Quảng Nam được xem là tỉnh hay cãi, chữ “cãi” được hiểu là “cãi cọ” và “kiện tụng”. Trước khi góp ý với ông Lê Phước Thanh, cựu Bí thư Tỉnh ủy của tỉnh hay cãi và hay kiện này, tôi xin mạo muội góp ý trước với Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn.
Ngày 5.10.2015 báo điện tử VnExpress đăng bản tin của Hoàng Thùy & Tiến Hùng: “Bộ Nội vụ: Quảng Nam bổ nhiệm Giám đốc Sở 30 tuổi đúng quy trình”[1]
“Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết đoàn kiểm tra của Bộ đã làm việc với Quảng Nam và kết luận tỉnh này bổ nhiệm đúng quy trình, ông Lê Phước Hoài Bảo đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ.”
Biện minh bằng cách gì, bằng cách này thì e là chỉ gây phản tác dụng.
Vì cụm từ “đúng quy trình” này không chỉ nhàm tai mà thậm chí còn gây dị ứng.
Ai cũng biết hậu quả của dự án bauxite như thế nào, tuy nhiên hỏi ra thì toàn bộ các khâu khảo sát, xét duyệt, khâu nào cũng “đúng quy trình” cả.
Ông Hồ Xuân Mãn”, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khai gian để được phong “Anh hùng lực lượng vũ trang”: “Hồ sơ được làm thủ tục theo đúng quy trình”.
Dự án du lịch trên hiểm địa an ninh Hải Vân: đúng quy trình.
Mấy ngàn cây xanh ở Hà Nội bị hạ: đúng quy trình.
Cao ốc lấn chiếm không gian ở Ba Đình: đúng quy trình.
Trung Quốc mua đất ven biển Đà Nẵng: đúng quy trình.
Gần 230 kg heroin lọt qua cửa kiểm soát của Phi trường Tân Sơn Nhất lọt đến Đài Loan: Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất khẳng định: “Đã làm đúng quy trình!”
Cầu 3 tỷ phục vụ… hai gia đình tại Hà Tĩnh: đúng quy trình.
“Đổi mới hay là chết”: nếu thực tâm biện hộ cho Giám đốc Lê Phước Hoài Bảo thì hãy tìm từ ngữ nào khác. Nhai đi nhai lại cụm từ này thì không thể nào thuyết phục người dân.
Trở lại với cựu Bí thư Tỉnh ủy Lê Phước Thanh, ngày 5.10.2015 báo điện tử VnExpress đăng bài phỏng vấn của Tiến Hùng: “Cựu Bí thư Quảng Nam: ‘Con tôi xứng đáng làm giám đốc Sở’, cho biết:
Chiều 4/10 sau cuộc tiếp xúc cử tri tại huyện Duy Xuyên, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam – cựu Bí thư tỉnh ủy Lê Phước Thanh trao đổi với VnExpress về việc con trai ông vừa được bổ nhiệm làm giám đốc sau 5 tháng công tác tại Sở Kế hoạch Đầu tư.
Để khỏi mất thì giờ, tôi xin đi thẳng vào từng phần trao đổi giữa ông Lê Phước Thanh và nhà báo Tiến Hùng.
* *
Tiến Hùng: “Tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Lê Phước Hoài Bảo khi ông này chưa phải là chuyên viên chính cũng chưa đủ 5 năm kinh nghiệm theo quy định của Bộ Nội vụ, điều này có gì bất thường?”
Lê Phước Thanh: “Đúng là Bảo chưa phải chuyên viên chính nhưng Bộ Nội vụ không quy định giám đốc Sở phải là chuyên viên chính mà chỉ cần bằng cấp tương ứng. Bảo đã học cao cấp lý luận nên hoàn toàn đủ điều kiện bổ nhiệm và từ trước đến nay tỉnh Quảng Nam vẫn làm như vậy. Về tiêu chí 5 năm kinh nghiệm, dù Bảo mới du học về nước 3 năm nhưng trước khi du học đã có thời gian dài làm việc đúng chuyên ngành.”
Góp ý & Nhận xét:
– “Từ trước đến nay tỉnh Quảng Nam vẫn làm như vậy”.
– Đất Quảng Nam vẫn mang danh là “địa linh nhân kiệt” nhưng từ trước đến nay Quảng Nam vẫn tiếp tục là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, năm nào cũng cầu cứu trung ương, xin gạo cứu đói!
– Để tiện, từ đây tôi xin gọi ông Lê Phước Thanh là “ông tỉnh” và người con trai tài năng của ông là cậu Bảo
* *
Tiến Hùng: – Việc ông là Bí thư tỉnh ủy ảnh hưởng như thế nào đến quá trình bỏ phiếu bổ nhiệm con trai mình?
Lê Phước Thanh: “Tôi không hề và không thể can thiệp vào việc bỏ phiếu bổ nhiệm giám đốc Sở. Công tác bỏ phiếu kín phải trải qua nhiều lần, trong 15 ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy thì có đến 7 vị đã nghỉ hưu nên cấp trên không thể gây áp lực với họ. Các bước đều làm rất chặt chẽ. Làm cha mẹ ai chẳng thương con nhưng phải hợp lý, phải đúng chứ không thể bỏ qua mọi thứ.”
