Bài viết của GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân về “kết luận nguy hiểm” và trả lời của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường

MỘT KẾT LUẬN NGUY HIỂM VỀ NHỮNG CON ĐẬP TRÊN SÔNG MEKONG 

GS.TSKH NGUYỄN NGỌC TRÂN (*)

(*) Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, nguyên chủ nhiệm Chương trình nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983 – 1990), đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

31/10/2015 09:29 GMT+7

TT –  Những con đập trên sông MeKong tác hại không đáng kể là một kết luận nguy hiểm vì nó liên quan đến môi trường, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đời sống của gần 18 triệu người dân.

 

Trang bìa của báo cáo dự án do Bộ TN&MT cùng VNMC thực hiện đang gây bức xúc cho nhiều nhà khoa học

“Tác động của 11 đập thủy điện trên sông Mekong lên đồng bằng sông Cửu Long là không đáng kể”! Đó là kết luận của báo cáo dự án “Nghiên cứu tác động của các đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong lên châu thổ sông Mekong, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long (MDS, Mekong Delta Study)” mà Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC) cùng với tư vấn là Viện Thủy lợi Đan Mạch (DHI) dự kiến trình bày tại một hội nghị quốc tế.

Cụ thể, trong báo cáo dự án này nêu một số điều như sau: “Tác động dự kiến của 11 đập trên dòng chính lên mực nước ở phần lãnh thổ Việt Nam của châu thổ (đồng bằng sông Cửu Long, người viết chú thích) là tương đối nhỏ, trung bình thấp hơn 2 cm” (slide 18/51); “Các thay đổi về độ mặn (g/l) là tương đối nhỏ ở châu thổ, khoảng dưới 1g/l cho năm 2007 với chế độ vận hành hằng ngày của đập” (slide 44/51); “Đỉnh lũ do vỡ đập tại Sambor vào khoảng 8 m. Tại Phnom Penh vào khoảng 0,6 m. Tại châu thổ, dưới 0,4 m” (slide 49/51); “11 đập dự kiến trên dòng chính không tác động một cách có ý nghĩa sự xói lở bờ sông trên phần lãnh thổ Việt Nam của châu thổ” (slide 50/51)…

Các kết luận trên đây là vô cùng nguy hiểm vì nó liên quan đến môi trường, sản xuất nông nghiệp và thủy sản, đời sống của gần 18 triệu người dân ở đồng bằng.

Nguy hiểm còn bởi dự án là một dự án của Chính phủ Việt Nam được giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường thay mặt Chính phủ là chủ đầu tư quản lý và VNMC điều hành. Dự án lên tới 3,5 triệu USD (gần 80 tỉ đồng, được quốc tế tài trợ), và công ty tư vấn là DHI. Kết luận của dự án báo cáo ra quốc tế hàm nghĩa đã được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam và gián tiếp có thể được hiểu là Việt Nam đồng tình với việc xây dựng cả 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong.

Phải nói rằng cách làm của những người trực tiếp thực hiện dự án này là thiếu trách nhiệm.

Bởi vào tháng 12-2014, sau khi có được và nghiên cứu báo cáo nền của dự án, bản thân tôi và một số nhà khoa học đã lưu ý ba nội dung: (1) phương pháp luận không ổn vì còn nhiều lỗ hổng; (2) số liệu không được cập nhật, chuyên gia tư vấn cần hiểu kỹ hơn thực tế thay vì chỉ sử dụng các kết quả đã có, được cung cấp; (3) mô hình số mô phỏng các tác động phải minh bạch, Việt Nam có thể kiểm tra việc mô phỏng; nên yêu cầu tư vấn sử dụng và cung cấp phần mềm mã nguồn mở.

Các góp ý trên đây đã thông qua một hội nghị tại Ban chỉ đạo Tây Nam bộ ngày 30-12-2014, có sự tham dự của 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long, và ngay sau đó đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài nguyên và môi trường, VNMC.

Chưa hết, đến tháng 6-2015, thay mặt nhóm chuyên gia, tôi đã trình bày với các nhà tài trợ những góp ý trên đây trong một cuộc họp tại Hà Nội và yêu cầu phải hoàn thiện phương pháp luận. Rất tiếc, VNMC không có mặt.

