Gần đây tôi thấy trên báo Pháp luật TP HCM Online (29/4) và báo Tuổi trẻ (01/5) đưa tin ở TP Hồ Chí Minh, cụ thể là Trung tâm Công tác Xã hội (Thành đoàn TP HCM) họp báo cho biết sẽ phối hợp với hãng Women-Easy tổ chức chương trình “Giáo dục giới tính học đường” theo đó từ ngày 10 đến 30 tháng 5, chương trình sẽ được tiến hành trên 49 trường THPT, CĐ, ĐH trên địa bàn TP.HCM và một số trường tại Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Từ thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam chúng ta là một trong ba nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới (từ 1,2 đến 1,6 triệu trường hợp mỗi năm), trong đó đến 20% là ở lứa tuổi vị thành niên. Do đó, lý do để đưa ra chương trình giáo dục giới tính này xem ra rất nhân văn và đạo đức: Giúp cho HSSV, đặc biệt những nữ học sinh trẻ tuổi có kiến thức giới tính đúng về sức khoẻ sinh sản ngõ hầu có thể tự bảo vệ bản thân.
Là thầy thuốc kiêm giảng viên đứng bục hơn 30 năm, tôi thấy chương trình giáo dục này bất ổn, đúng hơn là có vẻ khuất tất vì 2 lẽ:
1. Nói gì thì nói, nhưng muốn dạy tốt học tốt, ngoài trí tuệ thì giáo trình, giáo án và sách giáo khoa có một vị trí cực kỳ quan trọng. Muốn có sách giáo khoa tốt điều bắt buộc là phải có người biên soạn tốt, có kinh nghiêm, tay nghề. Khi nói về tay nghề, tức là sự thông hiểu, nắm chắc một vấn đề nào đó, tiếng Anh thường phân định mức độ khá rõ ràng: see: thấy, know: biết, understand: hiểu, comprehend hiểu rõ, master hiểu cặn kẽ và excel thành thạo. Một môn học chưa có sách hướng dẫn, tài liệu học tập chuẩn chắc chắn học viên rất khó tiếp thu vì mỗi giáo viên sẽ dạy, hướng dẫn theo cách “hiểu biết” của riêng họ. Lâu nay, ngành giáo dục bị than phiền vì loay hoay mãi không giải quyết rốt ráo vấn đề cải cách giáo dục, trong đó nổi cộm là khâu biên soạn sách giáo khoa.
Trở lại chương trình giáo dục giới tính này có 2 câu hỏi quan trọng về giáo dục: (1) Giáo trình, tài liệu để hướng dẫn cho các em do ai soạn thảo? Của Bộ Giáo dục hay của hãng Dược phẩm? (2) Trước khi đem ra hướng dẫn cho các em học sinh, các giáo trình, tài liệu có được cơ quan “trách nhiệm” thẩm định xét duyệt chưa?
2. Nghe đâu trong chương trình giáo dục giới tính này, hãng dược phẩm có “chào hàng” hai dược phẩm là Thuốc tránh thai sau quan hệ tính dục và Thuốc giảm đau khi hành kinh. Nếu đúng như vậy thì có thể nói thẳng rằng đây là chương trình “giới thiệu thuốc” (trình dược) dưới chiêu bài giáo dục sức khỏe thì đúng hơn.
Giáo dục giới tính là một vấn đề “nhạy cảm”, môn học rất cần thiết cho giới trẻ hiện nay. Nhưng khi đưa vào học đường phải có tính toán, kế hoạch, giáo trình, phương pháp sư phạm thích hợp… chứ không thể làm kiểu “phong trào”, đặc biệt không thể lồng ghép với sinh đẻ kế hoạch hay giới thiệu thuốc ngừa thai.
Vì tương lai con em chúng ta, những người có trách nhiệm về giáo dục, y tế, chính các em học sinh và cả xã hội phải sáng suốt nhận định và có biện pháp quản lý đúng đắn.
TBT
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập