Cuộc hôn phối bị cưỡng bức đối với dân tộc Việt Nam đã diễn ra 65 năm qua, được hâm hôn một cách gượng gạo bằng chuyến viếng thăm vừa rồi của Tập Cận Bình, với lời lẽ ôn tồn hoa mỹ từ cả hai bên, em và anh, có thể tóm tắt: “65 năm ấy biết bao nhiêu tình”!
Lãnh đạo Đảng của hai bên đều tỏ ra đồng tình xí xóa cho nhau những lỗi lầm nếu có, và thống nhất xem đó là chuyện nhỏ. Như lời khẳng định vào tháng 4 năm nay, lúc mà em sang thăm anh: “quan hệ song phương mặc dù có khó khăn, lúc thăng trầm, nhưng hợp tác hữu nghị, phát triển tích cực vẫn là dòng chính”. “Dòng chính” ấy là tấm lòng trung trinh tiết hạnh của người nữ gương mẫu thuộc “cửa Khổng sân Trình” hiện đại, nay gọi tạm là Mác-Lê-Mao, dù cho em có trải qua bao trận đòn roi từ 1979 đến nay, trải qua bao đêm trăng lên đầu ngõ, bao ngày mặt trời lặn cuối sông, em vẫn bỏ qua. Nhưng trên thực tế thì em – Việt Nam – chẳng có lỗi gì!
Lần này ông anh cũng nhắc lại: “[…] đã là láng giềng thì khó tránh xảy ra va chạm [sic]. Nhưng hai bên cần kiên trì xuất phát từ đại cục [sic] quan hệ hai nước thông qua hiệp thương hữu nghị và hòa bình, kiểm soát và xử lý bất đồng một cách thỏa đáng, đề phòng quan hệ chệch hướng [sic]. Khi đại sự đã được coi trọng thì tiểu sự sẽ không khó giải quyết”.
Chỉ là sự va chạm vụn vặt của láng giềng thôi sao? Đại cục là cái gì? Xử lý bất đồng một cách thỏa đáng là sao?
Lại thêm cái đặc biệt rất ỡm ờ nằm ở tinh thần đại sự với tiểu sự: đại sự ấy là gì, và tiểu sự ấy là gì? Dù là gì thì điều cần nhận ra ngay, là Tập đã tỏ rõ là một con buôn đang cò kè trả giá. Khi đại sự – tức là biển đảo – mà xong, thì tiểu sự – tiền túi và tiền ngân sách nếu cần – có đáng là bao! “Tiểu sự sẽ không khó giải quyết” là thế. Và nữa, miễn là em đừng có “chệch hướng”, quay buồm theo hướng khác. Lời thề thốt của Tập lại mùi mẫn hơn cả Thúc Sinh, cùng món xuyến vàng trao tay – một tỉ nhân dân tệ – và thắm thiết:
“Nguyện cùng [em] Việt Nam nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau”.
Cái kịch bản mà Tập thủ vai chính cứ xem như là hoàn hảo về phía anh ta. Hành vi và lời lẽ cứ xoăn xoắt như phường Mã Giám Sinh.
Không cần nhắc chi nhiều những lời hoa bướm của cuộc hâm hôn hào nhoáng hai ngày qua ở cuối thu Hà Nội, nơi địa danh Ba Đình vốn nhiều kỷ niệm; chỉ xin nhắc lại lời của ông Trần Quang Cơ, cách đây trên 30 năm, rõ mười mươi và truyền vang cả nước, gây xốn xan trong lòng người Việt lương thiện:
“Hướng bành trướng của Trung Quốc là xuống phía Nam, mà Việt Nam lại là chướng ngại vật lớn cản trở tham vọng bành trướng đó nên Trung Quốc đang có kế hoạch thôn tính Việt Nam bằng mọi thủ đoạn […] Tham vọng của Trung Quốc là làm chủ cả Biển Đông. Muốn thế trước hết phải uy hiếp và khống chế Việt Nam là nước có bờ biển thông ra Biển Đông dài nhất”.
Và ông nói rõ thêm:
“Họ tiến hành cái tạm gọi là “thôn tính mềm”, không gây ầm ĩ như cuộc chiến tranh chớp nhoáng tháng 2/1979, mà dùng những thủ đoạn hiểm độc hơn nhiều: đó là vừa dùng sức mạnh quân sự để uy hiếp trắng trợn, vừa dùng tiền tài mua chuộc; vừa phá từ trong phá ra, vừa bao vây từ ngoài lấn vào”.
Người dân Việt, cả các thế hệ già, trẻ trong nước, ngoài nước đều đã tường tận, không ai ngu để phải lòng với lời tán tỉnh trăng hoa của Tập và chân tay y. Càng nói, nghe càng thấy sượng, xét ra cái trí tuệ và nhân cách của Tập chẳng đáng giá là bao. Y kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam với lời thì thầm truyền cảm, như chỉ đạo:
“Cùng nhau giữ gìn hoà bình và an ninh.
Đi sâu kết nối chiến lược phát triển.
Tích cực triển khai hợp tác về an ninh.
Không ngừng củng cố quan hệ tương thân tương ái.”