Sau hơn 10 tháng VNMC viện đủ lý do để khất hẹn với nhóm chuyên gia trong khi đó vẫn cùng DHI tiếp tục thực hiện dự án, và đã đi đến các kết luận trên đây mà VNMC định báo cáo với quốc tế trước khi báo cáo với trong nước, trình bày với các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước am hiểu về đồng bằng sông Cửu Long.

Vì tầm quan trọng của vấn đề, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

(1). Bộ Tài nguyên và môi trường cùng VNMC phải báo cáo với Thủ tướng kết quả nghiên cứu của dự án, có sự tham dự của các nhà khoa học và cho ý kiến chỉ đạo về các bước tiếp theo.

Trong khi chờ đợi, Bộ Tài nguyên và môi trường, VNMC không công bố ra quốc tế các kết quả nói trên.

(2). Quốc hội theo dõi và giám sát kịp thời dự án quan trọng này. Trước mắt, yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường, VNMC giải trình dự án trước Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội và các ủy ban khác có liên quan.

QUAN TÂM

N.N.T.

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20151031/mot-ket-luan-nguy-hiem-ve-nhung-con-dap-tren-song-mekong/994279.html

 ***

Bộ TN-MT TRẢ LỜI VỤ “MỘT KẾT LUẬN NGUY HIỂM”: KHÔNG RÕ THÔNG TIN ĐÓ Ở ĐÂU…

01/11/2015 08:26 GMT+7

XUÂN LONG

TT – Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai cho biết toàn bộ nghiên cứu, đánh giá tác động của 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đều do các chuyên gia quốc tế thực hiện. 

Trang bìa của báo cáo dự án do Bộ TN&MT cùng VNMC thực hiện đang gây bức xúc cho nhiều nhà khoa học

Ngày 31-10, trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại về việc nghiên cứu, đánh giá tác động của 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai cho rằng: “Chắc chắn việc nghiên cứu, đánh giá phải được thực hiện thận trọng, có xem xét qua nhiều cấp trước khi hoàn thành báo cáo”.

Theo ông Lai, việc nghiên cứu, đánh giá được thực hiện qua đấu thầu quốc tế. Trong đó thực hiện chính là các chuyên gia của Đan Mạch, của Mỹ, của Ngân hàng Thế giới chứ không phải phía VN trực tiếp xây dựng báo cáo.

“Số liệu do các bộ ngành cung cấp, nhưng thực hiện nghiên cứu, đánh giá là do các chuyên gia quốc tế làm” – ông Lai cho hay.

Ông Lai khẳng định việc xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính Mekong sẽ gây ra những quan ngại lớn về môi trường, lợi ích sinh kế… đối với các quốc gia vùng hạ lưu. Và do ở vị trí cuối nguồn sông Mekong, VN sẽ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Xung quanh ý kiến phản biện của các chuyên gia VN rằng việc nghiên cứu, đánh giá tác động của 11 thủy điện trên dòng chính sông Mekong chưa nêu hết tác động, trong đó bản trình chiếu báo cáo nêu tác động không đáng kể sử dụng số liệu cũ, ông Lai cho rằng không rõ những thông tin kết luận đó ở đâu, còn báo cáo trình lên Bộ TN-MT không kết luận như vậy.

“Báo cáo kết luận nhiều nội dung tác động. Kết luận nêu rõ là tác động rất lớn và không thể chấp nhận” – ông Lai cho biết.

Cũng theo ông Lai, tất cả nhận định, kết luận từ báo cáo nghiên cứu, đánh giá tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong còn được lấy ý kiến các bộ ngành.

“Chắc chắn báo cáo này sẽ được thực hiện thận trọng và được xem xét qua nhiều cấp” – ông Lai nói.

Trước đó, khi Chính phủ Lào xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong năm 2011, ông Lai cho rằng những tác hại của biến đổi khí hậu sẽ đến nhanh hơn kịch bản mà các nhà khoa học thế giới đã dự báo.

Chỉ riêng ở phần trung lưu sông, các nước đang có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính, các tác động của việc xây dựng các đập thủy điện là vô cùng to lớn và mạnh mẽ đối với dòng sông Mekong.

“Ảnh hưởng từ việc xây dựng thủy điện ở dòng chính sông Mekong hết sức mạnh mẽ tới quá trình phát triển ĐBSCL” – ông Lai khẳng định.

X.L.

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151101/bo-tnmt-tra-loi-vu-mot-ket-luan-nguy-hiem-khong-ro-thong-tin-do-o-dau/994849.html

 

 

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.