Những áp lực trong cuộc sống của các nhà đấu tranh trẻ (Phần 1)

Các bạn trẻ Hoàng Thành, Vương Các và Văn Hóa. File Photo

Việc các bạn trẻ đang dấn thân vào công cuộc đấu tranh cho quyền con người tại VN đang bị chính quyền địa phương nơi họ cư trú gây áp lực lên chủ nhà trọ buộc họ phải dời đi chỗ khác đang ngày một diễn ra càng nhiều tại VN, và đặc biệt là trường hợp của hai bạn trẻ mà nhiều người cũng biết đến gần đây đó là bạn Hoàng Thành và Vương Các.  Và đó cũng là chủ đề cho diễn đàn bạn trẻ kỳ này xung quanh về đề tài này.  mời quý vị cùng chân như đến với tạp chí diễn đàn bạn trẻ sau đây:

Chân Như: Tất cả các bạn đây đều là nhân chứng trong việc bị chủ nhà làm khó buộc phải dời đi chỗ khác vì áp lực từ phía chính quyền, trước hết các bạn có thể chia sẻ về hoàn cảnh của các bạn và nguyên nhân vì sao dẫn đến sự cố này?

Hoàng Thành: Em nghĩ  nguyên nhân đầu tiên là cách đây một tháng  em cầm biểu ngữ  “Học sinh, sinh viên không phải là chuột bạch” trước cửa Bộ Giáo dục và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc trong một tháng vừa rồi hai lần em bị chủ nhà mời ra khỏi nhà. Còn đợt vừa rồi khi em chuyển từ nhà cũ qua nhà mới và làm hợp đồng vào ngày 24 thì đến ngày 29; lúc đó vào buổi trưa anh chủ nhà cũ gọi điện đến hỏi là đã chuyển đi chưa để hoàn thiện lại nhà và trả cho anh ấy thì đến chiều ngay ngày hôm đó luôn chủ nhà mới gọi điện cho em và thông báo rằng chị ấy không cho mình thuê nữa và yêu cầu ngày hôm sau phải chuyển hết đồ đi. Em nghĩ rằng do công an khu vực đã gây một áp lực cho chủ nhà để trong vòng một tháng họ đuổi em ra khỏi nhà và hạn chế hợp đồng thuê nhà đó là nguyên do chính.

Vương Các: Cách đây khoảng 10 ngày chủ nhà trọ nơi mà tôi đang thuê thì họ có làm việc với tôi trong lúc làm việc họ hỏi thăm về tôi sau đó họ đề nghị là trả lại phòng thuê cho họ trước thời hạn hợp đồng. Khi tôi hỏi lý do họ cho biết bên công an có làm việc với họ. Sau đó, tôi hỏi lý do vì sao sau khi làm việc với công an lại không cho tôi tiếp tục ở đây, bên chủ nhà trọ thì họ không nói lý do họ chỉ cho biết là tôi đang gặp một số vấn đề với bên công an cho nên để tránh áp lực ở chính quyền địa phương, công an địa phương tạo ra cho họ nên họ đành kết thúc hợp đồng sớm để không cho tôi ở trên địa bàn nữa.  Về nguyên nhân  vì sao họ gây áp lực như vậy thì như chúng ta đã biết là những người hoạt động cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam phải luôn chịu những sách nhiễu và những trả đũa từ phía chính quyền, từ việc học hành cho tới việc làm cho tới cuộc sống hằng ngày. Nơi nào bên công an cảm thấy họ có thể gây sức ép được , họ mang sự rắc rối đến cho mình thì họ sẽ sẵn sàng họ làm thôi.  Nói chung đứng về phía góc độ chính quyền địa phương, họ không hoan nghênh mình khi mà mình ở trên chính quyền địa phương của họ; Bởi  nếu có bất kỳ sự kiện nào xẩy ra để nhằm  thúc đẩy cho dân chủ và nhân quyền thì những người ở trên địa bàn đó sẽ được bên bộ công an hoặc là bên công an thành phố để ý, và khi mà họ để ý thì họ sẽ nhờ công an địa phương đó hỗ trợ phối hợp với họ để quản lý những đối tượng này hoặc ngăn chặn việc này. Chính vì thế tôi nghĩ rằng,  nguyên nhân chính của nó là bởi vì họ không muốn, và cũng như đó là để cho họ thuận tiện trong việc quản lý địa bàn.  Đó là lý do chính mà tôi cho rằng bên công an họ không muốn cho những người mà hoạt động dân chủ và nhân quyền ở trên địa bàn của họ.

