1. Giáo sư Lê Văn Lan là gương mặt khả kính của giới sử học Hà Nội, một trong vài ba giáo sư Việt Nam nổi tiếng nhất trên truyền thông. Ngoài việc giữ mục trên nhiều tờ báo, (chỉ riêng báo Thiếu niên Tiền phong, ông đã đóng góp khoảng 500 bài viết), ông có bề dày hàng chục năm làm việc trên các đài truyền hình, là “khai quốc công thần” cho chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, cố vấn cho “Việt Nam đất nước con người”, “Dư địa chí truyền hình”, “Nghìn năm Thăng Long”, “Danh nhân đất Việt”…
Ông cuốn hút người nghe bởi sự kết hợp tự nhiên của gương mặt, giọng nói, cách nhấn nhá câu chữ, mái tóc rối theo “trường phái Anhxtanh” như chất chứa những câu chuyện bất tận về lịch sử, văn hóa dân tộc, cổ xưa đến hiện đại.
2. Nghe giáo sư Lê Văn Lan giảng giải, thuyết trình và “hầu chuyện” rất thú vị với đông đảo công chúng. Tuy vậy nếu để ý kỹ một số nhận định về văn hóa và lịch sử sẽ có nhiền điều cần thưa lại. Xin dẫn ra vài ba ví dụ.
+ “Người ta sử dụng phố cổ Hà Nội sai mục đích và chức năng của nó. Lẽ ra đó là nơi để tham quan nghiên cứu, học tập thì người ta biến thành nơi để buôn bán… Đáng lẽ không gian đó phải y cựu thì người ta biến nó thành nơi toàn người mua kẻ bán, thế là sai về phương pháp và mục đích bảo tồn”.
Phải chăng ba mươi sáu phố phường, những Hàng Chiếu, Hàng Bạc, Hàng Đào… thời “y cựu” không liên quan gì đến bán buôn, và con cháu ngày nay “biến thành nơi buôn bán”? Giáo sư vì quá nhiệt thành tẩy chay sự lố lăng, bát nháo của thời đại mà quên đi những kiến thức nhập môn về sự hình thành của các con phố cổ Hà Nội?
+ “Tôi tiếp xúc với nhiều dân tộc trên thế giới… tôi nhận thấy: không ở đâu có tinh thần dân tộc, tâm hồn ham chuộng lịch sử như ở ta. Sự ham chuộng, yêu thích, thậm chí cay cú về lịch sử có thể nói là một đặc điểm tính dân tộc ở nước ta ”.
Giáo sư không hề biết hay cố quên đi hiện tượng quay lưng với môn sử và những thành tích đáng suy nghĩ về điểm thi môn sử trong các kỳ thi vào đại học của học sinh những năm gần đây.
+ “Thế kỷ 14 có bậc đại y Thiền sư là Tuệ Tĩnh mà chúng ta vừa tôn vinh ngày là tổ sư ngành thực phẩm chức năng… Thiền sư Tuệ Tĩnh sáng tạo được một câu châm ngôn gồm 5 chữ “Nam dược trị Nam nhân”…”
Trong các buổi tuyên truyền chỉ có người nói mà không có người nghe, cán cán bộ tuyên huấn, vì áo cơm và nghề nghiệp có thể phát biểu như vậy được. Một nhà khoa học khẳng định điều này, con cháu lấy làm hành trang bước ra thế giới thì sự tự tôn dân tộc quá đà và tự ti dân tộc quá mức chỉ cách nhau một sợi chỉ.
3. Bài viết này đã không được viết ra nếu chúng tôi không tình cờ nghe được bài phỏng vấn giáo sư Lê Văn Lan của phóng viên Mặc Lâm, đài RFA. Vấn đề mà Mặc Lâm đặt ra là, xứ Tràng An ngàn năm thanh lịch bỗng đến một ngày tràn ngập những tiếng chửi thề, nguyên nhân từ đâu?
