơn đất liền, biển đảo, vùng trời cùng với toàn bộ người dân (gồm nhiều sắc tộc) đã, đang, sẽ làm ăn sinh sống trên lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời có chủ quyền của quốc gia. Còn Chế độ là thể chế chính trị trong từng thời kỳ của mỗi quốc gia.

Tổ quốc Việt nam có Lịch sử dựng nước và giữ nước hơn 4000 năm. Trong hơn 4000 năm ấy đã trải qua nhiều Chế độ xã hội từ Chế độ bộ lạc, nông nô, rồi Chế độ phong kiến, đến Chế độ phong kiến thuộc địa (của Trung quốc, Pháp, Nhật), sau đó là Chế độ Cộng hòa Nghị viện (ở cả hai miền trong thời kỳ đất nươc chưa thống nhất) và 40 năm nay là Chế độ xã hội chủ nghĩa (mới là danh chưa thực, hiểu theo câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”).

Mỗi Chế độ đều có những quan hệ đối nội và đối ngoại khác nhau. Nhưng Dân tộc Việt Nam không bao giờ vì Chế độ mà để mất Tổ Quốc. Lịch sử 4000 năm của Dân tộc Việt Nam đã chứng minh điều đó bằng núi xương, sông máu của Dân tộc. Không một thế lực nào có thể xóa được Lịch sử đau thương mà kiêu hãnh của Dân tộc Việt Nam.

Yêu Tổ Quốc (yêu nước) không đồng nhất hoàn toàn với yêu Chế độ. Có người yêu nước nhưng không yêu Chế độ và ngược lại cũng có những kẻ yêu Chế độ nhưng không được coi là yêu nước.

Ví dụ điển hình cho trường hợp thứ nhất là Nguyễn Trãi. Cả cuộc đời Ông đi theo Lê Lợi, phò Lê Lợi để đánh đuổi giặc Minh. Sau khi Lê Lợi giành thắng lợi, Ông vẫn phụng sự Nhà Lê cho đến khi thấy Nhà Lê bắt đầu “thối nát” thì Ông đã lui về Côn Sơn ở ẩn. Rõ ràng, Nguyễn Trãi luôn là người yêu Tổ Quốc nhưng gần cuối đời, Ông là người “chán ghét” Chế độ.

Ví dụ điển hình cho trường hợp thứ hai là Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc và rất nhiều kẻ bám đít ngoại bang đi ngược lại quyền lợi của cả Dân tộc. Những kẻ này không ai coi là những người yêu nước vì họ chỉ lo cho quyền lợi của chính họ, gia đình họ cùng lũ quần thần bảo về họ (một đám ăn theo, hùa theo).

Một Chế độ được coi là ưu việt khi và chỉ khi: Chế độ đó phải bảo vệ được chủ quyền về lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời của quốc gia, bảo vệ và gìn giữ được độc lập dân tộc; Chế độ đó phải hòa hợp được dân tộc (người trong một nước phải thương nhau cùng) và luôn phải đặt quyền lợi Dân tộc lên trên mọi quyền lợi cá nhân, quyền lợi cục bộ (bộ phận).

Khi Chế độ làm được hai điều này thì sẽ (mới) đồng nhất được tình yêu Tổ quốc và tình yêu Chế độ trong đại đa số người Dân và trong từng người dân.

Nếu một Chế độ nào mà không làm được hai điều trên thì trong xã hội chắc chắn vẫn còn những người yêu nước nhưng không yêu Chế độ và sẽ còn những người phản ứng chống đối Chế độ, phản ứng chống lại những người cầm giữ Chế độ.

Tổ Quốc Việt Nam mãi mãi trường tồn và không chịu nô lệ ngoại bang; đồng thời người Dân Việt Nam cũng không bao giờ chấp nhận chủ nghĩa “dân tộc hẹp hòi” cực đoan. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không thể nào thay đổi.

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Bản tuyên ngôn độc lập ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu ấy đã khắc vào sông núi, bờ cõi, vùng trời, vùng biển Việt nam, vào tâm khảm của người Việt Nam từ bao đời nay không dễ gì xóa được. Đấy là TÌNH YÊU TỔ QUỐC đã khắc vào tim, óc người Việt Nam.

Về dạy và học cấp phổ thông ở Việt Nam:

Một số nước phát triển hiện nay có xu hướng ‘tích hợp” kiến thức của các môn học vào  “môn tổng quát”; đồng thời với việc thay đổi phương thức dạy và học.

Lý do mà họ phải làm như vậy là bởi tri thức của loài người đang tăng lên theo cấp lũy thừa nên không thể dạy và học theo phương cách truyền thống (dạy và học nhiều môn riêng rẽ, thầy chủ động giảng bài, trò thụ động nghe giảng). Cách dạy và học truyền thống không thể truyền tải hết kiến thức cần thiết nhất cho học sinh và là một chiều, áp đặt, không phát huy sáng tạo trong dạy và học, không lấy học sinh làm trung tâm. Mặt khác kiến thức của các môn học riêng lẻ có  những phần liên quan, “giao” nhau nên việc “tích hợp” các môn học liên quan nhau là cần thiết.

Vì vậy, trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam, việc “tích hợp” một số môn học thành “môn tổng quát” là một trong nhiều việc cần phải làm để phù hợp với xu thế chung của thời đại. Ví dụ, có thể tích hợp môn Toán tin với Lý, Hóa với Sinh, Thể dục với giáo dục quốc phòng và kỹ năng sống (thành môn giáo dục con người).

Riêng môn học Lịch sử thì không thể “tích hợp” với môn nào được bởi Lịch sử của Dân tộc là “Quốc phả” và Lịch sử thế giới là “Quốc tế phả”. Theo thiển ý cá nhân thì có thể xây dựng môn học mang tên “Việt Nam học”. Trong môn học này sẽ dạy về Lịch sử Việt Nam và con người Việt Nam. Trong môn “Việt Nam học” thì các vấn đề thuộc về LS phải khách quan, phi chính trị; còn các vấn đề về người Việt Nam thì phải đầy đủ các đặc trưng đúng là người VN (gồm cả tốt, xấu) và lấy dẫn chứng từ các nhân vật trong LS cũng như hiện tại, và mỗi vấn đề của bài giảng phải có sự đối thoại bình đẳng giữa thầy và trò, giữa trò với trò).

Ngoài ra, có thể có môn “Quốc tế học” được “tích hợp” tổng quan từ các vấn đề về Lịch sử thế giới, Văn hóa phương Tây và phương Đông và Ngoại ngữ.

Để chuẩn bị cho việc dạy và học các môn “tích hợp” thì phải đào tạo các thầy đủ năng lực dạy các môn “tích hợp” chứ không thể một môn “tích hợp” như môn “toán tích hợp với lý) lại do hai thầy (toán riêng, lý riêng) dạy; tương tự môn “Quốc tế học” cũng vậy.

K.N.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.