“Ruột rối tơ tằm”: chuyện Thái tử Đảng & truyền thống gia đình

24-10-2015

Đại hội Đảng cấp tỉnh thành để chọn ban lãnh đạo mới, đến nay cơ bản đã hoàn thành trên khắp nước. Điểm nổi bật là nhiều cán bộ trẻ thuộc thế hệ “Thái tử Đảng” đã vào vai, nhận “thừa kế” của gia đình về sự nghiệp điều khiển xã hội trong khuôn khổ Đảng lãnh đạo. Việc này đã gây nên cuộc tranh cãi khá ồn ã trong dư luận xã hội với những cách nhìn khác nhau. Các cán bộ đương quyền cũng tham gia lên tiếng với chiều hướng “bảo vệ”, ngược với dư luận xã hội nghiêng về xu hướng “phê phán”. Chủ đề xoay quanh ưu thế của điểm xuất phát “truyền thống gia đình”, “tài đức” của các cá nhân được lựa chọn, thông qua “cách chọn lựa” của tổ chức Đảng. Thực ra, đó là câu chuyện vốn không mới mẻ gì, từng mang tên là “hạt giống đỏ”, nay phân hóa thành “CÔCC” –màu sắc có lẽ đã trở nên dịu hơn, ít ra không còn đỏ thắm.

Cuộc thảo luận bất đắc dĩ

Chỉ một chút khác biệt nhỏ: trước đây mọi việc đều do Đảng định đoạt như việc riêng của mình, không một tiếng nói nào khác. Nay cuộc “thảo luận bất đắt dĩ” có tiếng nói của dư luận, không phải là nhờ sự cho phép hay đổi mới nào từ phía nhà nước, mà là do tác động của xu thế dân chủ không thể ngăn cản, nó lôi cuốn giới quan chức cũng phải góp tiếng. Và một phần đáng kể là do sự cạnh tranh cục bộ của các thế lực trong Đảng tạo nên.

Diễn đàn tự phát này liệu rằng có tạo ra một ảnh hưởng lành mạnh nào về mặt tâm lý và ý thức cho lớp lãnh đạo mới, trong vai trò hành xử của mình ở cương vị mới chăng?

Người dân đã theo dõi các anh, ngay từ khi các anh bước lên võ đài, và cũng sẽ quan sát các anh suốt trận đấu. Đó là chuyện dài về sau.

Nhưng hiện nay, cách mà các anh được tổ chức Đảng chọn lựa liên quan với ưu thế của nguồn gốc xuất thân, có ý nghĩa gì, về các tiêu chuẩn phẩm chất/tài năng, cách chọn lựa và sự công bằng xã hội?

Có hai cách nhìn về thế hệ mới

– Phía Đảng, nhà nước

Nhìn chung là bảo vệ chủ nghĩa thừa kế nói trên, xem là việc đương nhiên do dòng máu gia truyền của lòng yêu nước, của khí phách bất khuất chống ngoại xâm, của năng lực được rèn luyện, của sự giác ngộ giai cấp – nay được diễn đạt bằng từ ngữ mềm mại hơn, là truyền thống gia đình!). Thậm chí, về mặt thực dụng, dù đó là tham vọng quyền lực, là hoài bão giàu sang, v.v. cũng không phải là trái lẽ đời, cũng thuộc quyền “mưu cầu hạnh phúc” mà Tuyên ngôn Nhân quyền đã nêu. Và mặt khác, cả cái hy sinh mất mát của lớp cha ông đã cống hiến trong chiến tranh, là xứng đáng được bù đắp. Do đó, họ có quyền thụ hưởng cái ưu thế di sản của gia đình truyền cho, cũng không phải là quá đáng. Hơn nữa, thế hệ ấy cũng được nuôi nấng và học hành tử tế từ các quốc gia tiên tiến, qua thử thách và bầu chọn rất “dân chủ” trong Đảng (!). Sẽ có những con người xứng đáng và có những trường hợp bất xứng sẽ bị đào thải qua thực tế, như đã có xảy ra ít nhiều. Quan điểm này cũng lên án thái độ chỉ trích việc thăng tiến của con em quan chức, hay người giàu có, cho là sai lệch và bất công do đố kỵ.