Đó là vấn nạn, ai cũng thừa nhận, và giáo sư Lê Văn Lan giải thích:
“Nó là cái văn hóa nông dân ở miền đồng ruộng chân lấm tay bùn. Quần áo lúc lao động trễ tràng hở hang do đó rất quen trong việc mô tả những bộ phận thầm kín, đến lúc ấy thì phô phang ra thành nếp ngôn ngữ. Ngôn ngữ thể hiện lối sống của những người nông dân làm ruộng trũng ruộng ướt. Bây giờ thì nó úp cái đấy vào đô thị Hà Nội…”.
Những lời giải thích trên của nhà sử học, nhà văn hóa, giáo sư, chứa đựng nhiều điều cần nói lại.
Người nông dân ở “miền đồng ruộng chân lấm tay bùn”, họ không như giáo sư nhìn nhận, rằng “quần áo lúc nào cũng trễ tràng hở hang”, mẹ chúng tôi, một nông dân trăm phần trăm dạy con cái cách ăn mặc bằng câu “bộ đi chao (ra đồng bắt tôm cá), bộ chào khách, bộ nách con, bộ lon xon đi chợ”.
Họ không hề “quen trong việc mô tả những bộ phận thầm kín đến lúc ấy lại phô phang ra nó thành nếp ngôn ngữ”, hẳn giáo sư phải thuộc câu ca dao của người nông dân xưa, rằng “bây giờ mận mới hỏi đào/ vườn hồn đã có ai vào hay chưa/ Mận hỏi thì đào xin thưa…”, văn hóa nông thôn hình ảnh người con gái mới lớn “nhìn xuống dưới ngực cau buồng còn non”, sự tinh tế đạt đến mức thượng thừa.
Làng quê Việt cung cấp cho Hà Nội những con người tinh hoa nhất, sao giáo sư không nhìn nhận thực tế rằng hầu như những người xuất chúng ở Hà Nội đều xuất thân từ những “miền đồng ruộng chân lấm tay bùn”.
Cũng như tất cả mọi thành phố lớn nhỏ trên trái đất này, Hà Nội phải gánh chịu sự phiền toái ngày càng trở nên khốc liệt, là sự nhập cư ồ ạt của làn sóng những người lao động nghèo “chân lấm tay bùn” từ nông thôn ra. Họ hết đường sống ở làng quê mình, không ruộng đất, không học hành đầy đủ, nghề nghiệp không có… Gia tài chỉ là sức lực trong tấm thân còm.
Chính sách của các cấp chính quyền thành phố, cơ hội tìm kiếm việc làm và muôn vàn những bất công diễn ra hàng ngày trước mắt họ. Giấc mơ có một cuộc sống ổn định xa hơn đường lên trời. Tất cả những khó khăn này, dân nhập cư vào mọi thành phố đều phải gánh chịu. Nhưng tại sao không có nhà Sài Gòn học, nhà Đà Nẵng hay Nha Trang học nào than phiền về cái sự nói tục của thành phố mình bắt nguồn từ “văn hóa nông dân”? Tại sao nói tục chửi thề có vẻ như là một đặc sản của đất Hà Thành?
Hãy quay lại với cái sự nói tục chửi thề của những người nông dân, những Thạch Sanh, cô Tấm, những Chí Phèo, Thị Nở, những chị Dậu, anh Pha, chân ướt chân ráo lạc bước giữa ánh sáng kinh thành ngàn năm văn vật.
