ĐIỀU KIỆN CẦN ĐỂ  “THOÁT TRUNG”

Sau chuyến đến Việt Nam(VN) vừa rồi của Tập Cận Bình (tháng 11 năm 2015  vấn đề “thoát Trung” của dân tộc Việt Nam càng trở nên bức thiết. Nếu lúc này mà không thoát khỏi sự thao túng và kìm kẹp của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCS TQ)  thì đất nước VN khó tránh khỏi sự lệ thuộc toàn diện vào họ,  khó tránh khỏi một thời kỳ Bắc thuộc mới.

Mưu lược “Viễn giao cận công” (thân nước xa, đánh nước gần) được  các tập đoàn thống trị Trung Quốc áp dụng từ trên hai ngàn năm nay. Tưởng rằng với tinh thần “ vô sản toàn thế giới liên hiệp lại “thì  ĐCS TQ có cách xử sự khác, không ngờ họ vẫn theo vết  của tiền nhân, vẫn ôm mộng bá quyền, bành trướng. Dã tâm của các tập đoàn thống trị Trung Quốc muốn biến nước ta mãi mãi lệ thuộc vào họ càng rõ ràng hơn qua Hội nghị Thành Đô 1990.

Trong chuyến đến VN vừa qua Tập Cận Bình cố thuyết phục tập đoàn lãnh đạo ĐCSVN, Quốc hội VN, nào là  “ Tình hữu nghị từ trước đến nay…, Trung Quốc Việt Nam tình thân 1 nhà…, Sơn thủy tương liên, huynh đệ đồng lòng…, Lợi ích gắn chặt cùng nhau…, Ngàn vàng chỉ để mua tình láng giềng…, Quan hệ Việt Trung đã đứng trên điểm cao lịch sử mới…”.  Lập luận, dẫn chứng của Tập  gồm nhiều điều, có thể quy về 2 nhóm chính : 1- VN và TQ là láng giềng, là anh em. 2- Hai nước cùng ý thức hệ cộng sản, cùng xây dựng CNXH. …”.

Trong lúc mồm xoen xoét những lời tốt đẹp giả dối để lừa bịp thì những việc làm của Trung Cộng nhằm chống đối nhân dân VN, thôn tính từng phần lãnh thổ VN, muốn biến VN thành chư hầu là quá rõ ràng. Là láng giềng gần gũi VN bị mắc vào âm mưu “viễn giao cận công” của bành trướng chứ có được hữu hảo gì đâu. Ngoài VN còn có một số nước láng giềng với Trung Quốc như Mông Cổ, Nêpan, Ấn độ, Bhutan, Myanma, Kazakhtan, Nga v.v…, lãnh đạo các nước đó có chịu khuất phục TQ như lãnh đạo của ĐCSVN đâu. Lý do gần Trung Quốc là một thảm họa chứ không phải là lợi thế gì cả cho VN. Tổ tiên chúng ta nhiều đời phải khó khăn và khôn ngoan lắm mới giữ được đất nước độc lập và truyền đời cho con cháu phải xem Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp. Dưới thời Lê Duẩn, ông cũng đã cho ghi điều đó vào Hiến pháp, nhưng rồi sau đó đã bị những người kế tiếp như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng loại ra.

Vấn đề  chung ý thức hệ cộng sản. Sau khi Liên Xô và phe XHCN sụp đổ, các lãnh đạo của ĐCSVN  hoảng loạn, lo sợ, vội vàng quên hết quá khứ để đến Thành Đô ký kết thỏa thuận bí mật, đề cao 4 tốt và 16 chữ vàng do Giang Trạch Dân nêu ra, tạo điều kiện cho TQ  lấn chiếm đất đai, biển đảo, thâm nhập ngày càng sâu vào mọi mặt của VN, biến ĐCSVN thành kẻ lệ thuộc vào TQ. Mà cái ý thức hệ cộng sản đó, cái chủ nghĩa Mác Lênin  đó (CNML), cái con đường XHCN đó mang lại cho nhân dân lợi ít hại nhiều. Tôi đã từng chứng minh luận đề “Nguyên nhân gốc mọi  tệ nạn trầm trọng của xã hội VN hiện nay là sự kết hợp, sự cộng hưởng giữa một bên là những độc hại của CNML, một bên là những yếu kém trong nền văn hóa dân tộc”.  Chủ thuyết cộng sản, CNML ngày càng tỏ ra sai lầm, đang bị thối rữa, bị từ bỏ ở nhiều nơi, sự sụp đổ hoàn toàn là không tránh khỏi. Nhưng rồi  một phần do vô minh, phần chính do lòng tham quyền lực thống trị và những lợi lộc từ đó mang lại mà một số không ít các người lãnh đạo ĐCSVN cố níu giữ lấy nó bằng mọi thủ đoạn. Chính vì nỗi lo sợ mất đặc quyền đặc lợi nhưng lại ngụy trang bằng  việc sợ mất chế độ vô sản chuyên chính, lo mất CNML, lo mất đảng mà những người đứng đầu tập đoàn lãnh đạo CSVN đã  chịu nhục nhã đến Thành Đô để cúi đầu xin thần phục (xin gặp Đặng Tiểu Bình nhưng Bình không cho gặp). Như vậy CNML, con đường cộng sản chính là sợi dây chắc chắn và chủ yếu dùng  trói ĐCSVN và từ đó cũng là trói chặt dân tộc VN, rồi đưa đầu dây cho ĐCSTQ nắm giữ để điều khiển, để kìm hãm sự phát triển, để thao túng.

