Nông sản độc hại, lỗi tại ai?

Nói về nông sản bẩn và nhiều loại sản phẩm bẩn khác, ta thường nghĩ ngay tới từ độc hại – riêng về cái từ này thì đã phải phân định rõ thành hai loại: độc và hại. Độc là gây ngộ độc tức thời tới cơ thể tùy theo chất và liều lượng mà gây nguy hiểm tới tính mạng con người. Về mặt này, có hẳn một chuyên ngành “độc chất học”.

Nông sản ở đây được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm thực vật và động vật nuôi trồng hoặc thu hoạch từ thiên nhiên. Thời kỳ trước đây, khi sản xuất nông nghiệp chưa sử dụng rộng rãi các hoá chất nông nghiệp như phân hoá học, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ dịch hại (thuốc bảo vệ thực vật), thuốc thú y thuỷ sản, v.v. năng suất cây trồng, vật nuôi thường thấp và bấp bênh. Năng suất cây trồng và vật nuôi tăng dần do việc sử dụng các hoá chất nông nghiệp kể trên, tuy nhiên các tác động bất lợi đến sức khoẻ con người và sự phát triển bình thường của hệ sinh thái xuất hiện kèm theo.

Hoá chất tồn dư trong nông sản (thực vật và động vật nuôi trồng hoặc thu hoạch từ thiên nhiên…) có thể gây độc cấp tính hoặc được tích luỹ theo thời gian gây nên độc kinh niên cho con người. Mặt khác các hoá chất độc ngấm vào đất hoặc nước vùng canh tác, vùng thu hoạch tự nhiên cũng được hấp thụ vào nông sản và sau cùng vào cơ thể con người. Trong giai đoạn thu hoạch, vận chuyển và bảo quản, một số hoá chất có thể gây hại cho sức khoẻ con người cũng được sử dụng. Đó là các con đường chính đưa các hoá chất độc vào nông sản và cuối cùng vào cơ thể con người.

Có những nguyên tố vô cơ (khoáng chất) được xem là không độc nhưng cái sự hại thì khôn lường vì khi vào cơ thể nó “lấn sân” (choán chỗ, thay thế) những khoáng chất cơ yếu của cơ thể và dần dần làm suy yếu hoặc liệt hẳn những chức năng không thể thiếu của cơ thể con người. Tỷ như litium (Li) trong các loại “pin nút áo”, khi nó vào cơ thể sẽ len lỏi, tìm cách “thế chân” cho kẽm (Zn); mà kẽm là nguyên tố không thể thiếu trong những tế bào chuyên giữ chức năng cảm biến (sensor) của các giác quan (ngũ giác: thính, thị, xúc, khứu và vị giác), hiểm họa thật khôn lường vì nó là cả chuỗi theo hiệu ứng domino. Cách đây nửa thế kỷ, khi loại pin “tân kỳ” này ra đời, ở Thụy Điển người ta đã có quy chế: Ai muốn mua pin mới loại này, buộc phải giao nộp lại cho cửa hàng pin cũ để họ gom và giao cho cơ quan chức năng xử lý .

Các nhóm chất chủ yếu đi vào nông sản gồm: Các thuốc trừ dịch hại trên cây trồng (hoá chất bảo vệ thực vật): gồm các thuốc: clo hữu cơ, lân hữu cơ, carbamat các chất điều hoà tăng trưởng côn trùng. Các chất kim loại nặng: chì, arsenic, thuỷ ngân, crom, cadmium. Các chất như arsenic, thuỷ ngân có thể bắt nguồn từ một số thuốc trừ dịch hại thế hệ cũ. Arsenic, thuỷ ngân, cadmium, chì và nhiều chất khác phần lớn bắt nguồn từ ô nhiễm công nghiệp.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, mỗi năm ở Việt Nam có chừng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000 -10.000 nạn nhân và 100 – 200 ca tử vong. Ở Việt Nam, tình trạng mất vệ sinh tồn tại song song với việc sử dụng hóa chất bị cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm là hết sức phổ biến. Do chạy theo lợi nhuận, người sản xuất và kinh doanh thực phẩm vẫn sử dụng những biện pháp bảo quản, kích thích tăng trưởng không hợp lý, hoặc làm giả các hàng hóa thực phẩm.

Ngoài ra, từ nông sản chế biến thành thực phẩm cũng có nhiều hoá chất độc hại khác nhau được đưa vào quá trình chế biến (malachite green, đỏ sudan, rhodamine B, đường hoá học, borax…). Malachite green là phẩm màu nhuộm vải bây giờ Hà Nội dùng vô số để nhuộm cốm xanh; Rhodamin B cũng là một phẩm màu công nghiệp người ta dùng để nhuộm hạt dưa, nhuộm tương ớt. Các loại thuốc như salbutamol, clenbuterol… người cho heo ăn để “tạo nạc” khi giết mổ lại thiếu vệ sinh ảnh hưởng dến sức khỏe con người.

 

Lò mổ heo thiếu vệ sinh (ảnh trên mạng)

Liên Hiệp Quốc, thông qua FAO, WHO và UNEP đã phổ biến những thông tin cần thiết về dư lượng các loại hoá chất độc hại trong nông sản thực phẩm cũng như ảnh hưởng của nó lên sức khoẻ và môi trường cho toàn thế giới.

