Sài Gòn: On est Paris!

Tôi mượn giáo sư dạy tiếng Pháp Hồ Hiếu cây viết để viết ba chữ “Je suis Paris” lên mũ trước khi đoàn đến Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP HCM để chia buồn về việc Paris bị khủng bố đẫm máu ngày 13-11-2015 vừa qua. Bác Hồ Hiếu năm nay đã “77 tuổi ta” như bác nói, đi đứng phải dùng ba-toong mới bước vững. Nhìn thấy tôi viết ba chữ “Je suis Paris” lên mũ, người thầy giáo tiếng Pháp này biểu tôi: “Nên viết là: On est Paris!”. Thấy tôi có vẻ phân vân, bác Hiếu giảng giải: “Viết “Je suis Paris” (Tôi là Paris) thì nghiêm nghị quá, còn viết “On est Paris” (Tụi tôi là Paris đây), nó thân tình hơn! Dân dã hơn…”. Quả là người Nam Bộ bao giờ cũng nặng về tình cảm! Tôi nghĩ trong bụng như vậy rồi “vực” bác Hiếu đứng dậy, cùng đoàn đi đến Tổng lãnh sự quán Pháp. Đoàn có 15 người; thầy giáo, kỹ sư, doanh nhân, nhà báo, nhạc sĩ,… đủ cả! Nhà thơ Bùi Minh Quốc từ Đà Lạt về chơi Sài Gòn, nghệ sĩ Kim Chi từ Hà Nội vô thăm cháu ngoại cũng tham gia đoàn với chúng tôi. Bác Hồ Hiếu gọi điện vô Tổng lãnh sự quán. Tôi đứng gần bác, nghe giọng bác nói tiếng Pháp rất ấm và ngọt ngào… Hôm đó là ngày Chủ nhật (15.11.2015), Tổng lãnh sự quán nghỉ làm việc!

Vòng hoa của chúng tôi mang băng-rôn “Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng chia buồn…” sẽ được để trước tòa Tổng lãnh sự Pháp tại TP HCM như thế cho đến sáng hôm sau, trước khi được đưa vào tiền sảnh.

“Nước Pháp là quê hương của những lý tưởng tốt đẹp” (Hồ Chí Minh), trung thành với lý tưởng Tự do – Bình đẳng – Bác ái của Cách mạng 1789, nước Pháp luôn đi đầu, luôn là “đầu tàu của lịch sử” (Marx) trong mọi cuộc tấn công vào các thế lực thù địch của nhân loại tiến bộ suốt chiều dài lịch sử, cận đại của thế giới. Vì thế, “anh hùng đa nạn” như tổ tiên người Việt đã đúc kết!

Đầu năm người Sài Gòn đã đến chia buồn với Charlie, cuối năm nay lại đến chia buồn với Bataclan… Cầu mong cho nước Pháp may mắn trong mọi tình huống mai sau…

Các thành viên của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng trước tòa Tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn (15.11.2015) 

Nói thêm: Đến sáng 16.11 khi Tổng lãnh sự quán Pháp mở cửa, anh em Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã vào chia buồn và viết sổ tang. Nhìn lại vòng hoa của Câu lạc bộ gửi hôm qua thì thấy mất băng chữ, chỉ còn lại mỗi vòng hoa không tên. Hỏi Ban Tổ chức thì được trả lời: Hôm qua ngoài cổng bảo vệ đưa vào đã như vậy. Việc giật băng chữ trên vòng hoa lại được tái diễn. Tại sao người ta sợ cái tên Lê Hiếu Đằng đến thế?

L. P. K.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Tin Tức. Bookmark the permalink.