Góp ý & Nhận xét:
– Phải chăng do “các bước đều làm rất chặt chẽ” nên kết quả tín nhiệm của cậu Bảo luôn đạt 100 phần trăm?
* *
Tiến Hùng: – Năng lực ông Bảo được đánh giá như thế nào?
Lê Phước Thanh – Để tôi nói thì không khách quan nhưng Bảo xứng đáng có vị trí đó, tôi khẳng định Bảo đủ trình độ, phẩm chất và đạo đức. Nhiều tập thể tại nơi Bảo đã làm việc đều đánh giá rất cao cách quản lý điều hành của Bảo. Và theo tôi thì 30 tuổi cũng chưa hẳn là trẻ.
Góp ý & Nhận xét:
– Đã nói vậy tại sao không từ chối, tuyên bố “miễn bình luận – xin hỏi câu hỏi khác” mà vẫn tiếp tục?
– Chợt nhớ người Quảng Nam hay miền Trung có cách nói khoe “Nói không phải nói khoe chứ thằng con tôi thật là giỏi…”.
– “Nhiều tập thể tại nơi Bảo đã làm việc đều đánh giá rất cao cách quản lý điều hành của Bảo” nhưng ai là người đứng ra khảo sát, thu thập các “đánh giá” ấy?
* *
Tiến Hùng: – Ông có thể cho biết quá trình học tập và công tác của giám đốc Sở Lê Phước Hoài Bảo?
Lê Phước Thanh – Bảo tốt nghiệp loại giỏi tại Đại học Kinh tế Đà Nẵng và được giữ lại làm giảng viên. Một năm sau, Bảo được một công ty tư nhân mời làm phó giám đốc. Thời điểm đó kinh tế thị trường khó khăn nên năm 2009, tôi chuyển hướng Bảo về làm việc cho Nhà nước, thuộc Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai. Đến năm 2010, tỉnh có đề án thu hút nhân tài, có chủ trương đưa năng lực trẻ đi đào tạo ở nước ngoài, Bảo đăng ký và trúng tuyển. Lúc đó tôi đang làm Phó chủ tịch UBND tỉnh và không hề có chuyện ưu ái cho con đi học bằng tiền Nhà nước.
Góp ý & Nhận xét:
– Nói cái này ra thì bọn Tây sẽ tưởng là cậu Bảo rất giỏi nhưng người Việt mình thì đã “rành sáu câu”!
– Một, nước mình mà, muốn mấy bằng tiến sĩ cũng có, sá gì tấm bằng “cử nhân loại giỏi”!
– Hai, công ty đó là công ty gì, có họat động tại Quảng Nam hay không? Nếu công ty hoạt động tại Quảng Nam thì, ông là “ông tỉnh”, công ty nào muốn khai thác thị trường này mà không muốn rước cậu Bảo về làm phó giám đốc? Bố đứa nào dám làm khó dễ với công ty của cậu Bảo?
– Nhưng quan trọng hơn: nếu là người tài giỏi, là người bản lĩnh và thực sự xông pha để thi thố những kiến thức đã học thì Bảo đã luôn “vững tay chèo”.
– Gặp thời buổi kinh tế thị trường khó khăn Bảo phải trụ lại với nó, thi thố kiến thức của một cử nhân kinh tế loại giỏi ra để học hỏi kinh nghiệm!
– Bộ Nội Vụ yêu cầu giám đốc sở phải có 5 năm kinh nghiệm, cậu Bảo về nước mới 3 năm nhưng trước khi du học đã có “thời gian dài” làm việc đúng chuyên ngành nhưng “Thời gian dài” là mấy năm?
– Ông tỉnh không nói rõ nhưng làm việc theo kiểu thấy khó là nhảy đi chỗ khác thì dẫu có làm 10 năm, 20 năm thì cũng chẳng có chút kinh nghiệm lận lưng nào!
* *
Tiến Hùng: – Ông Bảo du học vào năm 2010 nhưng đến 2011 tỉnh Quảng Nam mới ký quyết định cử đi học thạc sĩ nhằm cấp học phí, điều này được giải thích ra sao?
Lê Phước Thanh – Do thủ tục rườm rà, phải trải qua rất nhiều bước phê duyệt. Nhập học rồi mới biết số tiền học phí bao nhiêu để gửi về nước làm thủ tục, trường có đạt tiêu chuẩn không rồi làm hợp đồng cam kết ra trường phải phục vụ tỉnh… Đủ kiểu quy trình nên mới có quyết định muộn, chuyện đó bình thường. Tôi cũng đủ khả năng cấp kinh phí cho con đi du học mà không cần tiền Nhà nước nhưng con trúng tuyển thì được ưu tiên cấp kinh phí là hợp lý.
Góp ý & Nhận xét:
– Thứ nhất, ngoài lương nhà nước, ông có “Bung ra làm kinh tế tư nhân” hay không mà vô cùng thoải mái về tài chính: “đủ khả năng cấp kinh phí cho con đi du học”?