WHO đã phổ biến dưới dạng tổng kết về các chất gây biến đổi hệ nội tiết (EDC=Endocrine Disrupting Chemicals) bao gồm nhiều chất khác nhau xuất phát từ hoạt động nông nghiệp (thuốc trừ dịch hại, phân hoá học), công nghiệp (kim loại nặng…), dân dụng (phụ gia thực phẩm…) và y tế (kháng sinh, thuốc ngừa thai, hormones…).

Các chất này ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của con người và sinh vật khác, tăng nguy cơ ung thư vú, gây ra sự phát triển bất bình thường và làm chậm sự phát triển hệ thần kinh trẻ em, suy giảm chức năng hệ miễn dịch. Đặc biệt, cho đến nay Công ước Stockholm (do UNEP chủ trì) sau nhiều lần họp đã đưa 22 hoá chất vào danh mục chất độc cần giám sát chặt chẽ (quản lý an toàn, giảm thiểu và dần loại bỏ) vì chúng đi vào môi trường và theo chuỗi thực phẩm tích tụ trong nông sản thực phẩm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, trong đó có Aldrin, Chlordane, Dieldrin, Endrin, Heptachlor, Hexachlorobenzene, Mirex, Toxaphene, DDT; Dioxins, Furans, PCB, Hexachlorobenzene (HCB); Lindane, HCH, Chlordecone; Hexabromobiphenyl, BDE, PFOS, Pentachlorobenzene, Endosulfan.

FAO đã phổ biến rộng rãi các bộ Codex trong đó định rõ mức dư lượng tối đa cho phép (Maximum Residue Limit=MRL) của các hoá chất bảo vệ thực vật trong nông sản thực phẩm, mức hấp thu hằng ngày chấp nhận được của các thuốc bảo vệ thực vật (Acceptable Daily Intake=ADI) của nhiều nước trên thế giới để các quốc gia chưa có quy định có thể dựa vào để soạn ra quy định riêng của họ cho phù hợp.

Ở Việt Nam, vấn đề nhiễm độc nông sản thực phẩm chủ yếu liên quan đến trách nhiệm quản lý của các bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Y tế, Tài nguyên & Môi trường và Công thương. Các bộ này đã và đang có những nỗ lực nhiều mặt để giải quyết vấn đề, tuy nhiên vẫn còn xa mới đạt đến điều mong muốn.

Các nước phát triển rất chú trọng kiểm tra dư lượng thuốc trừ dịch hại và sự hiện diện của các chất có hại khác trong nông sản thực phẩm và môi trường. Tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sự kiểm soát còn lỏng lẻo, trách nhiệm quản lý chồng chéo hoặc bỏ trống. Thực trạng này ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng cần phải khắc phục sớm.

Để khắc phục các tình trạng ô nhiễm độc hại sản phẩm nông nghiệp cần có các biện pháp:

–    Đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của nông sản thực phẩm bị nhiễm độc trên hệ thống thông tin đại chúng. Đưa các thông tin này vào trường học.

–    Ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, quy trách nhiệm rõ ràng đối với từng cơ quan chức năng, phổ biến rộng rãi và kiểm tra chặt chẽ sự tuân thủ.

–    Đẩy mạnh hoạt động của các đơn vị thanh tra hoá chất của các bộ và địa phương.

–    Đầu tư xây dựng các cơ sở tiêu huỷ hoá chất độc hại tịch thu.

–    Kiểm soát buôn bán ở biên giới, chống buôn lậu các hoá chất cấm vào Việt Nam

–    Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở buôn bán hoá chất trong nước, xử phạt nặng khi vi phạm.

–    Mở rộng chứng nhận GAP và phạt nặng các đơn vị nhận hối lộ để cấp chứng chỉ GAP cho cơ sở sản xuất không đạt chuẩn.

–    Khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn phát triển.

–    Tăng cường huấn luyện về sản xuất nông sản an toàn cho nông dân.

–    Tăng cường cảnh báo người tiêu dùng về những nguồn nông sản thực phẩm bị nhiễm chất độc hại.

Nông sản độc hại là do trách nhiệm quản lý nhà nước lỏng lẻo, chủ yếu của các bộ: Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên & Môi trường, Công thương, chính quyền địa phương, làm ăn “chụp giật” bất chấp hậu quả của nhiều thương lái và người nông dân (không loại trừ bàn tay “lông lá” của Tàu), v.v.

Với những cái đầu sạch thì chẳng bao giờ cho ra những sản phẩm bẩn! Báo chí đầy rẫy những bài viết về những nông dân làm ra sản phẩm mà… không dám ăn! Ôi, bao giờ… cho tới ngày xưa! Cứ hô hoán lên “đổi mới”, trong khi có biết bao nhiêu báu vật đã để rơi rớt, vương vãi mà chưa lượm lại được.

Các quan chức quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và những người nông dân Nhật Bản không hẳn là những người uyên bác về hóa học và về độc chất học nhưng họ có duy nhất một bộ lọc cực kỳ hữu hiệu mà ta phải học hỏi đó là cái đức và ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng.

 T. V. T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.