Tiếng “cùng nhau” nghe mà phát tởm. Cái ngôn ngữ ấy, không người dân Việt Nam nào mà không hiểu thấu tâm địa của kẻ thốt ra.
Thế mà, qua mỗi cú lừa, Kiều một lần ngã. Cái lần ngã gây chấn thương nội tạng nặng nề nhất có tên là Thành Đô. Mỗi lần bọn Sở Khanh giở trò, Kiều lại chống đỡ yếu ớt, thụ động. Lần này đã lùi thêm vào tận góc giường, cũng vẫn phải dùng lời hoa mỹ mà gượng làm vui, vì sợ cơn đe dọa phủ đầu. Vòng vây bên ngoài càng siết chặt, thì ý chí bên trong dường như bị gãy vụn, khí phách dường như tàn lụi dần, sự phân hóa nội tạng càng nghiêm trọng, lùng bùng chen lấn nhau ở vũng đục như đàn cá trong cái ao đang bị tháo cạn nước. Hẳn là Tập đã nhìn vào nội tình Việt Nam với cái cười mỉm “tiểu nhân đắc ý”?
Chuyến sang Việt Nam của Tập lần này là tiếp tục phần còn lại của kịch bản “thập diện mai phục”. Vỗ về, mua chuộc, hào phóng, trượng phu với phương châm tào lao 16 chữ, lại còn trơ trẽn hơn nữa: “Nguyện cùng Việt Nam…”. Chúng dùng phương thức không mất nhiều sức, chỉ cần duy trì cái thể chế “tứ trụ” lằng nhằng, níu bâu áo nhau mà vật lộn như đang diễn ra, lực lượng công an thì vung dùi cui mà đập vào đầu những người dân yêu nước. Không bao lâu quả chín sẽ rụng vào hầu bao tham vọng của chúng.
Sự có mặt của Bành Lệ Viện lại hay, nó làm rõ nét nghệ thuật sân khấu. Mọi lời lẽ đối đáp nhịp nhàng, lại thăng hoa, bay bổng như một vở kịch nói. Không bên nào nhắc một lời cụ thể về chuyện biển đảo đã bị biển thủ lặng lờ trôi qua. Bốn ông quan đầu não đã nói lời xuôi chiều hoa bướm, tiếp đến là 500 đại biểu Quốc hội đều thin thít lắng nghe. Và vỗ tay nồng nhiệt! Sự cất lên tiếng nói đó, cùng sự im lặng lắng nghe này, mặc nhiên hài hòa như không gian Ba Đình đã bị chinh phục. Tập đến Việt Nam không có kẻ nghênh chiến, thong dong mà múa lưỡi, như đã đến chỗ không người. Chỉ nửa ngày sau, khi rời Việt Nam sang Singapore, Tập lại hót vang lừng những lời ca trơ trẽn, lu loa với thế giới: Biển và Đảo là của cha ông chúng để lại.
Đảng Cộng sản Việt Nam ơi, có ai đắng lòng?
Kể từ một mùa thu mơ màng năm ấy – 1945, đến nay là tròn 70 năm. Trong đó có 65 năm cuộc thề thốt ăn nằm của hai đảng được thiết lập, và Đảng Cộng sản Việt Nam đã dắt dẫn cuộc trường chinh của dân tộc đi tìm độc lập tự do theo con đường chênh vênh độc đạo, đã trải qua bao nhiêu xương trắng máu đào, với bao nhiêu tự hào chiến tích, và hôm nay, Việt Nam đang ở đâu trong ý nghĩa của hai chữ độc lập tự do, và cuộc mưu cầu hạnh phúc của dân tộc?
Cuộc chăn gối của hai Đảng đã đến lúc hạ màn. Hoạt cảnh của hai ngày qua là màn trình diễn nhạt thếch – mà có lẽ là cuối cùng – cho mọi vai diễn.
Không đơn thuần chỉ là trạng thái giằng co giữa sự tự phủ định, với lời nguyền rủa về một sự thật lịch sử, cũng không thể tự hào thất thố về cái gọi là “rực rỡ” để tung hô và ngợi ca quá gượng ép. Tất cả đều đang được nhìn lại, và nhìn lại một cách triệt để.
Cuộc chăn gối ấy quá phũ phàng, đã đến lúc dứt khoát phải chia tay với tên lừa đảo.
Có những biểu hiện về sự âm thầm từng bước xé bỏ bản hôn thú cưỡng bức Mác-Lê-Mao vốn là sợi dây trói buộc, để tự mình dịch chuyển sang con đường độc lập. Và trước hết đó là ý chí của nhân dân. Không một con đường nào khác, Đảng Cộng sản Việt Nam hãy như Thúy Kiều, tắm gội một lần triệt để ở sông Tiền Đường, để trở về với cố hương: độc lập tự cường gắn liền với dân chủ.
Và một điều nữa: Tập Cận Bình với nhân cách con buôn đó, là đối tượng không đáng sợ! Nhưng người dân Việt đã tự hỏi: Đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào để có một khách đối tác Tập Cận Bình ngông nghênh như thế kia? Đó là cái xốn xang duy nhất để lại trong lòng dân, sau hai ngày Đảng đón tiếp Tập.
H. Đ. N.
Tác giả gửi BVN.