Vì những lẽ trên, có thể rút ra kết luận là để thoát Trung  thì một trong những điều kiện cần đầu tiên là từ bỏ CNML, từ bỏ con đường cộng sản để cải cách thể chế chính trị. Việc từ bỏ và cải cách  này sẽ  được đa số nhân dân hoan nghênh, được những đảng viên CS  có lòng yêu nước, có lương tri tán thành, ủng hộ sau khi được giải thích rõ ràng. Cán bộ của ĐCSVN ở mọi cấp, mọi ngành bị mất đặc quyền đặc lợi nên sẽ có sự phân hóa. Số đông trong những cán bộ này có lòng yêu nước, có lương tri nên sẽ đồng tình với việc từ bỏ CNML, một số trong đó còn có lòng dũng cảm nên sẽ tích cực tham gia, đấu tranh cho công việc ích quốc lợi dân này. Chỉ còn một số ít, nhưng ác thay lại là những người có chức vị quan trọng, tuy biết rõ sự thối nát của CNML nhưng cố níu kéo được chừng nào hay chừng nấy, để vơ vét những lợi lộc cuối cùng cho đầy nặng túi tham.

Có một số phương án để dân tộc VN vứt bỏ CNML, để cải cách thể chế. Trong những phương án đó,  điều được mong đợi nhất là “Sự diễn biến hòa bình từ trong nội bộ đảng cầm quyền”, nó gần giống như tình hình của nước Myanma gần đây.  Có lẽ nào sự chuyển từ độc tài sang dân chủ mà nước Myanma làm được thì Việt Nam không học theo, không làm được.  Nhân dân đang trông chờ vào những dấu hiệu tích cực sẽ diễn ra tại ĐH 12 sắp tới, đang hy vọng tại ĐH sẽ có một số đại biểu có đủ đồng thời trí tuệ và lòng dũng cảm để nêu ra thảo luận  việc thoát Trung , về  cải cách thể chế với việc từ bỏ CNML, từ bỏ con đường cộng sản và như vậy phải đổi tên đảng. Nếu không được như thế thì các đại biểu có lương tri, có trí tuệ và lòng dũng cảm, hãy vì quyền lợi của dân tộc mà kiên quyết “Thoát Trung”, từ bỏ CNML, tách ra khỏi ĐCS, thành lập một đảng mới, lấy tên là Đảng Lao động, hoặc Đảng Dân chủ…( giống như việc tại nước Nga  đảng Bôn sê vích đã tách ra khỏi đảng Lao động  Dân chủ Xã hội   diễn ra tại đại hội năm 1903, số còn lại được gọi là  Men sê vích.  Sau năm 1917 đảng Bôn sê vích mới đổi tên thành đảng Cộng sản). Tôi tin chắc rằng Đảng Lao động (hoặc Dân chủ, Xã hội ) được tách ra từ Đảng CS với tuyên ngôn thoát Trung, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, chủ trương xây dựng thể chế dân chủ với tam quyền phân lập sẽ nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của toàn dân. Còn nếu như tại ĐH 12 tất cả các đại biểu đều  ngậm miệng, không có ai dám nêu vấn đề thoát Trung và đổi mới thể chế thì DÂN TỘC đành chịu lầm than thêm thời gian nữa và sẽ tìm  phương án khác, lúc đó thì số phận của ĐCSVN sẽ không khác gì số phận các  đảng theo chủ thuyết CS, độc tài  thống trị ở những nước XHCN như Rumani, Bungari, Balan, Đông Đức… trước đây.

Để thoát Trung thì một trong những điều kiện cần đầu tiên là từ bỏ CNML, từ bỏ ý thức hệ cộng sản.

N.Đ.C

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đảng CSVN, Trung Quốc. Bookmark the permalink.