(GDVN) – Thủ đoạn của Trung Nam Hải trong vấn đề Biển Đông là vừa bành trướng, vừa vỗ về, chiến thuật độc chiếm Biển Đông liên tục được điều chỉnh.
Đa Chiều ngày 20/10 cho biết, hôm 17/10 khi hơn 500 tướng lĩnh, quan chức và học giả nước ngoài được Bắc Kinh mời tham dự “Hương Sơn luận kiếm”, ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc đến phát biểu, đại ý Trung Quốc quyết không khinh suất dùng vũ lực, cho dù là có liên quan đến “lãnh thổ, chủ quyền”, tìm mọi cách để tránh nổ súng mà sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua đàm phán.
Cộng đồng mạng Trung Quốc lập tức dấy lên những phản ứng cho rằng quân đội Trung Quốc yếu đuối quá(?!), thậm chí có người còn gọi Phạm Trường Long là “bán nước”. Thời báo Hoàn Cầu hôm 18/10 phải đăng bài “Năng lực uy hiếp của quân đội Trung Quốc không cần phải dùng lời cứng rắn để thể hiện” bảo vệ những gì ông Phạm Trường Long nói.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, ý Phạm Trường Long là trong trườn hợp cần thiết, Trung Quốc sẽ phải sử dụng mọi thủ đoạn có thể. Đó chính là lập trường hoàn chỉnh của Bắc Kinh về an ninh quốc gia.
Đa Chiều cho rằng, hiển nhiên quân đội Trung Quốc “rắn hay mềm” không phải do một câu nói của Phạm Trường Long quyết định. Mặt khác, phái đoàn các nước tham dự “Hương Sơn luận kiếm” cũng chẳng mấy người tin phát biểu của ông Long, nên lo ngại của cộng đồng mạng Trung Quốc (bị đầu độc bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan do những tờ báo như Thời báo Hoàn Cầu tiêm nhiễm) là hơi thừa.
Trên thực tế, trước khi khai mạc Diễn đàn Hương Sơn có vài ngày, Trung Quốc đã khánh thành 2 ngọn đèn biển xây dựng (bất hợp pháp) trên bãi Châu Viên và Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam) vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Việt Nam. Sớm hơn chut nữa, hôm 19/9 lực lượng Kiểm ngư Trung Quốc đã đâm thủng một tàu cá Việt Nam đang đánh bắt trên ngư trường truyền thông ở Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) và cướp đi toàn bộ tài sản trị giá 47,6 ngàn USD.
Nhưng đáng lưu ý là Trung Quốc đã chối phắt việc làm (bất nhân bất nghĩa, vô luật pháp) này, theo Đa Chiều có lẽ là vì Bắc Kinh muốn giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của vụ việc. Nhìn ở phạm vi lớn hơn, từ sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, biểu hiện của Trung Quốc ở Biển Đông trở nên cứng rắn (hung hăng) chưa từng có.
Hành động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa đã và đang vấp phải phản đối gay gắt của Hoa Kỳ, ASEAN và làm cục diện khu vực trở nên căng thẳng, nhưng không thể không thừa nhận thực tế rằng chũng đã làm gia tăng đáng kể sức mạnh cơ bắp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tháng 8 năm nay, Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố trước hội nghị Ngoại trưởng ASEAN rằng Trung Quốc đã ngừng xây dựng, bồi lấp đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa hòng xoa dịu dư luận trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Tập Cận Bình, nhưng thực tế đó chỉ là trò 2 mặt, kế hoãn binh của Bắc Kinh.
Thủ đoạn của Trung Nam Hải trong vấn đề Biển Đông là vừa bành trướng, vừa vỗ về, chiến thuật độc chiếm Biển Đông liên tục được điều chỉnh.
Kể cả những biểu hiện tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hồi tháng 8 hay “Hương Sơn luận kiếm” vừa qua, giới ngoại giao và quân sự Trung Quốc đều cố gắng tỏ ra “ôn hòa, kiềm chế”, nhưng ngoài thực địa Trung Quốc vẫn tiếp tục công việc bành trướng, leo thang.
Theo Đa Chiều, phát biểu của Phạm Trường Long tại Diễn đàn Hương Sơn vừa rồi là “khôn” chứ không “dại” (bởi hành động leo thang đã đủ khiêu khích, gây hấn, không cần phải thêm lời lẽ hiếu chiến cho thiên hạ thêm ghét).
H.T.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Thoi-bao-Hoan-Cau-Khi-can-Trung-Quoc-phai-dung-moi-thu-doan-post162665.gd