Lê Ngọc Tú dịch
Nhưng bất chấp vị thế của Trung Quốc trong vai trò là “bảng quảng cáo lớn nhất thế giới cho lựa chọn mới” của sự tiến tới tư bản và duy trì chuyên quyền, các lãnh đạo Đảng, như ông Halper mô tả, [ĐCS Trung Quốc] rất sợ mất quyền kiểm soát và sợ Trung Quốc rơi vào hỗn loạn. Nỗi sợ hãi này, ông nói, là động lực đằng sau những hành vi bên ngoài đáng lo ngại của Trung Quốc. Theo lập luận này thì sự cai trị của Đảng phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế, sự tăng trưởng này lại phụ thuộc vào nguồn tài nguyên được cung cấp bởi các nước kém phát triển.
Nỗi lo sợ của các lãnh đạo Trung Quốc về sự hỗn loạn cho thấy chính họ không chắc rằng mình đã tìm thấy con đường đúng. Thảo luận về mô hình vấp phải khó khăn toàn diện bởi những vấn đề đe dọa sự ổn định mà sự tăng trưởng nguy hiểm đem lại, từ sự hủy diệt môi trường đến tham nhũng tràn lan và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng.
Nếu quyền lực mềm của Trung Quốc đang lên và của Mỹ đang giảm – như nhiều nhà bình luận Trung Quốc đã viết – thì sự kiện [triển lãm Thượng Hải] sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng Mười này hầu như không cho thấy điều đó. Đúng là Trung Quốc đã thành công trong việc thuyết phục một số lượng kỷ lục các quốc gia tham dự [triển lãm]. Nhưng số khách tham quan thấp hơn nhiều so với dự đoán của các nhà tổ chức. Và hàng đợi bên ngoài gian hàng của Mỹ là một trong những hàng đợi dài nhất.
The Economist
Những người phương Tây lo ngại rằng các nước đang phát triển muốn sao chép “mô hình Trung Quốc”. Nói như vậy làm cho những người ở Trung Quốc không thoải mái.
Các quan chức Trung Quốc nói việc mở hội chợ triển lãm thế giới – World Expo – tại Thượng Hải vào ngày 30 tháng 4 sẽ đơn giản và tiết kiệm. Nhưng thực tế đã không như vậy. Màn trình diễn pháo hoa, chùm ánh sáng laser, đài phun nước và vũ công sánh với sự lãng phí của nghi lễ Olympic Bắc Kinh năm 2008. Sự đốc thúc của chính phủ nhằm phô trương sự năng động của Trung Quốc đã chứng minh sự hấp dẫn không thể cưỡng lại. Đối với nhiều người, sự phô trương làm nổi bật lên mô hình Trung Quốc cho cả thế giới chiêm ngưỡng.
Triển lãm hàng tỷ dollar thể hiện cho cái được xem là mô hình, cái mô hình đã khiến cho Trung Quốc giành được nhiều người ngưỡng mộ ở các nước đang phát triển và xa hơn nữa. Một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew, một tổ chức trưng cầu ý kiến của người Mỹ, thực hiện, cho thấy rằng năm ngoái 85% người Nigeria dành cái nhìn thiện cảm cho Trung Quốc (so với 79% năm 2008); tương tự, con số này ở người Mỹ là 50% (tăng từ 39% năm 2008) và người Nhật là 26% (tăng từ 14%). Khả năng tổ chức hội chợ triển lãm thế giới lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm cả việc nâng cấp trên quy mô khổng lồ cơ sở hạ tầng của Thượng Hải mà lại không mấy xảy ra những tranh cãi gây tác hại như ở các nước dân chủ, rõ ràng là một phần của những gì làm [người ngoài] lóa mắt.
