Mặc dù chưa có kết quả kiểm phiếu cuối cùng của 50.000 điểm bổ phiếu nhưng ngày 9-11, quyền chủ tịch Đảng đoàn kết và phát triển liên bang Myanmar (USDP) Htay Oo đã tuyên bố thừa nhận thất bại của Đảng cầm quyền. Và có lẽ sự thất bại là rất lớn. Phe đối lập chiến thắng ở những vùng đồng bằng trù phú vốn ủng hộ Đảng cầm quyền. Và thắng lợi lớn có thể đến mức tuyệt đại đa số, có thể thay đổi hiến pháp, dọn đường cho bà Aung San Suu Ky lên làm Tổng thống trong cuộc bầu cử TT tháng 2/2016. Mặc dù nếu phe dân chủ thắng thì nền chính trị Miến Điện sẽ không theo thể chế tổng thống như giới quân sự, mà sẽ theo nền chính trị Nghị Viện kiểu Anh, với chức vụ Thủ tướng nắm hành pháp…
Người làm nên tất cả chiến thắng, bà Aung San Suu Ky, người phụ nữ làm rạng danh đất nước Miến Điện, con người chủ trương đấu tranh bất bạo động bền bỉ và không mệt mỏi cho nền dân chủ của xứ sở, đã dẫn dắt dân tộc của bà đến chiến thắng bởi sự hy sinh của chính bà. Cùng với những lãnh tụ chủ trương đấu tranh ôn hoà, bất bạo động đã thành công như M.Gangdhi (Ấn Độ), Nelson Mandela (Nam Phi), Lech Valenza (Ba Lan) thì nay bà Aung San Suu Ky đã dẫn dắt cuộc đấu dân chủ bất bạo động của Miến Điện đến thành công, mà không cần phải đốt cháy dãy núi nào, không cần bao đầu rơi máu chảy của những cuộc Cách Mạng Long Trời Lở Đất..
Năm 1990 Đảng của bà đã chiến thắng phe quân sự nhưng bà đã không được làm thủ tướng mà bị bắt và giam lỏng gần 20 năm. Nằm trong lòng đất nước Miến Điện với các phe nhóm quân sự, các nhóm du kích Mao ít, các tổ chức vũ trang của các tộc thiểu số, các nhóm vũ trang kiêm buôn bán thuốc phiện đầy rẫy trong các vùng rừng núi biên cương giáp ranh với Trung Quốc, nhưng bà cương quyết đi theo con đường đấu tranh hợp pháp, bất bạo động. Và bà đã được thế giới ngưỡng mộ vì sự đấu tranh không mệt mỏi cho nền dân chủ. Bà là một trong không nhiều phụ nữ lừng lẫy tên tuổi trong thập niên gần đây. Bà được tặng giải Nobel Hoà bình 1991 cùng hàng trăm giải quốc tế danh giá khác.
Nhưng cần công bằng nhìn lại thành công này không phải chỉ của bà và Đảng NLD của bà. Xu thế dân chủ, xoá bỏ độc tài đang là một xu thế không thể đảo ngược được của thế giới ngày nay. Những cuộc CM màu, cách mạng loài hoa luôn bùng nổ ở những thể chế độc tài, và các nhà độc tài thi nhau sụp đổ, lưu vong hoặc là đi đến cái chết.
Độc tài, phi dân chủ là những điều mà thế giới văn minh đã ngày càng không chấp nhận, không dung thứ. Cùng với sự hợp tác vì lợi ích kinh tế rộng khắp thì việc phải cải tổ, cải cách để hoà nhập. Nếu không thì cũng bị phân biệt, bị loại trừ dần khỏi cuộc chơi kinh tế sống còn. Chính quyền Miến Điện cũng phải theo cuộc chơi khi khối Cộng đồng Đông Nam Á dần hình thành. Và những người lãnh đạo quân sự nước này đã bị dồn vào thế chân tường, nên họ đã chấp nhận buông súng, chấp nhận hy sinh quyền lợi của mình cho quyền lợi của dân tộc.
Còn Việt Nam thì dù muốn dù không, Đảng CS cũng ở vào thế chân tường khi các hiệp định kinh tế giăng mắc chung quanh siết chặt dần khiến đến lúc nào đó họ cũng phải buông súng độc tài, độc đảng.
Với Việt Nam câu hỏi không phải là có thay đổi hay không, mà là bao giờ…
M.T.A
Tác giả gửi BVN