Cải cách chính trị: Nước cao quá gối

Ảnh minh họa chụp tại Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội hôm 18/3/2015.  AFP

Việt Nam đã thực hiện cải cách thể chế lần thứ nhất khi thực hiện cuộc Đổi mới cuối thập niên 1980; tiếp theo là một đợt cải cách thể chế nữa khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2007. Tuy vậy giới học giả chuyên gia cho rằng, cải cách chính trị ở Việt Nam không theo kịp cải cách kinh tế và nền kinh tế không còn động lực để phát triển. Sự kiện Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được xem như một cơ hội để Việt Nam một lần nữa thực hiện cải cách sâu rộng cả về chính trị và kinh tế. Chung quanh vấn đề này, Nam Nguyên phỏng vấn Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện nghỉ hưu ở TP.HCM.

Có thể có những bước chuyển?

Nam Nguyên: Thưa Luật sư, trên báo chí các cựu bộ trưởng, các chuyên gia thường xuyên báo động về tình trạng trì trệ của guồng máy nhà nước. Họ lo ngại đã không có sự cải cách chính trị đồng bộ với cải cách kinh tế và điều này đã thể hiện trong thời gian vừa qua. Hướng sắp tới Việt Nam sẽ còn hội nhập sâu rộng hơn nữa như  với TPP hoặc FTA với EU chẳng hạn. Luật sư nhận định gì?

LS Trần Quốc Thuận: Vấn đề cải cách kinh tế đồng thời cải cách chính trị thì đã được đặt ra từ Đại hội Đảng lần thứ 10, lần thứ 11 cũng nhắc lại luận điệu này và lần này cũng nhắc lại. Trong dịp tiếp xúc cử tri vừa qua tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có nhắc lại là tất cả cải cách phải tiến hành một cách đồng bộ. Như vậy vấn đề này đã được nhấn mạnh hơn và theo những phát biểu vừa rồi thì sẽ đưa ra Đại hội để bàn, đặc biệt đây là một trong những vấn đề sẽ được Đại hội dồn hết tâm trí, để có những bước đi thế nào cho thích hợp với Việt Nam và đáp ứng tình hình chung của khu vực và thế giới.

Nam Nguyên: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng và Nhà nước. TT Hoa Kỳ Obama cũng nói tôn trọng về khác biệt chế độ chính trị của VN. Do vậy nhiều ý kiến nói vẫn có thể cải cách thể chế chính trị mà không cần thay đổi Hiến pháp. Thí dụ vấn đề đặc quyền đặc lợi của doanh nghiệp nhà nước… tạo sân chơi bình đẳng bằng thực tế hành động. Luật sự nhận định gì về khả năng này?

LS Trần Quốc Thuận: Tôi cho rằng việc Việt Nam muốn sửa đổi, thay đổi trong khi Hiến pháp chưa thay đổi thì có thể có những bước chuyển. Còn việc Hiến pháp Việt Nam mà có sửa thì cũng không có gì khó. Nhưng mà nếu kỳ Đại hội Đảng này đặt ra và tình hình bức bách đòi hỏi phải có cải cách, đòi hỏi một thể chế cho phù hợp để thúc đẩy nền kinh tế phát triển và nhất là thích hợp việc Việt Nam vào TPP, tôi cho rằng việc đó không phải là vấn đề gì ghê gớm. Nhưng mà vấn đề đó chắc chắn là phải được đặt lên bàn hội nghị rồi.

Phải sửa đổi luật cho phù hợp

12 nước thành viên Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10/2015.

Nam Nguyên: Thưa Luật sư, nhiều người lo ngại về hệ thống pháp luật của Việt Nam thiếu sót nhiều quá và sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã thực hiện cải cách pháp luật nhưng không đáp ứng và không mang lại lợi ích  phát triển kinh tế. Lần này, Luật sư có nghĩ là cải cách pháp luật triệt để phù hợp thế giới có thể xảy ra được hay không. Đây là một điều thật sự không dễ dàng để thay đổi sự suy nghĩ của từng con người?