– Thứ hai, trên đời này thì chỉ có trâu kéo cày nhưng việc cậu Bảo du học lại là chuyện “cày kéo trâu”!
– Muốn qua Mỹ du học thì phải đóng học phí cho term đầu tiên cái đã, không đóng học phí làm sao Tòa Đại sứ Mỹ cấp visa để nhập cảnh, làm sao nhà trường cho nhập học?
– Mà không hiểu cậu Bảo “tốt nghiệp đại học kinh tế loại giỏi” kiểu gì. Muốn biết học phí của đại học Mỹ bao nhiêu thì chỉ cần tìm hiểu trên Internet hay trực tiếp gọi điện thoại đến trường, tại sao phải đợi nhập học rồi mới biết học phí bao nhiêu?
– Việc đại học tại Mỹ không phải là chuyện tiêu khiển ở quán bia ôm: bước vào xem khung cảnh ra sao, tiếp viên phục vụ có đạt yêu cầu hay không, thấy không vừa ý là đuổi tiếp viên ra hay bỏ đi quán khác. Nhưng muốn bỏ đi thì cũng phải có bãn lĩnh, phải có số má giang hồ, bằng không sẽ bị lôi thôi với đám bảo kê.
– Cậu Bảo du học tại Mỹ cũng giống như trùm giang hồ uống bia ôm: ghi danh vào học chả cần đóng học phí, chỉ học thử cho biết để xem học phí bao nhiêu và trình độ dạy dỗ như thế nào. Vui thì ở lại, không vui thì nhảy qua trường khác!
– Nhưng nếu tin lời ông tỉnh thì ít ra cách ông cho con đi học theo lối “thử rồi tính sau” này có thể phần nào giải thích tại sao tỉnh Quảng Nam vẫn nghèo.
– Hy vọng là cậu Bảo sẽ không làm tỉnh nghèo thêm khi lãnh đạo Sở Kế họach và Đầu tư tỉnh theo lối học đại học này!
* *
Tiến Hùng: – Ông nói gì trước những phản ứng trái chiều?
Lê Phước Thanh – Nếu tôi biết dư luận phản ứng như bây giờ thì đã không cho con theo đường chính trị. Nó có thể làm giảng viên hoặc ở lại nước ngoài làm việc cũng rất tốt. Mấy ngày nay tôi rất buồn.
Góp ý & Nhận xét:
– Nếu thực sự cậu Bảo là nhân tài, ông tỉnh phải tin tưởng vào cậu ấy và tin tưởng vào quyết định vô tư của các đồng chí của mình trong Thường vụ Tỉnh ủy chứ? Tại sao ông lại buồn?
– Là một nhà chính trị đã trưởng thành từ cơ sở, ông tỉnh phải biết là “dư luận xã hội” phải khác với “dư luận tỉnh ủy” được tổ chức để “đánh giá tín nhiệm” con mình!
– Dư luận xã hội là ý kiến của người dân, còn “dư luận tỉnh ủy” là mấy cuộc bỏ phiếu tín nhiệm kiểu “tháp ngà”, hai cái phải khác nhau. Chả nhẽ thấy tỉnh ủy viên nào cũng “nhất trí 100 phần trăm” với cậu Bảo thì ông tưởng là cả nước sẽ không bao giờ… nhị trí với cậu ấy?
– Quảng Nam chưa có Viện Khổng Tử mà cả ông tỉnh và cậu Bảo của ông đều xứng đáng là “sinh viên tốt nghiệp loại giỏi” của viện ấy!
– Sanh thời Khổng Tử có dạy học trò: “Nguy bang bất nhân, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo tắc kiến, vô đạo tắc ẩn”,có nghĩa là: “Đất nước nguy nan đừng đến, đất nước có loạn đừng ở, nơi yên ổn thì nên ra làm quan, nơi bất ổn thì ở ẩn.”
– Ông tỉnh và cậu Bảo sống y như vậy! Đang đi dạy đại học, cậu Bảo thấy làm tư nhân dễ dàng thì nhảy vào lĩnh vực tư nhân. Thấy thị trường tư nhân khó khăn, (nghĩa là có loạn) thế là ông tỉnh “huớng” con ông nhảy vào đường chính trị.
– Cho con làm chính trị nên bị lời ra tiếng vào nên ông tỉnh buồn, tuyên bố nếu biết vậy đã không cho con theo đường chính trị!
– Quan trọng hơn, lời ông tỉnh làm người ta nghi ngờ tố chất lãnh đạo và bản lĩnh chính trị của cậu Bảo. Cậu đã tốt nghiệp đại học lọai giỏi, cậu phải tự định huớng đường đi của mình, tại sao phải chịu cảnh “cha đặt đâu, con ngồi đấy”?
– Người như thế thì làm sao đủ tư cách để ngồi ở một vị trí quan trọng của một giám đốc sở?
–
Chú thích
[1]
[2]
N.V.C
Tác giả gửi BVN