Mặc dù Tập đoàn truyền thông nổi tiếng của Trung Quốc Huawei (Hoa Vi) bác bỏ bất kỳ mối liên quan nào với quân đội Trung Quốc, song mới đây các cơ quan tình báo Ấn Độ đã nêu đích danh quân đội Trung Quốc là khách hàng và có nhiều quan hệ sâu hơn với Tập đoàn này.
Cơ quan tình báo đối ngoại Ấn Độ (RAW) cho rằng tập đoàn Huawei không chỉ đơn giản có quan hệ với các cơ quan an ninh Trung Quốc, mà còn bị nghi ngờ là một bộ phận của hệ thống này. Lý do không phải chỉ vì người thành lập Tập đoàn này là ông Nhiệm Chính Phi, cựu Giám đốc Học viện Kỹ thuật Thông tin thuộc Bộ tổng Tham mưu Quân đội Trung Quốc năm 1988, mà còn vì một thành viên trong Ban lãnh đạo Tập đoàn là sĩ quan Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc.
Theo các thông tin tình báo, Huawei có nhiệm vụ rà soát và gỡ bỏ các thiết bị nghe trộm tại tất cả các Đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài và các chuyên gia của họ mở rộng hoạt động gắn thiết bị nghe trộm vào các hệ thống máy tính và liên lạc viễn thông. Ví dụ về điều này là sự dính líu của Huawei vào các dự án quân sự tại Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein và các dự án liên lạc viễn thông tại Afghanistan khi Taliban còn cầm quyền.
Do nghi ngờ vai trò của Huawei trong việc phục vụ các cơ quan an ninh Trung Quốc, Bộ Thông tin Liên lạc Ấn Độ đã cảnh báo Công ty mạng Internet BSNL của nước này phải kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các thiết bị do phía Trung Quốc cung cấp xem có bị gài các phần mềm gián điệp trapdoor, black box hay malware hay không, đồng thời kiểm tra xem các thiết bị này có dễ bị tấn công từ xa hay không, trước khi đưa chúng vào hoạt động.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng rất đề phòng khi cho phép BSNL ký các hợp đồng với Ấn Độ, song chỉ cho Công ty này hoạt động tại các bang khu vực miền Nam không có biên giới chung với những nước nhạy cảm như Trung Quốc, Pakistan, Bangla Desh và Myanmar. Bộ Thông tin Liên lạc Ấn Độ cũng cảnh báo rằng chỉ được phép đưa vào hoạt động các hệ thống do Huawei cung cấp sau khi mọi yêu cầu kiểm toán đã được hoàn tất.
Không chỉ có Ấn Độ lo ngại về quan hệ giữa Huawei với quân đội Trung Quốc. Chuyên gia phân tích quân sự Bhati Jain cho biết Mỹ cùng chia sẻ mối lo ngại của các cơ quan tình báo Ấn Độ về quan hệ của Huawei với các cơ quan an ninh Trung Quốc, và điều đó đã dẫn tới việc Chính quyền Obama ngăn cản các nỗ lực của Huawei trong việc giành một phần cổ phần trong 3 com., Công ty sản xuất các thiết bị Internet và kết nối mạng của Mỹ.
Đề nghị của Tập đoàn này về mua cổ phần trong 3 com. đã bị gạt bỏ sau khi chính quyền Mỹ nghi ngờ về động cơ an ninh trong thương vụ này. Thương vụ béo bở trị giá 2,2 tỷ USD, trong đó Huawei mời Công ty đầu tư tư nhân Bain Capitla có trụ sở tại Boston cùng tham gia mua 3 com. đã bị hủy bỏ hồi tháng 2/2008.
Sở dĩ chính quyền Mỹ gạt bỏ đề nghị của Huawei là vì 3 com. chuyên sản xuất các phần mềm chống tin tặc máy tính cho quân đội Mỹ. Theo RAW, chính quyền Mỹ lo ngại Huawei có thể làm “què quặt” các thiết bị điện tử và phần mềm máy tính bán cho quân đội Mỹ khiến chúng hoạt động kém hiệu quả.
Tình báo Anh cũng từng cảnh báo về mưu đồ của Trung Quốc trong việc tấn công các cơ sở hạ tầng liên lạc viễn thông cũng như các hệ thống cấp nước, lương thực, thực phẩm thông qua các thiết bị điện tử do Huawei lắp đặt bằng cách bí mật cài phần mềm rất khó bị phát hiện vào các máy tính điều hành hoạt động của các hệ thống nói trên, và sau đó có thể làm tê liệt hoạt động của các hệ thống này.
Theo tình báo Anh, Trung Quốc có thể làm tê liệt cơ sở hạ tầng viễn thông độc lập và những hệ thống điều hành các dịch vụ tối quan trọng như cấp nước, lương thực thực phẩm bằng cách gài phần mềm bí mật (malware) trong thiết bị của các hệ thống này do những Tập đoàn như Huawei và ZTE lắp đặt.
MT (Theo EIU)
http://bee.net.vn/channel/2981/201005/Tap-doan-Huawei-bi-to-thuoc-mang-luoi-gian-diep-TQ-1753166/