– Phía dư luận xã hội

Ngược lại, dân chúng cho rằng như thế là ngụy biện, là che lấp tham vọng bất chính; bởi sự nghiệp kháng chiến là của toàn dân, sự hy sinh cũng thuộc về toàn dân, không riêng gì những gia đình may mắn ấy, hay của riêng một số người trong Đảng, thậm chí của riêng Đảng. Vả lại, trong 40 năm qua, những chính sách ưu đãi chưa được đền bù đủ sao, và mấy đời mới đủ? Những di họa của chiến tranh mà nhân dân đã hứng chịu cho đến tận hôm nay không có gì bù đắp nổi. Truyền thống chống ngoại xâm là của cả dân tộc như lịch sử đã chứng minh, chứ không thuộc một đại gia đình nào. Điều quan trọng hơn, là sự bất bình đẳng giữa những lớp người cùng thế hệ hôm nay, đã không có một “sân chơi” bình đẳng, mà chỉ gói gọn trong “sân chơi riêng” của Đảng, hẳn nhiên là sự bất công trắng trợn, và hậu quả sẽ làm cho xã hội tiếp tục phân hóa, lụn bại, ngày càng xa rời, nếu không nói phản lại, mục tiêu xây dựng một xã hội mới, có dân chủ, có công bằng để phát triển, vốn là nguyện ước ban đầu bằng sự cống hiến tự nguyện cao cả của các thế hệ kháng chiến tiền phong. Phương chi, ở phạm vi rộng lớn hơn, môt bộ phận dân tộc cho rằng, cả cuộc kháng chiến ấy là cuộc “lạc đường lịch sử” – bởi sức quyến rũ quá đà một thời, có tính chất tình thế, từ chủ nghĩa Mác-Lênin-Mao do tưởng tượng mà có, nay đã không còn phù hợp, mà ngược lại, trở thành một chướng ngại, ngăn cản sự tiến bộ. Ngoài sự lạc hậu nói trên, nó còn dẫn đến phụ thuộc nghiêm trọng vào chủ nghĩa bành trướng phương Bắc ngày nay, thông qua tình hữu nghị đặc biệt của Đảng, dưới chiêu bài ý thức hệ, mà toàn dân tộc phải gánh chịu hậu quả.

Nguyên nhân lớn

Tạm gác qua những chỉ trích thẳng thắn từ phía xã hội và những biện hộ chưa có sức thuyết phục từ phía quan chức, tình trạng phân hóa trên chỉ là sản phẩm đẻ ra từ một nguyên nhân lớn: Việt Nam không có dân chủ.

Ưu thế gia đình rất là quý báu, nó hun đúc tinh thần và cung cấp phương tiện để đào tạo nên những “người kế thừa” đủ năng lực, như được gọi là “tài đức”, để phục vụ Quốc gia. Và nhất thiết cái “tài đức” đó phải được xác lập thông qua cuộc tranh đua công bằng, sự chọn lựa minh bạch và sòng phẳng, được công luận nhìn nhận thông qua bầu cử. Thời phong kiến, mà Đảng xem là lạc hậu cần đánh đổ, cũng có cái hay, ít ra là chuyện thi cử, cách chọn người tài ra giúp nước, không bầy hầy úp mở như hiện nay.

“Ưu thế gia đình” chỉ là điểm son trong lý lịch theo quan niệm của Đảng/nhóm Đảng, nhưng với nhân dân thì hiểu khác, ưu thế gia đình chưa phải là căn cứ làm chỗ dựa để tuyển chọn được tài năng và phẩm chất. Có khi, chính chỗ dựa bất công ấy là yếu tố làm mất tính lương thiện của trí tuệ nơi những con người ấy. Sẽ là một ám ảnh lâu dài nơi người thắng cuộc, khi mà họ tham dự cuộc đua được ngầm hưởng một sự ăn gian to lớn.

Truyền thống cũng là từ ngữ đáng chú ý. Truyền thống gia đình không thể được hiểu vì tôi sinh ra từ người cha chống Cộng, nên tôi chống Cộng hay cha tôi là Cộng sản nên tôi phải đi theo con đường ấy! Trước đây cha ông tôi được sự ủng hộ của Tàu trong cuộc kháng chiến, nay Tàu xâm lược…, thì tôi phải quyết tâm kế thừa cái “truyền thống” ấy hay chăng? Và lẽ nào một thái độ quyết liệt chống ngoại xâm, lên án Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa – Trường Sa lại bị cho là phi truyền thống? Truyền thống là khái niệm rất phức tạp trong thời đại ngày nay, giữa cái cũ và cái mới.

