Trên đỉnh Lang Bian.
Vâng, trên đỉnh Lang Bian, trưa 03 tháng 10.2015, các bạn từ Hà Nội vào đã sắp đặt cho tôi một cuộc mừng tuổi mà nhà văn đàn anh Nguyên Ngọc, trong lời chúc gửi qua e-mail, gọi là 75 mùa xuân xanh.
Tuổi xanh ta xanh mãi với rừng xanh xanh tốt
Câu thơ trong bài “Lên Miền Tây” tôi viết thuở chớm trưởng thành, phải chăng là câu thơ định mệnh?
Trên đỉnh Lang Bian, các bạn yêu cầu tôi đọc lại bài thơ ấy.
Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi
Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng
Ôi miền Tây! Ở dưới xuôi, sao nghe nói, ngại ngùng
Mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy
Tuổi hai mươi, khi hướng đời đã thấy
Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường
Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương
Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn
Sự có mặt của nhà văn Phạm Xuân Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội (đồng thời là thành viên Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam) và lại tự nhận làm MC trong cuộc mừng tuổi chàng trai thủ đô Bùi Minh Quốc năm xưa như hiển thị một mối duyên kỳ lạ.Vâng, rất lạ! Vào tuổi hai mươi, Văn Nghệ Hà Nội (khi ấy chưa có Hội) chính là nơi tôi bắt đầu tham gia sinh hoạt văn chương, tôi được lĩnh hội và trao đổi ý kiến với các bậc trưởng thượng Ngọc Giao, Thao Thao, Hoàng Công Khanh, Muỗi Sài Gòn…
…
Qua những ngôi sao trên nấm mồ xanh cỏ
Nghe gió rừng tưởng khúc Tiến quân ca
Nghe âm vang cuồn cuộn thác sông Đà
Tưởng giục giã tiếng kèn ta xung trận
Đi chiến đấu là niềm vui bất tận
Phải chăng, cái mệnh thơ mệnh đời của tôi là thế?
Trên đỉnh Lang Bian, sau 75 năm nhìn lại, quả đúng như thế, đời tôi là cuộc đời chiến đấu vì Tổ Quốc và Tự do, vì Công lý và phẩm giá con người. Tôi, và cả thế hệ của tôi, chúng tôi không thể tìm niềm vui ở đâu khác ngoài niềm vui trong cuộc chiến đấu vì các giá trị ấy. Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn của tôi, nói cho cùng, cũng kết đọng lại trong các giá trị ấy. Những người con gái tôi yêu và yêu tôi khi trở thành bạn đời cũng đồng thời là bạn chiến đấu vì Tổ Quốc và Tự do, vì Công lý và phẩm giá con người.
Trên đỉnh Lang Bian, tôi ôn lại cùng các bạn mấy kỷ niệm khi làm Tổng biên tập tạp chí Lang Bian.
Số 1 (tháng 10/1987) đăng thơ “Những cây thông kêu” của Thanh Thảo, “Cảm xúc đi trên đường Nguyễn Trãi” của Đặng Thị Vân Khanh, vừa ra được mấy ngày đã bị đánh tới tấp vào hai bài thơ đó bởi các câu:
Những cây thông ào vào tỉnh ủy
Xin đừng đốn chúng tôi!
Oan Ức Trai sáu trăm năm trước
Bọn gian thần đổi dạng vẫn còn đây
Số 2 (tháng 02/1988) xuất hiện hoành tráng với 2 bài thơ Văn Cao và 4 chương trích từ trường ca “ĐI – Bài thơ Việt Bắc” của Trần Dần. Xin hãy cùng tôi mở số 2 đọc lại Trần Dần:
Tôi có thể mắc nhiều tội lỗi
Chẳng bao giờ
Quá ngu đi
Mắc tội nằm ì
Han gỉ
Khác gì
Cái chết
…
Tôi chẳng thể làm sao
nhút nhát được
Ở trong tôi
Còn sức mạnh gì
Chính
là sức
Những ai
Oan khốc nhất
Những ai
Đang khổ nhất
Quả cầu ta
Số 3 (tháng 06/1988) đăng “Đèo Cả” và “Tục đèo Cả” của Hữu Loan.
Lang Bian là nơi đầu tiên công bố một cách hoành tráng và có hệ thống tác phẩm của các tác giả tiêu biểu trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm kể từ khi có chủ trương đổi mới.
Đặc biệt, số 3 đăng “Đề dẫn” của Nguyên Ngọc. Vâng, đặc biệt, bởi đây là một văn bản do nhà văn Nguyên Ngọc soạn thảo trên cương vị Bí thư đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam trình bày trong hội nghị các hội viên đảng viên họp tháng 6 năm 1979 để thảo luận tìm cách đổi mới toàn bộ nền văn học nhưng bị Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Tố Hữu đập cho tơi bời (đến tác giả phải mất chức) và bị cấm phổ biến. Nhưng tôi coi “Đề dẫn” là văn kiện mở đường cho đổi mới văn học kể từ sau 1975, tiếp nối cuộc mở đường dang dở của nhóm Nhân văn – Giai phẩm, nên quyết định phải xé rào công bố cho bằng được.
Lang Bian chỉ ra được 3 số thì bị đình bản. Tiếc đứt ruột, vì đã chuẩn bị số 4 sẽ đăng một chùm thơ chưa hề công bố của Hữu Loan và “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” của Hà Sĩ Phu.
Ba số Lang Bian là niềm vui lớn trong đời làm báo của tôi, và đương nhiên của cả người bạn chiến đấu thân thiết của tôi – Phó Tổng biên tập Tiêu Dao Bảo Cự. Với chúng tôi, chức vụ không phải cái ghế quyền lực để hưởng bổng lộc, mà là vị trí chiến đấu của người chiến sĩ cách mạng chiến đấu vì Tổ Quốc và Tự do, vì Công lý và phẩm giá con người.
Vì Tổ Quốc và Tự do, vì Công lý và phẩm giá con người, đi chiến đấu là niềm vui bất tận, bất chấp mọi gian nguy, hiển nhiên là thế!
Trân trọng cám ơn các chiến hữu đồng nghiệp và bạn đọc đã dành cho tôi những lời chúc tốt đẹp nhân dịp 75 năm làm người với 75 mùa xuân xanh.
Tôi không hề có cảm giác mình đã là ông già 75 tuổi. Lạ thật, lòng vẫn đầy cảm hứng lên đường sánh bước cùng các bạn trẻ dốc sức tham gia sự nghiệp XÂY DỰNG NGƯỜI CÔNG DÂN VIỆT NAM MỚI mà 7 tổ chức xã hội dân sự đã thống nhất hoạch định thành chương trình hoạt động, công bố trên mạng Internet đầu năm nay.
Đà Lạt 06.10.2015
B. M. Q.
Tác giả gửi BVN