Thư gởi Bùi Minh Quốc nhân sự kiện tổ chức mừng sinh nhật lần đầu lúc 75 tuổi

Anh Quốc thân,

Anh báo tin sẽ tổ chức mừng sinh nhật lần đầu năm 75 tuổi (vì từ trước chưa bao giờ tổ chức mừng sinh nhật), lại muốn “gầy cuộc nhậu” trên đỉnh Langbian với các bạn thân vào ngày 3/10 năm nay, thật là một “sự kiện” cũng có thể xem là lạ lùng. Rất tiếc chúng tôi đang ở xa, không đến dự được, thật là thiếu sót và tiếc nuối.

Để bù lại, nhân dịp này, tôi muốn viết đôi điều gởi anh về mối quan hệ giữa chúng ta và chuyện tình bạn.

Chúng ta quen nhau từ thuở vận động thành lập Hội Văn Nghệ Lâm Đồng năm 1987, đã gần 30 năm. Thuở ấy anh từ Đà Nẵng vào, tôi từ Bảo Lộc lên Đà Lạt, theo yêu cầu của Đảng để làm chi bộ hạt nhân lãnh đạo Hội (cùng với một Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được điều qua). Cũng thật hay là Đảng muốn dựa vào chúng ta để lãnh đạo văn nghệ nhưng ngược lại chúng ta lại làm cho văn nghệ thoát ly sự lãnh đạo của Đảng. Từ đó bao nhiêu sóng gió xảy ra mà đỉnh cao là việc tạp chí Langbian của Hội sau số 3 bị đình bản và “chuyến đi xuyên Việt” cuối năm 1988 (có mời nhà thơ Hữu Loan mới “tái xuất giang hồ” sau 30 năm chôn mình ở Nga Sơn, Thanh Hóa, cùng đi) để đòi tự do sáng tác, báo chí, xuất bản và đổi mới thực sự. Tôi đã ghi lại sự kiện này trong bút ký “Hành trình cuối đông” như một “chứng từ có tính lịch sử”. Hệ quả là anh và tôi đều bị khai trừ ra khỏi Đảng (lúc đó anh 22 và tôi 15 tuổi đảng), bị cách chức lãnh đạo ở Hội Văn Nghệ (riêng tôi còn bị trục xuất ra khỏi Hội). Chúng ta trở thành nhà văn tự do. Đúng là “tái ông thất mã”.

Bùi Minh Quốc (trái) và Tiêu Dao Bảo Cự (giữa) khi ra đến Hà Nội

Từ đó chúng ta, cùng với một số bạn thân khác ở Đà Lạt, đã đi chung con đường đấu tranh cho tự do dân chủ và cùng chịu khổ ách: công an thẩm vấn triền miên; gia đình bị bao vây cô lập, gây khó khăn cho việc mưu sinh; quản thúc tại gia một, hai “lệnh” hai năm. Riêng anh còn thêm vụ bị buộc lên phường hàng ngày liên tục 6 tháng trời để kiểm điểm vì làm mãi không đạt yêu cầu!? Câu thơ của anh ngày xưa lúc thúc giục “Lên Miền Tây”:

Tuổi hai mươi khi nghĩa đời đã thấy
Dù gian nan biết mấy cũng lên đường

Được Hà Sĩ Phu sửa thành:

Tuổi sáu mươi khi nghĩa đời đã thấy
Dù gian nan biết mấy cũng lên phường

Tôi còn nhớ khi cả hai chúng ta cùng lúc bị quản chế, anh tổ chức giỗ vợ đầu, chị Dương Thị Xuân Quý, người đã hi sinh trong chiến đấu. Anh tìm cách nhắn mời tôi. Theo quy định quản chế, tôi phải làm đơn yêu cầu gởi công an. Sau đó tôi được trả lời “không đồng ý vì lý do không thực sự cần thiết”. Chả hiểu theo họ thế nào là cần thiết. Dĩ nhiên họ cốt không để chúng ta gặp nhau. Tính lại ở Đà Lạt, một thành phố nhỏ xíu, tới nhà nhau chỉ mất mươi phút, chúng ta có 4 bạn thân mà từ khi bị trù dập, chia cách, phải sau 10 năm mới có dịp gặp nhau đông đủ!

Một lần vào dịp Tết, không đi thăm nhau được, anh đã gởi tặng chúng tôi mấy câu thơ viết tay trên bìa một tấm giấy cứng nhỏ, không biết anh còn nhớ hay ghi lại không, tôi còn lưu giữ, vẫn tràn đầy tình cảm và “lạc quan cách mạng” dù trong hoàn cảnh bức bách:

Thơ xuân Kỷ Mão tặng Tiêu Dao Bảo Cự – Bạch Yến ở Động hoa vàng:

Thuở trước bom gầm thơ vẫn ngân
Nay thơ vượt ngục tới tri âm
Tiêu dao rúng động hoa vàng tỏa
Bốn mùa én liệng bốn mùa xuân

Lại cũng “tái ông thất mã”. Nhờ thế mà anh có tập “Thơ vụt hiện trong phòng thẩm vấn” và nhiều thơ, truyện khác; tôi có tiểu thuyết “Nửa đời nhìn lại”, tập truyện ngắn “Trên cả hận thù”, tác phẩm viết “Mảnh trời xanh trên thung lũng” và chúng ta đã viết bao nhiêu bài chính luận đầy chất lửa được Internet chắp cánh bay bốn phương trời. Đòi tự do bị mất tự do nhưng mất tự do lại càng nung nấu ý chí tự do. Đảng tự hào với sức mạnh “bách chiến bách thắng muôn năm” tưởng rằng thắng lớn nhưng có lẽ “lỗ to” trong việc đối xử như thế này với những người cầm bút bất đồng chính kiến.

