Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Mấy tháng nay, tình hình nước Cộng hòa Belarus thu hút sự quan tâm của công luận quốc tế.
Belarus ở phía Tây Bắc châu Âu, có gần 10 triệu dân, là một trong những nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết trong Liên bang Xô viết bị giải thể cuối năm 1991. Belarus khôi phục chủ quyền quốc gia ngày 27/7/1990, tuyên bố độc lập ngày 25/8/1991.
Từ khi độc lập đến nay Belarus đã có nhiều thay đổi. Hơn 20 năm nay qua Belarus bị dư luận phương Tây đánh giá là bảo thủ, còn giữ lại nhiều di sản thời Xô viết cũ, duy trì một khu vực kinh tế chỉ huy với các cơ sở quốc doanh rộng lớn, nhất là ngành lọc dầu và chế tạo máy kéo, hạn chế kinh doanh tư nhân, bóp nghẹt giai cấp trung lưu. Hiện nay Belarus là một chế độ độc đoán, độc tài cá nhân, bóp nghẹt tư do dân chủ, hầu như không có tự do báo chí, không có báo tư nhân, đàn áp các cuộc biểu tình, bỏ tù khá nhiều công dân đòi nhân quyền và dân chủ. Chính vì chế độ độc đoán như thế nên Belarus bị lên án rất mạnh mẽ trên các diễn đàn quốc tế, còn bị trừng phạt về kinh tế – tài chính, bị nhiều nước tẩy chay, không cho nhập cảnh, kể cả tổng thống và thủ tướng. Phương Tây đánh giá rất xấu chế độ chính trị của Belarus và gọi Tổng thống Alexander Lukashenko là “nhà độc tài cuối cùng của châu Âu”. Nhờ vào bộ máy tuyên truyền rộng khắp và bộ máy an ninh rộng lớn, ông Alexander Lukashenko đã nắm giữ chức tổng thống suốt 20 năm qua.
Hơn một năm nay Tổng thống Lukashenko đã có những đổi mới về chính trị rất ngoạn mục. Trước những biện pháp trừng phạt nặng nề của phương Tây, ông đã ban hành những quyết sách rất cơ bản, mạnh dạn, bất ngờ, như thả gần hết tù chính trị, mở rộng chế độ đa đảng, cho phép các Đảng Mặt trận Nhân dân, Dân chủ Thiên chúa giáo, Mặt trận Trẻ, Cánh tả Thống nhất, Lao động và Công lý đưa người ra tranh cử và được tự do vận động, với báo chí truyền đơn, vô tuyến truyền hình và truyền thanh riêng biệt. Lần này có 4 ứng cử viên tổng thống và ông đã đắc cử với tỷ lệ cao hơn những lần trước, áp đảo các ứng cử viên khác. Cuộc bầu cử năm nay được 1.200 nhà quan sát quốc tế của Liên Hiệp Quốc, của Liên Âu và CIS đánh giá là công bằng, nghiêm chỉnh, không bị nghi ngờ như 4 lần trước.
Vì sao Tổng thống A. Lukashenko lại được người dân tín nhiệm cao như vậy, tuy bị mang cái tiếng là “nhà độc tài cuối cùng của châu Âu”?
Trước hết ông Lukashenko có một tư cách cá nhân khá là đặc biệt. Vốn là đảng viên CS thời Liên Xô cũ, từng ở trong quân đội Hồng quân, rồi tốt nghiệp ở Học viện Nông nghiệp, làm giám đốc một nông trường nhỏ. Ông rất say mê học hỏi, hoạt động chính trị rất sớm, trúng cử đại biểu Quốc hội khi mới hơn 30 tuổi do tính ngay thẳng. Năm 1993 ông được bầu làm Chủ tịch ủy ban chống tham nhũng của Hạ viện khi tham nhũng lan tràn ở mọi cấp, mọi nơi. Trên chức vụ đó ông đã cương quyết khui ra các vụ bê bối, hối lộ ở ngay thượng tầng quyền lực, điều tra, truy tố 70 cán bộ cao cấp, kể cả nguyên chủ tịch quốc hội và nguyên thủ tướng, không khoan nhượng bất kỳ ai. Riêng việc này ông được dân quý trọng, tin cậy để được bầu luôn 5 nhiệm kỳ. Nhân dân Belarus còn quý mến ông Lukashenko về cách phát biểu luôn luôn giản dị, dễ hiểu và pha trộn hài hước của ông.