Thế hệ mới trước vận mệnh đất nước

Xã hội Việt Nam hiện thực đang ở tình trạng nửa vời.

Nó đang nửa vời:

– giữa lạc hậu và đòi hỏi tiến bộ,

– giữa độc tài và đòi hỏi dân chủ,

– giữa lệ thuộc trá hình và đòi hỏi độc lập thật sự,

– giữa cái quỹ đạo cũ của 70 năm qua và cái quỹ đạo mới trong bước ngoặc của nội tình Việt Nam,

– và quan trọng hơn, là trước sự đe dọa chủ quyền bởi bạo lực bành trướng Bắc Kinh.

Thế hệ “Thái tử Đảng”, kế thừa quyền lực từ ưu thế gia đình, ưu thế địa phương, từ sức mạnh phe nhóm trong Đảng, và kể cả ưu điểm bản thân (học thức, kinh nghiệm) đang ở đâu trong thế cuộc giằng co nói trên? Họ ở bên này, bên kia hay ở giữa cái lằn ranh của sự phân hóa nhiều màu sắc ấy?

Phải thừa nhận, cái gia tài đang được truyền lại đó là hết sức nặng nề, mà không một nhóm người nào, bất kể nguồn gốc xuất thân, bất kể ưu thế sẵn có, có thể gánh vác nổi, trong bối cảnh một đất nước bất ổn, bởi sự phân hóa xã hội gay gắt, và phân hóa trong Đảng, lại nằm trong tình trạng bị đe dọa chủ quyền nghiêm trọng từ tham vọng của Trung Quốc.

Thế hệ mới bước vào vũ đài chính trị Việt Nam hôm nay, quả là một thử thách lớn!

Dân chủ vẫn là lòng dân, vẫn là điều Đảng thường xuyên nói tới, mà theo ý Đảng, dân chủ vẫn cứ là “chùm nho hãy còn xanh lắm” đang treo lủng lẳng ở trên cao cao.

Nhưng vì sao mà nho vẫn cứ xanh mãi suốt các mùa vụ của 70 năm xương máu, có 40 năm gọi là độc lập, có 30 năm gọi là đổi mới?

Vì Đảng Cộng sản Việt Nam muốn độc quyền lãnh đạo! Mà hơn nữa, ngay trong cơ chế nội bộ của Đảng cũng không có dân chủ (đơn cử Chỉ thị 244), thậm chí không cả độc lập tự do. Mọi thứ lớn nhỏ, chính trị, kinh tế, bang giao… đều có con mắt cú vọ của tình báo Bắc Kinh. Ít nhất cho đến nay,“độc lập, tự do” của Đảng phần nào đó vẫn phải nằm trong sự “yên tâm/hài lòng” của Bắc Kinh, nếu khác đi thì phải giấu giếm.

Vẫn kiên trì Chuyên chính Vô sản đối với nhân dân (để chống Tư bản Đế quốc!)? Vẫn tin vào Chủ nghĩa Cộng sản? Vẫn chung “đại cục” với Trung Quốc? Không một người Cộng sản Việt Nam nào tin vào những điều đó, nhưng có thể trong giới lãnh đạo có nỗi lo sợ rằng thể chế dân chủ sẽ làm mất vai trò của mình, vì đặc quyền đặc lợi, hoặc vì cái quỹ đạo tư duy của con nghiện là không thể đổi mới?

Thế hệ lãnh đạo mới hôm nay có dám đối diện với tư duy của chính mình về các vấn nạn trên? Hay vẫn kiên trì trong đức tin đã có, trong quỹ đạo cũ mà từ đó mình đã lớn khôn, đã trưởng thành và tin đó mãi là chân lý?

Bàn cãi về việc bố trí cán bộ như hiện nay, là chủ đề rất hiếm xảy ra ở các quốc gia khác, dù mức phát triển ở đó thuộc loại tiên tiến hay chưa tiên tiến, như Campuchia là một điển hình. Đó là tình trạng cá biệt chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc (Bắc Hàn lại là một biến thái khác). Đó là sản phẩm của sự biến cải và hòa trộn một cách gượng ép của “truyền thống văn hóa phong kiến” (cha truyền con nối) với học thuyết “Cộng sản chủ nghĩa” giả tưởng và độc đoán, để đúc nên khuôn một thể chế độc tài kiểu mới, mà Trung Quốc là mô hình mẫu. Vòng trong là gia đình, dòng họ, địa phương, phe nhóm…, cùng va đập lẫn nhau trong cái vòng ngoài là ý chí “truyền ngôi trong Đảng”. Nó không có nền tảng để thiết lập các nguyên tắc dân chủ căn bản, nhất là ở thời đại hiện nay, đầu thế kỷ 21. Không một bức “vạn lý trường thành” nào dù kiên cố đến đâu mà không thể bị phá vỡ. Trung Quốc là con thuyền lớn vẫn đang bập bềnh giữa sóng gió của thời đại.