Anh và tôi xuất thân hoàn toàn khác nhau. Anh là nhà văn Miền Bắc tình nguyện vào Nam chiến đấu, tôi là “sinh viên tranh đấu” và là người cầm bút đối kháng ở Miền Nam. Chúng ta khác nhau rất nhiều về gia đình, hoàn cảnh, quá trình, nền giáo dục, tâm trạng… Nhưng chúng ta gặp nhau ở chỗ cùng trải nghiệm chiến tranh (theo những cách khác nhau), cùng tha thiết với độc lập tự do và khát vọng hòa bình của dân tộc, cùng dùng cây bút làm vũ khí chiến đấu bên cạnh ngợi ca tình yêu và cuộc sống. Phần khác quan trọng không kém, có lẽ chúng ta đều là những kẻ “lãng mạn cách mạng”, phóng khoáng và nhân văn trong cách nghĩ, lối sống.

Có thể nhờ thế mà hai chúng ta, cùng vài bạn thân khác, có thể duy trì được tình bạn sau bao nhiêu thử thách, có khi gay cấn, đến mức muốn chia tay hay “khai trừ” nhau, do thủ đoạn của bộ máy cai trị gây chia rẽ và một phần nào cũng do sự cực đoan, khác biệt trong quan điểm của từng người.

Tuy nhiên đến bây giờ tôi vẫn “bảo lưu” ý kiến cho rằng ngay trong chúng ta, ngay trong bất cứ ai dù có lý tưởng trong sáng, đấu tranh cho tự do dân chủ, là “hãy cảnh giác với những hành vi cực đoan, thủ đoạn bẩn thỉu trong chính trị, nhất là với phương châm mục đích biện minh cho phương tiện”. Điều đó sẽ làm hoen ố những gì tưởng là cao đẹp nhất. Dĩ nhiên chúng ta đã quá biết chính trị là gì, chính trị là điều không tránh khỏi trong cuộc sống, phân biệt thái độ chính trị với hoạt động chính trị, chính trị chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, chính trị cầm quyền… Người cầm quyền sẽ vấy bẩn chúng ta và chúng ta cũng có thể tự làm vấy bẩn mình. Không cảnh giác điều này, tình bạn sẽ tan vỡ.

Tình bạn là gì? Đã có vô số định nghĩa về tình bạn nhưng nhất định trong tình bạn phải có sự đồng cảm và chia sẻ về số phận riêng và số phận chung của con người, ở một mức độ nào đó, mà người trong cuộc cảm thấy ấm lòng, được an ủi khi nghĩ đến nhau. Tình bạn không đắng – cay như rượu, không đắng – ngọt café, có thể đối với nhau như nước lã (xưa gọi là “đạm nhược thủy”) nhưng chính “nước lã” này mới uống mãi không chán và tưới mát tâm hồn khi có nhau và nghĩ về nhau trong cuộc đời.

Anh và tôi vẫn còn nhiều khác biệt về quan điểm và lối sống. Điều ấy tất nhiên. Đặc biệt về quan điểm chính trị. Tuy nhiên tôi vẫn quý anh ở chỗ anh vẫn luôn nói ý mình, bất cứ ở đâu, dù có khi bị công kích vì không lọt tai người này người khác. Chân lý nằm ở đâu trong thời đại hỗn mang này? Thật khó xác định và ai đủ tư cách, thẩm quyền làm quan tòa để phán xét mọi người, mọi chuyện. Dĩ nhiên cũng có những sự thật hiển nhiên mà mọi người đều thừa nhận. Đó là “Ung dung ta nói điều ta nghĩ/Cúi, ngửa theo người quyết chẳng theo” – Nguyễn Trãi. Đó không phải là nhân cách sao.

Mừng cho anh đến hôm nay vẫn còn sung sức và tiếp tục cuộc chiến đấu.

Thư này như một chén rượu và lời “mừng tuổi” anh (không phải mừng thọ) trên đỉnh Langbian cùng với các bạn khác. Chuyện của chúng ta là chuyện rất riêng nhưng cũng có cái gì rất chung của một thời… Cạn chén nhé!

(Nhắc đến Langbian, tôi lại nhớ thêm về cái tên chúng ta đã chọn cho tờ báo của Hội Văn Nghệ Lâm Đồng. Tỉnh ủy muốn lấy tên “Tạp chí văn nghệ của Tỉnh Lâm Đồng”, thật là “phi văn nghệ”. Chúng ta phải nhờ một nhà nghiên cứu viết hẳn một bài về sự tích và ý nghĩa núi Langbian, ra sức thuyết phục cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong hẳn một cuộc họp dành riêng bàn chuyện chọn tên tạp chí. Đúng là đảng lãnh đạo sát sườn, toàn diện và tuyệt đối!? Langbian, ngọn núi cao nhất của cao nguyên Lâm Viên, với sự tích tình yêu và đấu tranh của chàng Lang và nàng Bian, với hình tượng đôi bầu vú của “Núi Bà” là nguồn cảm hứng vô tận cho văn nghệ ở xứ sở ngàn thông này. Uống rượu ở đây đừng quên nhắc lại chuyện đó cho các bạn có mặt nhé.)

2/10/2015

Tiêu Dao Bảo Cự

Tác giả gửi BVN.

 

This entry was posted in Thư bạn đọc. Bookmark the permalink.