Sâu xa nhất để đám nhập cư nói tục chửi thề, theo cá nhân chúng tôi, là áp lực không thể chịu nỗi khi muốn hội nhập với người dân Tràng An. Tấm huân chương về sự nền nã của người Tràng An có mặt trái của nó. Đã từng sống ở Hà Nội vài năm, tôi từng chịu trận với cái sự nói tục chửi thề ở đất kinh kỳ. Sắc thái của sự chửi thề nói tục ở đây rất riêng so với nhiều vùng đất nước mà tôi từng đi qua. Trong vai trò một nạn nhân, tôi chịu đựng sự khinh miệt, ghẻ lạnh, rẻ rúng, đay ghiến, ác độc nhiều hơn ở những nơi khác. Những đành hanh, mát mẻ, cay độc của từ ngữ và âm sắc khiến dân Trung Kỳ và Nam Kỳ kinh hãi! Khi những dòng này đang viết ra, trong một chương trình trên ti vi, cô MC xinh đẹp được chỉ định đóng vai một người vợ nói vài lời truy vấn chồng. Cô gái chỉ tay vào mặt chồng, rủa sả: “ông vừa đi với con nào về, nôn ra ngay!”. Cái sắc lạnh của từ “nôn” cứa vào tim tôi lạnh toát. Nét “văn hoa” đó, người nông thôn quê mùa không thể có được! Bạn lên youtube, tìm nghe lời chửi tục của “cô giáo bò cạp”, trong đời cũng nên một lần thưởng thức. Khi phóng viên Mặc Lâm đặt câu hỏi vì sao giới tinh hoa Hà Nội không níu giữ được truyền thống Tràng An, Giáo sư Lê Văn Lan đã sắp chạm đến chân lý khi kể lại câu chuyện sau:
“Nó giống như cái tình hình nước Nga cộng sản chuyển sang Xô viết có cái thời ông nhà văn nổi tiếng là Ilya Erenbua có một lần từ Nga Xô viết sang Paris và ông gặp được ở đấy những quý tộc Nga phải lưu vong vì không hợp tác được với cách mạng công nông nên họ phải sang Paris và ở đấy. Ông Erenbua lại gặp được tất cả các tinh hoa các linh hồn của văn hóa của ngôn ngữ Nga chính thống cổ truyền bây giờ bỏ nước Nga và sang Paris. Hà Nội bây giờ cũng thế những thành phần tinh hoa, tinh kết thì họ đi mất rồi. Cái lớp ấy đã đi ra khỏi Hà Nội đã vào Sài Gòn đã sang phương Tây”.
Sang Paris để tìm “tinh hoa văn hóa” của ngôn ngữ Nga chính thống! Cũng vậy, đất kinh kỳ ngàn năm văn vật mà tinh hoa bỏ của chạy lấy người, vì sao vậy? Thật trớ trêu và mỉa mai rằng họ chạy vào Sài Gòn , chạy sang phương Tây?
Từ lịch sử nước Nga xưa và Việt Nam ngày nay, có thể đi đến một kết luận rốt ráo mà người phát ngôn dễ dàng bị quy kết là đánh mất lập trường: giới tinh hoa lưu vong vì không hợp tác được với cách mạng công nông! Giới tinh hoa và cách mạng như nước với lửa!
4. Trong đời thường, giáo sư Lan chắc chắn là một công dân gương mẫu, dễ thương, đáng kính trọng. Ông vốn sinh ra trong một gia đình “danh gia vọng tộc”. Nhà ông từng sở hữu 7 ngôi biệt thự giữa đất Hà Thành, chàng trai Lê Văn Lan từng là chủ nhân của những chiếc xe hơi đời mới thời bấy giờ, cùng bạn bè lập “ban nhạc Chu Văn An” rồi ban nhạc guitar Hạ uy cầm… Cho đến ngày ông bỏ lại tất cả để đi theo cách mạng!
Ông cực kỳ chân thật khi thú nhận rằng hàm “giáo sư” của mình là do dân phong chứ thực ra ông không phải là giáo sư. Ông cũng kể cho báo chí nghe về con ngựa sắt của mình, chiếc Dream “nghĩa địa” mua được từ một “bãi rác bên Nhật” khi sang đó thỉnh giảng. Bi kịch của sự nghèo khó được nâng lên thành sự lãng mạn khi ông kể “Bị công an tuýt còi, xem chứng minh thư xong thì đều cười và mời giáo sư… đi tiếp”. Tệ xá của ông là một căn hộ 6 mét vuông, chứa toàn sách vở, chỉ còn một chỗ ngồi cho gia chủ và một vị khách. Nếu hai khách cùng đến thì nhất định một người phải đứng ở cửa. Báo chí vẫn kể câu chuyện ngài bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị cùng đoàn tùy tùng đến chúc Tết giáo sư, trong tình thế khó xử, ngài bí thư nói đùa rằng lâu nay vẫn quen tọa đàm cùng giáo sư, hôm nay ngày Tết thì lại “đứng đàm”!
