Bình thường nhưng bất bình thường

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (minh họa).  AFP

Trong chuyến công du Việt Nam hai ngày 5 và 6 tháng 11 này, ngoài việc gặp gỡ, hội đàm với các nhân vật cao cấp nhất của Việt Nam, trong lịch trình làm việc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn có bài diễn văn đọc trước quốc hội Việt Nam.Dường như đây là tiền lệ chưa từng có đối với Quốc hội Việt Nam. Các nhà quan sát và các chuyên gia trong, ngoài nước nói gì về sự việc được cho là đặc biệt này.

Một sự việc không bình thường

Việc một nguyên thủ quốc gia có bài diễn văn nói trước quốc hội nước bạn là điều không mới lạ trong mối quan hệ bang giao của các nước, kể cả giữa nước tư bản và nước Xã hội chủ nghĩa. Vào giữa tháng 11 năm 2014, sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Tập Cận Bình đã đọc bài diễn văn trước Quốc hội của Úc. Bà cựu thủ tướng Úc Julia Gillard cũng từng đọc diễn văn trước lưỡng viện quốc hội Mỹ trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ.

Nhưng nếu nói về tầm quan trọng thì việc một quốc gia mời nguyên thủ nước bạn đọc diễn văn trước Quốc hội là một sự việc có ý nghĩa to lớn trong quan hệ giữa hai nước.

Chính vì thế mà trong bối cảnh hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là trong lịch sử các chuyến công du của các nguyên thủ quốc gia khác đến Việt Nam, thì sự kiện chưa từng diễn ra và chưa có tiền lệ đối với Quốc hội Việt Nam trở thành chuyện mang tính tế nhị chính trị.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội cho biết nhận định của mình:

“Tôi nghe tin này thì tôi cũng cảm có một cái gì bất ngờ, không bình thường, không hiểu người ta nghĩ thế nào mà người ta để ông Tập Cận Bình nói chuyện trước Quốc hội. Đó là một phong cách hiếm khi thấy các nước Xã hội chủ nghĩa làm và những việc nói trước Quốc hội thường là những việc của các nước dân chủ. Đó là 1 việc làm cho tôi hơi bất ngờ.”

Sự việc này cũng được cho là một điều không bình thường đối với nhà đấu tranh dân chủ trong nước Nguyễn Quang A. Trước tiên, ông xác nhận rằng việc đọc diễn văn trước Quốc hội của một nước là một điều từng xảy ra trong rất nhiều chuyến công du của các nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, với Việt Nam thì hiếm khi xảy ra. Và trong trường hợp này thì càng đặc biệt hơn. Theo lời ông thì “có thể là một sự nhượng bộ nào đấy đối với đòi hỏi của Trung Quốc.”

Tôi nghe tin này thì tôi cũng cảm có một cái gì bất ngờ, không bình thường, không hiểu người ta nghĩ thế nào mà người ta để ông Tập Cận Bình nói chuyện trước Quốc hội. Đó là một phong cách hiếm khi thấy các nước Xã hội chủ nghĩa

Luật sư Trần Quốc Thuận

“Thực sự là một quốc khách phát biểu trước quốc hội của một nước là chuyện cũng thường xảy ra, không lạ gì cả. Nhưng riêng ở Việt Nam thì rất rất hiếm khi xảy ra những việc như vậy. Và lần này, cuộc viếng thăm của ông Tập Cận Bình ngay trước Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam sắp đến, rồi Quốc hội đang họp thì tôi nghĩ là việc phát biểu của ông ấy trước Quốc hội là một điều gì đấy rất đặc biệt và có lẽ chỉ sau khi ông phát biểu thì có thể bình luận một cách chính xác. Nhưng riêng sự kiện đấy thì tôi cho là một sự kiện không bình thường cho lắm với tình hình Quốc hội Việt Nam từ trước đến nay.”

Luật sư Trần Quốc Thuận, với cương vị từng là Phó chủ nhiệm Thường trực văn phòng Quốc hội cũng nói rằng theo trí nhớ của ông, thì trong thời gian 20 năm trở lại đây, điều này chưa từng xảy ra với Quốc hội Việt Nam.

Tạo ảnh hưởng trước Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Với nhà báo, nhà quan sát Lưu Tường Quang ở thành phố Sydney, Australia thì bên cạnh việc cho rằng đây cũng là sự việc không mới lạ trong bang giao thông thường giữa các quốc gia, điều mà ông quan tâm đặc biệt đó là chuyến thăm Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vài tháng trước Đại hội Đảng lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Nếu nói về trong bang giao thông thường thì không có gì mới lạ ngoài chuyện các nguyên thủ quốc gia hay các lãnh tụ thăm viếng lẫn nhau. Nhưng trong bối cảnh đặc biệt giữa Hà Nội và Bắc Kinh thì việc ông Tập Cận Bình thăm viếng Việt Nam chỉ vài tháng trước khi Đại hội thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam thì nó có 1 ý nghĩa đặc biệt. Ý  nghĩa đó theo tôi nghĩ là ông Tập Cận Bình muốn tạo ảnh hưởng trong vấn đề bầu cử bộ chính trị mới.”