Tuy nhiên, bản thân các học giả và các quan chức tại Trung Quốc mâu thuẫn với nhau là liệu có một mô hình Trung Quốc (hoặc “sự đồng thuận Bắc Kinh” như được gọi vào năm 2004 bởi Joshua Cooper Ramo, một nhà tư vấn Mỹ, dựa trên ý tưởng của “sự đồng thuận Washington” đang xuống dốc), và nếu có thì mô hình này là gì và liệu có sáng suốt không khi bàn về nó. Đảng Cộng sản dè dặt không muốn thừa nhận về bất kỳ mô hình phát triển nào mà các nước khác có thể sao chép. Các trang web chính thức lưu hành rộng rãi một báo cáo của Đại công báo (Ta Kung Pao) – tờ báo thân Đảng [Cộng sản Trung Quốc] ở Hồng Kông, gọi triển lãm là “một bục trình diễn cho mô hình Trung Quốc”. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc tránh sử dụng thuật ngữ đó; khi nói về cuộc triển lãm này trước công chúng, họ sử dụng cách diễn đạt ít xem Trung Quốc là trung tâm hơn.
Nhưng trong ngành công nghiệp xuất bản của Trung Quốc thì khác; ngành này trong những tháng gần đây kiếm chác được nhờ sự bộc phát trong tranh luận ở Trung Quốc về khái niệm mô hình Trung Quốc (sự cai trị độc đảng, sự tiếp cận chiết trung đối với thị trường tự do và vai trò lớn của các doanh nghiệp nhà nước – những thành phần thường được xác định cho mô hình này). Trong tháng Mười một, nhà xuất bản Đảng nổi tiếng đã xuất bản một bộ sách 630 trang có tiêu đề “Mô hình Trung Quốc: Một mô hình phát triển mới từ sáu mươi năm Cộng hòa nhân dân”. Trong tháng Một, nhà xuất bản này cho ra mắt một bộ sách khiêm tốn hơn, “Mô hình Trung Quốc: Kinh nghiệm và Khó khăn”. Một cuốn sách mô hình Trung Quốc nữa đã được phát hành vào tháng Tư và được tranh luận tại một diễn đàn liên quan đến triển lãm ở Thượng Hải. Trong số các tác giả nhiệt huyết của cuốn sách có Triệu Khải Chính (Zhao Qizheng), một cựu quan chức tuyên truyền hàng đầu của Đảng, và John Naisbitt, một nhà tương lai học người Mỹ.
Các nhà xuất bản phương Tây cũng hăng hái không kém trước sự tăng trưởng nhanh liên tục của Trung Quốc. Tác phẩm mới nhất trong lĩnh vực này là Đồng thuận Bắc Kinh, mô hình độc tài của Trung Quốc sẽ chi phối thế kỷ XXI như thế nào của Stefan Halper, một học giả người Mỹ. Ông Halper, một quan chức phục vụ nhiều chính thể Cộng hòa, lập luận rằng “cũng giống như quá trình toàn cầu hóa đang thu hẹp thế giới, Trung Quốc đang thu hẹp phương Tây” bằng cách âm thầm giới hạn sự phóng chiếu các giá trị của nó [phương Tây].
Nhưng bất chấp vị thế của Trung Quốc trong vai trò là “bảng quảng cáo lớn nhất thế giới cho lựa chọn mới” của sự tiến tới tư bản và duy trì chuyên quyền, các lãnh đạo Đảng, như ông Halper mô tả, [ĐCS Trung Quốc] rất sợ mất quyền kiểm soát và sợ Trung Quốc rơi vào hỗn loạn. Nỗi sợ hãi này, ông nói, là động lực đằng sau những hành vi bên ngoài đáng lo ngại của Trung Quốc. Theo lập luận này thì sự cai trị của Đảng phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế, sự tăng trưởng này lại phụ thuộc vào nguồn tài nguyên được cung cấp bởi các nước kém phát triển. Trên thực tế, các chính trị gia ở Châu Phi ít khi nói đến việc theo đuổi một “sự đồng thuận Bắc Kinh”. Nhưng họ yêu thích dòng chảy viện trợ từ Trung Quốc không đi kèm với các bài giảng phương Tây về quản trị và nhân quyền.