5. Chuyện về nhà sử học Lê Văn Lan gợi nhớ đến một chi tiết trong “sử ký” của Tư Mã Thiên. Nhà sử học cổ đại, trong thư trả lời Nhâm An đã nói về thân phận của mình như sau:
“Nghề viết văn, viết sử, xem sao, xem lịch thì cũng gần với bọn thầy cúng, Chúa thượng vẫn đùa bỡn, nuôi như bọn con hát, còn thế tục thì vẫn coi thường. Giả sử tôi có phạm pháp bị giết thì cũng như chín con trâu mất một sợi lông”.
Hơn hai ngàn năm trôi qua, lịch sử vẫn “y cựu”!
Chúa thượng cần biết bao nhiêu “con hát” là những trí thức bộc trực như giáo sư Lan. Cứ tự do can gián mọi chuyện, trừ vài việc nhạy cảm như xem xét lại tính chính danh của một tổ chức nào đó, hay một cái lý tưởng xưa nay vẫn nghĩ là cao cả thực ra chỉ là một mớ lý thuyết đã lỗi thời mà thế giới ném vào sọt rác từ lâu. Các nhân vật xa xưa của lịch sử như sống dậy trong sự mô tả của giáo sư, sao chưa một lần giáo sư xõa tóc ra tay xua đi bóng mây mù đang ám ảnh hàng triệu con tim Việt, đám mây mù có tên Hồ Tập Chương đó?
Phải, giáo sư cứ thoải mái nói viết đăng đàn, thậm chí về những vấn đề gai góc nhất của xã hội. Người dân đem lòng yêu chế độ hơn chỉ vì họ không được dẫn dắt đến nguồn gốc sâu xa của sự việc! Chúa thượng được tiếng trọng người hiền tài, giáo sư được vinh danh là kẻ sĩ dấn thân. Tất cả đều có lãi, mỗi ngày sống là một ngày vui!
Giáo sư nói về ngài Bí thư với phóng viên đài RFA:
“Những người lãnh đạo Hà Nội mà tôi biết như ông Phạm Quang Nghị Bí thư Thành ủy ngay cái khóa đầu tiên nhận công tác ông cũng đã phát biểu chương trình công tác của ông ấy rồi. Ông ấy muốn làm thế nào mà trong một nhiệm kỳ công tác của ông ấy thì ông ấy phá được nạn nói tục chửi bậy. Đấy là tuyên ngôn của lãnh đạo Hà Nội hẳn hoi nhưng bất lực không thực hiện được. Ông ấy đã làm đến khóa thứ hai rồi mà càng ngày thì tình thế lại càng nghiêm trọng hơn”.
Cá nhân tôi tin rằng khi ngài Phạm Quang Nghị nghe được những lời bộc trực ở trên hẳn sẽ vô cùng khoan khoái. Ngài Bí thư có thể tự thưởng cho mình một ly sâm banh, gật gù mà rằng, dưới trần gian này mặt trời còn có vết, huống chi ta. Bảy triệu dân với trăm vạn vấn nạn lúc nào cũng ở trạng thái “đã đến mức báo động” thì đây đó có vài tiếng chửi bậy nói tục cũng là “chuyện thường ngày ở huyện mà thôi”! Giáo sư Lan quả xứng đáng với danh hiệu công dân ưu tú của Hà Nội!
Bài viết đề là “Thưa lại cùng giáo sư Lê Văn Lan” nhưng thực sự thì tôi mong ông không đọc được những dòng này. Với thế hệ ông, chúng tôi những kẻ hậu sinh sẽ mang tiếng hỗn xược khi dám cất tiếng thưa lại cùng các bậc trưởng thượng. Chỉ muốn tự dặn mình, rằng thế giới thật rộng lớn, và lũy tre làng từng tỏa bóng mát rượi tuổi thơ cũng rất dễ che mất tầm mắt khi ta đã trưởng thành.
N.H.L
Nguồn:
https://nguyenhoalu.wordpress.com/2015/10/20/vai-dieu-thua-lai-cung-giao-su-le-van-lan/