Trong chuyến công du Hoa Kỳ vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tổ chức Đại hội Đảng ở Việt Nam, trong bài bài phát biểu trước CSIS, Viện nghiên cứu chiến lược và ngoại giao Hoa Kỳ.

Và điều làm cho tôi lo lắng nhất là không biết ông Tập Cận Bình đứng trước quốc hội ổng sẽ nói gì. Nếu ổng nói là Trung Quốc đã có chủ quyền ở biển Đông, đường lưỡi bò hàng ngàn năm thì lúc đó quốc hội họ sẽ có ý kiến ra làm sao

Luật sư Trần Quốc Thuận

“Việt Nam chúng tôi, mỗi một kỳ Đại hội Đảng là một trong những sự kiện quan trọng nhất của đời sống chính trị Việt Nam. Năm năm chúng tôi tiến hành đại hội Đảng một lần, mỗi một lần là đánh dấu 1 mốc phải nói là lịch sử. Đại hội lần này chúng tôi sẽ kiểm điểm lạ, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện nghị quyết đại hội.”

Nói về mối liên hệ giữa việc ông Tập Cận Bình đọc diễn văn trước Quốc hội Việt Nam và kỳ hợp của Đại hội Đảng sắp đến của Việt Nam, ông Lưu Tường Quang cho rằng đây là một hình thức công khai chiến lược quan hệ giữa hai nước, chuẩn bị cho một đội ngũ nhân sự chính trị mới.

“Hầu hết những thành viên của Uỷ ban Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam cũng là những người có mặt trong Quốc hội. Cho nên việc ông đọc bài diễn văn, ngoài thể thức thông thường còn là 1 hình thức công khai nhằm ảnh hưởng suy nghĩ, chiều hướng tương lai của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Theo nhận định này của ông Lưu Tường Quang, thì hình thức công khai đó cũng nhằm mục đích ảnh hưởng đến suy nghĩ, tư duy của những người mà họ sẽ có lá phiếu bầu cử cho thành phần mới của Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, nhà đấu tranh dân chủ Nguyễn Quang A thì có ý kiến khác. Ông không cho rằng việc này ảnh hưởng đến quốc hội mới vì theo ông, quốc hội này cũng chỉ còn nửa năm của nhiệm kỳ.

“Chủ yếu là nó có thể ảnh hưởng đến cái chuyện nhân sự gì đó của Đảng Cộng sản Việt Nam, người ta hay đồn đoán như vậy, nhưng không rõ thực hư thế nào.”

Rất nhiều câu hỏi đặt ra rằng liệu ông Tập có lập lại lời xác nhận chủ quyền biển Đông như đã từng nói trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng vào tháng Chín vừa qua hay không? Luật sư Trần Quốc Thuận xác nhận rằng đó là một câu hỏi lớn.

“Và điều làm cho tôi lo lắng nhất là không biết ông Tập Cận Bình đứng trước quốc hội ổng sẽ nói gì. Nếu ổng nói là Trung Quốc đã có chủ quyền ở biển Đông, đường lưỡi bò hàng ngàn năm thì lúc đó quốc hội họ sẽ có ý kiến ra làm sao.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì lên tiếng cho rằng:

“Nếu ông ấy khẳng định như thế ở Ba Đình thì các đại biểu Quốc hội Việt Nam nên đứng lên và bỏ ra ngoài.”

Cho đến giờ phút này, tất cả chúng ta, những ai quan tâm đến chính trường Việt Nam đều trông chờ xem ông Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nói gì trong bài diễn văn của mình trước Quốc hội Việt Nam. Và cũng đã có người nêu câu hỏi nếu mời ông Tập Cận Bình đọc diễn văn tại Quốc Hội Việt Nam, liệu đó có phải là là tiền lệ để nguyên thủ những nước khác, chẳng hạn như Tổng thống Hoa Kỳ, cũng được mời đọc diễn văn trước các đại biểu Quốc Hội Việt Nam hay không?

C.L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/xi-wil-hav-a-speec-at-vn-parlia-11032015103521.html

 

This entry was posted in Biển Đông, Đảng CSVN, Trung Quốc. Bookmark the permalink.