Cách đầu tư cho thế hệ lãnh đạo mới đang diễn ra là rất lủng củng so với các nước chung quanh; nó lạc hậu, phản dân chủ, không được sự đồng tình của nhân dân. Nhưng rất tiếc, nó đang là một thực tế chi phối đất nước. Tuy nhiên, ở đó có hé lộ ra một chút ánh sáng tích cực, căn bản như là phần chìm khuất của tảng băng rất đáng chú ý:

– Đó là sự thoát ly phần gốc rễ của chủ nghĩa mà nó đang mang danh. Nó tỏ ra không còn lưu luyến gì nữa với ý thức hệ giai cấp, và khéo léo chuyển dịch “động lực giai cấp” thành “truyền thống gia đình”. Từ “hạt giống đỏ” không còn được gieo đại trà, nay chuyển sang gieo cấy “CÔCC”. Để lôi cuốn lòng dân, che giấu sự chuyển dịch đó, nó tái hiện các khái niệm có giá trị thật của thời phong kiến xa xưa, với dụng ý ỡm ờ: an dân, nghĩa tình, truyền thống… trong các văn kiện, chỉ để tuyên truyền dối dân. Đó là một bước lùi của ý thức hệ.

– Từ đó, với ưu thế đang có, các phe nhóm triệt để khai thác nhằm tiến thẳng lên “mưu cầu hạnh phúc” của mình. Nó tựa như dân chủ tự do châu Âu thế kỷ 19, mà K. Marx lên án là “dân chủ tư sản”, sau này có tên gọi rõ nét hơn, là tư bản hoang dã / tư bản bè phái / tư bản lũng đoạn. Chính “tư bản” loại ấy đã có sức công phá mạnh mẽ, đánh đổ độc tài chuyên chính vô sản có hiệu quả nhất, để mở lối cho dân chủ. Chỉ tiếc một điều, người ta không công khai nói ra mà chỉ lầm lũi tiến vào miền tư bản hoang dã, để tận thu lợi ích cho phe nhóm mình.

– Tận dụng ưu thế còn sử dụng được, tiếp tục khoác áo lý tưởng“Chủ nghĩa xã hội”, trùm chăn an toàn “quá độ”, vốn là lý luận rất là “cùi bắp” còn lại hiện nay của Đảng, và là chiêu bài thuận tiện cho hành vi thao túng xã hội.

Nếu ba yếu tố nêu trên là có thực, thì xã hội Viêt Nam hôm nay sẽ có tên gọi đích thực là mô hình gì?

Nó không có cái tinh hoa của một loại, hay tinh hoa tổng hợp của ba loại. Nó là một hỗn hợp có cả ba yếu tố với phần tệ hại của mỗi loại: phong kiến lạc hậu + tư bản hoang dã + chủ nghĩa xã hội độc đoán. Nó rõ ràng là một thực thể chưa thể gọi tên, vừa không bền vững. Thực tại ấy lại đang đứng trước cơn sóng to gió lớn của thời cuộc.

Câu hỏi đặt ra cho thế hệ lãnh đạo mới

Thế hệ lãnh đạo hôm nay, là sản phẩm – không mới, cũng không cũ; chính xác là vừa mới vừa cũ – từ cái hỗn hợp không tên ấy, sẽ có định hình, định tính ra sao trong tình hình hiện nay, là điều chưa ai biết, sẽ đem lại một hứa hẹn gì cũng chưa ai biết. Họ có dám đổi mới tư duy, hay là bị, hay là tự nguyện nằm trong cái “đúng quỹ đạo”? Mà quỹ đạo ấy thật ra chỉ là cái khẩu hiệu rất lâm thời, vô định về nội dung, hoặc là thô lậu của chuyện tương tranh quyền lực lẫn nhau, chẳng cần phải khoác thêm cái áo màu viển vông nào nữa.