Nhân đây tôi cũng chia sẻ một câu chuyện cách đây khoảng 2 tháng khi tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội, tôi có bị bắt vào đồn công an của phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Khi làm việc, trưởng công an phường ở đó có nói với tôi rằng nếu như sau này tôi ra Hà Nội thì ông ấy có thể mời tôi đi uống bia với điều kiện tôi đừng ở trên địa bàn phường mà ông ấy quản lý. Chính vì thế, mình có thể thấy chính quyền địa phương không có hoan nghênh mình, những người đang hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam

Chân Như: Còn Văn Hoá thì chắc là một số các quý vị thính giả chưa biết lắm Hoá, thì trước tiên Hoá có thể cho biết đã tham gia vào những hoạt động nào, trước khi có những sự áp lực từ phiá chính quyền?

Văn Hóa: Trước hết Hóa xin chào mọi người.  Trường hợp của Hóa nói chung là hơi khác với mọi người ở đây. Hóa đi làm rồi. có 3 sự việc gần đây xảy ra với Hóa. Thứ nhất là sự kiện ngày 18 tháng 5 biểu tình lớn ở Sài Gòn và Hóa có tham gia, nhưng mà vừa đến chỗ khoảng 30 phút thì những người an ninh bắt mình về dưới quân khu 4 và  lúc đó quá đông nên người ta không làm gì nhiều mình, trên tinh thần họ chỉ làm một số việc rồi cho mình về. Đến sau đợt đó được mấy tháng, Hóa tiếp tục có được bài blog bên wordpress rồi cũng viết bài bên Facebook đăng tải, nhưng sau nó (an ninh) cũng theo dõi mình.  Sau đến ngày 24 tháng 2, 2014 là bị bắt về cũng vì do những việc mình làm, tham gia các hoạt động xã hội, phản đối để nói lên ý kiến của mình, đơn giản vậy thôi.  Điển hình như vụ giàn khoan, mình viết lên facebook thể hiện những quan điểm suy nghĩ của mình, nhưng mà những lý do đó thôi mà cũng bị bắt bớ, sách nhiễu.  Ngày Hóa bị sách nhiễu thì có đi làm ở doanh nghiệp tư nhân thế nên là mình ngủ tại chỗ làm luôn. Tuy nhiên, sau khi bên an ninh họ bắt mình về làm việc xong thì một thời gian sau đó người ta ép bên chủ làm của mình. Người ta đã đề ra một lý do cũng giống như anh Các chia sẻ đó, người ta bảo vướng đến một số vấn đề liên quan đến công an thế là người ta ép mình thôi việc mà không có một lý do chính đáng trong khi đó mình đi làm có hợp đồng mà người ta vi phạm trắng trợn. Bên an ninh ép thế nên bên chỗ làm người ta ngắt hợp đồng mình giữa quãng đẩy mình vào một tình thế rất là khó khăn trong khi đó chưa thể kịp đi xin việc làm. Thậm chí sau buổi bị bắt ở trên phường thuộc quận 12 sau đó khoảng 1 tuần thì bên chủ nhà ép mình do mình thẳng thắn đối đáp lại với người ta vấn đề hợp đồng thuê tháng cho nên mình cứ thế là làm. Tuy nhiên, chỉ sau đó một tuần nó lại cho an ninh giả dạng côn đồ để đánh mình giữa đường, chẳng hạn vào chỗ nào đấy, người ta ép mình giật đồ; Đánh vào kinh tế để không còn chút gì trong người. Như vậy, bắt đầu mình phải đi ra ngoài, phải nghỉ chỗ làm đấy.  Sau khi rời chỗ làm giai đoạn đầu, mình mới từ từ đi thuê phòng trọ gần đấy, nhưng vừa thuê phòng trọ thì nó cũng liên hệ với an ninh địa phương, người ta cũng can thiệp giống trường hợp của anh Các vậy.

Chân Như: Các bạn nhận định thế nào về việc công an can thiệp vào chuyện thuê nhà của người dân ?

Hoàng Thành: Viêc công an can thiệp vào chuyện cư trú của người dân, điều ấy em nghĩ rằng dựa trên luật pháp thì hoàn toàn là sai bởi vì em biết được quyền của mình là quyền công dân, tức là quyền tự do cư trú. Ở trong điều 3 của quyền tự do cư trú đã nói rằng, công dân có quyền tự do cư trú  theo quy định của luật này và các quy định khác của luật có liên quan,  các công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú tạm trú và yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú và tạm trú, tức là quyền tự do cư trú của công dân. Là công dân có quyền tự mình được chọn lựa quyết định nơi thường trú và cư trú của mình, thì việc công an can thiệp và gây áp lực cho chủ nhà để đuổi những người trực tiếp như em thì họ lại vô tình phạm vào điều 8 ở trong luật cư trú, tức là tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về luật cư trú.  Họ cũng cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú của mình và chính họ cũng lạm dụng quy định về quyền hộ khẩu để hạn chế những quyền, lợi ích hợp pháp của công dân khi mà thực hiện quyền của mình.