LS Trần Quốc Thuận: Tôi cho rằng việc suy nghĩ của từng con người một cũng đã đặt ra và phải suy nghĩ cho phù hợp thôi. Bởi vì Việt Nam đã vào TPP rồi, đã vào một cơ chế đặc biệt, đặc thù và mở rộng, tất cả mọi thứ sẽ mở toang ra hết… thì đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi, phải sửa đổi rất nhiều luật cho phù hợp. Nếu không sửa đổi luật cho phù hợp thì làm sao Việt Nam là thành viên của TPP được. Cho nên vấn đề đó, theo lộ trình thì TPP có thể phải hai năm nữa mới có hiệu lực thi hành thì có lẽ trong thời gian đó, Việt Nam cái gì chứ cái món mà người ta bảo “nước cao quá gối cũng nhảy” thì Việt Nam có khi cũng phải nhảy.

Tôi tin rằng nếu không sửa đổi thì nó vênh pháp luật trong nước và pháp luật nước ngoài thì làm sao Việt Nam có thể tồn tại được, nhất là vào TPP các qui định rất ngặt nghèo, rất chặt chẽ. Cho đến bây giờ việc phổ biến toàn văn những chi tiết TPP tại Việt Nam cũng chưa được tiến hành, bởi vì vấn đề này người ta hứa hẹn là sẽ đưa ra Quốc hội bàn, nhiều Quốc hội sẽ cùng bàn và Quốc hội Việt Nam sẽ bàn trước khi TPP có hiệu lực.

Câu chuyện đó ở Việt Nam nếu mà Đại hội Đảng kỳ này cũng quyết đi theo con đường ấy, mà chắc cũng phải đi thôi chứ không còn con đường nào khác. Chắc là tất cả thực hiện được, mà muốn thực hiện được thì dĩ nhiên phải sửa luật. Kể cả nếu cần thiết phải sửa Hiến pháp thì cũng phải sửa.

Nam Nguyên: Thưa Luật sư như vậy có thể có chút ít lạc quan về tương lại của Việt Nam và cần có sự định hình ban lãnh đạo tương lai của Đảng và Nhà nước trong kỳ Đại hội tới, thì việc thực hiện cải cách mới có thể có chuyển động rõ rệt hơn?

LS Trần Quốc Thuận: Bây giờ việc cải cách thể chế phải bàn bạc đẩy mạnh cải cách kinh tế đồng thời đẩy mạnh cải cách chính trị song song đồng bộ, chứ không thể làm cho nó vênh được, thì đó là đòi hỏi bức bách phải làm. Còn vấn đề con người của thể chế ấy, cơ cấu ấy ban hành như thế nào để đáp ứng được thì đó cũng là vấn đề đặt ra. Nhưng mà Việt Nam là một tổ chức khép kín chứ không phải là một tổ chức vận động ồn ào, bây giờ trên mạng các blogger cũng vận động ủng hộ ông này ông kia, những cuộc vận động đó có vẻ không bình thường. Ở Việt Nam tôi cho rằng đó là những thủ đoạn chính trị bỏ tiền ra để hô hào ủng hộ ông này, ông nọ. Nếu bỏ tiền ra thì theo văn hóa Việt Nam người ta chưa chắc ủng hộ cho người đó. Cho nên cách làm như vậy hoàn toàn không bình thường.

Còn trong thời gian vừa qua, năm mười năm vừa qua làm việc thì người ta biết người nào toàn tâm toàn ý, lo cho dân, lo cho nước, cuộc sống riêng tư gia đình thế này thế kia… thì người ta sẽ chọn. Còn trí tuệ này nọ, thì cái đó vô biên, cũng không phải những người hô hào cho lớn hay là nói những lời nói có cánh nhưng thực tế làm ngược lại… Cho nên người ta nói là có lẽ cuộc tiếp kiến Tập Cận Bình và Obama sắp tới nó cũng cho thấy người nào có thái độ, quan điểm thế nào thì người ta sẽ nhìn thấy rõ và cũng là cái cách để chọn nhân sự.

Nhân sự ở Việt Nam thực tế bây giờ vấn đề quan trọng là người đó phải yêu nước thương dân, mà muốn yêu nước thương dân thì phải có cuộc sống riêng tư đàng hoàng thì không có vơ vét, không có lo cho gia đình nhiều quá. Đó là những tiêu chí hàng đầu mà dân tộc Việt Nam hướng tới từ xưa đến giờ.

Nam Nguyên: Cảm ơn LS Trần Quốc Thuận đã trả lời phỏng vấn.

N.N

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-has-no-choice-but-to-reform-both-politics-n-economy-nn-10152015080236.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.