Tập thể “rường cột nước nhà” cấp tỉnh thành thì đã đứng vào vị trí, và nghiêm trang chờ lệnh. Mà cái lệnh ấy cũng không biết sẽ ban ra từ đâu? Hình như tất cả đang là một ẩn số?

– Từ ưu thế xuất phát, thế hệ mới sẽ tiến tới trong “đúng quỹ đạo” của hỗn hợp không tên, vô tư và tự tin với lòng xuân phơi phới: “Đường mây rộng thênh thang ta cử bộ/Nợ tang bồng ta quyết… tiến lên!”. Trong ưu thế có sẵn, vẫn có thể tiếp tục thư thái, nhàn du với thú chơi “chim cá”, và “cảnh” (thú tiêu khiển “thanh tao” của một Giám đốc trẻ 30 tuổi ở Quảng Nam) chăng?

– Hoặc, với ưu thế có sẵn của “gia tộc” về truyền thống yêu nước, nghị lực và tài năng, cùng với tri thức tiên tiến đã được tiếp nhận của thời đại, họ để lại đằng sau mình những níu kéo của lối mòn, dám bước lên phía trước, tạo nên một giá trị mới cho mình và giá trị mới của đất nước, theo dân chủ hóa, hội nhập vào xu thế mới một cách tự tin, góp phần cùng toàn dân xây dựng một Việt Nam độc lập và “thoát Trung”?

Đây là đòi hỏi, là hy vọng, hay chỉ là ảo vọng?

Trong bối cảnh hôm nay, là thời cơ thuận tiện cho “thế lực thù địch”, gọi đích danh là “Bành trướng”, sẽ sớm hoàn thành nốt các đại công trình ở Biển Đông. Đại cục giấc mơ “Đệ nhất Trung Hoa” sẽ nở hoa trên toàn vùng Đông Nam Á, mà trước tiên Việt Nam là vùng màu mỡ đã được họ chọn giống ươm mầm. Khó hiểu thay, người cầm đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nói: “Thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc” (1)! Rực rỡ về cái gì cơ? Đại tướng Phùng Quang Thanh, sau chuyến công du Trung Quốc về, đã có lời đe dọa: “Nếu mà mất Đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất.” (2). Thế mà biển đảo thì đã mất và đang mất, còn thể chế thì như ngọn đèn cạn dầu (kinh tế, niềm tin) đang lắt lay trước gió. Các Hội nghị Đảng vừa qua, như con gà nhảy ổ kêu oang oác cả xóm đều nghe, nằm lâu mà không đẻ ra được trứng. Lẽ nào, 90 triệu người, gồm có đội bóng “lãnh đạo mới” trong đó, đều nín đợi “vài ai đó” ở Ba Đình, đang chập chờn mất ngủ với hồn ma Bắc Kinh?

Người dân hôm nay, nhìn thế hệ lãnh đạo mới bằng hai con mắt: con tin, con ngờ. Ngờ có cơ sở, ở cái “bối cảnh” chung và riêng mà nó xuất phát. Tin cũng có cơ sở, ở cái nguyên lý: trẻ thì hơn già về năng lượng và khát vọng; tư duy có nhiều khả năng đổi mới và tiếp cận với thời đại, tầm nhìn không bị cầm tù trong cái nếp tư duy thân quen “vườn-ao-chuồng” của chủ nghĩa duy lợi, đã hiện ra lồ lộ ở cuối con đường chủ nghĩa hoang tưởng.

Thế hệ mới, các bạn đang ở đâu trong cuộc cờ?

Chỉ là loại con tin của các thế lực trong cuộc chia phần vô nghĩa? Hay là nhân tố mới lành mạnh và đáng tin?

Dù thế nào, các bạn cũng không thể tránh né trước đòi hỏi khách quan, sòng phẳng của lịch sử.

Mùa xuân Ả Rập là điều không hay ho gì, không nên mong đợi cho bất cứ ai, nhưng chuyển hóa hòa bình, tiến đến độc lập, dân chủ, tự chủ và “thoát Trung” không phải là con đường xứng đáng để tất cả cùng dấn thân hay sao?

Xuân này hứa hẹn một mùa xuân “ruột rối tơ tằm” không chỉ của riêng ai!

24-10-2015

H. Đ. N.

———————————————————

Tác giả gửi BVN.

 

 

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.