Vương Các: Về góc độ cá nhân thì tôi nghĩ như thế này, trước tiên mình phải xác định là ai đang làm việc này vì nếu đứng từ góc độ Bộ Công an thì tôi nghĩ Bộ Công an họ sẽ không làm việc này; đơn giản vì mình ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam này thì mình cũng sẽ chịu sự quản lý của BCA cho nên tôi nghĩ BCA họ không hành xử đối với những hoạt động này, mà vấn đề này tôi lại thiên về vấn đề ở chính quyền địa phương. Như  tôi đã nói tức là ở trên địa bàn phường họ không muốn mình ở trên đó vì họ sợ mình mang lại rắc rối cho chính họ. Tôi lấy ví dụ  nếu mà có cuộc biểu tình nào đó chuẩn bị xẩy ra thì tất nhiên ở trên bộ, công an thành phố họ sẽ tìm người đó hiện đang ở đâu và họ sẽ nhờ công an địa phương đó giám sát mình vào những ngày sắp tới những sự kiện biểu tình đó. Trong quá trình đó thì đòi hỏi công an phường phải huy động một lực lượng lớn để canh giữ mình hằng ngày, thậm chí cả đêm mà họ phải tiến hành người canh giữ.  Chính vì thế đối với những nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền khi mà xuất hiện trên một địa bàn nào đó thì chính quyền địa phương không muốn vấn đề đó bởi vì họ muốn cho họ đỡ nhẹ đi phần nào tốt phần nấy. Chính vì thế nhận định của tôi trong vấn đề này là chủ yếu từ phía công an phường.

Chân Như: Và theo Văn Hóa phỏng đoán nguyên nhân gì khiến họ tạo sức ép buộc chủ nhà đuổi người cho thuê?

Văn Hóa: Theo suy nghĩ cá nhân của Hóa thì việc đầu tiên họ sẽ gây áp lực lên chủ làm của mình ví dụ nếu không nghe theo lời họ thì họ sẽ ép chủ không thể sản xuất được hàng hóa là thứ nhất, thứ hai là làm khó trong khâu kinh doanh, thứ ba là đánh thuế, sách nhiễu làm phiền đủ thứ; đặc biệt là với các tư nhân ở Sài Gòn khu vực quận 12 đa số sản xuất quần áo. Tư nhân thì người ta đóng thuế rất ít nhưng đến khi không nghe theo lời phía trên kia xuống thì người ta sẽ đánh vào những cái giấy thủ tục hành chính rườm rà nói chung là gây khó dễ cho bên chủ việc làm trong khâu sản xuất và kinh doanh.

Chân Như: Khi nãy Hoàng Thành cũng chưa chia sẻ về việc phỏng đoán vì sao chính quyền địa phương lại tạo sức ép buộc chủ nhà phải đuổi người và điển hình là chính em.

Hoàng Thành: Cái thứ nhất là họ chưa hiểu những công việc của em đang làm, cụ thể là em đã tham gia vào những hoạt động xã hội. Đối với trong ngành của họ khi nghe đến những người hoạt động xã hội là họ ái ngại lắm. Em nhìn thấy biểu hiện của họ khi họ đối mặt trực tiếp với em, đặc biệt là anh Khánh, anh là công an khu vực ở đây. Điều thứ hai em phỏng đoán rằng, ở phường nào cũng có việc thi đua, rồi chạy thành tích thì đương nhiên khi mà họ chạy thành tích thì họ không muốn trong khu vực của họ có một vấn đề gì cả. Đặc biệt là những người ái ngại như em thì họ luôn muốn đẩy mình đi sang các khu vực khác để không ảnh hưởng đến công việc của họ. Công việc của họ thường chỉ đi khảo sát khu vực của mình và không muốn những chuyện liên quan đến an ninh mà việc em đã làm thì an ninh đã xuống tận phường sở tại nơi em đang ở và gây một số khó khăn cho những người làm việc ở phường như công an trưởng phường, công an phó phường, rồi trực tiếp tới công an khu vực. Đương nhiên trong việc này thì em phỏng đoán rằng là anh công an khu vực đó đã lường được những việc mà sắp tới nếu như em còn ở đây thì sẽ còn gây khó khăn cho anh ấy và anh ấy đã lạm dụng quyền để gây áp lực lên cho chủ nhà và đuổi em ra. Đó là phỏng đoán của em.

Xin cám ơn ba bạn Văn Hóa, Vương Các và Hoàng Thành đã dành thời gian đến với diễn đàn, rất tiếc thời gian có hạn nên chúng ta sẽ hẹn lại nhau vào kỳ sau để cùng tiếp tục bàn về vấn đề này.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/YouthForum/presss-on-young-dissedents-part1-10082015081710.html

 

This entry was posted in Tin Tức. Bookmark the permalink.