Không phải chỉ có vậy, ông còn tỏ ra có nhãn quan của một chính khách già dặn, mưu lược. Khi cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra, ông không ngại làm phật lòng ông bạn lớn Nga khi ông lên án cuộc xâm chiếm bán đảo Crimea, bày tỏ cảm tình với Tổng thống Ukraine Poroshenko, rồi tuyên bố sẵn sàng đứng trung lập, mời các bên liên quan đến thủ đô Minsk hội đàm. Với sự kiện này ông nổi lên là một nhà lãnh đạo quốc gia có thiện chí và viễn kiến. Đến khi Tổng thống Putin can thiệp bằng quân sự vào vùng Đông Ukraine, ông lên tiếng phản đối, không sợ nguồn cung cấp của Nga cho các cơ sở lọc dầu của nước mình bị cắt. Ông còn không cho Nga xây dựng một sân bay quân sự lớn trên đất Belarus như đã hứa hẹn, vì cho rằng ông Putin không đáng tin.
Vẫn chưa hết, sau những quyết sách sáng suốt, mạnh dạn như trên, các nước phương Tây đã quyết định dỡ bỏ phần lớn các biện pháp trừng phạt do vi phạm nhân quyền sau khi phần lớn tù chính trị được trả tự do, một cuộc bầu cử dân chủ đa đảng nghiêm chỉnh được tổ chức, và ông Lukashenko tỏ rõ ý muốn xích lại gần với các nước phương Tây, bất chấp đồng minh cũ là Nga tỏ thái độ đe dọa. Mấy tháng nay ông ra sức cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, còn bày tỏ ý muốn gia nhập khối Liên Âu, như Ba Lan, Lithuania và Latvia – 3 nước này có hơn 1 nghìn kilômét biên giới chung với Belarus.
Sự kiện Ukraine và Belarus thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa lâu dài của Nga là 2 thất bại to lớn đối với Tổng thống Putin, người đang cố tìm cách khôi phục sự khống chế đối với một số nước Xô Viết cũ, cụ thể là với Ukraine,Belarus, Lithuania, Latvia là 4 nước quan trọng nhất, ở ngay sườn phía Tây nước Nga. Tuy không nói ra, đây là nỗi đau hơn hoạn cho người hùng Putin.
Belarus với Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Cũng là một nước CS chư hầu của Liên Xô cũ, cũng có biên giới dài với một nước CS lớn luôn có dã tâm bành trưóng và thôn tính, cũng đứng trước nạn tham nhũng lan tràn, mọi cấp, cũng trước ngã ba đường nên theo hướng? Chịu ách Bắc thuộc thêm nữa? Hay duy trì quan hệ bình thường nhưng liên minh toàn diện với các nước dân chủ hùng mạnh văn minh như Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Úc, EU và Hoa Kỳ để có thế chiến lược ưu việt chưa từng có, bảo đảm cho nước VN an bình, phát triển nhanh và phồn vinh, hạnh phúc cho toàn dân?
Nhóm lãnh đạo và nhóm trí thức nào sẽ vận dụng linh hoạt những kinh nghiệm quý báu của Belarus vào thực tiễn nước ta, với những quyết sách mạnh bạo, sáng tạo, độc đáo, có trách nhiệm cao, vì cuộc sống xứng đáng làm người của nhân dân?
Một hướng đi quá dễ khi có thiện chí, cũng quá khó nếu như còn chủ nghĩa cá nhân, vẫn nhẫn tâm quay lưng lại với nhân dân, với đồng bào ruột thịt đang khao khát tự do.
B. T.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/kinh-nghiem-nong-hoi-tu-belarus/3026181.html