Cũng nỗi sợ hãi đó làm các lãnh đạo Trung Quốc e ngại hùng biện về mô hình Trung Quốc. Họ nhận thức sâu sắc về sự nhạy cảm người Mỹ đối với bất kỳ cách nói nào ám chỉ sự nổi lên của một sức mạnh và hệ tư tưởng cạnh tranh – và xung đột với Mỹ có thể làm sụp đổ sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Năm 2003, các quan chức Trung Quốc bắt đầu nói về sự “trỗi dậy hòa bình” của đất nước, để rồi chỉ vài tháng sau bỏ việc sử dụng thuật ngữ đó giữa những lo ngại rằng thậm chí từ “trỗi dậy” cũng sẽ gây khó chịu cho những người Mỹ đồng bóng. Triệu Khải Chính, cựu quan chức tuyên truyền, viết rằng ông thích [sử dụng thuật ngữ] “trường hợp Trung Quốc” hơn “mô hình Trung Quốc”. Vào tháng Mười hai, Lý Quân Như (Li Junru), một nhà lý luận cấp cao của Đảng, tuyên bố rằng việc đề cập đến một mô hình Trung Quốc là “rất nguy hiểm” vì điều này có thể gây ra bệnh tự mãn và phá hoại nhiệt huyết cho những cải cách xa hơn nữa.
Một số người Trung Quốc than thở rằng điều đó đã xảy ra. Cải cách chính trị, điều mà Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư quá cố của mô hình phát triển Trung Quốc, từng biện luận là yếu tố cần thiết cho tự do hóa kinh tế, hầu như không hề tiến triển kể từ khi ông nghiền nát các cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Tháng trước, ông Lưu Áp Vi (Liu Yawei) của Trung tâm Carter, một nhóm nhân quyền Mỹ, viết rằng những nỗ lực của các học giả Trung Quốc nhằm thúc đẩy ý tưởng về một mô hình Trung Quốc đã trở nên “mạnh mẽ và hiệu quả” đến mức mà cải cách chính trị bị “gạt qua một bên”.
Nỗi lo sợ của các lãnh đạo Trung Quốc về sự hỗn loạn cho thấy chính họ không chắc rằng mình đã tìm thấy con đường đúng. Thảo luận về mô hình vấp phải khó khăn toàn diện bởi những vấn đề đe dọa sự ổn định mà sự tăng trưởng nguy hiểm đem lại, từ sự hủy diệt môi trường đến tham nhũng tràn lan và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Tài Tân (Caixin), một trong những tổ chức truyền thông thẳng thắn hơn của Trung Quốc, tuần này đã công bố một bài báo của Joseph Nye, một học giả người Mỹ. Trong đó ông Nye viết về những rủi ro do quỹ đạo chính trị không chắc chắn của Trung Quốc gây ra. Theo ông, “[Khi] các thế hệ thay đổi, quyền lực thường tạo ra sự ngạo mạn và những ham muốn đôi khi gia tăng cùng sự đục khoét”.
Một nhà ngoại giao phương Tây, sử dụng thuật ngữ nổi tiếng của ông Nye, mô tả triển lãm như là một “cuộc cạnh tranh giữa các quyền lực mềm”. Nhưng nếu quyền lực mềm của Trung Quốc đang lên và của Mỹ đang giảm – như nhiều nhà bình luận Trung Quốc đã viết – thì sự kiện sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng Mười này hầu như không cho thấy điều đó. Đúng là Trung Quốc đã thành công trong việc thuyết phục một số lượng kỷ lục các quốc gia tham dự [triển lãm]. Nhưng số khách tham quan thấp hơn nhiều so với dự đoán của các nhà tổ chức. Và hàng đợi bên ngoài gian hàng của Mỹ là một trong những hàng đợi dài nhất.
LNT
Nguồn: “The China Model – The Beijing concensus is to keep quiet”, The Economist, ngày 6 tháng Năm, 2010.
Bản tiếng Việt © 2010 talawas